Có thật dễ trở thành Tiến sĩ tại Việt Nam hơn?
Đánh giá những đổi mới trong quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ là tích cực, GS.TSKH Trần Duy Quý cũng lưu ý không nên quá máy móc.
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT về Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ thay thế Thông tư 08/2017/TT-BGDĐT. Đi kèm với Thông tư 18 là Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ.
So với Thông tư 08/2017, Thông tư 18/2021 có nhiều điểm thay đổi như bổ sung việc chấp nhận các sách chuyên khảo, các công bố tại các tạp chí trong nước có chất lượng tốt; bổ sung minh chứng về trình độ ngoại ngữ; điều chỉnh tăng số lượng nghiên cứu sinh được hướng dẫn trong cùng một thời gian cụ thể; thay đổi mốc thời gian đào tạo, thay đổi quy trình phản biện…
Trao đổi với Đất Việt, GS.TSKH Trần Duy Quý, nguyên Ủy viên Hội đồng chức danh Giáo sư liên ngành Nông nghiệp-Lâm nghiệp, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp đánh giá, những thay đổi trong Thông tư 18 là tích cực và ngày càng khó hơn, đặc biệt bắt buộc nghiên cứu sinh phải có trình độ ngoại ngữ để tham khảo tài liệu, tiếp cận với tri thức thế giới, đồng thời có thể giải thích, thuyết trình quốc tế…
GS Quý đặc biệt lưu ý đến thay đổi liên quan đến bài báo quốc tế. Trước hết, theo quy chế mới, các bài báo, báo cáo khoa học xuất bản trong danh mục WoS/Scopus vẫn là yêu cầu để minh chứng cho kinh nghiệm và kết quả nghiên cứu khoa học của nghiên cứu sinh.
WoS (Web of Science) là cơ sở dữ liệu trích dẫn các tạp chí khoa học thế giới được tuyển chọn và quản lý bởi Clarivate Analytics (Mỹ). Nguyên CSDL này được sáng lập năm 1956 bởi Viện Thông tin Khoa học (Institute of Scientific Information), nên một thời gian dài được biết dưới tên gọi là ISI.
Trước đây, quy chế cũ yêu cầu nghiên cứu sinh cần công bố tối thiểu 02 bài báo về kết quả nghiên cứu của luận án trong đó có 01 bài đăng trên tạp chí khoa học thuộc danh mục các tạp chí ISI-Scopus hoặc đã công bố tối thiểu 02 báo cáo bằng tiếng nước ngoài trong kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện hoặc 02 bài báo đăng trên tạp chí khoa học nước ngoài có phản biện.
Những thay đổi trong quy chế đào tạo tiến sĩ được đánh giá là tích cực
Theo GS Quý, danh mục ISI và Scopus khác nhau. Một tạp chí khoa học có thể vừa thuộc danh mục Scopus, vừa thuộc danh mục WoS, tuy nhiên danh mục của ISI có sự chọn lọc hơn, còn danh mục Scopus vẫn có một số tạp chí đáng ngờ.
Tùy theo uy tín của từng loại tạp chí mà điểm số dành cho bài báo khoa học đăng trên đó khác nhau. Chẳng hạn, một bài báo được đăng trên tạp chí Nature của Mỹ có thể được tới 25-30 điểm và người nào đăng được một bài trên tạp chí này chắc chắn bảo vệ được TSKH.
Video đang HOT
Bên cạnh đó, tùy từng tạp chí mà người đăng vừa phải xếp hàng vừa phải mất tiền để được đăng bài, hoặc được trả tiền nếu có bài đăng. Chẳng hạn, khi gửi bài đăng trên tạp chí Công nghệ sinh học của Anh, người viết có thể được trả 500 bảng Anh. Đó thường là bài được tạp chí đặt, nêu tổng quan tình hình và xu hướng phát triển, xu hướng, nhận định, đánh giá… không phải đăng công trình khoa học.
Thay đổi của quy chế mới được GS Quý đánh giá cao là quy chế mới đã bổ sung việc chấp nhận các sách chuyên khảo, các công bố tại các tạp chí trong nước có chất lượng tốt theo khung tiêu chuẩn đánh giá của Hội đồng Giáo sư Nhà nước (0,75 điểm trở lên). Cách tính điểm sẽ căn cứ khung điểm tối đa của Hội đồng Giáo sư Nhà nước quy định, với tổng điểm đối với người đủ điều kiện hướng dẫn nghiên cứu sinh là 4,0 và đối với đầu ra của nghiên cứu sinh là 2,0.
“Rõ ràng, Việt Nam đã rút kinh nghiệm, điều kiện ngày càng khó hơn. Song cũng có một thực tế là, nếu đạt được tiêu chuẩn như vậy, trình độ ngoại ngữ tốt thì hầu hết người làm khoa học sẽ ra nước ngoài, vì ở nước ngoài có điều kiện tốt hơn, họ được phát huy sở trường, năng lực của mình, được học bổng cao.
