Cơm vua
Đối với du khách đến thăm cố đô Huế, được thưởng thức một bữa ăn mô phỏng lại những bữa tiệc cung đình là một trải nghiệm thú vị.
Khách tham dự cơm vua sẽ được khoác lên mình bộ trang phục cung đình với các vai vua, hoàng hậu, bá quan văn võ. Vị khách vinh dự được mời làm vua sẽ mặc long bào, đội long mão, mang hài lưỡng long. Người đóng vai hoàng hậu sẽ mặc phụng bào, đội phụng mão, mang hia lưỡng phụng. Những du khách còn lại mặc áo rộng đóng vai các ông hoàng bà chúa trong cung cấm, các vương tôn công tử hay sứ thần các nước.
Cơm vua ở Huế hiện có khoảng 8 thực đơn với các món ăn khác nhau, được trình bày theo hình thực yến tiệc cung đình. Theo đó, mỗi bữa tiệc phải có từ hai thực khách trở lên mới tổ chức được, với mức giá dao động từ 25-50 USD/khách.
Toàn bộ thực khách sau khi nhập vai vua quan sẽ được đoàn ngự đạo gồm quan lễ bộ, quan văn minh, quan võ hiển, hai ngự lâm quân (mang cờ quạt), hai cung nữ (mang quạt lông) và bát âm (mang trống kèn) kính cẩn rước từ vị trí xuất phát để đến một nhà hàng được sơn son thếp vàng và bài trí mô phỏng giống như cung điện ngày xưa. Khi đoàn ngự đạo đến phòng tiệc, đạo diễn chương trình và cũng là người chuyên đóng vai quan lễ bộ sẽ xướng “cung thỉnh hoàng đế ngự tọa” và “mời chư quý vị an tọa”. Tiếp đến là chầu thỉnh an với nghi lễ bá quan và hoàng thân quốc thích tung hô “vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế”. Vua và hoàng hậu sau khi yên vị ở bàn ngự thiện thì mọi người mới được phép ngồi xung quanh hai dãy bàn; ông hoàng bà chúa một bên, hoàng thân quốc thích và sứ thần các nước một bên.
Yến tiệc bắt đầu, đoàn cung phi mỹ nữ (do các nhân viên phục vụ sắm vai) dâng ngự tửu cho vua và hoàng hậu, sau đó rót lần lượt cho các bá quan văn, võ. Phần tiệc chính “điện yến” sẽ gồm các món ăn: phượng hoàng khai vị, súp cua nấm, bánh khoái nước lèo, bò nướng lá lốt, cá hấp nấm hương, cơm chưng hạt sen, bánh lá chả tôm, mực tuyết hoa cắm phụng, cá hấp nấm cuốn chua ngọt, cơm gói lá sen… Trong suốt quá trình thưởng thức cơm vua, du khách sẽ được thưởng thức các tiết mục âm nhạc cung đình và ca Huế.
Ca Huế và biểu diễn nhã nhạc là một phần không thể thiếu trong một bữa cơm cung đình – Ảnh: H.G
Bánh khoái nước lèo – Ảnh: K.T
Phượng hoàng khai vị – Ảnh: H.G
Món cơm vua (các nhà hàng khách sạn ở Huế gọi là cơm cung đình), ra đời đầu tiên vào năm 1990 tại khách sạn Hương Giang (TP.Huế). Người có công phục dựng cho sản phẩm này là ông Nguyễn Hữu Đông, nguyên Tổng giám đốc Công ty du lịch Hương Giang và ông Tôn Thất Bửu Hiền, cháu nội của vua Thành Thái. Là một người thuộc hoàng tộc, thuở nhỏ ông Bửu Hiền từng chứng kiến những bữa ăn cung đình. Kết hợp với những tư liệu hình ảnh còn lưu giữ, ông đã thiết kế và góp phần phục dựng cơm cung đình. “Sản phẩm này thể hiện sự kết tinh của văn hóa cung đình triều Nguyễn và của các triều đại phong kiến Việt Nam”, ông Bửu Hiền cho hay.
