Cô Phượng hiệu trưởng gây thương nhớ cho học trò
Sáu năm làm hiệu trưởng, cô Phượng xóa nhòa khoảng cách nhà quản lý với giáo viên và học sinh. Cô thực sự đem lại luồng sinh khí mới cho ngôi trường.
Cô Nguyễn Thị Kim Phượng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, quận Gò Vấp, TP.HCM, với cách quản lý “đắc nhân tâm” luôn được học sinh (HS) yêu thương, đồng nghiệp quý mến, phụ huynh tin tưởng.
Chơi ô ăn quan cùng học sinh
Ghé Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai vào giờ giải lao, chúng tôi rất bất ngờ trước các trò chơi mà HS ở đây tham gia. Đó là những trò chơi dân gian không còn thấy nhiều ở trẻ em TP hiện nay như ô ăn quan, nhảy lò cò, bịt mắt bắt dê… Các em không chỉ chơi cùng nhau mà còn chơi cùng giáo viên và cô hiệu trưởng.
Trong trang phục áo dài, cô Phượng hướng dẫn HS chơi ô ăn quan một cách vui vẻ. Khi HS mải chơi, tóc tai bù xù, cô vội chải đầu, buộc lại tóc cho các em.
Nhắc đến cô hiệu trưởng, ánh mắt Trần Hoán My, HS lớp 5/4, lấp lánh tình yêu thương. Em chia sẻ: “Chúng em biết chơi trò ô ăn quan cũng nhờ cô Phượng dạy và chơi cùng. Cô chơi siêu lắm đó”.
Hoán My cho biết thêm cô hiệu trưởng hiểu rất rõ tâm lý HS. Hồi đội tuyển Việt Nam giành chiến thắng thuyết phục trước đội tuyển Jordan để vào vòng tứ kết Asian Cup, biết HS mê bóng đá và muốn gửi lời chúc tới đội tuyển, cô đã tổ chức một buổi cổ vũ để HS tham gia. Trong màn cổ vũ đó, các HS được mặc áo đỏ, dán cờ đỏ lên má và cùng nhau nhảy múa bài Việt Nam ơi vui ơi là vui.
“Đặc biệt, cứ vào dịp đầu năm mới, cô Phượng lại lì xì cho chúng em. Đây là tiết mục khiến chúng em hào hứng nhất khi quay trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết. Bên cạnh lì xì, cô còn trao gửi những lời chúc đầy yêu thương. Em quý cô cũng vì những điều đó” – Hoán My cho hay.
Em Trần Võ Thảo Nguyên, HS lớp 3/3, góp lời: “Vào mùa nóng, trời oi bức, cô treo thêm các chậu hoa trước lớp để tăng diện tích râm mát. Cô còn bảo nhà bếp nấu nhiều thức uống mát cho chúng em. Còn khi thấy chúng em mệt mỏi với những bài thể dục giữa giờ khô cứng, cô đưa nhạc võ Vovinam hay nhảy chachacha về tập. Chính những điều đó khiến chúng em hứng thú hơn trong tiết học, thấy yêu ngôi trường này hơn”.
Căn phòng vị hiệu trưởng nhà trường có diện tích khá khiêm tốn. Nó chỉ đủ để chứa chiếc bàn làm việc với kệ sách nhưng được cô Phượng sắp xếp ngăn nắp khiến mọi người bước vào có cảm giác ấm áp. Đây là nơi HS thường xuyên lui tới bởi có một người sẵn sàng ngồi lắng nghe HS tâm sự. Các em hầu như gặp bất kỳ chuyện gì cũng chạy xuống phòng cô hiệu trưởng để “méc” thay vì “méc” thầy cô chủ nhiệm hay cô giáo tổng phụ trách đội. “Từ chuyện bị bạn bắt nạt lấy kẹo đến chuyện được điểm cao trong kỳ thi hay bị đau ốm, các con đều đến tìm tôi. Tôi thấy vui khi được học trò chia sẻ những chuyện như thế” – cô Phượng vui vẻ cho hay.
Sự quan tâm chân thành, ấm áp của cô Phượng dành cho học sinh mỗi ngày. Ảnh: THỦY TRÚC
Xem tập thể như người thân của mình
Không chỉ là một người luôn yêu thương HS, cô Phượng còn là người luôn quan tâm đến đời sống của giáo viên, nhân viên trong trường.
