Cơm dẻo, canh ngọt trong khu cách ly COVID-19 ở doanh trại Sĩ quan Lục quân 1
Là một trong hai địa điểm của Trường Sĩ quan Lục quân 1 được trưng dụng làm khu cách ly cho công dân và người nước ngoài từ vùng có dịch về Việt Nam, cán bộ, chiến sĩ, nhân viên Tiểu đoàn 16 đang nỗ lực chung tay đẩy lui đại dịch.
Đại tá Lê Thanh Tú, Chính trị viên Tiểu đoàn 16 cho biết, thực hiện nhiệm vụ trên giao, sáng 28/2, Tiểu đoàn tổ chức bàn giao học viên đào tạo giai đoạn 1 cho các Học viện Biên phòng, Khoa học Quân sự và Trường Sĩ quan Pháo binh để sắp xếp, dồn dịch doanh trại đón công dân và người nước ngoài về cách ly. Ngay trong chiều 28/2, đơn vị bắt đầu tiếp nhận công dân đến cách ly. Trong đợt 1, đơn vị đón tiếp, phục vụ 584 công dân, trong đó có 119 phụ nữ, 24 cháu nhỏ và 15 người Hàn Quốc.
Đợt 2, từ 1 giờ 30 ngày 17/3, đơn vị tiếp tục đón nhận 419 công dân từ 21 quốc gia trở về Việt Nam. Trong đó đông nhất là công dân trở về từ Nga (80 người), Séc (77 người), Pháp (76 người), Anh (60 người), Đức (33 người), Mỹ (28 người)…; có 5 trẻ nhỏ và 3 phụ nữ.
Theo đại tá Lê Thanh Tú, dù còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, nhưng công tác đảm bảo cho đời sống, sinh hoạt của công dân đến cách ly được chuẩn bị chu đáo, đảo bảo tốt nhất những vật dụng thiết yếu. Mỗi công dân được trang cấp một bộ chiếu, chăn, màn, gối, khăn mặt, kem đánh răng, bàn chải, dầu gội, xà phòng, ca nhựa, bình nước uống…
Trung úy quân nhân chuyên nghiệp Phan Văn Định, Bếp trưởng Tiểu đoàn 16 cho biết: Nhà bếp Tiểu đoàn chuẩn bị bữa sáng từ lúc 3 giờ 30, 6 giờ 30 bắt đầu chuyển suất ăn tới tay công dân. Bữa trưa được cung cấp từ 11 giờ đến 11 giờ 30 và bữa chiều từ 17 giờ đến 17 giờ 30. Hai bữa chính là trưa và chiều gồm 4 món thức ăn kèm hoa quả tráng miệng với thực đơn thay đổi hàng ngày để công dân ngon miệng, đảm bảo dinh dưỡng. Riêng các cháu nhỏ được bố trí các suất ăn theo yêu cầu của cha mẹ như cháo xay đầy đủ dinh dưỡng nấu với thịt gà, thịt lợn, bí xanh, bí đỏ…
Nhân viên bếp ăn Tiểu đoàn 16 chuẩn bị nước chấm được đóng kín kèm theo mỗi bữa ăn
Video đang HOT
Đồ ăn của công dân được nấu nướng theo định lượng quy định với mức 57 nghìn/người/ngày, bao gồm 3 bữa sáng, trưa, chiều kèm theo hoa quả tráng miệng đảm bảo an toàn vệ sinh. Nhân viên nhà bếp tiểu đoàn đều mang mặc trang phục, đeo khẩu trang, găng tay đúng quy định.
Toàn bộ thực phẩm phục vụ ăn uống cho công dân được Ban Quân nhu (Phòng Hậu cần Trường Sĩ quan Lục quân 1) cấp xuống hàng ngày nhằm đảm bảo tươi ngon, vệ sinh, sau đó chế biến tại bếp ăn của Tiểu đoàn 16.
Các bữa ăn của công dân khu cách ly được chia theo suất trong các hộp xốp, cốc nhựa dùng một lần, sau đó được đơn vị thu gom xử lý, phân loại tiêu hủy nhằm giữ vệ sinh môi trường và tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Với tinh thần “phục vụ công dân như chính người thân của mình trong gia đình”, từ chỉ huy tới cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Tiểu đoàn 16 đã khiến những người được cách ly cảm thấy yên tâm và tích cực phối hợp. “Trong đợt 1, đơn vị đã kịp thời can thiệp, giúp đỡ 3 sản phụ đến cách ly sinh nở thành công tại Bệnh viện Thạch Thất. Ngày 12 và 13/2, chúng tôi đã bàn giao toàn bộ công dân cách ly đợt 1. Điều vui nhất là tất cả đều có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-Cov-2. Khi nghe người dân tâm sự chỉ có bộ đội mới làm được như vậy thì chúng tôi cảm thấy mọi mệt mỏi đều tan biến”, đại tá Lê Thanh Tú nói.
