Coi kiểm tra, chấm bài học kỳ xin đừng tháo khoán và sính thành tích
Coi kiểm tra và chấm bài học kỳ là hai khâu quan trọng ở cuối học kỳ, cần lắm sự quan tâm, tổ chức, làm việc đồng bộ, nghiêm túc của tất cả nhà trường.
Sau khi kết thúc đợt kiểm tra học kỳ, các em học sinh phổ thông thường có những bộc bạch với nhau về thầy, cô giáo coi kiểm tra.
Học sinh H. hồ hởi: “ Đợt kiểm tra vừa rồi, phòng kiểm tra của mình sướng ghê, trúng toàn thầy, cô giáo coi kiểm tra dễ, tha hồ quay bi và chép tài liệu.”
Học sinh T. lại than thở: “ Còn phòng kiểm tra của tui, thật xui xẻo, gặp toàn thầy, cô giáo “bà la sát” coi kiểm tra khó chằng, quay sang hỏi bạn một tí là bị nhắc nhở, dọa lập biên bản ngay, nên chẳng “làm ăn”, quay bi được gì cả. Mấy ông thầy, bà cô chết tiệt.“
Thời chúng tôi học phổ thông (những năm 80-90) cũng vậy, tới giờ kiểm tra học kỳ, nhiều học sinh đều trông mong, lạy trời, lạy phật, phòng kiểm tra của mình vô những giáo viên dễ tính, ít tập trung vào khâu kiểm tra để gặp câu khó, câu chưa hoặc không thuộc bài còn quay cóp, giở tài liệu ít, nhiều. Tâm lý của đại bộ phận học sinh phổ thông là thế.
Học sinh cùng nhau ôn tập. (Ảnh minh họa: Báo Quảng Ngãi)
Trong từng hội đồng sư phạm nhà trường làm sao đồng bộ, giống nhau hết được, thường có người nọ, người kia khi coi kiểm tra.
Thành ra, tại phiên họp, hội đồng, tổ, nhóm chuyên môn đánh giá học kỳ, ban giám hiệu, tổ trưởng hay phân tích, trao đổi rất gay gắt với đồng nghiệp về khâu coi kiểm tra vừa qua.
Tại sao một số phòng kiểm tra có nhiều bài kiểm tra giống nhau đến từng dấu chấm, dấu phẩy, thậm chí giống nhau cả cách giải, đáp án cùng sai?
Có phải một số thầy cô giáo phớt lờ chỉ đạo của Ban giám hiệu, coi kiểm tra quá dễ dãi, để các em trong phòng muốn làm gì thì làm?
Video đang HOT
Các thầy cô có biết làm thế là gây nên sự mất công bằng trong học sinh, tiếp tay cho một số em thiếu trung thực, không nghiêm túc khi kiểm tra không?
Có thầy cô ngồi dưới im lặng, không nói gì. Có thầy cô giáo vốn coi kiểm tra rất nghiêm túc, đứng lên phát biểu, bày tỏ ngay sự ủng hộ coi kiểm tra học kỳ phải nghiêm túc, chặt chẽ, không để học sinh tiêu cực, quay cóp.
Có một ít giáo viên thừa nhận, hôm đó, ở phòng số… tôi coi kiểm tra có phần chủ quan, thiếu tập trung nên có nhiều bài kiểm tra giống nhau y chang, tôi xin nhận lỗi, trách nhiệm về mình, các lần sau tôi sẽ coi kiểm tra nghiêm túc, không để tình trạng như thế nữa.
Kể cả, khâu chấm bài học kỳ ở nhiều tổ, nhóm chuyên môn, nhất là môn Ngữ văn vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.
Mặc dù có đáp án, ma trận, thảo luận nhóm chấm hẳn hoi nhưng đến tay mỗi người là mỗi kiểu chấm khác nhau. Người thì máy móc, khắt khe theo đáp án, suy nghĩ của người thầy. Người thì dễ dãi, tháo khoán, đánh giá thiếu chuẩn xác, có dấu hiệu sính thành tích.
Coi kiểm tra và chấm bài học kỳ là hai khâu quan trọng ở cuối học kỳ, liên quan đến thái độ và chất lượng học tập của học sinh, cần lắm sự quan tâm, cách tổ chức, làm việc đồng bộ, nghiêm túc của tất cả nhà trường, thầy cô giáo.
Xin đừng tháo khoán và sính bệnh thành tích mà dư luận xã hội từng bức xúc, lên tiếng gay gắt lâu nay.
SÔNG TRÀ
Theo giaoduc.net
Làm một giáo viên trung thực cũng khó!
Trên thực tế, nhiều khi muốn làm một giáo viên trung thực cũng khó. Từ đó, giáo viên dễ trở nên thiếu trung thực với công việc giảng dạy và với cả chính mình.