Nhắc đến hiệu trưởng nhà trường, cô Nguyễn Thị Nguyệt, giáo viên tổng phụ trách đội, cho biết: “Là hiệu trưởng nhưng cô Phượng không có sự xa cách. Sự cởi mở, quan tâm chân thành của cô đã khiến mọi người trở nên gần gũi. Mỗi dịp nhà trường tổ chức liên hoan, cô Phượng đều ngồi chung với bảo vệ và các cô lao công. Còn hễ nhà ai có khó khăn hay gặp chuyện buồn, cô đều có mặt từ sớm, thăm hỏi, động viên kịp thời. Mọi công việc, chi tiêu trong trường đều được cô Phượng công khai một cách minh bạch. Đã sáu năm giữ cương vị hiệu trưởng mà chưa từng có điều tiếng gì về cô. Đặc biệt, cứ mỗi khi cô đi họp hay dự hội nghị về thì từ giáo viên đến nhân viên đều có quà. Đó là món bánh tiêu. Một món bánh bình dân nhưng chứa chan tình cảm của một vị quản lý đối với đồng nghiệp. Mọi người cứ trêu hễ cô Phượng đi họp về là có bánh tiêu ăn”.
Làm việc tại Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai đã 22 năm, qua bốn nhiệm kỳ hiệu trưởng, khi nói về cô Phượng, cô Nguyễn Thị Nhân, tổ trưởng tổ cấp dưỡng, bày tỏ một tình cảm đặc biệt: “Là hiệu trưởng nhưng cô Phượng không nề hà bất cứ việc gì. Nhiều khi cô rảnh, cô thường ghé phòng bếp xem chị em làm việc. Thấy mọi người bận rộn, cô cũng xắn tay áo vào làm. Cô thường xuyên góp ý nhà bếp, thay đổi thực đơn sao cho phong phú để các bé ăn ngon. Vào mùa hè, cô lại cùng nhà bếp thảo luận đưa ra những thức uống bổ dưỡng, giải nhiệt. Trong bất cứ chuyện gì, cô đều lắng nghe sự góp ý của mọi người”.
Video đang HOT
Còn bản thân cô Phượng lại chia sẻ giản dị về điều này: “Tôi đối xử công bằng với mọi người vì tôi xem các nhân viên hay giáo viên đều không khác người thân của tôi”.
Chào hiệu trưởng kiểu… hoa hậu đăng quang
Cô Nguyễn Thị Nguyệt, giáo viên tổng phụ trách đội của nhà trường, hào hứng cho hay: “Tại đây, mỗi ngày chúng tôi đến trường là một ngày vui. Mọi chuyện khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống, chúng tôi đều có thể chia sẻ với cô hiệu trưởng một cách thoải mái. Hằng ngày giáo viên gặp hiệu trưởng còn chào theo kiểu đội viên chào nhau hay chào như kiểu… hoa hậu đăng quang vậy”.
An tâm khi con học ở trường này
Cô Phượng đặc biệt quan tâm đến HS từ chuyện học hành, vui chơi, bữa ăn đến giấc ngủ. Mọi hoạt động của trường luôn được cô công khai và có sự giám sát của phụ huynh. Chúng tôi cảm thấy rất an tâm khi con em mình được học ở ngôi trường này.
Ông ĐÀO HẢI, trưởng ban đại diện phụ huynh Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, quận Gò Vấp
NGUYỄN QUYÊN – THỦY TRÚC
Theo PLO
"Cảm động tấm lòng cô giáo không nghỉ hưu" gần 50 năm cho sự nghiệp trồng người
Cô giáo Trần Thị Thoa (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) với 37 năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, 11 năm nghỉ hưu dạy học miễn phí ở lớp học tình thương.
Gặp cô Trần Thị Thoa tại nhà riêng, đón tôi với nét mặt vui vẻ bên các cháu nội ngoại cô nở nụ cười tươi tắn, hiền hậu mời tôi vào nhà.
Cô nhanh nhẹn bật quạt mát và mời tôi uống nước rồi bắt đầu kể cho tôi nghe về câu chuyện nghề giáo của mình.
