Có nỗi nhớ mang tên… rau nghệ
Ở hầu hết các làng quê Quảng Ngãi, cứ mười người “lỡ” ăn rau nghệ thì hết… chín người rưỡi nhớ thầm khi mùa rau nghệ ra đi.
Rau nghệ được ví là “hoa hậu” của các loại rau
Phải đúng một năm sau, vào cuối tháng tám âm lịch, khi những cơn mưa đầu đông rây nhẹ thì người nhớ mới gặp lại rau xưa. Trước giờ chưa ai trồng được rau nghệ. Rau cứ “đến hẹn lại lên” thôi. Người Quảng ở Sài Gòn điện về, nói gì thì nói, vẫn không quên “chốt hạ” một câu: “Ngoài mình mưa chưa, có rau nghệ chưa?”.
Loài rau thật lạ! Nghe mưa mới mọc, mà phải là “kiểu” mưa thoang thoảng, chợt đến chợt dừng. Mưa nặng hạt, dầm dề, lê thê hả? Một cọng rau cũng không có. Thêm nữa, rau chỉ sinh sôi nảy nở trên những ngọn đồi tranh, đồi thưa, đồi cằn – nơi mà đất thiếu màu mỡ nhưng sạch tuyệt đối. Và dường như rau nghệ chỉ mọc về đêm. Nếu không thì tại sao, cùng khoảnh đồi ấy, sáng hôm trước người ta đã hái hết thì sáng hôm sau rau nghệ lại hồn nhiên khoe sắc?
Với tôi, nếu có cuộc thi… hoa hậu các loài rau, chắc chắn rau nghệ sẽ đăng quang vì vẻ đẹp non tơ, màu sắc hài hòa. Từng bẹ lá ôm ấp nhau từ gốc đến ngọn làm nên thân rau. Ngọn rau giống đóa hoa huệ xòe nở điểm tô bằng những gam màu nhẹ: trắng muốt, xanh lơ, vàng nhạt, hồng phớt đan xen. Từ đặc điểm hình thể đó nên có nơi gọi là rau huệ. Còn gọi là rau nghệ vì rau phảng phất mùi củ nghệ tươi.
Có nhiều loại rau xấu xấu mà ngon. Còn rau nghệ thì đã ngon lại đẹp. Rau mua về (50.000 đồng/kg), ngồi ngoài hiên lặt, ai đi ngang cũng trầm trồ “rau xinh quá là xinh”. Giá rau hơi “chảnh” một tí nhưng nghĩ cho cùng cũng phải thôi. 25.000 đồng cho cái ngon, 25.000 đồng cho cái đẹp. Đắt cái nỗi gì!
Rau luộc vừa lửa, cho ra đĩa, dùng đũa ép cho ráo nước là lên mâm được rồi. Nước chấm thì tùy khẩu vị mỗi người. Mắm lọc, xì dầu hay tương chao đều được. Nhưng phần lớn “tín đồ” rau nghệ đều cho rằng mắm cái (mắm nêm) dùng chấm rau nghệ là ngon nhất.
Nghĩ cũng lạ! Loài rau “hoa hậu” đẹp trinh bạch, thanh tao, nhã nhặn, quý phái như thế lại hợp với thứ nước chấm “trần tục” là mắm cái vốn khá nặng mùi. Thôi thì miễn bàn. Nghệ thuật ẩm thực vĩnh viễn là… bí mật! Biết ngon, thấy ngon thì hít hà, chép miệng chép lưỡi là được rồi. Ngồi đó mà lý giải thì mãi mãi không xong, có khi làm món ăn “tự ái” rồi nguội lạnh, mất ngon. Hỏi có phí không?
Quảng Ngãi cùng với các… Quảng khác đang đón những làn mưa nhẹ đầu mùa, thứ mưa do rau nghệ và vì rau nghệ. Đã có nhiều thùng xốp, dưới rải đá lạnh, trên xếp đầy rau nghệ và chai mắm cái theo xe khách xuôi vào thành phố. Những cuộc “điện đàm”: “Gửi chưa? Gửi rồi. Nhận chưa? Nhận rồi” rối rít cả xóm. Hội chứng… bấn loạn này do rau nào gây ra, nếu không là rau nghệ?
