Có thể dự báo chính xác 75% về vùng mưa tại TP.HCM
Điểm nổi bật của công tác dự báo hiện nay tại TP.HCM là sử dụng công nghệ AI. Kết hợp chạy ảnh radar thời tiết, kết hợp ảnh mây vệ tinh, số liệu từ các trạm mặt đất để dự báo mưa và chương trình dự báo triều để đưa ra bản đồ cảnh báo ngập sớm.
Hệ thống cảnh báo sớm ngập lụt đô thị dựa trên nền tảng trí tuệ nhân tạo đang được sử dụng tại TP Thủ Đức – Ảnh: CHÂU TUẤN
Khu vực Nam Bộ xưa nay vốn mưa thuận gió hòa. Tuy nhiên cùng với biến đổi khí hậu toàn cầu, Nam Bộ dần xuất hiện các hình thái thời tiết cực đoan với tần suất dày hơn.
Trước thực trạng này đòi hỏi công tác dự báo phải nhanh, chính xác để người dân có hướng phòng tránh. Tuổi Trẻ Online trao đổi với ông Lê Đình Quyết, phó trưởng phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, về vấn đề này.
* Hiện nay việc dự báo mưa chính xác ở mức bao nhiêu % và thời gian dự báo trước khi xảy ra mưa là bao lâu, thưa ông?
- Dự báo mưa là một thử thách khó khăn nhất mà ngành khí tượng thủy văn chúng tôi gặp phải. Những năm gần đây, nhờ tiến bộ khoa học công nghệ nên dự báo mưa đã có những bước tiến lớn, đã chi tiết hơn, có thể chi tiết tới cấp huyện, dự báo điểm, và dần tiến tới dự báo định lượng.
Đối với các bản tin thời tiết bình thường, chúng tôi có thể dự báo mưa trước 24 giờ, cảnh báo mưa trước 48 giờ đến 10 ngày.
Các bản tin dự báo khí hậu dự báo xu thế mưa cho địa điểm, khu vực có thể thực hiện trước 1 tháng, 6 tháng, 1 năm. Đây là những bản tin phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, bố trí mùa vụ cây trồng, tích trữ nước thủy lợi, điều tiết hồ chứa…
Hiện nay dự báo mưa đối với vùng xảy ra mưa có độ tin cậy trên 75%, về lượng mưa có thể chính xác trên 65%.
Chúng tôi đang tiến hành đề tài Nghiên cứu, xây dựng và triển khai thử nghiệm hệ thống cảnh báo sớm ngập lụt đô thị dựa trên nền tảng trí tuệ nhân tạo tại TP.HCM. Công nghệ AI sẽ được áp dụng trong dự báo khí tượng thủy văn. Hiện tại các sản phẩm của đề tài đang được thử nghiệm cho khu vực TP Thủ Đức.
Nguyên lý của mô hình này là sử dụng ảnh radar thời tiết, kết hợp phương pháp đồng hóa dữ liệu cao không, ảnh mây vệ tinh, số liệu từ các trạm mặt đất để dự báo mưa. Sau đó chạy chương trình dự báo triều. Từ những kết quả dự báo trên hệ thống tự động sẽ đưa ra bản đồ cảnh báo ngập, lụt.
Bản đồ ngập sẽ mô tả chi tiết vùng ngập trên ứng dụng cài trong điện thoại thông minh.
Bước đầu việc thử nghiệm cho kết quả tương đối tốt. Đề tài này sẽ được cơ quan chức năng nghiệm thu cuối năm nay.
* Ông có thể nhận định chung về xu thế thời tiết Nam Bộ những năm gần đây? Các hình thái thời tiết cực đoan có diễn biến dày hơn, bất thường hơn hay không? Bão vào miền Nam so với trước đây tần suất như thế nào?
- Nhữnghiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc gần đây xuất hiện với tần suất nhiều hơn, thường xuyên hơn, gây ra nhiều hậu quả xấu. Những năm gần đây, hầu như mỗi năm cũng có sét đánh chết người ở các tỉnh Nam Bộ.