Từ những năm 1972 khi đất nước chưa được giải phóng, nam bắc chưa sum họp một nhà, cô giáo Trần Thị Thoa người con gái quê xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây cũ với tuổi đôi mươi tràn đầy nhiệt huyết bắt đầu đảm nhận công việc giáo viên lớp 1 Trường tiểu học Đông Sơn.
Theo như cô Thoa kể, tính đến ngày nghỉ hưu theo chế độ nhà nước cô có 37 năm gắn bó với Trường tiểu học Đông Sơn.
Trước khi nghỉ hưu 3 năm cô Thoa đã dạy học miễn phí cho các em học sinh khuyết tật ở lớp học tình thương ở chùa Hương Lan, xã Đông Sơn nơi cô sinh sống.
Cô giáo Trần Thị Thoa với 37 năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, 11 năm nay sau nghỉ hưu cô vẫn dạy học miễn phí ở lớp học tình thương. Ảnh: Công Tiến
Trong ánh mắt đồng nghiệp cô luôn là một giáo viên có trình độ, viết chữ rất đẹp, có nhiều kinh nghiệm trong công tác giảng dạy, luôn gần gũi chia sẻ cùng đồng nghiệp những phương pháp giảng dạy tốt nhất để truyền đạt đến các em học sinh và đã góp phần tạo nên thành công chung của Trường tiểu học Đông Sơn trong những năm tháng cô Thoa còn công tác.
Cô Lê Thị Hòa giáo viên Trường tiểu học Đông Sơn có nhận xét: "Xuất phát từ lòng yêu nghề, sự nhiệt huyết, bản tính chăm chỉ cô Thoa nhiều năm liền đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện và cấp tỉnh.
Từ khi chưa nghỉ hưu cô Thoa đã cùng tôi dạy ở lớp học tình thương miễn phí ở chùa Hương Lan, xã Đông Sơn. Hiện nay, cô Thoa đã nghỉ hưu và cũng dạy cùng tôi tới nay là 12 năm".
Không chỉ giỏi việc trường mà cô Trần Thị Thoa lại đảm việc nhà. Chồng cô Thoa đi bộ đội tham gia trực tiếp chiến đấu ở chiến trường, sau khi chiến tranh kết thúc ông về địa phương với nhiều vết thương trên cơ thể.
Gia đình đông con, đồng lương giáo viên ngày trước thì ít ỏi không đủ cho cuộc sống vì vậy ngoài thời gian trên lớp cô Thoa cũng phải làm rất nhiều ruộng và làm thêm nhiều nghề để duy trì cuộc sống...
Đã có thời điểm cô Thoa đã nghĩ tới việc sẽ chuyển nghề nhưng bằng tình yêu học sinh, yêu trường cô đã vượt qua mọi khó khăn của cuộc sống nuôi dạy các con ăn học trưởng thành. Hiện nay, gia đình cô Thoa cũng có con gái nối tiếp nghề giáo viên của mẹ.
Quỹ thời gian của mỗi con người là có hạn nhưng với thời gian công tác 37 năm trong sự nghiệp giáo dục trước khi nghỉ hưu thì cô Thoa cũng đã làm và đạt được rất nhiều thành tích như giáo viên dạy giỏi.
Biết bao cuộc thi giáo viên dạy giỏi cô vinh dự là người đại diện Trường tiểu học Đông Sơn đi thi "cô này năm ngoái dự thi rồi năm nay lại tham dự" cô Thoa nói trong nét mặt vui vẻ.
Chính từ sự chăm sóc, dạy bảo tận tình của cô giáo Trần Thị Thoa nhiều học sinh khuyết tật ở lớp học tình thương đã biết đọc và biết viết. Ảnh: Công Tiến
Cô nhớ lại và chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về một kỷ niệm vui và rất đáng nhớ, cô nói:
"Năm 1992, cô được Ban giám hiệu Trường tiểu học Đông Sơn giao đại diện trường đi thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.
Trước ngày thi cô vẫn phải cùng chồng đi cày ruộng trồng lạc, thầy hiệu trưởng nhìn thấy và nói: mai thi rồi mà hôm nay vẫn làm ở đây à cô Thoa...".