Hiện nay, khá nhiều khách sạn, nhà hàng ở Huế tổ chức dịch vụ cơm cung đình dành cho du khách. Vì lý do cạnh tranh mà nhiều nơi đôi khi cắt gọt, giảm bớt một vài chi tiết, khiến dịch vụ này không còn nét độc đáo như ban đầu. Được biết, Công ty CP du lịch Hương Giang đang lập hồ sơ đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu độc quyền cho sản phẩm cơm vua Huế. Khi hoàn tất việc đăng ký, sẽ có những quy chuẩn để các đơn vị kinh doanh dịch vụ tuân thủ, nhằm giúp quá trình tái hiện ẩm thực cung đình ghi đậm dấu ấn trong lòng khách thập phương.
Theo TNO
Video đang HOT
Điểm mặt các di sản thế giới ở Việt Nam
Với một vị trí địa lý đặc biệt, Việt Nam và nguồn tài nguyên, thiên nhiên vô cùng phong phú, làm nên nhiều di sản thiên nhiên cũng như văn hóa thế giới vô cùng đặc sắc.
Vịnh Hạ Long
Năm 1994, Vịnh Hạ Long được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới lần thứ nhất. Tiếp đó, năm 2000, nơi đây lại được công nhận là di sản địa chất thế giới.
Vịnh Hạ Long là một vịnh nhỏ thuộc phần bờ Tây vịnh Bắc Bộ tại khu vực biển Đông Bắc Việt Nam, bao gồm vùng biển đảo thuộc thành phố Hạ Long, thị xã Cẩm Phả và một phần của huyện đảo Vân Đồn.
Vịnh có diện tích khoảng 1.553km bao gồm 1.960 hòn đảo lớn nhỏ, phần lớn là đảo đá vôi, trong đó vùng lõi của Vịnh có diện tích 334 km quần tụ dày đặc 775 hòn đảo.
Sự kết hợp của môi trường, khí hậu, địa chất, địa mạo, đã khiến vịnh Hạ Long trở thành quần tụ của đa dạng sinh học bao gồm hệ sinh thái rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới và hệ sinh thái biển và ven bờ với nhiều tiểu hệ sinh thái. 14 loài thực vật đặc hữu và khoảng 60 loài động vật đặc hữu đã được phát hiện trong số hàng ngàn động, thực vật quần cư tại Vịnh.
Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng
Năm 2003, Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.
Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng là một vườn quốc gia tại huyện Bố Trạch và Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, cách thành phố Đồng Hới khoảng 50 km về phía Tây Bắc, cách thủ đô Hà Nội khoảng 500 km về phía nam, cách Biển Đông 42 km về phía đông kể từ biên giới của hai quốc gia.
Phong Nha - Kẻ Bàng nằm ở một khu vực núi đá vôi rộng khoảng 200.000 ha. Diện tích vùng lõi của vườn quốc gia là 85.754 ha và một vùng đệm rộng 195.400 ha. Vườn quốc gia này được thiết lập để bảo vệ một trong hai vùng carxtơ lớn nhất thế giới với khoảng 300 hang động và bảo tồn hệ sinh thái bắc Trường Sơn ở khu vực Bắc Trung Bộ Việt Nam.
Đặc trưng của vườn quốc gia này là các kiến tạo đá vôi, 300 hang động, các sông ngầm và hệ động thực vật quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ thế giới. Các hang động ở đây có tổng chiều dài khoảng hơn 80 km...
Quần thể di tích Cố đô Huế
Quần thể di tích Cố đô Huế được công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 1993. Quần thể di tích này bao gồm những di tích lịch sử - văn hoá do triều Nguyễn xây dựng trong khoảng thời gian từ đầu thế kỷ 19 đến nửa đầu thế kỷ 20 trên địa bàn kinh đô Huế xưa (nay thuộc thành phố Huế).
Quần thể di tích Cố đô Huế có thể phân chia thành các cụm công trình gồm các cụm công trình ngoài Kinh thành Huế và trong Kinh thành Huế. Trong đó, cụm di tích trong kinh thành Huế bao gồm: Kinh thành Huế, Hoàng thành Huế, Tử cấm thành. Các di tích ngoài kinh thành bao gồm hệ thống lăng tẩm và các di tích khác.
