Cổ phần hóa đại học là một sai lầm?
TT – Câu chuyện cổ phần hóa các đơn vị giáo dục (“Cổ phần hóa trường đại học”, Tuổi Trẻ ngày 5-12) tiếp tục được bàn luận qua ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục.
Dự kiến Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM sẽ cổ phần hóa. Trong ảnh: sinh viên khoa hàng hải của trường trong giờ thực hành buồng lái – Ảnh: Như Hùng
Mời bạn đọc theo dõi các ý kiến dưới đây.
* PGS.TS Nguyễn Văn Áng (Bộ GD-ĐT):
Nhà nước không nên giữ cổ phần chi phối
Tôi cho rằng việc cổ phần hóa các cơ sở giáo dục ĐH công lập là một xu thế cần thiết để thúc đẩy hoạt động các trường năng động hơn, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, nên làm thí điểm và triển khai từng bước, vừa để tăng dần mức độ cạnh tranh của hệ thống vừa phù hợp với nhận thức của xã hội.
Khi đặt ra chủ trương cổ phần hóa trường ĐH thì phải xem xét thấu đáo tiền bán cổ phần nhà nước sẽ làm gì? Sẽ dành để đầu tư lại cho trường đó? Đầu tư cho trường khó khăn hơn? Hay sẽ chuyển sang đầu tư cho lĩnh vực ngoài giáo dục? Về nguyên tắc, tôi ủng hộ hai phương án đầu, phản đối phương án cuối.
Nhà nước không nên giữ cổ phần chi phối. Đã đến lúc Nhà nước nên rút dần khỏi lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH, chỉ giữ lại một số ít cơ sở cần thiết mà tư nhân không thể hoặc không muốn làm. Như vậy, sẽ có điều kiện dành ngân sách đầu tư cho giáo dục phổ thông đến nơi đến chốn.
* GS Đinh Văn Sơn (hiệu trưởng Trường ĐH Thương mại):
Video đang HOT
Phải thận trọng khi chuyển đổi sở hữu
Việc thực hiện cổ phần hóa trường ĐH phải hết sức thận trọng, phải làm từng bước, thí điểm, rút kinh nghiệm.
Thay vì nóng vội cổ phần hóa thì trước hết phải tập trung thúc đẩy các trường có thể tự chủ tài chính. Các trường đã đủ điều kiện thực hiện thí điểm tự chủ tài chính theo nghị quyết của Chính phủ thì cần khuyến khích họ hoàn thiện đề án, chuyển sang hoạt động tự chủ, tự chịu trách nhiệm, hút thêm nguồn đầu tư từ xã hội.
Khi thực hiện tự chủ thì trường ĐH dù độc lập, thoát dần khỏi sự phụ thuộc vào ngân sách nhà nước, nhưng vẫn thuộc Nhà nước, tài sản vẫn của Nhà nước.
Trường ĐH Thương mại cũng đã hoàn thiện đề án thí điểm tự chủ, chuẩn bị gửi đến Văn phòng Chính phủ để chờ phê duyệt.
Hiện tại, mỗi năm trường đang được ngân sách đầu tư khoảng 18-20 tỉ đồng, nhưng khi thực hiện tự chủ thì ngân sách đầu tư sẽ giảm, Nhà nước sẽ chỉ còn hỗ trợ một phần không đáng kể, còn lại nhà trường sẽ phải gần như tự cân đối 100%.
* GS Nguyễn Quang Kim (hiệu trưởng Trường ĐH Thủy lợi):
Nên khuyến khích các trường thực hiện tự chủ
Để trường công không bị biến tướng lệch lạc, nếu nhà đầu tư mới chỉ chạy theo lợi nhuận, phương án tối ưu thay cho cổ phần hóa là Nhà nước nên khuyến khích các trường công thực hiện đề án tự chủ.
Theo đó, trong 3-5 năm tới, mức đầu tư từ ngân sách không giảm, nhưng tiền đầu tư đó không phải để các trường chi thường xuyên, mà là nguồn để dành cho các trường đầu tư phát triển.
Trong thời gian này, các trường sẽ tự cân đối chi từ nguồn thu học phí, theo đề án tự chủ được Thủ tướng phê duyệt. Sau 3-5 năm, ngân sách đầu tư cho các trường ĐH công lập sẽ giảm dần, vì các trường đã có nguồn dự trữ tương đối để đầu tư cho phát triển, nâng cao chất lượng.
