Có thể bị xử lý hình sự nếu đưa đề ra ngoài lúc đang thi
Cán bộ coi thi bị buộc thôi việc hoặc đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu làm lộ đề thi, mua, bán đề thi…
Hướng dẫn thực hiện Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo dành một phụ lục cho công tác coi thi. Trong đó, lưu ý đầu tiên được nhắc đến là trước mỗi buổi thi, trưởng điểm thi đảm bảo các phương tiện thu, phát thông tin cá nhân (nếu có) của tất cả người làm nhiệm vụ tại điểm thi phải được lưu giữ tại phòng trực của điểm thi.
Ngoài thí sinh, các cán bộ làm thi cũng không được mang thiết bị thu phát vào phòng thi. Ảnh: Ngọc Thành.
Điều 22 của Quy chế cũng quy định, khi thực hiện nhiệm vụ coi thi, cán bộ coi thi không được mang các thiết bị thu phát thông tin, không được làm việc riêng, hút thuốc hoặc sử dụng đồ uống có cồn. “Cán bộ coi thi phải bảo vệ đề trong giờ thi, không để lọt đề ra ngoài phòng thi”, văn bản nêu.
Quy chế nêu rõ các hình thức xử lý với cán bộ tham gia tổ chức thi nếu vi phạm. Cụ thể, người tham gia tổ chức thi là công chức, viên chức có hành vi vi phạm quy chế thi (bị phát hiện trong hoặc sau kỳ thi) sẽ bị đình chỉ làm công tác thi và đề nghị cơ quan quản lý cán bộ áp dụng quy định của pháp luật về công chức, viên chức để xử lý kỷ luật.
Mức phạt cảnh cáo áp dụng đối với người phạm một trong các lỗi: để thí sinh quay cóp, mang tài liệu và vật dụng trái phép vào phòng thi; chấm thi không đúng hướng dẫn hoặc cộng điểm bài thi có nhiều sai sót; ra đề thi vượt quá phạm vi chương trình THPT; truyền dữ liệu thi không đúng cấu trúc, không đúng thời hạn, không đúng quy định của Bộ Giáo dục.
Video đang HOT
Tuỳ theo mức độ vi phạm, cán bộ làm thi có thể bị hạ bậc lương, hạ ngạch, cách chức hoặc chuyển đi làm công tác khác nếu vi phạm một trong các lỗi như: ra đề thi sai; trực tiếp giải bài thi hoặc hướng dẫn cho thí sinh lúc đang thi; lấy bài thi của thí sinh này giao cho thí sinh khác; gian lận khi chấm thi, cho điểm không đúng quy định, vượt khung hoặc hạ điểm của thí sinh.
Hình thức buộc thôi việc hoặc đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự được áp dụng khi cán bộ vi phạm lỗi: đưa đề thi ra ngoài khu vực thi hoặc đưa bài giải từ ngoài vào phòng thi trong lúc đang thi; làm lộ đề thi, mua, bán đề thi; làm lộ số phách bài thi; sửa chữa, thêm, bớt vào bài làm của thí sinh; cố ý chữa điểm trên bài thi, trên biên bản chấm thi hoặc trong bảng điểm; đánh tráo bài thi, số phách hoặc điểm thi của thí sinh; gian dối trong việc sửa chữa học bạ, hồ sơ của thí sinh.
Những người vi phạm lần đầu các hành vi dưới mức quy định tại các điểm trên, bị xử lý khiển trách. Cán bộ làm mất bài thi của thí sinh khi thu bài, vận chuyển và bảo quản bài thi, chấm thi hoặc có những sai phạm khác trong công tác tổ chức thi, tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị kỷ luật theo một trong các hình thức kỷ luật như đã nêu.
Theo quy chế, mỗi phòng thi THPT quốc gia sẽ có hai cán bộ coi thi, trong đó một là giáo viên trường phổ thông hoặc THCS trên địa bàn tỉnh, một là giảng viên, chuyên viên các phòng ban và tương đương của đại học, cao đẳng phối hợp.