Phố Cổ Hội An
Phố cổ Hội An được công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 1999. Đây là một đô thị cổ nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, thuộc tỉnh Quảng Nam và từng là một thương cảng quốc tế sầm uất, nơi gặp gỡ của những thuyền buôn Nhật Bản, Trung Quốc và phương Tây trong suốt thế kỷ 17 và 18.
Ngày nay, đô thị cổ Hội An trở thành một điển hình đặc biệt về cảng thị truyền thống ở Đông Nam Á được bảo tồn nguyên vẹn và chu đáo. Phần lớn những ngôi nhà ở đây là những kiến trúc truyền thống có niên đại từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19, phần bố dọc theo những trục phố nhỏ hẹp. Nằm xen kẽ giữa các ngôi nhà phố, những công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng minh chứng cho quá trình hình thành, phát triển và cả suy tàn của đô thị.
Hội An cũng là vùng đất ghi nhiều dấu ấn của sự pha trộn, giao thoa văn hóa. Các hội quán, đền miếu mang dấu tích của người Hoa nằm bên những ngôi nhà phố truyền thống của người Việt và những ngôi nhà mang phong cách kiến trúc Pháp. Bên cạnh những giá trị văn hóa qua các công trình kiến trúc, Hội An còn lưu giữ một nền văn hóa phi vật thể đa dạng và phong phú. Cuộc sống thường nhật của cư dân phố cổ với những phong tục tập quán, sinh hoạt tín ngưỡng, nghệ thuật dân gian, lễ hội văn hóa vẫn đang được bảo tồn và phát triển. Hội An được xem như một bảo tàng sống về kiến trúc và lối sống đô thị.
Thánh địa Mỹ Sơn
Thánh địa Mỹ Sơn được công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 1999, thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Đây là tổ hợp bao gồm nhiều đền đài Chăm Pa, trong một thung lũng đường kính khoảng 2 km, bao quanh bởi đồi núi.
Đây từng là nơi tổ chức cúng tế của vương triều Chăm pa cũng như là lăng mộ của các vị vua Chăm pa hay hoàng thân, quốc thích. Thánh địa Mỹ Sơn được coi là một trong những trung tâm đền đài chính của Ấn Độ giáo ở khu vực Đông Nam Á và là di sản duy nhất của thể loại này tại Việt Nam.
Thành nhà Hồ
Thành nhà Hồ được công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 2011. Thành nhà Hồ đã được công nhận di sản văn hoá thế giới.
Thành nhà Hồ được đặt móng xây dựng vào năm 1397. Đây là công trình kiến trúc đồ sộ được xây dựng bằng đá độc nhất vô nhị ở Việt Nam.
Trong lòng đất của Khu di tích còn lưu giữ các dấu tích Cung điện, đền đài, đường xá và nghệ thuật trang trí, các làng cổ cùng toàn bộ cảnh quan đồi núi, sông hồ mang đậm chất phong thủy điển hình. Di sản thành nhà Hồ thể hiện sự giao thoa văn hóa giữa Việt Nam và các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Ngoài ra, các danh hiệu được UNESCO công nhận cũng được xếp vào di sản thế giới gồm: Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn; Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại nhã nhạc cung đình Huế; Kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại: Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên; Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại đại diện của nhân loại Dân ca quan họ Bắc Giang và Bắc Ninh; Danh sách di sản văn hóa kiệt tác truyền khẩu phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp- Ca trù...
Theo giadinh.net.vn
Kẻ trộm ở các lăng tẩm cố đô Huế sa lưới Lợi dụng sơ hở của bảo vệ, Khanh đã nhiều lần đột nhập vào các lăng tẩm và Đại Nội Huế (thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế) trộm tiền ở thùng phước sương, lấy cắp cổ vật đem bán. Ngày 30/4, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội công an tỉnh Thừa Thiên - Huế cho...