Tất nhiên, việc này cũng tùy trường hợp cụ thể mà linh hoạt. Chẳng hạn, đối với những ngành chuyên sâu, chỉ có Việt Nam làm sâu thì nên ưu tiên thực hiện trong nước. Ngành lúa là một ví dụ, ai hiểu về lúa sâu như người Việt Nam?”, GS.TSKH Trần Duy Quý nói.
Ông cũng lưu ý đến tính hai mặt của các bài báo quốc tế. Theo đó, muốn đăng bài báo ở nước ngoài, họ truy đến tận cùng, cặn kẽ, khó mà giấu được những bí quyết. Như phát hiện những đột biến trong lúa lai, tạo ra những dòng khác, nếu bài báo quốc tế mô tả hết, nước ngoài bắt chước thì Việt Nam bị… hớ.
Tương tự, có những bí mật liên quan đến công nghệ, không thể đăng tải hết trên tạp chí quốc tế, như công nghệ nuôi tôm vừa được cải tiến, tăng khả năng cạnh tranh với nước khác thì chúng lại được đăng tải trên tạp chí quốc tế. Những nước đang cạnh tranh với Việt Nam có điều kiện ứng dụng nhanh hơn nhiều lập tức sử dụng những thông tin này để làm lợi cho họ, phía Việt Nam lại chịu thiệt.
Ông dẫn thêm ví dụ, để hạn chế việc ăn cắp công nghệ, trước đây, ở những lĩnh vực sâu, công nghệ, mang tính bí quyết, các công bố ở Trung Quốc chủ yếu đăng bằng tiếng Trung, còn Nhật đăng chủ yếu bằng tiếng Nhật.
Cho nên, việc đăng bài trên tạp chí trong nước có chất lượng tốt, theo GS Quý, còn giúp cho việc tiếp cận của nước ngoài với những bí quyết, bí mật quốc gia khó hơn.
Bên cạnh đó, ông cũng lưu ý, trong quốc phòng, công nghệ thông tin mới nếu cứ dựa nguyên si theo những gì bài báo quốc tế đăng để làm theo thì rất khó thành công, mà đòi hỏi phải “xê dịch”, nghiên cứu xung quanh công thức bài báo đưa ra, làm thử nhiều lần.
“Cho nên, không thể máy móc mà phải nhạy bén trong từng lĩnh vực cụ thể, phù hợp với thời đại.
Thay đổi của Bộ GD-ĐT cũng sẽ xóa bỏ được nạn thuê viết bài báo quốc tế, những bài báo lá cải đăng ở tạp chí quốc tế. Thực tế cho thấy, nhiều người phải đóng 300-400 USD, thậm chí cả nghìn USD để được đăng bài trên tạp chí quốc tế. Đôi lúc, bài báo quốc tế viết bằng tiếng Việt, sau đó được thuê dịch ra tiếng nước ngoài, cách làm ấy chỉ là đối phó”, GS Quý nhận xét.
Bên cạnh những thay đổi như trong quy chế mới, để thực chất hơn, GS.TSKH Trần Duy Quý đề nghị Bộ GD-ĐT cần thêm cả những nghiên cứu mang tính ứng dụng, tức nghiên cứu sinh phải có được những ứng dụng trong doanh nghiệp hay trong thực tiễn, từ đó đánh giá điểm ứng dụng ngang bằng với những bài báo xuất sắc trên các tạp chí lớn.
Ví dụ, trong tạo giống, việc đăng cả chục bài báo quốc tế nhưng không ra được giống nào để người dân hay doanh nghiệp dùng thì không có ý nghĩa gì. Trong khi đó, có người chỉ cần đăng 2 bài nhưng được 2 giống và đem ứng dụng rộng rãi thì tốt hơn nhiều.
Quy chế mới đào tạo tiến sĩ đã không tiến bộ lại còn giảm "chuẩn"
So với Thông tư 08/2017 thì Thông tư 18/2021 không có nhiều điểm mới ngoại trừ giảm các tiêu chuẩn đầu ra của tiến sỹ.
Tháng 6 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 18 về Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ 15/8/2021 và thay thế Thông tư số 08/2017/TT-BGDĐT ngày 4/4/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Theo lý giải của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thông tư 18 thay thế một số nội dung có trong Thông tư 08 do "có một số quy định không còn phù hợp với quy định của luật 34 và Nghị định số 99/2019/NĐ- CP" và "Tăng cường quy định đảm bảo liêm chính học thuật, học thật, nghiên cứu thật".
Tuy nhiên, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Sóng Hiền - thành viên Liên đoàn giáo dục độc lập Australia cho rằng, nhìn từ thực tế cho thấy, so với Thông tư 08/2017 thì Thông tư 18/2021 không có nhiều điểm mới ngoại trừ giảm các tiêu chuẩn đầu ra của tiến sỹ.
Cụ thể, về công bố quốc tế, Thông tư 18 cho phép chấp nhận các sách chuyên khảo, các công bố trên tạp chí trong nước trong khi độ tin cậy và chỉ số ảnh hưởng của những tạp chí này trong giới nghiên cứu học thuật quốc tế không cao.
