Cô sinh viên khiếm thị và ‘Giấc mơ nơi thiên đường’
“Mỗi ngày trôi đi là một ngày tôi học cách đem những hạt nắng kết thành một mặt trời ấm áp, để rồi hôm nay tôi nhận ra hạnh phúc tồn tại nơi những trái tim chân thành’, cô gái trẻ Thu Loan kể.
Nghiêm Vũ Thu Loan bên người mẹ luôn hi sinh theo cô con gái suốt chặng đường học tập – Ảnh: K.ANH
Nếu ta nhìn mọi thứ bằng đôi mắt của những thiên thần, ta sẽ thấy cuộc đời đẹp như thiên đường mà ta mơ ước.
Nghiêm Vũ Thu Loan
Trong lời tựa của cuốn sách đầu tay Giấc mơ nơi thiên đường, Loan viết: “Dù chúng ta là ai, hoàn cảnh của chúng ta thế nào thì tôi vẫn biết rằng ở nơi sâu thẳm nhất, mềm mại nhất của trái tim, chúng ta đều cất giấu một khoảng trời an vui, vậy vì sao chúng ta không đem khoảng trời nho nhỏ ấy hóa thành thiên đường mà ta mơ ước”.
Suất học bổng Chắp cánh ước mơ trị giá gần 1 tỉ đồng dành riêng cho các bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn và không có cơ hội tiếp cận với chương trình học đại học vừa được RMIT trao tặng đến Nghiêm Vũ Thu Loan, ghi nhận những nỗ lực không ngừng nghỉ của cô sinh viên khiếm thị với mong ước trở thành một cây bút viết về hiện thực xã hội.
Khát khao học
Căn bệnh mắt bẩm sinh và một tai nạn ngày bé đã vĩnh viễn cướp đi thị lực của cô gái trẻ xinh xắn Thu Loan. Lớn lên bên nếp nhà ở vùng ngoại ô huyện Ứng Hòa của Hà Nội, cô gái nhỏ đã gặp những trở ngại khi biết mình không thể nhìn rõ mọi vật. Loan đến lớp nhưng không thể viết chữ mà chỉ nghe thầy cô giáo giảng.
Video đang HOT
Hết nửa năm lớp 1, Loan đành phải nghỉ học dù gia đình có chạy chữa nhiều nơi vẫn không tìm lại ánh sáng cho cô con gái nhỏ.
Ở nhà, Loan nhờ chị gái dạy cách làm toán, nghe và đọc theo chị nên Loan luôn khát khao được đi học trở lại. Thấy vậy, mẹ của Loan đã đưa cô con gái đến học nội trú tại Trường Nguyễn Đình Chiểu khi cô bé lên 9 tuổi.
Làm quen với chữ nổi một cách nhanh chóng, chỉ sau một năm Loan đã hoàn thành chương trình của hai lớp để lên thẳng lớp 3. Suốt cả thời cấp I rồi cấp II, Loan luôn thể hiện niềm say mê học tập của mình, cô bé thi đậu vào Trường THPT Yên Hòa. Mẹ của Loan lặn lội từ quê lên, thuê nhà trọ ở cạnh trường để lo cho con gái.
“Ngày còn học phổ thông, mình dựa vào bài giảng thu âm, sách nói và các nguồn tư liệu số” – Loan chia sẻ bí quyết.
Thích hoạt động cộng đồng
Từ thời học cấp II, Loan đã cùng một nhóm bạn làm sách nói để chia sẻ với cộng động. Sau đó dự án tạm ngưng, Loan hợp tác với một số chương trình quốc tế tiếp tục làm cho các bạn khiếm thị khác.
Và mới đây, Loan cùng các sinh viên khiếm thị khác lập CLB hỗ trợ những người đồng cảnh ngộ. “Vì mình hiểu những khó khăn, trở ngại của người khiếm thị nên mình rất muốn làm thật nhiều những gì có thể giúp những bạn cùng cảnh ngộ, đặc biệt các bạn đi sau có thêm động lực vươn lên trong học tập, cuộc sống. Mình cũng sẽ làm những hoạt động giúp xã hội thay đổi cách nhìn về người khiếm thị, tạo điều kiện để họ hòa nhập, phát triển bản thân và đóng góp cho xã hội” – Loan chia sẻ.