Tại kỳ thi vào lớp 10 của Hà Nội ngày 7/6, cán bộ coi thi Nông Hoàng Phúc ở điểm thi THPT Vân Nội (Đông Anh) đã mang điện thoại vào phòng thi, chụp ảnh và chuyển cả hai đề môn Toán, Ngữ văn ra bên ngoài. Người này sau đó bị đình chỉ công tác coi thi, tạm đình chỉ công tác ở trường THCS Mai Đình (Sóc Sơn) 30 ngày để công an điều tra làm rõ sự việc.Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, sau khi có kết luận của công an, ngành giáo dục sẽ ra quyết định xử lý cán bộ. Ngoài thầy giáo làm lọt đề, 8 người khác gồm cả trưởng điểm thi, phó trưởng điểm thi, cán bộ coi thi cùng phòng thầy Phúc… cũng bị xử lý trách nhiệm.
Quỳnh Trang
Theo vnexpress.net
Đề thi THPT quốc gia được in sao như thế nào?
Ban in sao phải đọc soát đề gốc trước khi in, nếu phát hiện sai sót sẽ báo với Chủ tịch Hội đồng thi đề nghị Ban chỉ đạo thi quốc gia xử lý.
Hướng dẫn thực hiện Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ quy trình in sao đề.
Sau khi tiếp nhận đề thi gốc còn nguyên niêm phong từ Bộ Giáo dục do Chủ tịch Hội đồng thi chuyển đến, Ban in sao phải đọc soát đề gốc, kiểm tra kỹ bản in sao thử và so sánh với bản đề gốc. Trường hợp phát hiện sai sót hoặc có nội dung còn nghi vấn trong đề gốc, bộ phận này phải báo cáo Chủ tịch Hội đồng thi để đề nghị Ban Chỉ đạo thi quốc gia xử lý.
"Mọi thông báo (nếu có) ở phòng trực tiếp in sao đề thi THPT quốc gia đều do Trưởng ban in sao đề trực tiếp trao đổi miệng với cán bộ công an đóng chốt ở vòng hai. Công an này dùng phương tiện liên lạc duy nhất là điện thoại cố định có loa ngoài, ghi âm, để báo tin cho Ban chỉ đạo thi", một cán bộ tham gia in sao đề THPT quốc gia những năm trước cho biết.
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2017. Ảnh: Quỳnh Trang.
Đơn vị in sao đề trước đó phải làm việc với lãnh đạo cụm thi, nắm chính xác số lượng thí sinh của từng phòng thi, điểm thi, môn thi để tổ chức in sao theo đúng số lượng được giao. Trong quá trình in, các cán bộ in sao phải kiểm soát các con số này để tổ chức phân phối đề, ghi tên điểm thi, phòng thi, môn thi và số lượng đề, giờ phát đề vào từng phong bì chứa đề.
Đối với bài tổ hợp, hướng dẫn của Bộ quy định, việc in sao, đóng gói được thực hiện với từng môn thi thành phần, đề được xếp trong từng phong bì theo thứ tự tăng dần của mã đề. Các túi đề của môn thành phần được đóng gói vào một bì chung, ngoài bì ghi rõ: tên môn thi thành phần của bài Khoa học xã hội hoặc Khoa học tự nhiên, ngày thi, phòng thi và điểm thi.
Đề thi của mỗi bài trắc nghiệm, khi in sao từng mã đề, dập ghim xong (nếu có) mới chuyển sang in sao mã đề khác. Cán bộ in sao phải kiểm tra đúng mã đề, số lượng tờ, thứ tự sắp xếp và chất lượng bản sao. Những bản in thử, hỏng phải được thu lại, bảo quản theo chế độ mật.
