“Cô tiên” ở làng phong
23 năm qua, cô giáo Siu HJel miệt mài với hành trình gieo chữ ở trường học tình thương làng Buk Blui – một ngôi làng của bệnh nhân phong bị kỳ thị, tách biệt giữa xã Ia Ka, huyện Chư Păh (Gia Lai)…
Không cầm lòng trước cảnh những đứa trẻ nơi đây được cha mẹ dẫn đi học nhưng không ai nhận, năm 1988, Siu HJel đã gửi con trai đầu lòng cho mẹ chăm sóc, lặn lội đến ở hẳn trong làng Buk Blui, cùng dân làng phát rẫy trồng sắn chống cái đói và dạy cho các em trong làng những con chữ đầu tiên trong những căn nhà trông rẫy.
Ngôi trường của làng Buk Blui đang thiếu thốn rất nhiều để phục vụ việc học.
Trước sự dũng cảm của Siu HJel, cả làng Buk Blui ai cũng vui sướng, hạnh phúc. Cả làng cùng chung tay dựng nhà sàn làm lớp, lên rừng chặt gỗ dựng nhà cho cô ở tạm vào cuối năm 1989. Và cũng từ ngày đó, bọn trẻ trong làng Buk Blui được đi học như một niềm vui lớn đến với làng phong.
Lớp học của cô giáo Siu HJel thu hút không chỉ những đứa trẻ trong làng Buk Blui mà ngay cả những người già, những chàng trai, cô gái Jrai cũng kéo nhau đến học.
Ngoài giờ học, cô Siu HJel luôn dạy học sinh tìm cách kiếm ăn cho dân làng. Cô còn xin hỗ trợ về thuốc, tài liệu hướng dẫn để dân làng tự chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho mình. Dần dần căn bệnh phong quái ác đã được ngăn chặn, những nụ cười tươi trẻ đã nở trên môi những người trong làng. Anh Rơchâm Hnol – Trưởng thôn Buk Blui cho biết: “Với dân làng Buk Blui, cô giáo Siu HJel không chỉ là một vị ân nhân mà còn như một cô tiên của cả buôn làng”.
Video đang HOT
Ngày 20.11 với cô Siu HJel bao giờ cũng là ngày hạnh phúc vì học sinh các thế hệ tới chơi, “không phong bì, không quà tặng quý giá, tôi hạnh phúc vì nhận được những bó hoa rừng và tình cảm yêu mến nồng nàn của các em học sinh nơi đây. Món quà quý nhất với tôi là các em không mắc bệnh, sống khoẻ mạnh và được học hành đầy đủ”- cô Siu HJel nói.
Theo PNO
Câu chuyện cảm động về Người Thầy kính yêu
Thấm thoát mà đã 23 năm trôi qua, hình ảnh Người Thầy đầy tình yêu thương học trò cứ sống mãi trong tôi. Đến bây giờ khi đã là một giáo viên chủ nhiệm, những kỉ niệm đẹp ấy trở thành kinh nghiệm quý giá mà Thầy đã truyền cho tôi.
Tuổi thơ tôi không được may mắn như bạn bè cùng trang lứa. Tôi mồ côi cha khi đang học nửa chừng lớp 8, ba tôi qua đời sau một căn bệnh dạ dày nhiều năm chữa trị không khỏi, mấy tháng sau mẹ tôi vì quá thương ba và đau xót trước sự mất mát lớn lao ấy nên đã mắc bệnh viêm xoang nặng. Ngày đó nhà nào cũng nghèo, nhà tôi cũng rất khó khăn vì ba đau ốm liên miên rồi mất - trụ cột gia đình không còn, mẹ ốm, con đông. Ba mẹ tôi có năm người con, lúc ba tôi mới mất, mẹ lâm bệnh nặng cũng là lúc ba anh chị đầu của tôi đi bộ đội và đi học xa.
Hoàn cảnh gia đình lúc đó lại càng khó khăn hơn. Mặc dầu lúc ấy mới 13 tuổi nhưng tôi rất thấu hiểu hoàn cảnh gia đình mình. Hình như hoàn cảnh đã làm cho tính cách của con người cũng ảnh hưởng theo, chính vì vậy mà nét mặt tôi lúc nào cũng phảng phất
nỗi ưu tư không hồn nhiên vui vẻ như bạn bè cùng trang lứa.
Năm tôi bước vào lớp 10, giáo viên chủ nhiệm lớp tôi là một thầy giáo người Phú Lộc mới lên nhận trường, ngoài công việc chủ nhiệm, thầy còn dạy chúng tôi thêm môn Văn. Trong các năm học ở Tiểu học rồi Trung học tôi luôn là học sinh trung bình khá. Nhưng 3 năm học cấp III tôi đều đạt danh hiệu học sinh Tiến tiến và học sinh Giỏi, đó là điều đặc biệt mà chỉ có tôi mới hiểu được nguồn cội sâu xa. Chính Thầy đã giúp tôi có nguồn động lực mạnh mẽ để nỗ lực phấn đấu hết mình.
Tôi còn nhớ mãi một lần, hôm ấy tôi đến lớp mang theo nỗi buồn nặng trĩu vì mẹ phải nhập viện để mổ ở bệnh viện Trung ương Huế mà tiền chẳng còn bao nhiêu ngoài đồng lương hưu ít ỏi của mẹ. Suốt cả buổi học, tôi cố gắng tiếp thu bài bình thường không thể hiện gì ra bên ngoài nhưng không hiểu sao thầy vẫn cảm nhận được nỗi buồn và sự khác lạ trong tôi.