Hôm đó, tối về cô mới có thời gian tranh thủ soạn giáo án để ngày mai đi thi, " may sao năm đó cô đi thi lại đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi của tỉnh Hà Tây" cô Thoa cười tươi nói.
Chính từ sự chăm sóc, dạy bảo tận tình của cô giáo Trần Thị Thoa đã có biết bao thế hệ học sinh của quê hương Đông Sơn được khôn lớn, trưởng thành.
Góp thêm những vị ngọt cho đời
Với thời gian công tác 37 năm là giáo viên lớp 1 ở Trường tiểu học Đông Sơn, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội cô Trần Thị Thoa được nhà nước cho nghỉ hưu năm 2009.
Dù được nghỉ theo chế độ nhà nước sống vui vẻ bên gia đình và con cháu nhưng cô giáo Trần Thị Thoa (sinh năm 1954) vẫn phát huy bản tính chăm chỉ, chịu khó và gương mẫu của một người giáo viên nhân dân.
Cô Thoa nói trong sự cảm động rằng: "Nhìn các con bị khuyết tật tôi thấy rất thương vì cũng là con người nhưng khi sinh ra các em lại không được bình thường như các cháu.Như thường lệ, dù đã nghỉ hưu và năm nay cũng đã 65 tuổi nhưng cứ tới thứ bảy, chủ nhật hàng tuần cô lại đạp chiếc xe đạp "cũ kỹ" từ ngày xưa của mình tới lớp dạy học cho các cháu khuyết tật, con nhà nghèo ở lớp học tình thương ở chùa Hương Lan, xã Đông Sơn.
Các cháu đã phải chịu thiệt thòi quá nhiều, tôi muốn làm điều gì đó để giúp các con biết chữ, mong sao giảm bớt nghiệp khổ cho các con để các con đỡ khổ...".
Ngày thường cô vui vẻ chơi bên các cháu nội ngoại để mẹ các cháu đi làm và cô còn nhận làm thêm mây tre đan thủ công xuất khẩu về nhà làm.
Cô nói: "Mỗi tháng vừa trông cháu nội ngoại giúp các con lại có thể làm thêm mây tre đan cho cô thu nhập thêm mỗi tháng khoảng 2 triệu - 3 triệu".
Nét mặt hiền lành, giản dị và tươi vui vừa trông cháu vừa thoăn thoắt làm đồ mây tre đan xuất khẩu tôi mới thấy tận mắt sự tài giỏi của cô.
Cô nói: " Ngày trước lương giáo viên không đủ sống, khi ấy cô còn trẻ cô cũng phải vừa dạy học lại phải một nắng hai sương làm thêm đủ thứ nghề và làm ruộng để nuôi gia đình".
Cô giáo Thoa giống như một "cô tấm" giữa thời bình, một tấm gương sáng cho con cháu trong gia đình và xã hội học tập.
Hàng tháng cô giáo Trần Thị Thoa vẫn đi dạy học miễn phí và nhận thêm làm đồ mây tre đan xuất khẩu tại nhà, trông cháu nội ngoại giúp các con. Ảnh: Công Tiến
Tiếp xúc với cô giáo Trần Thị Thoa mới cảm nhận rõ được sự đặc biệt đó là sự khiêm tốn, giản dị và thanh bạch...Đúng như câu nói: "Một đời thanh bạch chẳng vàng son".
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng có một nhận định rất nổi tiếng: "Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong trong tất cả các nghề cao quý".
Cái cao quý, cái vui vẻ, sự trẻ trung và cả những điều trăn trở, đam mê nó theo suốt cuộc đời của những người làm nghề giáo.
Với rất nhiều thành tích và công lao, cũng như những cống hiến thầm lặng của cô Trần Thị Thoa chúng ta có thể nói rằng cô chính là một tấm gương làm việc, cống hiến và tận tụy để các giáo viên khác học tập và noi theo.
Công Tiến
Theo giaoduc.net
Mang con chữ ra đảo xa Gần 10 năm qua, cùng với những tiếng ê a tập đánh vần của đám con trẻ trên đảo Hòn Chuối (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau), là hình ảnh cặm cụi bên giáo án của người thầy giáo mang quân hàm xanh Trần Bình Phục. Hình ảnh ấy được người dân ở đây ví von như "ngọn hải đăng" giữa biển...