Cổ phiếu công nghệ, tài chính kéo chứng khoán Mỹ giảm điểm
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm nhẹ trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, khi sức ép từ hai nhóm cổ phiếu công nghệ và tài chính áp đảo sự hỗ trợ từ biên bản cuộc họp gần nhất của Cục Dự trữ Liên bang (FED) cho thấy ngân hàng trung ương này bắt đầu tính đến việc lúc nào thì ngừng nâng lãi suất.
Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ – Ảnh: Reuters.
Hãng tin Reuters cho hay, theo biên bản trên, hầu hết các thành viên của FED nhất trí rằng một đợt nâng lãi suất nữa “có thể sớm diễn ra”, nhưng lưu ý một loạt vấn đề bắt đầu khiến họ thận trọng hơn về triển vọng nền kinh tế Mỹ. Điều này cho thấy FED đã có sự lo ngại rằng việc tăng lãi suất liên tục có thể gây bất lợi cho tăng trưởng.
Khả năng lãi suất dừng tăng đưa các chỉ số chứng khoán ở Phố Wall đi lên, nhưng thành quả tăng này không được duy trì cho tới khi chốt phiên.
Trước đó, chứng khoán Mỹ đã tăng mạnh vào ngày thứ Tư, sau khi Chủ tịch FED Jerome Powell phát tín hiệu rằng chu kỳ tăng lãi suất kéo dài 3 năm có thể sắp đi đến hồi kết.
“Quan điểm của FED giờ đây đã trở nên mềm mỏng hơn nhiều so với đầu năm”, ông Matthew Keator, nhà quản lý thuộc công ty quản lý tài sản Keator Grouup, nhận xét. “FED cũng phát tín hiệu rằng họ sẽ xem xét các dữ liệu kinh tế, thay vì chỉ nâng lãi suất một cách cứng nhắc cho tới khi đạt mức trung bình lịch sử”.
Mối lo về thuế quan tiếp tục là vấn đề phủ bóng lên tâm trí của nhà đầu tư phiên này, khi thị trường dồn sự chú ý vào cuộc gặp thượng đỉnh G20 sắp diễn ra vào cuối tuần ở Buenos Aires, Argentina. Bên lề kỳ họp này, Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến có cuộc gặp vào ngày thứ Bảy để bàn về thương mại.
Ngày thứ Năm, ông Trump phát đi những tín hiệu không rõ ràng về khả năng đạt một thỏa thuận với Trung Quốc. Điều này khiến các chỉ số chứng khoán Mỹ có một phiên giao dịch khá giằng co.
Video đang HOT
Với mức giảm 0,95%, nhóm công nghệ gây sức ép giảm nhiều nhất lên cả 3 chỉ số. Nhóm cổ phiếu tài chính vốn nhạy cảm với lãi suất giảm 0,8%, khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tiếp tục đi xuống sau khi FED công bố biên bản họp.
Loạt cổ phiếu ngân hàng lớn, gồm JPMorgan Chase, Citigroup, Bank of America, Goldman Sachs, và Morgan Stanley đồng loạt chốt phiên với mức giảm từ 0,8-1,8%.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones hạ 0,11%, còn 25.338,84 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 0,22%, còn 2.737,8 điểm. Chỉ số Nasdaq tuột 0,25%, còn 7.273,08 điểm.
Trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P, có 5 nhóm chốt phiên trong trạng thái giảm.
Cổ phiếu Twitter sụt 4,4% sau khi trang Politico đưa tin rằng hãng Fox News tẩy chay mạng xã hội này. Cổ phiếu hãng bán lẻ thời trang Abercrombie & Finch nhảy 20,9% sau khi công ty đưa ra mức dự báo doanh thu mùa bán lẻ cuối năm tốt hơn dự báo của giới phân tích.
Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu giảm giá nhiều gấp 1,08 lần số mã tăng. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 1,23 lần.
Các nhà giao dịch ở Phố Wall chuyển nhượng tổng cộng 6,85 tỷ cổ phiếu phiên này, so với mức bình quân 7,67 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.
Bình Minh
Theo vneconomy.vn
Giá dầu, nỗi lo tăng trưởng kéo tụt chứng khoán Mỹ
Cả ba chỉ số chính của thị trường chứng khoán Mỹ cùng giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, khi giá dầu tụt sâu hơn và có thêm những dấu hiệu cho thấy sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc.
Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ, phiên ngày 9/11 - Ảnh: Reuters.
Giá dầu thô giao sau tại thị trường Mỹ giảm gần 1%, đánh dấu phiên giảm thứ 10 liên tiếp, chuỗi phiên giảm giá dài nhất kể từ năm 1984, trong bối cảnh nguồn cung dầu toàn cầu gia tăng và nhà đầu tư lo lắng về nguy cơ tăng trưởng chậm lại của kinh tế thế giới.