Lúc ra về thầy gọi các bạn nữ trong lớp ở lại để hỏi thăm hoàn cảnh của tôi. Từ hôm sau trở đi thầy đối xử với tôi thật lạ, thầy gần gũi tôi nhiều hơn, động viên tôi phấn đấu học tập. Thầy sợ tôi vì hoàn cảnh gia đình mà bỏ bê việc học nên thường xuyên kiểm tra bài cũ tôi, cả khi học bài mới thầy cũng gọi tôi trả lời nhiều hơn và cũng khen ngợi tôi trước lớp rất nhiều.
Sau mỗi lần như vậy tôi cảm thấy kính trọng và yêu quý thầy vô cùng, càng quý trọng thầy, tôi càng phấn đấu học tập. Hằng đêm, bên ngọn đèn khuya của xứ rừng vắng lặng tôi miệt mài học tập. Hình ảnh thầy, nét mặt vui tươi rạng ngời của thầy khi tôi thuộc bài và những lời căn dặn của thầy cứ thôi thúc tôi phấn đấu, hăng say học tập. Lúc ấy tôi chỉ nghĩ rằng mình cố gắng học là để thầy vui, là được nhận những lời khen ngọt ngào của thầy chứ chưa ý thức được rằng học tập tốt cũng là ích lợi cho mình về sau.
Ngày tháng trôi qua, tôi càng tự tin hơn, vui vẻ phấn chấn hẳn lên không còn mặc cảm tự ti như trước nữa. Việc học của tôi cũng đã chuyển biến rõ rệt, nhiều bài văn của tôi đã được thầy lưu giữ và được đem ra đọc mẫu trước lớp cho các bạn học tập. Khỏi phải nói là thầy tôi đã vui sướng như thế nào. Cuối năm học ấy tôi đã đạt học sinh Tiên tiến; riêng môn văn thầy dạy, tôi đạt loại giỏi.
Kết thúc năm học ấy, thầy được chuyển về quê dạy học. Ngày tiễn thầy, thầy dặn dò khuyên nhủ từng đứa học sinh như người cha căn dặn các con trước lúc đi xa, mấy đứa con gái đứa nào cũng khóc, còn tôi từ khi thầy xa trường, tôi thấy trống vắng lạ kì như thể mình mất mát một cái gì đó rất thiêng liêng mà không gọi tên được.
Không phụ lòng thầy đã chăm lo cho mình, tôi tiếp tục phấn đấu học và hai năm học tiếp theo tôi đều đạt danh hiệu học sinh Tiên tiến và học sinh Giỏi. Điều đặc biệt là tôt nghiệp THPT, tôi là người đạt điểm cao nhất lớp với tổng số 32 điểm cho 4 môn thi (Toán, Văn, Lí, Hóa); đây là thành tích không nhỏ đối với một trường Thanh Niên Dân Tộc vừa học vừa làm thời đó.
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, bây giờ tôi cũng đã là một đồng nghiệp của Thầy và cũng đã có lúc tôi gặp những khó khăn, muộn phiền về học trò và cũng có khi thấy mình nóng vội chưa kiên trì tìm hiểu thấu đáo để giải quyết cho thật tốt mọi tình huống gặp phải. Tuy nhiên càng trải nghiệm, càng giúp tôi biết lựa chọn cách giải quyết hợp tình hợp lí hơn và dù lựa chọn cách giải quyết nào thì thầy cô giáo cũng cần có tấm lòng yêu thương, cảm thông và chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của học trò, từ đó cảm hóa và thuyết phục các em.
Tôi nhớ mãi một câu nói giầu ý nghĩa: " Nhu cầu vật chất đến một lúc nào đó người ta sẽ thấy thỏa mãn nhưng nhu cầu yêu thương và sẻ chia thì chẳng bao giờ là đủ cả". Tôi tâm đắc câu nói này và lấy đó làm lẽ sống, làm kinh nghiệm ứng xử trong cuộc sống và áp dụng vào trong cuộc đời làm cô giáo của mình. Đấy cũng là con đường lựa chọn theo tấm gương Người Thầy kính yêu của mình.
Huyền Thanh
LTS Dân trí - Trong quãng đời học sinh của mình, hầu như ai cũng có những kỷ niệm thật khó quên, ghi lại những ấn tượng thật đẹp về tình nghĩa thầy trò cũng như tình cảm bạn bè gắn bó với nhau qua nhiều năm học.
Dù 23 năm đã trôi qua, tác giả bài viết trên đây vẫn còn vẹn nguyên trong lòng những kỷ niệm và tình cảm sâu nặng về một Người Thầy có tấm lòng nhân hậu, luôn quan tâm gần gũi học trò, nên biết được những diễn biến tâm lý và những khó khăn mà trò mình đang gặp phải, từ đó động viên và giúp đỡ trò có niềm tin và nghị lực phấn đấu để trở thành một học sinh giỏi và đỗ đầu trong kỳ thi tốt nghiệp THPT của một Trường Thanh niên dân tộc vừa học vừa làm. Đấy không chỉ là kỷ niệm nói lên tình cảm sâu nặng đối với Người Thầy hơn 20 năm về trước mà còn là bài học quý giá để cô tiếp bước trên con đường mà Thầy mình đã lựa chọn.
Theo DT
GS.VS Nguyễn Văn Hiệu: "Nhân tài Đất Việt giới thiệu các công trình giá trị nhất với xã hội" "Chúng tôi chọn ra những công trình có giá trị nhất, có hiệu quả cao nhất để giới thiệu với xã hội, đó là mục đích của việc trao giải Nhân tài Đất Việt", GS.VS Nguyễn Văn Hiệu, Chủ tịch Hội đồng Ban giám khảo giải thưởng Nhân tài Đất Việt khẳng định. GS.VS Nguyễn Văn Hiệu, Chủ tịch Hội đồng Ban giám...