Có thể bị phạt 30 triệu USD nếu bán hàng giả “online” tại Trung Quốc
Các hãng thương mại điện tử Trung Quốc, bao gồm cả mạng xã hội cho phép người dùng bán hàng hóa, để xảy ra tình trạng bán hàng giả mà không có biện pháp kịp thời sẽ bị phạt nặng…
Trung Quốc vừa thông qua luật thương mại điện tử mới buộc các hãng thương mại điện tử phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng bán hàng giả, trang Tech In Asia dẫn thông tin trên trang web của Quốc hội Trung Quốc (NPC) cho biết.
Từ trước đến nay, theo luật của Trung Quốc, chỉ các nhà cung cấp là cá nhân mới phải chịu trách nhiệm khi bị phát hiện bán hàng giả. Còn theo luật mới, các công ty thương mại điện tử phải đưa ra các biện pháp kịp thời khi có báo cáo về việc bán hàng giả trên các nền tảng của mình. Nếu không có hành động tức thời, các hãng này sẽ phải chịu mức phạt lên tới 30 triệu USD.
Đây là động thái mới nhất của cơ quan chức năng Trung Quốc nhằm chống lại vấn nạn bán hàng giả trên mạng vẫn tồn tại bất chấp nhiều biện pháp của các hãng thương mại điện tử nước này vài năm gần đây.
Điểm đáng chú ý của luật mới này là áp dụng với cả các kênh mua sắm trực tuyến phi truyền thống như mạng xã hội. Điều này có nghĩa là ứng dụng nhắn tin WeChat và ứng dụng video nổi tiếng Douyin – cả hai đều cho phép người dùng bán hàng, sẽ phải tuân thủ các quy định tương tự như 2 hãng thương mại điện tử khổng lồ Alibaba và JD.com.
Hồi tháng 5, Alibaba cho biết đã tịch thu số hàng giả trị giá 700 triệu USD trong năm 2017, tăng 60% so với năm trước. Trong khi đó, các yêu cầu gỡ đăng tải bán hàng giả giảm xuống 42%. Tuy nhiên, tháng 1/2018, sàn thương mại điện tử Taobao của Alibaba lần thứ 2 bị Mỹ liệt vào danh sách web đen bán hàng giả.
Đối thủ chính của Alibaba – JD cũng vướng phải bê bối bán hàng giả hồi tháng 3. Còn Pinduoduo, hãng thương mại điện tử mới nổi của Trung Quốc, cũng bị một nhà sản xuất bỉm của Mỹ kiện ngay trước thềm chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại New York và bị cơ quan chức năng Trung Quốc điều tra với cáo buộc vi phạm bản quyền.
Video đang HOT
Bắt đầu các quy trình pháp lý từ cuối năm 2013, luật thương mại điện tử mới của Trung Quốc chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2019.
Theo vneconomy
Phó Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường: Không để các đối tượng chào bán hàng giả công khai trên mạng
"Thời gian tới các cơ quan chức năng sẽ phối hợp xử lý kiên quyết hơn không để những đối tượng nhỏ lẻ chào bán hàng giả công khai trên mạng như hiện nay", Phó Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường cho biết.
Vẫn còn tình trạng chào bán hàng giả, hàng kém chất lượng... tràn lan trên mạng
Trả lời báo chí bên lề Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm của lực lượng quản lý thị trường ngày 2/8, ông Trần Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương cho rằng, người tiêu dùng không nên ham hàng rẻ mua bán qua mạng để tránh "tiền mất tật mang".
Một loạt các sự việc hàng hóa bị phát hiện không rõ nguồn gốc xuất xứ như vụ phân bón Thuận Phong, vụ công ty TS sản xuất mỹ phẩm giả, hay trước đó là vụ việc của Khải Silk đã khiến cho người tiêu dùng mất lòng tin.
