‘Cởi trói’ giáo dục đại học
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng ví tự chủ đại học (ĐH) giống như một khóa ba chìa. Luật Giáo dục ĐH sửa đổi (Luật số 34) được kỳ vọng sẽ cởi trói cho các trường về tự chủ.
Các trường ĐH mong muốn được tự chủ hoàn toàn. Ảnh: NGHIÊM HUÊ
Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật 34 đang chờ Chính phủ ban hành. Theo lãnh đạo các trường ĐH, chỉ cần thực hiện theo đúng tinh thần của luật là vấn đề tự chủ giáo dục sẽ thông suốt.
Luật số 34 quy định rõ chức năng, quyền hạn, tiêu chuẩn, nguyên tắc tổ chức, cách thức hoạt động của Hội đồng trường, đồng thời giao Chính phủ “quy định chi tiết quy trình, thủ tục thành lập, công nhận Hội đồng trường; việc công nhận miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Hội đồng trường, bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên khác của Hội đồng trường”. Tuy nhiên, đến nay, Chính phủ vẫn chưa ban hành được nghị định hướng dẫn chi tiết thực hiện một số điều của luật như quy định. Điều này gây khó khăn cho các cơ sở giáo dục ĐH trong việc triển khai thực hiện luật.
Hậu quả là nhiều trường ĐH, cả công lập và dân lập, tư thục vẫn chưa được công nhận Hội đồng trường. ĐH Dân lập Hải Phòng được chuyển sang trường đại học tư thục và đổi tên thành Trường ĐH Quản lý và Công nghệ Hải Phòng. Ngày 20/6, trường có tờ trình cùng hồ sơ quá trình bầu thành viên Hội đồng trường trình lên UBND TP Hải Phòng đề nghị công nhận. Cơ quan có công văn gửi Bộ GD&ĐT xin chỉ đạo về việc công nhận Hội đồng Trường ĐH Quản lý và Công nghệ Hải Phòng. Nhưng đến nay, đề nghị vẫn chưa có kết quả công nhận dẫn đến việc nhà trường chưa được hoạt động dưới tên mới, vì chưa đủ điều kiện để được Công an Thành phố cấp con dấu mới. Vì vậy, trường gặp nhiều khó khăn trong mọi hoạt động.
Trường ĐH Tôn Đức Thắng chưa được công nhận Hội đồng trường vì vướng mắc giữa việc thực hiện các điều của Luật 34 và áp dụng quy định của Tổng Liên đoàn lao động (cơ quan chủ quản của trường). Tương tự, Trường ĐH Dân lập Lương Thế Vinh (Nam Định) đã được chuyển đổi sang loại hình trường tư thục từ năm 2018. Đến tháng 8/2019, cơ cấu bộ máy tổ chức của trường đã hoàn thành. Việc công nhận Hội đồng Quản trị không được UBND tỉnh Nam Định công nhận vì chưa có nghị định hướng dẫn của Chính phủ, dẫn đến việc nhà trường rơi vào tình trạng bỏ trống quyền lực, mọi hoạt động bị đình trệ, bế tắc.
Cơ quan chủ quản vẫn muốn “ôm”
Video đang HOT
Trong khi đó, các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố vẫn muốn quản lý trực tiếp mọi hoạt động của các trường ĐH trực thuộc từ tổ chức bộ máy, công tác cán bộ, tài chính, đầu tư, thậm chí cả về mặt học thuật. Một số trường ĐH địa phương ở Hải Phòng, miền Tây Nam bộ, miền Trung cũng gặp hoàn cảnh tương tự bởi sự can thiệp quá sâu của chính quyền địa phương đến mọi hoạt động của trường trong điều kiện ngày một sụt giảm về quy mô, thách thức việc đảm bảo nguồn tài chính mà các trường thực hiện tự chủ phải đương đầu.
Trong khi đó, tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật 34 có một số nội dung liên quan tự chủ ĐH cũng như quy định về trường ĐH nghiên cứu đang có nhiều ý kiến băn khoăn. Ông Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng, cho biết, dự thảo nghị định đã cơ bản cởi trói cho các trường về tự chủ, nhưng vẫn còn vai trò quá lớn của cơ quan chủ quản. Ông Danh lấy ví dụ việc miễn nhiệm thành viên hội đồng trường là vai trò của chủ tịch hội đồng trường nhưng trong dự thảo nghị định vẫn yêu cầu cơ quan quản lý ra quyết định. “Trong bối cảnh chưa thể bỏ được cơ quan chủ quản thì nghị định cần phải có sự rạch ròi, quy định cơ quan chủ quản làm đúng vai trò của mình là công nhận, miễn nhiệm hiệu trưởng, chủ tịch hội đồng trường. Còn lại, mọi hoạt động của trường nên để sân cho hội đồng trường quyết định. Trong khi Luật 34 cho cơ chế mở hơn thì dự thảo nghị định lại có những điều khoản siết tự chủ của các trường hơn”, ông Danh nói.
Trong một lần nói về dự thảo nghị định, GS. Trần Đức Viên, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cho rằng, để tránh việc Bộ GD&ĐT mặc nhiên trở thành “Bộ quản lý” của tất cả các trường ĐH với cung cách quản lý cũ, nhất là sau khi bỏ cơ chế bộ chủ quản, thì việc phân công, phân cấp, phân quyền giữa Bộ GD&ĐT với các bộ, ngành liên quan, địa phương và cơ sở giáo dục ĐH cần được phân định rõ ràng.
Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam đã có đơn gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị Chính phủ xem xét, điều chỉnh chính sách tiến tới xóa bỏ cơ chế cơ quan chủ quản. Chủ tịch Hiệp hội Trần Hồng Quân nói rằng, mong muốn trên được đáp ứng sẽ tạo cơ hội cho các cơ sở giáo dục ĐH phát huy hết tiềm năng, sức sáng tạo trong giáo dục – đào tạo, nghiên cứu khoa học, phục vụ xã hội.
Theo Tiền phong
Trao Giải thưởng TDTU Prize 2019 cho 3 nhà khoa học nước ngoài
Ngày 27/12, Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TDTU) tổ chức trao Giải thưởng khoa học Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU Prize) năm 2019, cho 3 nhà khoa học đến từ Đức, Hồng Kông (Trung Quốc) và Thổ Nhĩ Kỳ.
GS Lê Vinh Danh - Hiệu trưởng TDTU và đại diện Tổng lãnh sự quán Đức tại TPHCM trao giải thưởng cho TS Timon Rabczuk
Theo đó, TDTU Prize năm 2019 ở hạng mục Thành tựu trọn đời (trị giá 5000 USD) được trao cho Tiến sĩ Timon Rabczuk là Giáo sư thực thụ của ĐH Bauhaus Weimar (Đức) và đồng thời Trưởng nhóm nghiên cứu cơ học tính toán tại TDTU (Việt Nam). TS Timon Rabczuk có 4 năm nghiên cứu sau tiến sĩ tại Nhóm nghiên cứu cơ học tính toán của GS Ted Belytschko thuộc ĐH Northwestern (Evanston, Hoa Kỳ), và tiếp theo là ĐH Kỹ thuật Munich (Đức), trước khi được bổ nhiệm làm giảng viên chính tại ĐH Canterbury (New Zealand).
Trong năm 2009, ông được bổ nhiệm là Giáo sư thực thụ về cơ học tính toán tại ĐH Bauhaus Weimar và năm 2014 là Trưởng nhóm nghiên cứu cơ học tính toán tại TDTU.
Hiệu trưởng TDTU trao TDTU Prize năm 2019 - Ngôi sao đang lên cho TS Anderson Ho Cheung Shum
TDTU Prize năm 2019 ở hạng mục Ngôi sao đang lên (trị giá 4000 USD) được trao cho Tiến sĩ Anderson Ho Cheung Shum (ĐH Hồng Kông). Ông tốt nghiệp tiến sĩ ngành Vật lý ứng dụng tại ĐH Harvard (Hoa Kỳ) năm 2010. Hiện nay, TS Anderson Ho Cheung Shum là Giáo sư thực thụ của Bộ môn kỹ thuật cơ học và chương trình kỹ thuật y sinh tại ĐH Hồng Kông. Đồng thời, ông là chuyên gia trong lĩnh vực nhũ tương, sinh khối, kỹ thuật y sinh và chất mềm.
Hiệu trưởng TDTU trao TDTU Prize năm 2019 - Nhà khoa học nữ cho TS Sibel Aysil Ozkan
Ở hạng mục Nhà khoa học nữ, TDTU Prize năm 2019 trao cho Tiến sĩ Sibel Aysil Ozkan - nguyên Phó Hiệu trưởng ĐH Ankara và hiện là Giáo sư thực thụ của Khoa dược thuộc ĐH Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ). Bà là đại diện cho Hiệp hội hóa học Thổ Nhĩ Kỳ trong Hiệp hội hóa học châu Âu. Đồng thời, TS Sibel Aysil Ozkan cũng là thành viên của Hiệp hội Dược Châu Âu, thành viên của PortASAP - một mạng lưới chuyên gia Châu Âu.
Sự kiện thu hút sự quan tâm của nhiều người
Theo GS Lê Vinh Danh - Hiệu trưởng TDTU, TDTU Prize là giải thưởng khoa học do nhà trường khởi xướng từ năm 2016, tổ chức xét thưởng đợt đầu tiên vào năm 2017. Giải thưởng có mục tiêu công nhận và tôn vinh các nhà khoa học trên thế giới có những thành tựu, công trình nghiên cứu xuất sắc; đã và đang đóng góp tích cực cho sự phát triển khoa học-công nghệ của nhân loại, cũng như các hoạt động thiện nguyện phụng sự con người và xã hội trên toàn thế giới.
Bên cạnh đó, TDTU Prize còn góp phần vào nỗ lực quảng bá hình ảnh Việt Nam và TDTU trên trường khoa học quốc tế.
Phát động từ ngày 15/8/2018 đến ngày 30/5/2019, TDTU Prize năm 2019 đã nhận được 90 hồ sơ của các ứng viên là những nhà khoa học đến từ Ai Cập, Algeri, Ấn Độ, Banglades, Bỉ, Canada, Đài Loan, Đức, Hàn Quốc, Hồng Kông, Iran, Israel, Jordan, Malaysia, Mỹ, Nhật, Nga, Nigeria, Pakistan, Serbi, Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam và Ý.
Công Chương
Theo giaoducthoidai
Giao quyền tự chủ cho các trường đại học: Không dễ! Báo Kinh tế & Đô thị từng đăng tải thông tin nhiều trường đại học (ĐH) than khó do thiếu hướng dẫn Luật Giáo dục ĐH. Mới đây, Chính phủ đã ban hành dự thảo Nghị định Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH...