Cổ tích thời nay của tiến sĩ toán ngồi xe lăn
Bị tai nạn giao thông liệt hai chân khi là sinh viên năm thứ ba, Đỗ Duy Hiếu từng suy sụp, bỏ học. Nghị lực đã giúp anh đứng lên, bước qua cú sốc, quay lại giảng đường đại học.
Giờ đây, anh trở thành tiến sĩ toán học với chương trình dạy toán online được hàng nghìn học sinh theo học.
Vượt qua nỗi đau
SN 1986 ở Thiệu Hóa, Thanh Hóa, Đỗ Duy Hiếu từ nhỏ đã liên tiếp giành giải tại các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Tốt nghiệp cấp 3, Hiếu thi đỗ vào ĐH Bách khoa Hà Nội với số điểm cao.
Nhà có 4 anh chị em, nhưng do kinh tế gia đình khó khăn, nên chỉ có Hiếu và em trai được bố mẹ cho ăn học. Hiếu thi đỗ đại học, gia đình đặt kỳ vọng lớn vào Hiếu. Ngờ đâu, vụ tai nạn giao thông ập đến khi Hiếu học năm thứ 2 khiến kỳ vọng của cả gia đình tan vỡ.
Video đang HOT
“Tỉnh dậy sau một thời gian dài nằm viện điều trị, tôi thấy bố mẹ, các chị em khóc. Đoán chuyện hẳn rất nghiêm trọng, nhưng tôi không ngờ lại mất đi đôi chân”, Hiếu nhớ lại.
Những ngày sau đó, Hiếu sống trong tâm trạng chán chường, tuyệt vọng. Đang ở độ tuổi tươi đẹp nhất cuộc đời với bao hoài bão phía trước, giờ mất đôi chân, Hiếu không thiết sống nữa. Nhìn cảnh cha mẹ chạy vạy từng đồng dành dụm tiền chữa bệnh cho mình, Hiếu cảm thấy mình là gánh nặng của cả gia đình. Hiếu bỏ học, trở về quê.
“Thời gian đầu về quê nhà, tôi giam mình trong phòng. Rồi thấy tôi ở nhà, một người họ hàng nhờ dạy học cho con chuẩn bị thi đại học. Ban đầu tôi từ chối, nhưng nhờ bố mẹ thuyết phục, tôi đã nhận dạy cho một em. Ngờ đâu em đó thi đại học đạt kết quả cao nên ngày càng nhiều người đến nhờ dạy học cho con. Trở thành “thầy giáo làng” bất đắc dĩ, tôi bỗng nhận ra mình còn có ích cho cuộc đời”, Hiếu tâm sự.
Tập trung với công việc dạy học, Hiếu dường như quên đi nỗi đau đôi chân bị liệt. Rồi nhìn các em học sinh, Hiếu lại nhen nhóm trở lại ước mơ đến trường. Và lời nói của người cha già: “Con vốn học rất giỏi, nếu cứ nằm nhà thế này thật phí quá. Con mất đôi chân, nhưng con còn cái đầu, đôi tay, trí tuệ, con phải sống, sống tốt”, Hiếu quyết định nộp hồ sơ thi và đỗ kết quả cao, sau đó trở thành thủ khoa đầu ra tại ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội).
Năm Hiếu đỗ đại học, em trai của Hiếu cũng đỗ ĐH Kiến trúc Hà Nội. Hai anh em cùng nhau ra Hà Nội thuê nhà trọ ở Phùng Khoang. Ngày ngày, cậu em trai chở Hiếu đến trường rồi lại quay về trường mình. Để có thể trang trải cuộc sống sinh viên, đỡ đần bố mẹ, Hiếu tiếp tục nhận dạy gia sư. Đến năm thứ hai đại học, Hiếu dành dụm tiền mua được chiếc xe máy rồi nhờ thợ cải tạo thành xe ba bánh để có thể tự mình đến trường.
Tiến sĩ Hiếu cùng cậu con trai kháu khỉnh – niềm vui, động lực phấn đấu của anh. Ảnh:Giao Thông.
Mái ấm gia đình như cổ tích
Suốt những ngày Hiếu bị tai nạn, rồi bỏ về quê, sau đó khó nhọc từng bước trở lại với giảng đường đại học, luôn có một người bạn nữ học cùng cấp ba sát cánh thăm hỏi, động viên. Ngày Hiếu bị tai nạn, Sâm ở miền Nam, nhưng thường xuyên viết thư, thăm hỏi bạn.
Cuốn sách Hạt giống tâm hồn mà Sâm gửi tặng, cùng những lá thư, cuộc điện thoại, tin nhắn thăm hỏi… như tiếp thêm sức mạnh cho Hiếu. Câu nói “Nơi nào có ý chí, nơi đó có con đường”, Hiếu đọc được từ cuốn sách Sâm tặng như trở thành kim chỉ nam để Hiếu lạc quan hơn và phấn đấu mỗi ngày.
Cuối năm 2012, Sâm từ Sài Gòn ra Hà Nội chơi và thăm Hiếu. Được Sâm dìu đi dạo buổi tối, Hiếu mạnh dạn nói lên tiếng nói trái tim mình. Sâm im lặng, mỉm cười như một sự đồng ý. Hiếu như thấy mình bay bổng trong một giấc mơ. Một tháng sau, gia đình hai bên tổ chức ăn hỏi. Đến giờ, vợ chồng Hiếu đã có một cậu con trai kháu khỉnh gần 2 tuổi, là niềm vui của cả gia đình.
Đỗ Duy Hiếu là thủ khoa đầu ngành toán học với điểm số 3.59/4. Hiếu từng là Gương mặt trẻ tiêu biểu ĐH Khoa học Tự nhiên các năm 2011, 2012; liên tục đoạt giải trong các cuộc thi nghiên cứu khoa học sinh viên cấp khoa, cấp trường; được nhận Học bổng khuyến khích học tập trong 4 năm 2009-2013; Học bổng Kumho- asiana; Học bổng Shinyo – En; Học bổng Watanabe – Kanda; Học bổng Viethope; Học bổng Đồng hành…
Tốt nghiệp thủ khoa ĐH Khoa học Tự nhiên, Hiếu nhận được học bổng ở Pháp nhưng anh quyết định ở lại Việt Nam và vào làm việc tại Viện Toán.
Nhờ tài năng cùng nhữnggiải thưởng khoa học đạt được, anh được đặc cách làm luận án tiến sĩ. Công việc ở Viện Toán thường chủ động về thời gian nghiên cứu, lại có sẵn trong mình ước mơ được trở thành giáo viên; Hiếu quyết định mở trung tâm dạy toán gia sư cho học sinh từ lớp 2 đến lớp 6.
Trung tâm lấy tên “ Học Toán cùng thủ khoa” đến giờ có tới 500 học sinh và 20 nhân viên chăm sóc khách hàng để tư vấn, tương tác với phụ huynh. Chưa dừng ở đó, Hiếu còn sáng tạo một phần mềm hỗ trợ học toán online có sự tương tác hai chiều, hiện có tới 15.000 học sinh đăng ký theo học.
Theo Yến Chi/Giao Thông