Riêng tại TP.HCM có thể liệt kê vài vụ việc điển hình như dông lốc làm gãy đổ cây đè lên ôtô, xe máy, thậm chí rơi trúng người làm bị thương, tử vong, tốc mái tôn, biển quảng cáo…
TP còn có nhiều ngày xuất hiện hiện tượng trời mịt mù giống sương mù từ sáng đến trưa (hiện tượng này hiếm xảy ra trước đây). Nhiệt độ không khí cũng có xu hướng tăng khi có từng đợt kéo dài nhiệt độ không khí trong ngày đạt trên 35độ C.
Về bão, áp thấp nhiệt đới cũng xuất hiện nhiều hơn ở vùng biển phía Nam, thậm chí ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Nam Bộ. Thống kê cho thấy từ năm 1951 – 1997 chỉ có một cơn bão xuất hiện ở Nam Bộ (Linda). Nhưng những năm gần đây trung bình 4-5 năm xuất hiện một cơn (năm 2006 là Durian, 2012 là Pakhar, 2017 là Tembin, 2018 là Usagi).
* Trang thiết bị của Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ có đảm bảo để công tác dự báo chính xác, ít sai số nhất giúp người dân phòng tránh, giảm thiệt hại?
- Thời gian gần đây ngành chúng tôi được đầu tư nhiều trang thiết bị, máy móc hiện đại, các thiết bị quan trắc thủ công dần được thay thế bằng thiết bị quan trắc tự động, như thiết bị đo mưa, mực nước, trạm tự động.
Hiện nay chúng tôi có 154 trạm thủy văn tự động, 308 trạm đo mưa tự động trên hầu hết các tỉnh thành Nam Bộ. Ngoài ra còn rất nhiều trang thiết bị phục vụ cho công tác dự báo nhanh nhất có thể.
* Việc phổ biến thông tin dự báo đến người dân hiện nay được cơ quan thực hiện trên những kênh nào?
- Chúng tôi đưa các bản tin dự báo lên trang web của mình, chuyển tới kênh phát thanh VOH (Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM), VTV (Trung tâm truyền hình cảnh báo thiên tai, Ban thời sự Đài truyền hình Việt Nam), gửi Ban chỉ huy phòng chống thiên tai TP.
Trước đây chúng tôi phát triển ứng dụng News thời tiết, tuy nhiên ứng dụng còn một số lỗi cần khắc phục. Chúng tôi đang xây dựng lại ứng dụng mới thay thế, sẽ sớm đưa vào sử dụng trong tháng 10 năm nay.
Đưa Củ Chi lên thẳng thành phố
Huyện Củ Chi sẽ không lên quận mà phát triển thành TP trực thuộc TP.HCM. Bí thư Huyện ủy Củ Chi định hướng phát triển trung tâm logistics, xây dựng hồ phát triển cảnh quan, hình thành các khu dưỡng lão 5 sao.
Video đang HOT
Khu trung tâm huyện Củ Chi, TP.HCM - Ảnh: T.P.
Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với bí thư Huyện ủy Củ Chi Nguyễn Quyết Thắng sau hội thảo về tầm nhìn phát triển huyện Củ Chi trong thời gian tới.
Phải nhanh chóng triển khai cao tốc An Sương đi Mộc Bài, đường vành đai 3 sớm kết nối Củ Chi, Hóc Môn với phía đông TP.HCM và tỉnh Đồng Nai. Đồng thời tập trung tháo gỡ những vướng mắc các dự án quy hoạch trên địa bàn huyện, đặc biệt là khu đô thị Tây Bắc, Thảo cầm viên Sài Gòn để sớm đi vào hoạt động...
Ông Võ Văn Hoan (phó chủ tịch UBND TP.HCM)
Không lên quận, phải là thành phố
* Nhiều chuyên gia đánh giá huyện Củ Chi là địa phương rất giàu tiềm năng nhưng phát triển chưa tương xứng, theo ông, nguyên nhân do đâu?