Gặp Loan trong lần cô có mặt tại đường sách Nguyễn Văn Bình (TP.HCM) chia sẻ, giao lưu với bạn đọc ngày ra mắt tập truyện ngắn đầu tay Giấc mơ nơi thiên đường (NXB Hội Nhà Văn Việt Nam), Loan nói về những câu chuyện đầy màu sắc, giàu nhiệt huyết của các bạn trẻ không ngừng vươn lên trong cuộc sống, trải dài trên hơn 200 trang sách.
Trong sách, Loan viết: “Mỗi ngày trôi đi là một ngày tôi góp nhặt riêng cho mình những hạt nắng lung linh, mỗi ngày trôi đi là một ngày tôi học cách đem những hạt nắng ấy kết thành một mặt trời ấm áp để rồi hôm nay tôi nhận ra hạnh phúc tồn tại nơi những trái tim chân thành”.
Chọn học ngành truyền thông chuyên nghiệp, Loan hi vọng sẽ có kiến thức và kỹ năng để viết lách. “Mình thích viết về xã hội hiện thực và truyền thông giúp nâng cao nhận thức của người khiếm thị cũng như cái nhìn của xã hội về những người khiếm thị” – cô gái trẻ bộc bạch.
Từ năm 14 tuổi đến nay, Loan đã liên tục cộng tác với Hội Người mù TP Hà Nội để chia sẻ về khát vọng, về những gì người khiếm thị đang trải qua. Bên cạnh đó, cô còn làm trợ giảng tiếng Anh cho Trung ương Hội Người mù Việt Nam trong vòng một năm. “Thu Loan đạt điểm số cao trong lớp kỹ năng hòa nhập. Với đức tính cần cù và thông minh, cô đã hoàn tất chương trình bốn năm chỉ trong vòng hai năm” – bà Chu Thị Thu Hà, phó chủ tịch Hội Người mù TP Hà Nội, cho biết.
Thu Loan tận dụng mọi cơ hội học tập có được để tích lũy vốn kỹ năng về công nghệ thông tin, về truyền thông trực tuyến, về cách sử dụng và làm sách nói. “Mình muốn rèn giũa những kỹ năng trong ngành truyền thông để có thể đem tiếng nói đến cho những người khuyết tật trong xã hội, để câu chuyện của họ được nhiều người biết đến hơn” – cô gái trẻ chia sẻ về ước mơ và động lực giúp cô dành hẳn một năm chuẩn bị ứng tuyển cho suất học bổng thường niên của RMIT.
KIM ANH
Muốn có hạt giống đỏ cần có những vườn ươm
Trong số 120 học sinh, sinh viên, thanh niên DTTS tiêu biểu, xuất sắc vừa được tuyên dương tại Thủ đô Hà Nội, có hơn 80% các em là học sinh của khối các trường chuyên, trường nội trú và trường vùng cao Việt Bắc. Con số này đang phản ánh, môi trường giáo dục tốt là điều kiện cơ bản để các em học sinh DTTS có cơ hội phát triển và tỏa sáng.
Trưởng thành từ "ngôi nhà thứ 2"
Lên với các ngôi trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PT DTNT), cảm nhận đầu tiên đó là môi trường học tập chỉnh chu, quy củ. Nơi ấy, thầy cô vừa làm công tác giảng dạy, vừa là người cha, người mẹ, người anh quan tâm, chăm sóc học sinh. Mỗi học sinh cũng xem ngôi trường như "ngôi nhà thứ 2" của mình - nơi các em học tập, sinh hoạt suốt cả tháng, thậm chí cả học kỳ - mới đến lịch về thăm bố mẹ.
Giờ học võ thuật của học sinh người DTTS Trường Phổ thông dân tộc nội trú Di Linh
Đặc biệt hơn, trái với suy nghĩ: Học sinh người DTTS thường nhút nhát, e thẹn... học sinh ở những trường nội trú, trường chuyên, dù là con em đồng bào Thái, Mông, Dao, Ơ Đu hay Cờ Ho đều rất vui vẻ, tự tin, hòa đồng với bạn bè, thầy cô. Từ bản làng heo hút, khó khăn, được xuống học tập trung ở những ngôi trường xây cất khang trang, trang thiết bị học tập đầy đủ, các em không chỉ rèn giũa tính tự lập, tinh thần chủ động mà còn có nền tảng để xây đắp ước mơ, hoài bão.