"Phải đóng gói đúng số lượng đề, môn thi ghi ở phong bì chứa đề. Mỗi môn thi ở điểm thi phải có đề dự phòng cho ít nhất 2 phòng thi với số lượng tối đa (đối với đề trắc nghiệm phải có đủ tất cả mã đề cho mỗi phòng), được đóng trong các bì riêng biệt rồi được đóng chung trong một bì đề ghi rõ: Đề thi dự phòng và thông tin về bài thi, ngày thi, buổi thi", hướng dẫn thực hiện Quy chế thi THPT quốc gia nêu.
Túi đề của các môn thi, bài thi khác nhau sẽ được Ban đề thi mã hóa để dễ phân biệt, ví dụ dùng các túi có màu sắc, dây buộc và giấy dán màu khác nhau...
Sau khi hoàn tất đóng gói đề thi, trưởng ban in sao sẽ quản lý phong bì đề, kể cả các bản in thừa, in hỏng, mờ, xấu, rách, bẩn đã bị loại ra. Các túi đề đã niêm phong sẽ được chuyển cho Ban vận chuyển và bàn giao đề. Tùy điều kiện thực tế của từng địa phương, Chủ tịch Hội đồng thi sẽ quyết định phương án và thời gian giao đề cho các điểm thi, trên cơ sở đảm bảo an toàn, bảo mật.
3 vòng cách ly độc lập của khu vực in sao Vòng 1 - Vòng in sao đề thi: Chỉ gồm các cán bộ in sao đề thi, tiếp xúc trực tiếp với đề thi. Đây là khu vực khép kín, cách ly tuyệt đối với bên ngoài từ khi mở đề thi gốc và bắt đầu in sao đến khi thi xong môn cuối cùng. Cửa sổ các phòng ở khu vực này phải đóng kín, niêm phong; các khoảng trống thông ra bên ngoài được bịt kín bằng vật liệu bền, chắc. Hàng ngày, cán bộ ở vòng một tiếp nhận vật liệu và đồ ăn uống từ bên ngoài chuyển vào qua vòng 2.Vòng 2 - Vòng bảo vệ trong: Chỉ gồm 1-2 cán bộ an ninh bảo vệ và một cán bộ thanh tra trong đoàn thanh tra. Đây là khu vực khép kín, tiếp giáp với vòng 1, cách ly tuyệt đối với bên ngoài đến khi thi xong môn cuối cùng. Vòng 2 là đầu mối giao tiếp giữa vòng 3 với vòng 1. Những người làm việc ở vòng này có nhiệm vụ tiếp nhận vật liệu và đồ ăn uống từ vòng 3 chuyển vào vòng 1; kiểm tra các đồ vật từ vòng 1 chuyển ra (bát đũa, đồ ăn, đồ uống...).Vòng 3 - Vòng bảo vệ ngoài: Tiếp giáp với vòng 2, gồm công an và nhân viên bảo vệ có nhiệm vụ bảo vệ và là đầu mối giao tiếp giữa vòng 2 với bên ngoài. Ở vòng này phải đảm bảo tối thiểu 2 người trực và trực 24/24h.Người không có trách nhiệm tuyệt đối không được vào khu vực in sao đề thi. Trong khu vực in sao đề thi, không được sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc, các loại điện thoại, trừ một điện thoại cố định có loa ngoài SP -phone đặt tại vòng 2 được cán bộ công an kiểm soát 24/24h. Mọi cuộc liên lạc phải bật loa ngoài, phải ghi biên bản hoặc ghi âm.
Quỳnh Trang
Theo vnexpress.net
Thi THPT 2018: Cán bộ coi thi phải đăng ký chữ ký Một trong những điểm mới bổ sung năm nay về đảm bảo an toàn nghiêm túc trong phòng thi của kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD&ĐT yêu cầu cán bộ coi thi phải đăng ký chữ ký để lưu giữ. Kỳ thi đảm bảo trong mỗi phòng thi có 01 cán bộ coi thi (CBCT) là cán bộ, giảng viên của trường...