- Huyện Củ Chi nhìn bề ngoài có vẻ phát triển nhưng bên trong chủ yếu là đất nông nghiệp, hạ tầng giao thông kém phát triển. Các trục đường chính hiện nay như quốc lộ 22, tỉnh lộ 8, tỉnh lộ 15... đã quá tải, kém an toàn. Quy hoạch giao thông của Củ Chi cần tính toán lại.
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng của huyện phát triển không đảm bảo, huyện dù có nhiều khu công nghiệp nhưng hạ tầng bên ngoài chật hẹp khiến việc vận chuyển hàng hóa không thuận lợi. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn nhiều ngành công nghiệp thâm dụng lao động. Dịch bệnh đã bộc lộ nhiều hạn chế của các doanh nghiệp thâm dụng lao động này.
* Có ý kiến cho rằng nên giữ lại tỉ lệ đất nông nghiệp theo hướng "giữ làng trong phố" để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, phát triển du lịch sinh thái... Định hướng phát triển sắp tới của Củ Chi là gì?
- Củ Chi sẽ phát triển theo hướng đô thị sinh thái, TP trực thuộc TP.HCM. Củ Chi sẽ không lên quận. Củ Chi sẽ đối trọng với Cần Giờ là hai đô thị sinh thái.
Lên TP, Củ Chi sẽ không bỏ đất nông nghiệp. Củ Chi có nguồn lực đất đai kết hợp với nguồn lực huy động bên ngoài để phát triển theo hướng đô thị thông minh, đô thị sinh thái, phát triển nông nghiệp công nghệ cao và công nghiệp công nghệ cao.
Củ Chi phải thu hút được nguồn lực, nâng cao giá trị khai thác đất, hình thành các khu công nghiệp công nghệ cao, thu hút doanh nghiệp sản xuất nông sản sạch. Củ Chi cũng phải có trách nhiệm giữ sạch nguồn nước đầu nguồn, không để ô nhiễm môi trường nên không khuyến khích các ngành thâm dụng lao động, gây ô nhiễm.
* Vậy việc phát triển cảnh quan, môi trường để phát triển đô thị sinh thái ra sao?
- Sắp tới trong xây dựng quy hoạch của huyện, tôi sẽ đề xuất xây dựng hồ cảnh quan với quy mô từ vài chục đến 100ha. Khi có hồ, xung quanh sẽ tạo cảnh quan môi trường, trồng cây, công viên giải trí, sinh hoạt văn hóa kèm theo các đường nhánh xung quanh phát triển các khu dịch vụ, thương mại, ẩm thực... để thu hút du khách.
Bí thư Huyện ủy Củ Chi Nguyễn Quyết Thắng
Củ Chi phù hợp có một trung tâm logistics
* Chuyên gia cho rằng Củ Chi là địa phương thuận lợi để hình thành một trung tâm logistics. Ông nghĩ sao?
- Hiện TP.HCM đang thúc đẩy khép kín đường vành đai 3, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, khởi động đường ven sông Sài Gòn. Đây là những điểm nhấn về giao thông nếu được đầu tư sẽ giảm bớt ùn tắc các tuyến đường, tạo sự liên kết vùng.
Đồng thời, Củ Chi cũng cần có đường kết nối xuyên suốt từ đông sang tây, hình thành các cảng và trung tâm logistics. Trung tâm này sẽ kết nối các khu công nghiệp của Bình Dương, Tây Ninh, Long An... và tạo dịch vụ hậu cần cho TP.
Vừa qua có nhiều nhà đầu tư muốn xây dựng cảng tại Củ Chi. Đây cũng là mong muốn của tôi khi về Củ Chi.
Trung tâm logistics tại Củ Chi là định hướng rất phù hợp với địa bàn này. Cảng này phải từ 100ha trở lên, chứa các dịch vụ hậu cần logistics và xung quanh sẽ quy hoạch các kho lạnh dự trữ nông sản và thực phẩm để bình ổn giá cả thị trường TP.
* Có ý kiến cho rằng du lịch Củ Chi chỉ nghĩ đến địa đạo và hết. Ông nghĩ gì về ý tưởng huyện Củ Chi phải có một khu vui chơi tầm cỡ như Disneyland để thu hút du khách?