Chuyện của thầy K' Bras - giáo viên Trường Phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) Di Linh (huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) mà tôi từng tiếp xúc là một minh chứng. Khi còn nhỏ, cậu bé người dân tộc Cờ Ho nhỏ thó, nhút nhát K' Bras chưa từng nghĩ có ngày lại đi ra khỏi thôn Ka La (xã Bảo Thuận, huyện Di Linh). Thật may mắn, năm học lớp 6, K'Bras được lên học ở Trường PTDTNT Di Linh. Đây chính là cơ hội để cậu bé K'Bras được tiếp xúc với môi trường học tập mới và mạnh dạn có những mơ ước lớn cho cuộc đời.
"Ban đầu tôi cũng rất e ngại, vì đang quen ở cùng gia đình dưới thôn làng. Nhờ có các thầy cô quan tâm, chỉ bảo; điều kiện học tập, sinh hoạt ở trường cũng rất tốt...nên tôi đã nhanh chóng thích nghi. Dần dần tôi trở lên tự tin, bạo dạn và yêu thích việc học tập hơn rất nhiều" - thầy K'Bras nhớ lại. Cũng bởi yêu ngôi trường, biết ơn những năm tháng thầy cô đã nâng cánh ước mơ cho mình nên chàng thanh niên K' Bras đã chọn thi vào Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt và trở về giảng dạy, truyền cảm hứng cho các học sinh người DTTS ở chính ngôi trường mà thầy đã từng theo học.
Ươm hạt giống đỏ
Đến nay, tại 49 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có Trường PTDTNT. Tất cả 53 DTTS đều có con em theo học tại các ngôi trường này. Với số lượng tuyển có hạn, tiêu chuẩn lựa chọn là thanh niên, thiếu niên là người DTTS có hộ khẩu thường trú và định cư từ 3 năm trở lên ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; có học lực trung bình trở lên... không phải học sinh nào cũng có thể theo học ở những ngôi trường này. Bù lại, nếu được học tại các trường PTDTNT, các em không chỉ được ăn, ở, sinh hoạt trong khu nội trú và được hưởng các chế độ ưu tiên, ưu đãi theo quy định của Nhà nước; mà còn được học tập ở các phòng học kiên cố, với các thầy cô giàu kinh nghiệm và tâm huyết với nghề. Đây cũng là lý do khiến nhiều phụ huynh người DTTS rất tự hào khi có con em theo học ở các ngôi trường này. Với nhiều em học sinh, trường PTDTNT cũng chính là cái nôi để các em có điều kiện phát huy năng lực, kiến thức; trở thành những hạt giống đỏ đóng góp trí tuệ xây dựng bản, làng.
Thực tế cũng đã cho thấy, kết quả các kỳ thi học sinh giỏi cấp Quốc gia những năm gần đây không ít giải Nhất, Nhì học sinh DTTS tại các ngôi trường PTDTNT ở các tỉnh miền núi, đặc biệt là Trường Phổ thông vùng cao Việt Bắc. Cùng với đó, số lượng học sinh là con em đồng bào DTTS học giỏi 3 năm liền, thi đỗ vào các trường đại học danh tiếng trên cả nước cũng ngày càng nhiều. Ngoài các em trưởng thành từ những trường chuyên, trường năng khiếu; còn lại đa phần là học sinh đến từ trường PTDTNT các tỉnh. Thậm chí, nếu không có trường PTDTNT, nhiều em có lẽ đã không thể theo học lên cao. "Nhà em là hộ nghèo, có 3 anh em cùng đi học, bố mẹ cố lắm mới cho các con theo học được hết lớp 9. Năm lớp 10, nhờ được vào trường nội trú em mới có điều kiện để học hết cấp 3, rồi thi đỗ vào Trường Đại học Biên phòng. Không có sự ưu đãi, hỗ trợ của nhà nước, học sinh nghèo ở vùng sâu, xa như chúng em, không biết sẽ ra sao?" - em Giàng A Thắng (làng Vùa 2, xã Tủa Thàng, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên) chia sẻ.
Phương Tú
Theo congthuong.vn
Những bông hoa ngát hương Những ngày này, cả nước tưng bừng kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Hơn một triệu giáo viên, nhà giáo của cả nước đã được đón nhận sự tri ân của nhiều thế hệ học sinh, sinh viên và toàn xã hội đối với sự nghiệp trồng người cao quý và vẻ vang. Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế...