Cơn ác mộng 2 năm của các hãng chip sắp bắt đầu
Kế hoạch mở rộng sản xuất của Intel, TSMC có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng do tình trạng thiếu máy quang khắc để in chip.
Peter Wennink, CEO ASML, công ty Hà Lan chuyên sản xuất thiết bị chế tạo chip nhận định kế hoạch mở rộng của các hãng bán dẫn sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong 2 năm tới do tình trạng thiếu máy quang khắc.
“So với 2021, chúng tôi sẽ giao nhiều thiết bị hơn trong năm nay, và nhiều hơn nữa trong năm sau. Tuy nhiên, chúng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu. Cần cải thiện năng lực sản xuất ít nhất 50% để bắt kịp, và điều đó sẽ mất thời gian”, Wennink cho biết.
Nhu cầu cao khiến ASML có thể không sản xuất đủ máy quang khắc trong 2 năm tới.
Thiết bị của ASML được dùng để khắc mạch chip lên các tấm silicon bằng công nghệ siêu cực tím ( EUV). “Đây là công ty quan trọng nhất trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn”, Richard Windsor, nhà phân tích công nghệ tại Radio Free Mobile nhận định.
Theo Windsor, ASML đang thảo luận với các nhà cung ứng để tăng công suất, nhưng chưa rõ sẽ đầu tư bao nhiêu. Có khoảng 700 đơn vị cung ứng dành cho thiết bị của ASML, trong đó 200 đối tác thuộc dạng quan trọng.
Dự báo của Wennink được đưa ra trong bối cảnh các hãng bán dẫn đầu tư mở rộng sản xuất để đáp ứng tình trạng thiếu chip. Các nhà phân tích dự báo thị trường bán dẫn sẽ đạt giá trị 1.000 tỷ USD vào năm 2030.
Trước đó vào 15/3, Intel tuyên bố đầu tư khoảng 36,5 tỷ USD để sản xuất và nghiên cứu chip tại châu Âu. Đến cuối thập kỷ, mức đầu tư có thể tăng lên 88,4 tỷ USD tùy nhu cầu. Công ty này cũng có kế hoạch chi 40 tỷ USD để mở rộng cơ sở sản xuất chip tại Mỹ.
Video đang HOT
Theo Financial Times, Intel đang cố gắng bắt kịp TSMC của Đài Loan, hãng chip có kế hoạch đầu tư hơn 100 tỷ USD trong 3 năm tới. Samsung cũng sẽ đầu tư 150 tỷ USD đến cuối thập kỷ để mở rộng dây chuyền sản xuất.
Chính phủ Mỹ và các nước châu Âu đang có kế hoạch hỗ trợ hàng chục tỷ USD cho các hãng chip địa phương, nhằm giảm sự phụ thuộc vào những công ty châu Á.
Pat Gelsinger, CEO Intel cho biết thiếu hụt máy quang khắc gây khó khăn cho kế hoạch mở rộng nhà máy. Ông đã liên hệ trực tiếp với Wennink, gửi các chuyên gia đến công ty để đẩy nhanh quá trình sản xuất.
ASML là công ty duy nhất có khả năng chế tạo ra máy quang khắc EVU dùng trong công nghiệp sản xuất chip.
Trả lời Financial Times, Gelsinger cho biết vẫn còn thời gian để giải quyết vấn đề. “Sẽ mất 2 năm để xây dựng nhà máy. Sau đó, cần thêm 3-4 năm để trang bị máy móc”, CEO Intel nhận định.
Wennink cũng đồng ý vẫn còn thời gian để mở rộng chuỗi cung ứng bởi nhiều cơ sở chưa hoạt động trước năm 2024. Tuy nhiên, kế hoạch sẽ không đơn giản bởi một số nhà cung ứng cần sản xuất nhiều sản phẩm hơn, khiến họ phải mở rộng quy mô. Ông lấy ví dụ về Carl Zeiss, công ty sản xuất ống kính, thành phần phức tạp nhất trong thiết bị của ASML.
“Họ sẽ cần làm nhiều ống kính hơn. Nhưng trước hết, công ty phải xây dựng các phòng sạch, xin giấy phép và xây nhà máy mới. Khi xây xong, họ cần mua thiết bị sản xuất và thuê nhân công. Có thể mất hơn 12 tháng để chế tạo ống kính”, Wennink nhận định.
Thương vụ sáp nhập hãng chip để thao túng cuộc chơi công nghệ toàn cầu
Vụ sáp nhập giữa hãng chip lớn nhất nước Mỹ - Nvidia và hãng thiết kế chip nổi tiếng nhất thế giới - ARM sẽ tạo ra cơn địa chấn đối với bức tranh công nghệ toàn cầu.