- Việc này trong quy hoạch sẽ tính tới, nếu có nhà đầu tư thì địa phương sẽ ủng hộ hình thành các khu vui chơi như vậy để tạo điểm nhấn. Đúng là hiện nay, huyện Củ Chi đang thiếu các dịch vụ giữ chân du khách. Du khách chỉ xuống địa đạo rồi về, không có điểm để mua sắm, vui chơi.
Củ Chi có vườn cây trái, làng nghề... sẽ tổ chức các chuỗi du lịch kết hợp với địa đạo. Ở đây có mắm chua, rau móp, bánh tráng Phú Hòa Đông, có những sản phẩm nhiều nơi có nhưng không đâu ngon như Củ Chi. Địa phương đang nghiên cứu các sản phẩm đặc thù để đăng ký xuất xứ hàng hóa, quảng bá thương hiệu Củ Chi.
Bên cạnh đó, sắp tới sẽ có nhà đầu tư đến Củ Chi để nghiên cứu hình thành trại dưỡng lão 5 sao. Khu dưỡng lão dành cho người lớn tuổi có nhu cầu sinh hoạt chung, có các dịch vụ về y tế, chăm sóc sức khỏe.
Cụm trường học và trung cấp nghề Củ Chi trên đường DT8, huyện Củ Chi, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.
Hạn chế thấp nhất việc phân lô bán nền
* Giải pháp để tháo gỡ điểm nghẽn, thu hút nhà đầu tư để phát triển Củ Chi theo những định hướng trên là gì?
- Hiện nay, bên cạnh hạ tầng giao thông kém phát triển, công tác quản lý đất đai có một số vấn đề là một trong những điểm nghẽn trong thu hút nhà đầu tư. Huyện đang cố gắng khắc phục, phải hạn chế thấp nhất việc phân lô bán nền nhỏ lẻ, không kết nối với các hạ tầng kỹ thuật, tạo ra những khu dân cư nhếch nhác.
Quỹ đất nông nghiệp của huyện cũng sẽ chuyển đổi một phần vì sản xuất nông nghiệp truyền thống không có sản lượng cao. Phải chuyển đổi đất nông nghiệp để phát triển công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ có giá trị gia tăng cao hơn.
Đồng thời, bài toán phát triển phải tính toán đầy đủ, hài hòa các mặt kinh tế, an sinh xã hội, an ninh trật tự, quốc phòng an ninh... Bài toán này cần phải có sự quyết tâm, có trí tuệ của nhiều người, sự tiếp thu của địa phương, sự lãnh đạo của TP thì mới thực hiện được mục tiêu đề ra.
Tuyến đường trung tâm huyện Củ Chi (TP.HCM) kết nối tỉnh Bình Dương và Long An - Ảnh: TỰ TRUNG
Bà Nguyễn Thị Lệ (chủ tịch HĐND TP.HCM):
Củ Chi quyết tâm lên TP trực thuộc TP.HCM
Củ Chi đang là một huyện có tốc độ đô thị hóa và tăng dân số cơ học nhanh. Nhiều tiêu chí về kinh tế - xã hội và cơ sở hạ tầng phát triển theo hướng đô thị đã dần đạt theo các tiêu chuẩn của TP trực thuộc.
Chính vì vậy, trong giai đoạn 2020 - 2030, huyện Củ Chi quyết tâm phát triển lên TP trực thuộc TP.HCM. Để đạt được mục tiêu đó, đòi hỏi chính quyền phải nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực gắn với nâng cao trình độ, năng lực, kinh nghiệm, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ huyện đến cơ sở.
Bên cạnh đó, huyện phải rà soát tất cả các dự án đầu tư công; đánh giá tính khả thi, xây dựng kế hoạch đăng ký công tác chuẩn bị đầu tư nhằm tạo thế chủ động trong việc thực hiện các dự án trên địa bàn huyện. Đồng thời phải đảm bảo kỹ cương và phòng chống tham nhũng, lãng phí.