"Diễn biến giá dầu đang gây lo ngại trên thị trường. Nếu giá dầu còn giảm sâu hơn, thì đó là một tín hiệu nữa cho thấy nền kinh tế toàn cầu giảm tốc", ông Chris Zaccarelli, Giám đốc đầu tư thuộc Independent Advisor Alliance, nhận định.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 0,77%, còn 25.989,3 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 0,92%, còn 2.781,01 điểm. Chỉ số Nasdaq hạ 1,65%, còn 7.406,9 điểm.
Nhóm cổ phiếu năng lượng thuộc S&P trượt 0,4% phiên này, sau khi sụt 2,2% trong phiên ngày thứ Năm - khi giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York rơi vào trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống (bear market).
"Tôi cho rằng chứng khoán sẽ giảm sâu hơn mức đáy của tháng 10. Tăng trưởng kinh tế đang chậm lại, nhưng không đủ chậm để ngăn Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dừng nâng lãi suất", chiến lược gia trưởng về đầu tư Jim Paulsen thuộc Leuthold Group phát biểu.
Tâm lý ngại rủi ro của nhà đầu tư phiên này khiến nhóm cổ phiếu công nghệ thuộc S&P 500 sụt 1,7%, trong đó cổ phiếu Apple mất 1,9% và nhóm cổ phiếu các nhà sản xuất chất bán dẫn tụt 1,9%.
Nhóm 5 cổ phiếu công nghệ hàng đầu gồm Apple, Microsoft, Amazon, Alphabet và Facebook mất tổng cộng 75 tỷ USD giá trị vốn hóa phiên này, hãng tin CNBC cho hay.
Trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P, có 8 nhóm kết thúc phiên trong sắc đỏ. Tiêu dùng thiết yếu là nhóm tăng mạnh nhất, với mức tăng 0,5%. Các nhóm cổ phiếu phòng vệ khác như bất động sản và dịch vụ tiện ích cũng tăng nhẹ.
Giữa lúc căng thẳng thương mại giữa Washington và Bắc Kinh đang ở mức cao, thống kê từ Trung Quốc cho thấy lạm phát bán buôn giảm tháng thứ tư liên tiếp trong tháng 10 do nhu cầu trong nước đi xuống. Ngoài ra, hoạt động của ngành chế biến-chế tạo tại nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới cũng giảm, và doanh số thị trường ôtô sụt tháng thứ tư liên tiếp.
Các dữ liệu bi quan trên của Trung Quốc và khả năng FED tiếp tục nâng lãi suất đã gây áp lực giảm lên chứng khoán toàn cầu trong phiên ngày thứ Sáu chứ không riêng gì chứng khoán Mỹ.
Dẫn đầu sự giảm điểm của Phố Wall phiên này là các nhóm cổ phiếu nhạy cảm với tin thương mại. Trong đó, nhóm công nghiệp giảm 1% và nhóm nguyên vật liệu cơ bản sụt hơn 1,4%.
Tuyên bố sau cuộc họp kết thúc ngày thứ Năm của FED cũng thừa nhận rằng hoạt động đầu tư kinh doanh ở Mỹ đang yếu đi. Mặc dù vậy, dữ liệu mới nhất về lạm phát bán buôn ở Mỹ cho thấy giá cả ở nước này vẫn đang tăng lên, theo đó củng cố khả năng FED nâng lãi suất vào tháng 12. Điều này khiến giới đầu tư chứng khoán lo lắng.
Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu giảm giá phiên này nhiều gấp 2,22 lần số mã tăng. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 2,95 lần
Các nhà giao dịch ở Phố Wall chuyển nhượng 7,93 tỷ cổ phiếu trong toàn phiên, so vơi mức bình quân 8,39 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.
Tuy giảm trong phiên ngày thứ Sáu, chứng khoán Mỹ vẫn đi lên trong tuần này, khi nhà đầu tư cảm thấy thoát khỏi sự bấp bênh sau bầu cử Quốc hội và có những lúc hy vọng về khả năng đạt một thỏa thuận Mỹ-Trung trong cuộc gặp của lãnh đạo hai nước vào cuối tháng.
Tính chung cả tuần, Dow Jones tăng 2,8%, S&P 500 tăng 2,1%, còn Nasdaq tăng 0,7%.
Theo vneconomy.vn
S&P 500 giảm điểm vì cổ phiếu năng lượng, tài chính Hai chỉ số S&P 500 và Dow Jones của thị trường chứng khoán Mỹ cùng giảm điểm khi kết thúc phiên giao dịch giằng co vào ngày thứ Hai. Phiên này, cổ phiếu tài chính đuối sức và giới đầu tư trở nên thận trọng hơn trước khi một loạt công ty lớn công bố kết quả kinh doanh quý 3 trong tuần....