Coi thi cũng… áp lực
Kỳ thi tuyển sinh năm nào cũng có nhiều trường hợp thí sinh và giám thị bị kỷ luật vì vi phạm quy chế. Không chỉ căng thẳng với thí sinh và người thân, áp lực kỳ thi còn đè nặng lên vai giám thị, cán bộ phục vụ kỳ thi, ban chỉ đạo…
Mùa tuyển sinh năm 2009, các trường ĐH, CĐ phải huy động trên 170.000 lượt cán bộ tham gia công tác tuyển sinh. Dự kiến năm nay, số lượt cán bộ, giảng viên tham gia kỳ thi cũng tương đương. Theo Bộ GD-ĐT, các lỗi giám thị hay mắc phải là không thực hiện đúng quy định về ký giấy thi, giấy nháp, chưa tích cực nhắc nhở thí sinh để điện thoại, tài liệu ngoài phòng thi, mang điện thoại di động, máy tính xách tay vào khu vực thi…
Áp lực như thí sinh
Ths N.Thu (ĐH Kỹ thuật Công nghệ TP HCM) có kinh nghiệm coi thi trong nhiều năm, nhưng năm nào chị cũng cảm thấy áp lực. Chị nói: “Lỡ vi phạm quy chế thì hậu quả khôn lường, vừa bị đưa lên báo vừa bị kỷ luật, có khi còn bị hạ bậc lương, kỷ luật Đảng… Mà thù lao trong những ngày này đâu có bao nhiêu. Vì thế, nhiều giảng viên không muốn đi coi thi”.
Video đang HOT
Chị Thu Vân, giảng viên ĐH Kiến trúc TP HCM, cũng cho rằng, đi coi thi rất căng thẳng. “Giám thị cũng phải lo đi sớm, sợ tới phòng thi trễ, sợ vi phạm quy chế. Mỗi lần thanh tra xuống là giám thị nào cũng lo bị bắt lỗi”, chị chia sẻ. Theo một số giám thị từng coi thi 1 – 2 năm, có thực tế này là do có những điểm trưởng điểm thi phổ biến không đầy đủ hoặc qua loa nên giám thị không nắm kỹ quy chế.
Nhiều giám thị cũng vướng phải những tình huống dở khóc, dở cười. Chị Vân kể, có thí sinh vào phòng thi không chịu làm bài mà lăn ra ngủ và nhờ giám thị gọi dậy trước khi giờ làm bài thi kết thúc khoảng 30 phút. Đuổi ra không được, vừa coi thi, chị vừa phải canh đồng hồ để gọi thí sinh đang ngủ dậy làm bài.
“Có lẽ với thí sinh ba giờ đồng hồ là ít, nhưng với giám thị thì dài đằng đẵng”, giám thị Lê Dũng (nhân viên tuyển sinh của một trường CĐ tại TP HCM) nhận xét. Hai năm nay, trường xét tuyển nên anh không phải đi coi thi. Anh nói: “Có nhiều trường mời làm giám thị trong kỳ thi này nhưng nhiều giảng viên không nhận lời. Đi coi thi rất vất vả và nhiều áp lực lắm”.
Giám thi đi coi thi cũng căng thẳng không kém thí sinh.
Đến hẹn lại căng thẳng
Thí sinh, giám thị căng thẳng một thì thành viên trong hội đồng tuyển sinh (HĐTS) của các trường lại căng thẳng mười. Trước kỳ thi khá lâu, các thành viên trong ban chỉ đạo tuyển sinh đã mất ăn, mất ngủ để chuẩn bị cho kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc.
Ths Trần Đình Lý, thành viên HĐTS của ĐH Nông Lâm TP HCM, cho biết: “Đến hẹn lại lên, mùa thi đến thì các thành viên hội đồng lại chịu nhiều áp lực: thời gian, trách nhiệm của cán bộ coi thi, hội đồng thi và quyền lợi của thí sinh. Vì là một kỳ thi mang tầm quốc gia nên trách nhiệm rất lớn”. Nhiều giám thị cũng bày tỏ, năm nay nỗi lo tăng thêm vì mùa World Cup, sợ nhất rơi vào cảnh thức đêm triền miên, ngủ quên hoặc thiếu ngủ nên “mất cảnh giác” với thí sinh (!).
“Đã vào guồng của tuyển sinh rất căng thẳng. Tần suất làm việc của các thầy cô trong ban đề thi, giao đề, giao bài, nhận bài… rất căng, phải tranh thủ từng khắc một để hoàn thành công việc. Kinh nghiệm của những năm trước, đội ngũ giao đề, giao bài thi rất căng thẳng vì kẹt xe, đường sá không thuận lợi…”, ThS Trần Đình Lý nói thêm.
Một thành viên trong HĐTS của ĐH Sài Gòn cũng cho biết: “Có những sự cố nằm ngoài tầm kiểm soát của cả hội đồng, như chuyện kẹt xe. Mặc dù lực lượng tài xế và xe của trường rất chuyên nghiệp và kinh nghiệm nhưng vẫn phải đi giao đề sớm để đề phòng bất trắc”.
Qua nhiều kỳ thi, một vị chủ tịch HĐTS cho biết, các giám thị lần đầu hoặc mới đi coi thi vài lần ít phạm lỗi hơn vì họ nghe quy chế rất kỹ, rõ ràng, không dám chủ quan. Còn một số giám thị coi thi lâu năm thì hay chủ quan, làm sai quy định vì có những quy chế thay đổi mà không để ý nắm bắt.
Theo Đất Việt