Còn bao nhiêu người tặng sách cho con?
Khi mạng Internet và các phương tiện nghe, nhìn phát triển thì cũng là lúc nhiều người bỏ đi thói quen đọc sách của mình.
Khi mạng Internet và các phương tiện nghe, nhìn ngày càng phát triển thì cũng là lúc nhiều người bỏ đi thói quen đọc sách của mình.
Những lúc rảnh rỗi thì cả người lớn, trẻ nhỏ đều cắm cúi bên màn hình máy tính và điện thoại di động nhiều hơn.
Ngày trước, ngồi trong quán cà phê, những người bán báo dạo đi một vòng là bán được hàng chục tờ. Bây giờ tuyệt nhiên không còn nữa.
Các cửa hàng sách cũng thường vắng hoe, chỉ ngày thứ bảy, chủ nhật là có một số học sinh đến đọc truyện. Các kệ sách văn học luôn vắng bóng người đến lựa chọn và mua sách.
Siêu thị sách vắng hoe bóng người ( Ảnh: Thanh An)
Thực tế, bây giờ ngoài thư viện các trường đại học, học viện thì các thư viện khác thường vắng bóng bạn đọc. Ngay cả thư viện của tỉnh cũng ít người đến đọc.
Thư viện huyện, các tủ sách của xã, thôn thì gần như tuyệt nhiên không có bạn đọc. Sách báo ở đây chỉ để trưng bày… cho vài cô thủ thư ngồi ngắm.
Nơi có thể lôi kéo được bạn đọc khả quan nhất là các thư viện trường phổ thông thì phần lớn các trường cũng không thu hút được bạn đọc. Không phải là học sinh không thích sách báo mà cái chính là không có sách báo phù hợp cho học trò đọc.
Video đang HOT
Mỗi tháng chỉ có vài cuốn báo Thiếu niên, Báo Mực tím, Hoa học trò… trong khi nhà trường có hàng ngàn học sinh.
Những loại sách thì chủ yếu là sách giáo khoa và sách tham khảo. Sách văn học, sách báo dành cho thiếu nhi rất ít trường chú trọng đầu tư mua sắm.
Vẫn biết, tạo được thói quen đọc sách thời nay là công việc không hề dễ dàng đối với mỗi gia đình, nhà trường.
Thói quen ấy phải được hình thành và đầu tư khi còn nhỏ nhưng ít bậc cha mẹ quan tâm, nhất là những bậc phụ huynh có cuộc sống còn vất vả.
Nhà trường thì phó mặc cho nhân viên thư viện.Suốt ngày đi làm, tối về thì mệt mỏi nên cha mẹ cũng chưa có nhiều thời gian quan tâm đến con em của mình.
Hàng tuần, hàng tháng làm báo cáo khống số lượng bạn đọc nhưng thực tế rất ít khi có giáo viên và học sinh vào thư viện.
Tạo thói quen đọc sách cho mỗi người có khó không?
Thực ra tạo một thói quen đọc sách không khó nếu mỗi thành viên trong gia đình chúng ta đều chú ý. Sách không phải là một loại sản phẩm nhanh hư nếu chúng ta biết bảo quản tốt.
Mỗi gia đình cần có một tủ sách nhỏ và tích lũy dần dần. Thay vì mỗi khi con nhận được danh hiệu hay một giải gì đó trong học tập, cha mẹ không nhất thiết phải thưởng tiền, thưởng quà mà thưởng cho con vài cuốn sách.
Nếu gia đình là công viên chức thì thứ 7, chủ nhật có thể dành thời gian chở con đến các siêu thị, cửa hàng sách cho con đọc và mua tặng con những cuốn sách mà con thích.
Ở khu vực nông thôn thì hiện nay cũng có nhiều cửa hàng cho thuê, hoặc bán sách. Việc mỗi tháng, cha mẹ mua cho con vài cuốn sách truyện, sách khoa học không hẳn là quá tầm với các bậc phụ huynh thời nay.
Những phụ huynh ở những khu vực thành thị có thể đặt báo tháng, quý cho con mình những loại tạo chí, báo phù hợp lứa tuổi.
Cứ thế, sách báo sẽ được tích lũy dần dần và tạo cho con mình thói quen đọc sách hàng ngày.
Buổi tối, cha mẹ có thể bên con một khoảng thời gian nhất định, cùng đọc sách, vui đùa và lồng ghép những câu chuyện đời, câu chuyện trong sách cùng con sẽ giúp cho con đam mê sách báo.
Nhà trường cũng cần đầu tư, mua bổ sung sách hàng năm. Những loại sách cần có sự tham mưu của các tổ chuyên môn.Đối với các nhà trường cần phát động phong trào đọc sách, thứ 2 hàng tuần có thể nhân viên thư viện giới thiệu sách tới học trò hoặc cho học trò kể một câu chuyện sách
Tránh tình trạng đầu tư nhưng mua các loại sách của các cửa hàng sách giới thiệu qua email. Dù biết nó không phù hợp nhưng hoa hồng cao nên cứ mua về rồi…bỏ xó.
Nhà văn Chu Quang Tiềm (Trung Quốc) từng nói: “ Học vấn không chỉ là việc đọc sách, nhưng đọc sách vẫn là một con đường quan trọng của học vấn” cho thấy sách có một vai trò quan trọng đến nhường nào.