LTS: Từ chính câu chuyện của bản thân, chia sẻ về bệnh thành tích - một căn bệnh trầm kha của nền giáo dục nước nhà, tác giả Thạch Hoài Sơn đã gửi đến Báo điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.
Trung thực là một đức tính cần có của con người. Với giáo viên, trung thực là một đức tính quý giá vì nó rất quan trọng trong việc dạy chữ, dạy người.
Trên thực tế, nhiều khi muốn làm một giáo viên trung thực cũng khó. Từ đó, giáo viên dễ trở thành con người thiếu sự trung thực với công việc giảng dạy và với luôn cả chính mình.
Những sự việc xảy ra trong trường của tôi (một trường chuyên, xin được giấu tên) một trường đạt chuẩn, học sinh phải thi tuyển đầu vào hàng năm. Có nghĩa là học sinh có học lực giỏi, hạnh kiểm tốt mới bước chân vào ngôi trường này được...
Mỗi kỳ thi học kỳ, thi cuối năm, chúng tôi đều được phân công làm giám thị. Giám thị 1, 2 hướng dẫn học sinh ở trong phòng thi; giám thị 3 ở ngoài, có nhiệm vụ hướng dẫn học sinh đi vệ sinh đúng nơi quy định; đi lấy giấy làm bài khi giám thị các phòng có yêu cầu...
Lần ấy tôi làm giám thị 1 và khi quan sát, tôi ngạc nhiên vô cùng có hai học sinh trao đổi giấy nháp, chuyển bài cho nhau.
Không thể chấp nhận học sinh trường chuyên làm chuyện sai trái, vi phạm nội quy; sau ba lần nhắc mà không chuyển biến, tôi bắt buộc lập biên bản, có tài liệu kèm và các em phải ký tên.
Tưởng việc làm của mình sẽ được hiệu trưởng "tuyên dương" là trung thực; là coi thi nghiêm túc, đảm bảo tính khách quan... nhưng vị hiệu trưởng mời tôi về phòng riêng để "trao đổi".
Thì ra vì thành tích chung, vì "tiếng" của trường nên thầy khuyên tôi đừng lập biên bản, chỉ nhắc nhở các em thôi.
Không riêng gì tôi mà các thầy cô khác, với bản tính trung thực, đã bắt tài liệu, thu lại và nộp về hội đồng thi vì thi cử là phải nghiêm túc, khách quan.
Nhưng cũng có giáo viên luôn tỏ ra dễ dãi, để mặc các em trao đổi, quay bài gây ra sự mất công bằng giữa học sinh với nhau.
Căn bệnh thành tích, giả dối trong giáo dục (Ảnh minh họa: LEO).
Hèn gì mỗi khi bước vào phòng thi, có phòng lại vỗ tay rôm rả vì gặp được giáo viên "dễ tính". Các em cho đó là những giáo viên "thương học sinh" không như những giáo viên "khó đăm đăm" khác.
Còn những giáo viên như chúng tôi, khi bước vào phòng thi thì các em hầu như... thất vọng vì không thể trao đổi bài, không thể tự do vi phạm nội quy.
Vì vậy, ban giám hiệu "rút kinh nghiệm" nên ngay sau hôm ấy, đã "kịp thời" phân công những giáo viên trung thực ra ngoài làm... giám thị 3.
Thật buồn cho một nền giáo dục, giáo viên muốn sống trung thực, muốn làm việc hết chức trách mình cũng khó!
Mà nếu làm đúng chức năng thì bị hiệu trưởng nhìn với "con mắt mang hình viên đạn" vì nếu cứ "trung thực" hoài thì tỷ lệ học sinh giỏi sẽ giảm xuống so với năm trước và tất nhiên hiệu trưởng sẽ "mất điểm" với cấp trên.
Từ đó, học sinh gian dối thầy cô, cấp dưới gian dối cấp trên và bản thân người thầy tự gian dối mình không phải là điều hiếm có.
Chính căn bệnh "thành tích" trầm kha đã dẫn tới những hệ quả này.
Chừng nào còn căn bệnh này thì ngành giáo dục còn thiếu vắng những con người trung thực; thiếu vắng những tấm lòng đối với nền giáo dục chân chính, đúng ý nghĩa của nó...
THẠCH HOÀI SƠN
Theo giaoduc.net
Đủ lý do để dạy thêm, chớ đổ cho sách giáo khoa quá nặng Việc cấm hay cho dạy thêm hiện nay chúng ta vẫn thấy chưa được các địa phương thực hiện đồng nhất, nơi thì cho dạy, nơi lại cấm dạy. Nhiều ý kiến cho rằng việc dạy thêm, học thêm hiện nay của học sinh phổ thông là do kiến thức trong sách giáo khoa quá nặng nên trong thời gian trên lớp thì...