Có phương án đặc cách kết thúc năm học với địa phương giãn cách dài ngày
Thay mặt Thủ tướng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa ban hành Công điện số 1190/CĐ-TTg ngày 20/9/2021 về việc tăng cường điều kiện bảo đảm thực hiện Kế hoạch năm học mới 2021-2022 hiệu quả, chất lượng.
Theo công điện, trong thời gian qua, ngành giáo dục và các địa phương đã rất tích cực chuẩn bị các điều kiện, ưu tiên, huy động các nguồn lực để bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, nhất là các thiết bị máy tính, đường truyền internet tốc độ cao để triển khai việc dạy học trực tuyến.
Tuy nhiên, ở nhiều địa phương, nhiều gia đình, học sinh không có đủ điều kiện để mua sắm trang thiết bị như máy tính, điện thoại thông minh để thực hiện việc học trực tuyến theo Kế hoạch nhiệm vụ năm học 2021-2022.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GD-ĐT, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Ngân hàng Chính sách xã hội, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung thực hiện 6 vấn đề.
Cụ thể, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát danh sách học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để xây dựng phương án hỗ trợ máy tính, thiết bị phục vụ việc học tập trực tuyến, trong đó huy động các nguồn lực xã hội để cùng tham gia; chỉ đạo các nhà trường xây dựng các bài giảng để phát sóng trên các kênh truyền hình địa phương, nhất là đối với lớp 1, lớp 2.
Phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam chỉ đạo các đài phát thanh, truyền hình địa phương để có phương án tiếp sóng, phát lại các bài giảng bảo đảm một môn học, lớp học phải có ít nhất 2 khung giờ phát bài giảng truyền hình trong một ngày.
Tăng cường công tác giám sát y tế trong trường học, không để dịch bệnh lây lan. Đối với các địa phương phải giãn cách xã hội dài ngày cần chủ động điều chỉnh kế hoạch năm học; có phương án đặc cách kết thúc năm học, thi cuối cấp, tuyển sinh nếu cần thiết.
Đối với Bộ GD-ĐT phải rà soát chương trình giáo dục các cấp học, xác định các nội dung cốt lõi của chương trình; hướng dẫn các địa phương tổ chức dạy học phù hợp với tình hình dịch bệnh, xây dựng các bài giảng chất lượng tốt để tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình khi học sinh không thể đến trường do phải thực hiện giãn cách xã hội hoặc tăng cường giãn cách xã hội.
Video đang HOT
Bộ GD-ĐT chú trọng hơn nữa trong bảo đảm công bằng giáo dục giữa thành thị và nông thôn, giữa nơi có dịch và không có dịch (Ảnh: M. Hà).
Chú trọng hơn nữa trong bảo đảm công bằng giáo dục giữa thành thị và nông thôn, giữa nơi có dịch và không có dịch. Đặc biệt lưu ý đối tượng là học sinh nghèo trong vùng có dịch.
Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp trực thuộc tổ chức chương trình hỗ trợ máy tính, thiết bị học tập trực tuyến; hỗ trợ giá cước viễn thông, internet cho học sinh, sinh viên vùng khó khăn để tham gia học trực tuyến trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội và các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu xây dựng, trình cấp có thẩm quyền gói tín dụng hỗ trợ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị học tập phục vụ học trực tuyến.
Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Đài phát thanh, truyền hình các tỉnh, thành phố ưu tiên thời lượng và khung giờ phát sóng các bài giảng cho học sinh, sinh viên, phối hợp xây dựng kế hoạch phát sóng các bài giảng, bảo đảm diện bao phủ tốt nhất.
Đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp chỉ đạo các tổ chức thành viên kêu gọi quyên góp, ủng hộ và huy động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tặng, hỗ trợ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn trang thiết bị phục vụ việc học trực tuyến.
Dạy học đại trà qua truyền hình cho học sinh không đủ điều kiện học trực tuyến
Theo khảo sát nhanh của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), việc tổ chức dạy học trực tuyến trong những ngày đầu của năm học mới 2021-2022 gặp nhiều khó khăn.
Nhiều nơi tổ chức dạy học trực tuyến chưa thực sự hiệu quả do hệ thống đường truyền Internet hạn chế dung lượng, phần mềm dạy học trực tuyến miễn phí chất lượng không tốt, đặc biệt là tình trạng nhiều học sinh thiếu trang thiết bị học tập hoặc không có mạng Internet. Nhằm đảm bảo cơ hội được học tập cho tất cả học sinh, nhất là học sinh nghèo, nhiều ý kiến đề nghị Bộ GD&ĐT cần tổ chức thêm phương án dạy học đại trà qua truyền hình cho học sinh phổ thông.
Việc dạy học đại trà qua truyền hình sẽ đem lại khả năng tiếp cận công bằng hơn đối với nhóm học sinh không đủ điều kiện học trực tuyến. Ảnh minh họa.
Theo thống kê sơ bộ, TP Hồ Chí Minh hiện thiếu khoảng 77.000 máy tính để học sinh học trực tuyến. Tại nhiều địa phương thuộc vùng khó khăn có khoảng 50-70% học sinh thiếu thiết bị học trực tuyến, nhiều thôn bản không có mạng Internet... Tại Kiên Giang, có khoảng 100.000 học sinh chưa có thiết bị học trực tuyến; tỉnh Cà Mau có khoảng hơn 10.000 gia đình khó khăn cần hỗ trợ thiết bị học trực tuyến nhưng ngành giáo dục địa phương cũng mới chỉ vận động hỗ trợ được 500 điện thoại thông minh cho các gia đình đặc biệt khó khăn.
Nhằm khắc phục tình trạng học sinh thiếu thiết bị học trực tuyến, bên cạnh việc vận động các tổ chức xã hội trên địa bàn cùng chung tay giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, Sở GD&ĐT Nghệ An còn chia lịch học các cấp tiểu học, THCS và THPT theo các khung thời gian cố định trong ngày để các anh chị, em trong cùng một gia đình có thể "luân phiên" học trực tuyến trên cùng 1 thiết bị.
Còn tại Hà Nội, phong trào "máy tính cho em" tiếp tục được ngành giáo dục Thủ đô phát động rộng rãi với phương châm "không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau". Ở các huyện ngoại thành như Đông Anh, Ba Vì, Hoài Đức, nơi điều kiện của phụ huynh học sinh nhìn chung còn khó khăn hơn so với khu vực nội thành, Phòng GD&ĐT cũng đã phát động phong trào quyên góp trang thiết bị học tập trực tuyến để hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nhất là đối với học sinh đầu cấp.
Tại huyện Ba Vì (Hà Nội), sau một thời gian phát động, đã có hơn 200 thiết bị gồm điện thoại thông minh, máy tính, ipad kịp thời được gửi tới những học sinh khó khăn. Huyện Hoài Đức cũng kêu gọi ủng hộ được 29 chiếc điện thoại thông minh để kịp thời gửi đến các em học sinh. Những nỗ lực của ngành giáo dục các địa phương trong việc hỗ trợ thiết bị cho học sinh nghèo đủ điều kiện học trực tuyến thật đáng ghi nhận song những kết quả ban đầu này vẫn chưa thấm tháp vào đâu so với nhu cầu thực tế.
Để không đánh mất cơ hội học tập cho học sinh không đủ thiết bị học trực tuyến, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, giao Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức dạy học đại trà qua truyền hình cho học sinh phổ thông, đặc biệt là cấp THCS và tiểu học.
TS Vũ Ngọc Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học-cao đẳng Việt Nam cho biết: Hiện nay, ngành giáo dục vẫn dành ưu tiên áp dụng đại trà phương thức dạy học trực tuyến cho cả 3 cấp học của giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, việc dạy học trực tuyến trên thực tế chỉ mang lại thuận lợi cho một bộ phận nhỏ học sinh có điều kiện. Các hạn chế của phương thức dạy học này là gây khó khăn lớn cho gia đình và học sinh ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa trong việc mua sắm thiết bị dạy học; tạo áp lực cho học sinh cả về phương diện sức khoẻ, tâm lý nếu duy trì việc ngồi học trước máy tính, điện thoại trong thời gian dài.
Trong khi đó, dạy học qua truyền hình là phương thức dạy học truyền thống đã được triển khai rất phổ biến tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Phương thức này có ưu việt là dễ tiếp cận tới tận từng người học, bất kể giàu nghèo, có chi phí thấp nếu tận dụng được hệ thống mạng lưới truyền hình sẵn có từ Trung ương đến địa phương.
Đồng quan điểm này, nhiều ý kiến cho rằng, trong điều kiện dịch bệnh hiện nay, bên cạnh phương thức dạy học trực tuyến, cần quan tâm tới phương thức dạy trên truyền hình dù tương tác kém hơn học trực tuyến nhưng khả năng tiếp cận công bằng hơn đối với những gia đình nghèo. Với các học sinh còn nhỏ thì học trên truyền hình là giải pháp thậm chí còn tốt hơn học trên điện thoại di động.
Các ý kiến cũng đề nghị Bộ GD&ĐT phải chủ trì phối hợp với Bộ TT&TT làm việc với các Đài truyền hình trung ương nhằm rà soát lại độ bao phủ, khả năng dành thời lượng phát sóng các bài giảng truyền hình, các đài địa phương có phương án tiếp sóng để có diện bao phủ tốt nhất, đến nhiều học sinh nhất, kể cả những em có điều kiện học trực tuyến.
Đặc biệt, cần lưu ý một môn học, lớp học phải có ít nhất 2 khung giờ phát bài giảng truyền hình trong một ngày, nhất là bậc tiểu học và phải thay đổi cách thức kiểm tra, đánh giá học sinh phù hợp với phương thức học trực tuyến, học qua truyền hình.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết: Trong tình hình dịch bệnh hiện nay, dạy học trực tuyến là phương thức chính, dạy học trên truyền hình sẽ là phương thức bổ trợ quan trọng nhất, đặc biệt là đối với lớp 1 và lớp 2.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, hiện nay, Bộ GD&ĐT đã tổ chức xây dựng video bài giảng dạy trên truyền hình cho một số môn học ở các lớp 1, 2, 6. Đối với các lớp còn lại, Bộ lên phương án tổng hợp các nguồn bài giảng hiện có ở địa phương, kết hợp điều phối, phân công địa phương và xã hội hóa việc sản xuất bài giảng. Ngoài ra, ở những nơi khó khăn về dạy học trực tuyến, trên truyền hình, các nhà trường sẽ thực hiện phát phiếu học tập đến học sinh để đảm bảo việc học không bị gián đoạn.
Muôn vàn bất cập khi học online Chỉ mới bắt đầu học trực tuyến được không lâu nhưng phương pháp này đã nảy sinh nhiều vấn đề cho cả phụ huynh, giáo viên và các bạn học sinh. Năm nay, học sinh trên nhiều tỉnh thành cả nước bắt đầu năm học mới theo cách đặc biệt - học trực tuyến. Dù đây không phải là lần đầu tiên phương...