Du khách tham quan địa đạo Củ Chi - Ảnh: Q.ĐỊNH
Ông Huỳnh Đăng Nhựt Tâm (giám đốc Công ty du lịch Thương Hiệu Việt):
Cần thu hút được nhà đầu tư lớn, có tầm
Muốn nâng cấp các sản phẩm du lịch, Củ Chi được đầu tư thêm và phát triển cơ sở hạ tầng, đường sá...
Dù cách trung tâm TP hơn 30km nhưng để đi đến Củ Chi du khách vẫn mất hơn 2,5 giờ đồng hồ. Thời gian đi lại này rất khó để doanh nghiệp phát triển sản phẩm du lịch. Vì tour phải luôn đi quá buổi, rất khó triển khai hoạt động khác vì khách phải quay lại TP trong ngày.
Đây chính là lý do khiến lượng khách đổ về Củ Chi chưa nhiều và luồng khách quay trở lại lần 1, lần 2 cũng ít do cảm thấy không có nhiều thú vị.
Tiềm năng phát triển du lịch của Củ Chi là không còn phải bàn cãi. Hiện TP.HCM đã đưa vào khai thác sản phẩm du lịch đường thủy kết nối giữa trung tâm TP với huyện Củ Chi nhưng chưa phát huy hiệu quả vì hạ tầng còn hạn chế.
Củ Chi còn có thể phát triển du lịch miệt vườn, du lịch sinh thái, tour đường thủy... đa dạng sản phẩm thì mới hút được du khách.
Mô hình dưỡng lão, du lịch nghỉ dưỡng hay trung tâm giải trí lớn đều rất phù hợp với Củ Chi... Nhưng trước hết phải cải thiện được hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, vì những trục đường chính đến Củ Chi đều luôn trong tình trạng kẹt xe, mà làm du lịch để kẹt xe thì xem như thua.
Quan trọng nữa là cần tìm được những nhà đầu tư lớn, có tầm nhìn để thay đổi thực sự mảnh đất này. Bởi Củ Chi đã từng có những dự án quy hoạch lớn nhưng vẫn chưa thể triển khai do năng lực của nhà đầu tư.
Ngoài hạ tầng, yếu tố lao động cũng cần được xem xét từ bây giờ. Dù là thuộc TP, nơi cung cấp hàng triệu lao động trong ngành dịch vụ, du lịch nhưng lao động có tay nghề ở Củ Chi thiếu rất trầm trọng.
Giải quyết bài toán hạ tầng, giúp việc đi lại dễ dàng hơn thì cũng sẽ tháo được nút thắt thu hút lao động có tay nghề về làm việc ở Củ Chi.
N.BÌNH ghi
Ông Đinh Vĩnh Cường (chủ tịch Tập đoàn 365):
Tận dụng đường sông phát triển logistics
Hơn hai năm trước, chúng tôi có đưa một số nhà đầu tư Nhật Bản đến Việt Nam để tìm nơi xây dựng trung tâm logistics lớn.
Khi đi ngang qua Củ Chi, nhà đầu tư thấy huyện này có lợi thế khi là cửa ngõ phía tây bắc kết nối với trung tâm TP.HCM và các tỉnh miền Tây, thậm chí đi qua Campuchia. Nhà đầu tư đánh giá rằng nếu được đầu tư đúng mức, Củ Chi sẽ là TP đáng sống trong thời gian tới.
Tuy nhiên một điểm nghẽn mà các nhà đầu tư nhận thấy ở đây là giao thông kém, họ đặt câu hỏi rằng liệu các container sẽ di chuyển như thế nào và chính quyền có nghĩ đến việc hình thành một trung tâm logistics ở đây không.
Chúng tôi xin phép chính quyền tạo điều kiện làm cảng logistics, kho bãi tại đây để phục vụ các khu công nghiệp. Hiện vấn đề logistics, kho bãi phục vụ các khu công nghiệp đang rất thiếu trong khi huyện Củ Chi có đến 54km hành lang sông Sài Gòn, tại sao chúng ta không nghĩ đến việc hình thành trung tâm logistics thứ hai tại đây sau Cái Mép, Tân Cảng.