Đọc sách có thể chưa có tác dụng tức thì nhưng thông qua những cuốn sách giúp cho con người chúng ta thêm hiểu biết và làm phong phú cho tâm hồn. Nhất là đối với các em học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường.
Ngày xưa, mỗi buổi tối thì ông bà, cha mẹ hay kể cho cháu con những câu chuyện dân gian, những cô Tấm, chú Cuội, chàng Thạch Sanh…bằng những ngôn từ mộc mạc, dân dã vậy mà giúp cho chúng ta nhớ dai, nhớ mãi rồi yêu thích sách tự lúc nào không hay.
Ngày nay, bậc ông bà, cha mẹ không mấy ai còn duy trì nét đẹp này nữa. Vì thế, không chỉ một bộ phận trẻ con thờ ơ mà ngay cả người lớn cũng không mấy người duy trì được thói quen đọc sách hàng ngày.
Đây là thực trạng đáng buồn mà mỗi con người, mỗi gia đình chúng ta cần thay đổi.
THANH AN
Theo giaoduc.net.vn
'Gieo trồng' thói quen đọc sách cho trẻ
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cho rằng, ông tin mọi trẻ em trên thế giới đều thích nghe kể chuyện, và thói quen đọc sách là sự nối dài thói quen nghe chuyện dưới hình thức chủ động. Nhưng thói quen đó phải có ai gieo trồng trong đầu đứa trẻ từ thời thơ ấu.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chia sẻ tại tọa đàm - ẢNH: T.A
Tham gia tọa đàm Làm gì để tạo thói quen đọc sách cho trẻ (Sở Thông tin - Truyền thông TP.HCM, Hội Xuất bản VN - Văn phòng đại diện phía nam tại TP.HCM, Báo Tuổi Trẻ tổ chức sáng 19.4 tại TP.HCM), nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cho biết từ nhỏ, vì ba đi làm xa nên những câu chuyện đầu tiên ông nghe được là từ bà và chú. "Bà tôi và chú tôi kể mãi cũng hết chuyện. Từ khi nghe chú tôi mách những câu chuyện đó và vô số câu chuyện tương tự được chứa trong các cuốn sách, tôi cố gắng học chữ để có thể tự mình khám phá thế giới kỳ diệu kia...", để rồi "khóc cười qua những trang sách, ngạc nhiên thấy mình trải qua những cảm xúc mà trên thực tế tôi chưa đủ lớn để trải nghiệm ngoài đời", ông nói. Theo ông, sách đã bồi đắp tâm hồn, làm giàu có và làm trưởng thành tình cảm một đứa bé, mài sắc một cách tự nhiên các ý niệm đạo đức qua sự yêu ghét với người hiền, kẻ ác và đặc biệt mở rộng trí tưởng tượng đến vô biên.
Hơn 20 tham luận, tham gia tọa đàm (của các đơn vị xuất bản, thư viện, giáo dục), nhà văn đều nêu lên việc hình thành thói quen đọc sách cho trẻ từ bé chính là mấu chốt của vấn đề phát triển văn hóa đọc, bởi: "Dúi cuốn sách vào tay một đứa trẻ mười bốn, mười lăm tuổi trước nay chỉ quen cắm mắt vào game trên máy tính, ép em đọc, vì những lý do "khám phá kho báu tri thức" hay "nâng cao văn hóa đọc" là một việc quá muộn màng, vì vậy quá nhọc nhằn".
Giảng viên Nguyễn Thị Ngọc Minh, Khoa Ngữ văn, ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng thực trạng đáng lo ngại là sự suy giảm của văn hóa đọc trong chính gia đình và nhà trường - những môi trường đầu tiên ảnh hưởng lớn đến sự hình thành năng lực, nhân cách một con người. Nguyên nhân do thiếu hụt về thời gian chăm sóc con cái của cha mẹ, áp lực công việc, thiết bị công nghệ chi phối, sự quá tải của các hoạt động ở trường học, thiếu ý thức về tầm quan trọng của việc đọc đối với sự phát triển của trẻ...
Làm sao để nhu cầu đọc sách nảy mầm và trở thành một khát khao tự nhiên? Theo nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, trẻ em đến với sách là vì nó hấp dẫn, nó làm các em thích thú, say mê chứ không phải vì nó tốt. Gần 3 năm gắn với dự án Sách hay cho học sinh tiểu học, bà Hoàng Thị Thu Hiền - Trưởng ban dự án, cũng nhìn nhận rằng để kích thích, truyền cảm hứng đọc đến các bạn nhỏ, những cuốn sách mà dự án lựa chọn đều có những tiêu chí: hay - mới về nội dung, đẹp về hình thức và phù hợp với lứa tuổi. Đặc biệt, hầu hết các tham luận đều thống nhất kiến nghị Bộ Giáo dục - Đào tạo cần xây dựng chương trình học có tiết/giờ đọc sách chính thức áp dụng cho tất cả trường tiểu học phổ thông trên cả nước.
Theo Thanh niên
Xu hướng biến đổi của văn hóa đọc Liệu có sự xuống cấp của văn hoá đọc không, liệu có sự lấn át của văn hoá nghe nhìn đối với văn hoá đọc? GS.TS Đinh Xuân Dũng - nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương cho rằng không nên nhìn việc đọc và văn hoá đọc chỉ theo hướng đánh giá đó,...