"Việc bán hàng qua mạng trên thế giới là một bước phát triển vượt bậc, tuy nhiên ở cương vị là những người làm công tác quản lý nhà nước thì việc đảm bảo chất lượng của những mặt hàng được chào bán trên mạng internet là một bài toán hết sức đau đầu, cần phải có sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan chức năng.
Hiện nay, vẫn xuất hiện tình trạng các đối tượng buôn bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng kém chất lượng trên các trang mạng.
Để giải quyết vấn đề này thì trước hết chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật, không được để tình trạng này quá buông lỏng như vậy được.
Riêng cá nhân tôi thấy cần nhanh chóng khắc phục vấn đề này trước tiên", ông Hùng cho hay.
Ông Trần Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường.
Sẽ xử lý quyết liệt không để các đối tượng chào bán hàng giả, hàng kém chất lượng công khai
Hiện nay, trên các trang mạng xã hội tình trạng chào bán những sản phẩm kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái rất nhiều.
Không những thế, nhiều thông tin còn cho rằng ở những trang thương mại điện tử đã được cấp phép cũng có thể xuất hiện hàng giả, hàng nhái.
Để hạn chế vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường cho biết: "Cách đây khoảng vài ngày, Bộ Công Thương đã có chỉ đạo Cục thương mại điện tử chủ trì phối hợp với Cục Quản lý thị trường trước ngày 10/8 phải trình kế hoạch cho lãnh đạo Bộ, trong đó cần phải làm rõ vai trò quản lý nhà nước, từng vụ, cục trong Bộ Công Thương và các đơn vị trong Bộ cần phải có sự phối hợp chặt chẽ để giải quyết được các vấn đề khúc mắc.
Cụ thể như những trang mạng điện tử đã được cấp phép thì khi xuất hiện hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái thì không khó xử lý, vì đã có sẵn những quy định, chế tài để xử lý những sai phạm.
Khi đó cơ quan quản lý sẽ trực tiếp xử lý những trang thương mại điện tử đã được cấp phép đó.
Và tới đây, cơ quan quản lý nhà nước sẽ làm quyết liệt hơn với những trang thương mại điện tử đã được cấp phép, không để những đối tượng nhỏ lẻ đi chào bán những mặt hàng giả, hàng kém chất lượng công khai trên thị trường".
Tuy nhiên, để giải quyết triệt để vấn đề này thì cơ quan quản lý cũng đang gặp rất nhiều khó khăn: "Tôi nói đơn giản, những đối tượng chào bán hàng sử dụng mọi phương thức quảng bá, đôi khi chỉ để lại 1 số điện thoại để khách hàng liên hệ, khiến cơ quan chức năng tìm đến rất khó.
Còn có những khi chúng tôi tập trung lực lượng, tìm đến những địa chỉ rao bán thì cuối cùng là những bạn sinh viên bán hàng nhỏ lẻ không có nguồn gốc rõ ràng.
Do vậy, tới đây cũng cần có sự vào cuộc của các cơ quan nhà nước và các đơn vị lớn như Facebook, Google để khi phát hiện những dấu hiệu có thể loại bỏ những sản phẩm kém chất lượng ra khỏi thị trường", ông Hùng nói.
"Tôi cũng khuyến cáo tới người tiêu dùng nên hết sức cảnh tỉnh, đừng tham hàng rẻ mà mua bán qua mạng mà tiền mất tật mang", Phó Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường khuyến cáo.
Châu Anh
Theo phapluatplus
Những nhà lãnh đạo thế giới muốn "quay lưng" với đồng USD Nhiều nhà lãnh đạo thế giới đã từng kêu gọi giảm sự phụ thuộc vào đồng USD trong các giao dịch quốc tế để phá vỡ thế "độc quyền thái quá" của Mỹ. Iran và Iraq là những nước mới nhất trong danh sách những quốc gia tìm cách "xa lánh" đồng USD, thay vào đó lựa chọn sử dụng đồng euro hay...