PGS.TS Trương Thị Hiền (chủ tịch Hội Nữ trí thức TP.HCM):
Phát triển du lịch sinh thái, thể thao dưới nước
Ý tưởng quy hoạch không gian huyện Củ Chi dựa trên các trục đường bộ cao tốc hiện đại và đường thủy.
Thứ nhất, trục quốc lộ 22 và cao tốc TP.HCM - Mộc Bài - Tây Ninh - Campuchia có các cụm dịch vụ giải trí như Disneyland Việt Nam. Đây là khu dịch vụ du lịch, sinh thái, thể thao dưới nước, các khu an dưỡng, sinh thái dọc kênh An Hạ đến sông Sài Gòn. Tuyến này cũng nên có thêm cụm các bệnh viện, trung tâm y tế đa khoa, chuyên khoa cao cấp, khu Đại học Quốc gia 2, Khu công nghệ cao 2.
Thứ hai là trục dọc đường vành đai 4, tỉnh lộ 7 và 8. Trung tâm là thị trấn Củ Chi lan tỏa theo trục này về Long An qua xã Tân An Hội, giao quốc lộ 22 về khu Đại học Quốc gia 2 và Khu công nghệ cao 2, Khu công viên phần mềm 2.
Các yếu tố này kết thành cụm khoa học - công nghệ cao như Thung lũng Silicon ở Mỹ. Từ thị trấn Củ Chi theo tỉnh lộ 8 về Bình Dương sẽ là khu du lịch, thể thao, sinh thái, nông nghiệp sinh thái.
Thứ ba là dọc ven sông Sài Gòn phát triển các khu du lịch cao cấp, ven sông như du lịch sinh thái, du lịch thể thao dưới nước, du lịch tâm linh. Cụm này cũng hình thành các khu nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao, ngưng phát triển nông nghiệp truyền thống.
THẢO LÊ ghi
TS Nguyễn Ngọc Hiếu (giảng viên quản trị đô thị ĐH Việt Đức):
Sử dụng công cụ quy hoạch và thuế để hạn chế đầu cơ đất
Theo quy luật chung, giá bất động sản sẽ tăng sau khi hạ tầng, tiện ích của một khu vực được đầu tư. Tại các đô thị đang phát triển thì những dự án hạ tầng mang tính kết nối hoặc phục vụ cho một khu vực, hoặc thông tin về việc phát triển đô thị luôn là những thông tin được quan tâm. Tuy nhiên, từ ý tưởng đến thực tế còn phụ thuộc nhiều yếu tố.
Chính sách nhà nước cần cải thiện để hạn chế tác hại của hành vi và trào lưu đầu cơ đất đai bằng nhiều công cụ như: lập khu vực phát triển theo cơ chế khai thác tiềm năng tăng giá đất để chi trả đầu tư phát triển hạ tầng tại chỗ, sử dụng thuế gia tăng giá trị tài sản sau khi phát triển, hoặc quyền ưu tiên mua đất kề cận ở những nơi sẽ tăng giá nhờ dự án đầu tư công.
Về mặt kinh doanh, đầu cơ đất không vi phạm pháp luật, nhưng trong thị trường còn "hỗn mang", Nhà nước có trách nhiệm hạn chế và trừng phạt các "cá mập" trục lợi, lôi kéo những người ít kinh nghiệm vào cuộc chơi rủi ro cao.
D.N.HÀ ghi
43.000ha
Đó là diện tích huyện Củ Chi, chiếm 1/4 diện tích TP nhưng chủ yếu là đất nông nghiệp, còn nhiều quỹ đất để phát triển nông nghiệp - công nghiệp công nghệ cao, hạ tầng giao thông...
TP.HCM không cho tàu thuyền xuất bến nếu thiếu thiết bị an toàn, cứu sinh, cứu đắm Cảnh sát đường thủy TP.HCM xử lý nghiêm các lỗi là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn như sử dụng phương tiện không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, người điều khiển không có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn. Lực lượng Phòng PC08B tuyên truyền cho người dân sử dụng phương tiện đường thủy - Ảnh: PC08B Thực...