Gần đây, Trường ĐH Thủy lợi cùng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Giao thông vận tải, Trường ĐH Mỏ – địa chất đã họp bàn xem xét việc cùng nhau lập đề án chung về thí điểm tự chủ, trong đó có mức trần học phí chung với nhóm trường này.
* PGS.TS Trần Hoàng Ngân (hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính – marketing):
Không nên tư nhân hóa trường ĐH công lập
Nên có những bước đi cẩn thận, trước mắt sau ba năm thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động theo hướng tự chủ ở các trường ĐH cần sơ kết, từ đó mới tiến đến thực hiện cổ phần hóa một vài trường công lập (nhưng không được cổ phần hóa các trường ĐH y dược, sư phạm).
Nếu thực hiện chủ trương xã hội hóa các trường ĐH theo hướng cổ phần hóa thì các cổ phần này chỉ dành cho nhà giáo, cán bộ, nhân viên trong trường, họ được mua cổ phần của trường. Từ đó hình thành đơn vị sự nghiệp theo hướng cổ phần, để các thầy cô cùng nhau chung sức vận hành nhà trường, thay vì bán cho tư nhân.
Cần lưu ý việc bán trường ĐH công lập không hề đơn giản. Nếu bán thì bán với giá bao nhiêu? Việc định giá tài sản nhà trường sẽ như thế nào? Đối với giáo dục, việc định giá vô cùng khó khăn, và việc mua bán trong giáo dục và tư nhân hóa một trường ĐH công lập là điều hoàn toàn không nên.
* TS Bùi Trân Phượng (hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen):
Cổ phần hóa trường ĐH là sai lầm
Sai lầm của chính sách xã hội hóa giáo dục ĐH thời gian qua là đưa nhà đầu tư vào trường ĐH dưới danh nghĩa cổ đông và có cổ phần. Chính điều này đã dẫn đến bất ổn ở nhiều trường ngoài công lập suốt thời gian vừa qua.
Hệ quả của việc cổ phần hóa có thể dẫn đến xung đột giữa mục tiêu giáo dục và lợi ích của nhà đầu tư muốn tối đa hóa lợi nhuận, như đã diễn ra ở một số trường. Nếu cần huy động vốn phát triển trường, sao không dứt khoát chuyển trường công thành trường tư không vì lợi nhuận, mà cứ phải đồng hóa khái niệm “tư thục” với “vì lợi nhuận”?
* PGS.TS Hồ Thanh Phong (hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế – ĐHQG TP.HCM):
Phải có luật rõ ràng
Theo tôi, không nên thực hiện cổ phần hóa đồng loạt các trường ĐH công lập. Nhà nước phải cung cấp các dịch vụ công (giáo dục, y tế…). Tuy nhiên, cũng không nên vận hành các trường ĐH công theo hình thức một đơn vị sự nghiệp công lập, chỉ nhận tiền của Nhà nước để hoạt động.
Bản thân các trường ĐH công hay tư phải hoạt động trong cơ chế thị trường, cạnh tranh bằng chất lượng, phải cung cấp dịch vụ tương xứng với chi phí người học chi trả.
Thực tế hiện nay ở các nước vẫn có những ĐH công lập tầm cỡ thế giới. Ở những trường này, người ta tìm nhiều nguồn lực khác để vận hành, chứ không chỉ lấy tiền của nhà nước.
Còn việc cổ phần hóa trường ĐH công là định giá, biến trường thành những cổ phần. Khi đã có cổ phần thì có mua và bán. Người nào có tiền sẽ có quyền mua cổ phần, không có quy định họ phải có tâm, có tầm mới được quyền mua.
Tôi chưa nhìn thấy những điểm thật sự thuyết phục khi thực hiện cổ phần hóa tất cả các trường ĐH công.
Để đi đến quyết định cổ phần hóa một trường ĐH phải do chính trường đó và cơ quan chủ quản quyết định. Để thực hiện tốt việc cổ phần hóa, trước tiên phải có luật rõ ràng để tránh những tranh chấp, ảnh hưởng đến quá trình hoạt động và phát triển của nhà trường.
Theo tôi, con đường thích hợp nhất để các trường ĐH công hiện nay hoạt động và phát triển tốt là cơ chế tự chủ toàn diện.
Theo TTO