Nhà thiết kế chip ARM là hãng công nghệ thành công nhất Anh quốc. ARM chuyên thiết kế phần mềm, bán dẫn dùng trong nhiều loại thiết bị công nghệ, bao gồm smartphone của Apple và Samsung, máy chơi game Nintendo. Những thiết kế của họ cũng ngày càng được trọng dụng trong kỷ nguyên Vạn vật kết nối (IoT).
"Thụy Sỹ của giới bán dẫn"
Phần lớn thành công của ARM đến từ sự trung lập vì không cạnh tranh với bất kỳ công ty nào mà họ cấp phép sử dụng thiết kế của mình. Tuy nhiên, có những lo ngại ARM sẽ thay đổi. Ngày 13/9/2020, ông chủ của ARM - tập đoàn SoftBank (Nhật Bản) - thông báo sẽ bán ARM cho Nvidia với giá 40 tỷ USD. Nvidia là công ty chip lớn nhất nước Mỹ xét theo giá trị thị trường. Nếu nhìn kỹ vào thành công của ARM, chúng ta sẽ biết được vì sao ngành công nghệ lại chấn động trước tin tức này và vì sao nó lại đe dọa ARM trong tương lai.
ARM đi ngược lại với quan niệm truyền thống về cách một hãng công nghệ cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Họ không sản xuất sản phẩm, trái ngược với đối thủ Intel và AMD, những hãng dành nhiều thời gian, tiền bạc, công sức và tiếp thị những con chip mà họ thiết kế. Thay vào đó, ARM cấp phép sử dụng thiết kế cho khách hàng, để họ dễ dàng chỉnh sửa, sản xuất và tiếp thị xoay quanh thiết kế gốc.
Hơn nữa, ARM cũng tiên phong trong xây dựng hệ sinh thái bao quanh, bao gồm hàng ngàn đối tác, nhà sản xuất. Đây là hệ sinh thái cộng tác, nơi nhiều khách hàng và đối tác của ARM xây dựng mô hình kinh doanh xoay quanh thiết kế của ARM, đảm bảo bí mật thương mại vì ARM không phải đối thủ với họ.
Mô hình cộng tác thay vì cạnh tranh giúp ARM chiếm tới 90% thị phần smartphone, vượt xa Intel, AMD. Nó là một trong số ít doanh nghiệp trên thế giới thành công tạo dựng doanh nghiệp tỷ đô chỉ nhờ vào nghiên cứu và phát triển (R&D).
Đồng sáng lập ARM Hermann Hauser gọi công ty là "Thụy Sỹ của giới bán dẫn" vì cách tiếp cận trung lập này. Với đặc tính duy trì trong 30 năm, hàng ngàn công ty đã gắn sản phẩm của họ với nỗ lực R&D của ARM. Nó đối lập với cách hoạt động của ngành công nghệ. Đầu tư R&D thường được xem là công cụ để đánh bại đối thủ và thông thường, các doanh nghiệp lớn sẽ cạnh tranh khốc liệt với cả đối tác và khách hàng. Chẳng hạn, Microsoft bán laptop, máy tính bảng cạnh tranh với nhiều công ty mua phần mềm của họ. Google bán hệ điều hành Android cho các nhà sản xuất smartphone nhưng đồng thời tự phát triển smartphone Pixel riêng.
Nvidia mua lại ARM sẽ khiến vị trí "Thụy Sỹ của giới bán dẫn" lung lay. Ông Hauser từng phát biểu trên tờ The Guardian rằng: "Khả năng cao Nvidia sẽ giết ARM".
Trở ngại của thương vụ 40 tỷ USD
Nvidia cam kết sẽ giữ lại thương hiệu ARM, duy trì tính trung lập và tiếp tục cấp phép sử dụng thiết kế chip cho khách hàng. Song, nhiều khách hàng tỏ ra lo ngại, không một ai công khai đồng tình với thương vụ này.
Nvidia là một nhà sản xuất chip của Mỹ. Họ dẫn đầu về bộ xử lý đồ họa (GPU). Những bước nhảy vọt trong thiết kế vi chip là một trong các cách thức cạnh tranh chính của Nvidia. Nếu vụ thâu tóm diễn ra như dự kiến, Nvidia sẽ sở hữu một kho tàng bản quyền và bằng sáng chế, mang đến sức mạnh chưa từng có trong ngành. Những khách hàng của ARM lo ngại họ sẽ trở thành "công dân hạng hai", còn Nvidia được xếp đầu hàng khi nói đến những thiết kế chip mới tiên tiến.
Một lo ngại khác của thương vụ là Nvidia muốn thôn tính ARM giữa lúc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang căng thẳng. Nó sẽ gia tăng áp lực lên bộ phận Trung Quốc của ARM, đại diện khoảng 20% doanh thu. Thực tế, năm 2018, ARM đã thoái vốn phần lớn vốn chủ sở hữu tại chi nhánh Trung Quốc để nhượng bộ Bắc Kinh. Những hành động táo bạo ấy dường như khó xảy ra nếu Nvidia làm chủ.