Một du học sinh trở về từ Mỹ đang cách ly tại Tiểu đoàn 16 tranh thủ ôn bài
Đại tá Nguyễn Gia Hạ, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 16 cho biết, dù thời gian cấp bách và lực lượng mỏng chỉ với 15 cán bộ và 30 nhân viên, chiến sĩ nhưng đơn vị đã xác định đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng nên tất cả đều cố gắng tối đa. Sau khi hết thời gian cách ly, 584 công dân đợt 1 đã cử đại diện lên gửi quà cảm ơn nhưng Tiểu đoàn kiên quyết không nhận. Trước nguyện vọng tha thiết của công dân, đơn vị đã kết nối với chính quyền địa phương để công dân trao tặng số tiền hơn 20 triệu đồng cho Quỹ Vì người nghèo và Quỹ Khuyến học của xã Yên Bình, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội – nơi đơn vị đóng quân.
Theo đại tá Nguyễn Gia Hạ, công tác đảm bảo an ninh tại khu vực cách ly của Tiểu đoàn 16 được triển khai chặt chẽ với sự phối hợp của lực lượng công an, dân quân địa phương, giúp công dân yên tâm cách ly. Có trường hợp công dân quê ở Thanh Hóa bị rơi mất ví tiền (hơn 4.000 USD) cùng giấy tờ nhưng cũng đã được tìm lại đầy đủ.
Một ngày 2 lần, đơn vị phối hợp với cơ quan y tế bố trí nhân viên dịch tễ tiến hành phun dung dịch khử khuẩn toàn bộ khu vực cách ly và các khu vực trong Tiểu đoàn 16. Nhân viên y tế cũng tiến hành đo thân nhiệt 2 lần, kiểm tra sức khỏe cho công dân để kịp thời chuyển công dân có biểu hiện sốt, ho… tới bệnh viện điều trị.
Người nhà tới thăm công dân đang cách ly không được vào khu vực cách ly, mọi đồ dùng gửi cho người thân đều được cán bộ, chiến sĩ đơn vị tiếp nhận để chuyển tới tận tay công dân nhằm tránh nguy cơ lây nhiễm chéo
Nhằm kịp thời “tiếp sức” Tiểu đoàn 16 và Tiểu đoàn 15 (Trường Sĩ quan Lục quân 1) và công dân đang cách ly tại đây, ngày 20/3, T.Ư Đoàn và Ban Thanh niên Quân đội cùng các đơn vị phối hợp đã trao tặng 5 nghìn quả trứng, 1 nghìn khẩu trang, 50 lít dung dịch sát khuẩn và 5 triệu đồng…
Đại tá Đỗ Xuân Đô, Chủ nhiệm Chính trị Trường Sĩ quan Lục quân 1 cho biết, nhà trường triển khai 2 khu vực cách ly công dân tại Tiểu đoàn 15 và Tiểu đoàn 16. Từ ngày 28/2 đến ngày 13/3, nhà trường đã hoàn thành nhiệm vụ cách ly 969 công dân đợt 1 (trở về từ Hàn Quốc và Nhật Bản). Hiện nay, đang tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cách ly công dân đợt 2 với 669 công dân (chủ yếu trở về từ Châu Âu). Với tính chất quan trọng, cấp thiết của nhiệm vụ, nhà trường đã thành lập Ban chỉ đạo và triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, đồng bộ, trong đó gần 80 cán bộ, nhân viên, chiến sĩ được điều động trực tiếp tham gia, trực tại đơn vị 24/24 để thực hiện nhiệm vụ cùng với các lực lượng khác.
NGUYỄN MINH
Bỏ trốn khỏi khu cách ly dịch corona - hành vi cần lên án
Đây là hành vi cần được lên án trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona diễn biến khó lường.
Theo thông tin từ Trung đoàn 123 thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lạng Sơn, người phụ nữ bỏ trốn khỏi khu cách ly, theo dõi sức khỏe ngày 10/2 là Nguyễn Thị D, sinh năm 1976, quê ở Thủy Nguyên, Hải Phòng.
Cán bộ bác sỹ quân y và cán bộ của Bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn kiểm tra sức khỏe các trường hợp cách ly.
Trung đoàn 123 là một trong các đơn vị được giao thành lập khu vực cách ly, theo dõi sức khỏe những người Việt Nam trở về qua các cửa khẩu đường bộ tại tỉnh Lạng Sơn để bảo đảm xử lý, cứu chữa ngay những trường hợp không may nhiễm bệnh. Hiện khu vực cách ly này đang có trên 400 người được theo dõi sức khỏe đúng quy trình, quy định của Bộ Y tế. Những người thuộc diện phải cách ly được theo dõi sức khỏe, chăm sóc y tế và đời sống hàng ngày một cách chu đáo.
Thượng tá Nguyễn Văn Quyền, Trung Đoàn trưởng Trung đoàn 123, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lạng Sơn cho biết, cán bộ quân y của đơn vị không bao giờ coi họ là những người bệnh mà luôn quan tâm, hỗ trợ như người thân của mình.