Ông Nguyễn Sóng Hiền (ảnh: NVCC)
Bên cạnh đó, tăng số lượng nghiên cứu sinh từ 5 lên 7 người đối với một giáo sư và theo lý giải của Bộ Giáo dục và Đào tạo là "nhằm thu hút, tận dụng tri thức nhưng không làm giảm chất lượng đào tạo" tuy nhiên điều này hết sức nghịch lý.
Ông Nguyễn Sóng Hiền phân tích: "Giáo sư cũng là một giảng viên, ngoài hướng dẫn nghiên cứu sinh họ còn phải tham gia giảng dạy, xuất bản công trình nghiên cứu, tham gia và điều hành các dự án nghiên cứu khác theo quy định. Với lượng thời gian và công việc như vậy thì không thể đảm bảo chất lượng đầu ra nghiên cứu sinh khi hướng dẫn độc lập đến 7 người.
Ngay cả những giáo sư có kinh nghiệm giảng dạy và nghiên cứu lâu năm ở Úc họ cũng không thể đảm đương cùng lúc 7 nghiên cứu sinh với tư cách là hướng dẫn chính".
Vị này đặt băn khoăn, phải chăng vì áp lực "sản xuất" nhiều tiến sỹ để đáp ứng nhu cầu chuẩn tiến sỹ cho các trường đại học hoặc có thể để tăng thêm nguồn thu cho các cơ sở đại học từ nguồn đào tạo này cho nên mới có những quy định dễ dãi và phi khoa học như vậy?
Trong khi chúng ta đang nỗ lực để tiếp cận gần hơn với các tiêu chuẩn khoa học quốc tế thì điều này vô hình đẩy nỗ lực đó xa hơn.
Thậm chí ngay cả tiêu chuẩn đầu vào về ngoại ngữ, với tối thiểu IETLS 5.5 trong thang điểm đánh giá của Hội đồng Anh thì những người đạt mức điểm này chỉ mới đạt được các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết ở mức trung bình chưa đủ khả năng có thể đọc và hiểu các văn bản có tính nghiên cứu chuyên ngành thì sao có thể đọc được các tài liệu nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực mình chứ chưa nói tới công bố bài báo trên những tạp chí quốc tế uy tín.
Thậm chí, ngay những học sinh vào trường chuyên Anh ở một số tỉnh trong nước điều kiện đầu vào IETLS đã là 6.5, do đó để đào tạo một tiến sỹ tiếp cận với chuẩn quốc tế thì mức điểm ngoại ngữ đầu vào không thể quá thấp đến như vậy.
"Chúng ta thà chấp nhận số lượng tiến sỹ ít nhưng những người được xã hội tôn vinh cho học vị này phải thực sự xứng đáng với danh vị đó. Họ phải thực sự là những tinh hoa đất nước, phải là những nhà khoa học tiên phong, có sức ảnh hưởng đối với lĩnh vực mình nghiên cứu và có đóng góp thiết thực đối với sự phát triển của nền khoa học nước nhà cũng như cộng đồng khoa học quốc tế.
Chúng ta phải hướng đến đào tạo tiến sỹ là để tạo những người làm khoa học thực thụ, tham gia vào công tác giảng dạy, nghiên cứu chứ không phải tạo ra danh xưng để lòe thiên hạ, để lên chức này, ghế nọ", chuyên gia Nguyễn Sóng Hiền nhấn mạnh.
Cũng theo vị này, một vấn đề quan trọng nếu không nói là mang tính cốt lõi của đào tạo đội ngũ khoa học mà trong Thông tư 18/2021 hoàn toàn không đề cập tới đó là các quy định và nguyên tắc đạo đức và văn hóa nghiên cứu.
Ở Úc, Chính phủ ban hành riêng các quy định và hướng dẫn về văn hóa và đạo đức trong đào tạo và nghiên cứu khoa học. Đặc biệt những nghiên cứu liên quan đến con người, đến trẻ em, hay người khuyết tật. Trong nghiên cứu khoa học, vấn đề đạo đức nghiên cứu luôn luôn được xem như là một yêu cầu bắt buộc vì vậy bất kỳ nghiên cứu nào vi phạm những nguyên tắc hay quy định về vấn đề này có thể bị đình chỉ hay bị hủy bỏ kết quả nghiên cứu.
"Tôi cho rằng Thông tư cần nghiên cứu và bổ sung mục này chứ không nên coi nhẹ nó, có như vậy mới hướng tới thúc đẩy phát triển chất lượng giáo dục tiến gần với các tiêu chuẩn quốc tế", ông Nguyễn Sóng Hiền nhấn mạnh.
Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ: Có đủ thông thoáng? Quy chế tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ vừa được Bộ GD&ĐT ban hành đủ chặt chẽ để kiểm soát chất lượng, và đủ thông thoáng để các cơ sở GDĐH thực hiện quyền tự quyết, tự chủ và chịu trách nhiệm giải trình của mình. Ảnh minh hoạ/internet Đó là nhận định của PGS.TS Vũ Thị Lan Anh - Phó Hiệu...