Thương vụ mất khoảng 18 tháng để hoàn thành do Nvidia và ARM đều phải nhận được sự phê duyệt từ Ủy ban cạnh tranh tại Mỹ, Trung Quốc, Châu Âu và các thị trường lớn khác. Ít nhất, Nvidia phải thuyết phục được Anh "gật đầu" nếu muốn có ARM. Công ty hứa hẹn vẫn để ARM hoạt động tại Cambridge và mở rộng trung tâm nghiên cứu chip tại đây.
CEO Nvidia Jensen Huang thường xuyên nói về sự ngưỡng mộ với vị thế độc đáo của ARM trong hệ sinh thái vi mạch và khẳng định ông không muốn phá vỡ nó. Tuy nhiên, ông ám chỉ kế hoạch bán những thiết kế GPU của Nvidia cho khách hàng của ARM như một phần trong gói sản phẩm.
ARM có đánh mất tính trung lập hay không phải chờ tương lai trả lời, chí ít là Nvidia phải thuận lợi mua được công ty. Một năm kể từ thời điểm SoftBank và Nvidia ra thông báo, có nhiều dấu hiệu cho thấy thương vụ khó diễn ra suôn sẻ. Ba trở ngại chính, theo trang tin Futuriom, là vấn đề chống độc quyền; phản đối từ đối tác; Trung Quốc.
Đầu tiên, Nvidia phải trả lời các câu hỏi về chống độc quyền trên toàn cầu. Các thủ tục tại Trung Quốc sẽ tốn nhiều thời gian nhất vì nước này đang tăng cường các biện pháp quản lý ngành công nghệ, đặc biệt là liên quan đến doanh nghiệp nước ngoài. Nếu Nvidia không thể đưa ra câu trả lời trước tháng 9/2022, thỏa thuận sẽ vô hiệu và Nvidia phải trả 1,25 tỷ USD cho ARM theo thỏa thuận.
Tiếp theo, về những người phản đối. Ngay từ đầu, các hãng lớn như Google, Microsoft, Qualcomm đã chống lại vụ sáp nhập giữa Nvidia và ARM với lý do cản trở cạnh tranh và Nvidia sẽ kiểm soát các giấy phép chip di động. Hiện tại, ARM sở hữu nhiều thiết kế chip di động nhất thế giới. Dù một số hãng khác như Broadcom, Marvell... cho rằng sáp nhập có thể tạo hiệu ứng tích cực, những tiếng nói này bị át đi trước sự phản đối kịch liệt của những hãng phần mềm, phần cứng lớn nhất thế giới, chẳng hạn Amazon, Google - những đối tác của ARM. Google và Microsoft quan tâm sâu sắc đến mạng di động 5G, chìa khóa cho thành công tương lai của ARM.
Cuối cùng, Trung Quốc. Ngoài quy trình phê duyệt phức tạp, chính phủ Trung Quốc có thể từ chối vụ sáp nhập Nvidia - ARM vì lý do chính trị. Lệnh cấm của Mỹ với các sản phẩm công nghệ Trung Quốc vốn dựa vào ARM có thể ảnh hưởng đến quá trình ra quyết định. Hơn nữa, hoạt động của ARM tại đây cũng gặp trở ngại. 51% chi nhánh do một liên minh các nhà đầu tư Trung Quốc nắm giữ, đứng đầu là Allen Wu. Dù đã bị Hội đồng quản trị sa thải, Wu nhất quyết không rời đi với lý do không cần phải trả lời một chủ sở hữu nước ngoài. Điều đó gây ra thế trận giằng co và Wu sẽ chống lại bất kỳ kiểm soát nào từ trụ sở ARM. Thế bế tắc này không dễ bị phá vỡ. Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào chip ARM và sẽ không nhượng chúng cho một công ty ngoại mà không trải qua cuộc chiến lâu dài, cam go.
Nếu Nvidia không thể tìm ra cách xử lý, ARM có thể lên sàn chứng khoán với sự giúp đỡ từ Qualcomm. Có lẽ, không ai mong muốn thương vụ sụp đổ hơn ông Hauser. "Tôi cho rằng Nvidia thâu tóm ARM là một thảm họa vì sẽ tạo ra một thế lực độc quyền Mỹ khác như Google, Facebook... nhưng lần này là trong bộ vi xử lý", ông nói.
Hãng thiết bị chip ASML tố công ty Trung Quốc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ ASML Holdings, nhà cung cấp máy in thạch bản lớn nhất thế giới được sử dụng trong sản xuất chip tiên tiến, đã cáo buộc một công ty Trung Quốc có thể vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (IP). Theo South China Morning Post, trong báo cáo hằng năm công bố hôm 9.2, ASML nói một doanh nghiệp Trung Quốc liên kết...