"Trung đoàn đã tổ chức khám, tiếp nhận và bố trí nơi ăn chốn ở cho từng người, đặc biệt quan tâm đến các gia đình có các cháu nhỏ, bố trí các phòng cách ly riêng. Trung đoàn cũng bảo đảm đời sống cho những người tạm thời bị cách ly theo đúng tiêu chuẩn mà Bộ Quốc phòng quy định, đảm bảo điều kiện sinh hoạt, chăm lo cơm nước và cung cấp nhu yếu phẩm cần thiết như là kem đánh răng, xà phòng, bàn chải, khăn mặt, giấy vệ sinh...", Thượng tá Nguyễn Văn Quyền cho biết.
Những người được cách ly để theo dõi sức khỏe hiện không phải chi trả bất cứ khoản tiền nào; nhu yếu phẩm được cấp phát ngay khi tiếp nhận, lịch sinh hoạt cũng được áp dụng theo tiêu chuẩn quân đội. Nếu có các bệnh thông thường cũng được lực lượng quân y chữa trị kịp thời.
Bác sĩ Nguyễn Công Hạnh, Chủ nhiệm quân y Trung Đoàn 123, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lạng Sơn cho biết: "Hàng ngày, chúng tôi kiểm tra thân nhiệt 2 lần, sáng và chiều. Khi tất cả các công dân bị sốt, có biểu hiện bất thường, đau đầu, báo với quân y chúng tôi, chúng tôi đều đến khám và kiểm tra lại lần nữa. Nếu như có trường hợp sốt trên 37,5-38 độ C thì chúng tôi báo cáo với bệnh viện Đa khoa tỉnh để có biện pháp xử lý kịp thời, bảo đảm an toàn cho cộng đồng".
Việc tạm thời cách ly những người sinh sống và làm việc tại Trung Quốc trong thời gian có dịch viêm phổi cấp do virus corona là biện pháp nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho chính họ và người thân, cộng đồng nếu những người này không may nhiễm bệnh. Thế nhưng ngày 10/2 vừa qua, trong quá trình điểm danh, phát hiện 1 trường hợp vắng mặt, đến nay vẫn chưa rõ tung tích và điều này làm dấy lên lo ngại và bất bình của cộng đồng.
Anh Hoàng Văn Dương, một người dân địa phương nói: "Khi nghe thông tin một phụ nữ đã trốn khỏi khu vực cách ly ở Lạng Sơn. Tôi thấy đây là sự việc khá nghiêm trọng vì nếu như người này này có bệnh thì sẽ ảnh hưởng đến nhiều người khác".
"Trốn khỏi khu cách ly, tôi nghĩ việc này không nên bởi vì nó ảnh hưởng rất nhiều người. Điều đầu tiên ảnh hưởng đến người phụ nữ đó. Nếu có bệnh thì sẽ được chính quyền hỗ trợ điều trị sớm, sẽ khỏi bệnh nhanh. Chứ bây giờ ra ngoài phát bệnh thì cũng chưa có khả năng chữa trị ngay. Người phụ nữ này bỏ về nhà có thể lây nhiễm cho cả gia đình và cộng đồng", anh Hoàng Anh Dũng - một người dân khác cho biết.
Việc cách ly những người trở về từ vùng dịch là quy định bắt buộc của ngành y tế, không chỉ tại Việt Nam mà tại tất cả các nước trên thế giới. Việc làm này nhằm đảm bảo chữa trị kịp thời cho người được cách ly nếu không may nhiễm bệnh, cũng là đảm bảo an toàn cho cộng đồng mà trước hết là chính thân nhân, gia đình của họ. Chính vì vậy, bỏ trốn khỏi khu vực cách ly, từ chối sự quan tâm, chăm sóc của các y bác sỹ là hành động thiếu suy nghĩ, có thể đe dọa trực tiếp mạng sống của chính họ và rất nhiều người khác./.
Trước đó, trong quá trình điểm danh vào sáng 10/2, lực lượng chức năng phát hiện 3 trường hợp vắng mặt tại khu cách ly các công dân trở về từ Trung Quốc tại Trung đoàn 123 Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lạng Sơn.
Đến chiều cùng ngày, quá trình kiểm tra xác nhận 2 trường hợp đi nhầm buồng và vẫn có mặt tại khu vực cách ly. Trường hợp còn lại là bà N.T.D đã bỏ trốn khỏi khu cách ly.
Theo VOV
Câu chuyện của du khách người Anh cách ly tại Việt Nam: "Tôi không muốn mình là một lý do khiến ai đó không thể gặp lại ông bà của họ nữa" "Hầu hết chúng tôi đều cảm thấy sợ hãi. Chúng tôi đã không biết mình sẽ đi đâu và những gì đang chờ đợi chúng tôi", Gavin Wheeldon nói với SCMP. Nhưng những nỗi sợ này đã tan biến sau khi Gavin Wheeldon dành thời gian ở trại kiểm dịch của trường quân sự Sơn Tây ở Hà Nội. Ảnh minh họa Anh...