Video đang HOT
Gã “ nóng bức” đã đi rồi. Giờ người đẹp mát lành mang tên “rau nghệ” vừa đến trong cái gió se se đầu đông. Thạp gạo nhanh vơi hơn, chén cơm nóng đầy hơn nhờ hương vị nồng nàn rau nghệ và mặn mà mắm cái. Có người “nghiện” rau nghệ lắng nghe tiếng… thời gian. Bởi chỉ vài ba tuần nữa thôi, khoảng cuối tháng 9 mưa gió tơi bời là hết… thời rau nghệ. Khi ấy sẽ “la liệt” người ngồi nhớ và mong đợi mùa rau nghệ sang năm.
Theo Thanhnien
Bánh xèo miền Trung, chuyện ông Tây chụp bộ ảnh Mỹ Lai nổi tiếng hỏi chữ 'xèo, xèo'
Mỗi lúc chớm đông, khi những cơn mưa như trút nước bắt đầu đổ xuống quê nhà, cũng là lúc dậy lên một mùi thương nhớ xa xăm. Đó là mùi bánh xèo. Đi đâu rồi cũng nhớ bánh xèo Quảng Ngãi.
Bánh xèo Quảng Ngãi vẫn hằn sâu trong ký ức của những người con tha hương.
Một chút ký ức
Không rõ ở các tỉnh "hàng xóm" với Quảng Ngãi có câu này không: " Rằm tháng Bảy kẻ quảy người không/ Rằm tháng Mười mười người mười quảy".
Chữ "quảy" đây được hiểu là "cúng". Còn cúng trong câu trên đây là cúng cơm mới sau khi đã gặt xong vụ lúa hè thu.
Cúng cơm mới có lẽ là một tập tục được ông bà duy trì từ khi đi mở cõi, nhằm tri ân thần linh, trời đất đã phù hộ để mùa màng tươi tốt. Tuy nhiên, mỗi nơi lại cúng một cách.
Ở Quảng Ngãi, tiếng là cúng cơm mới nhưng cơm thì không thấy mà chỉ thấy bánh xèo. Cũng làm từ gạo, song cái cách chế biến để thành loại bánh không dễ trộn lẫn này thì chỉ ở Quảng Ngãi mới làm được dù bánh xèo có mặt ở nhiều nơi.
Hồi mới vô Nha Trang, cũng cữ này, trời se se lạnh, chợt nhớ đến bánh xèo, thế là đi loanh quanh tìm bánh. Tôi đã ăn loại bánh xèo mà nhân của bánh là con mực chứ không phải thịt vịt như ở quê, khó diễn tả cái cảm giác thất vọng khi phải cố ăn cho bằng hết ... một bánh. Và giã từ luôn bánh xèo nơi đất khách từ đó đến giờ.
Ông Tây ghiền bánh xèo
Nhân đây cũng xin mở ngoặc nói thêm mấy chuyện râu ria về loại bánh mới nghe đã rạo rực này. Mùa hè năm rồi, nhân trở lại Sơn Mỹ, ông Ronal L. Haeberle, tác giả bộ ảnh Mỹ Lai nổi tiếng có đi cùng cha con tôi về biển Mỹ Khê chơi.
Nhìn thấy mấy chị hàng quán đang làm bánh xèo, ông lấy làm ngạc nhiên. Ấn tượng nhất với ông là cái cách mà chị chủ quán xoay vần với nào bột, nào thịt, nào dầu mỡ, một cách nhịp nhàng để cho ra lò những chiếc bánh khá lạ mắt.
Đổ bánh xèo ở quê nhà
Ông tò mò hỏi về tên của loại bánh này và cách chế biến chúng. Cái vốn tiếng Anh xịt bụp của tôi chỉ đủ giải thích đây là loại bánh được làm từ gạo. Ông lại hỏi "mày dịch chữ "xèo" cho tao được không?".
Đến đây thì tôi phải cầu viện. Con gái tôi cũng khá tiếng Anh nhưng cháu có vẻ khó khăn khi giải thích vòng vèo là dựa ào âm thanh khi đổ bột vào khuôn nó kêu "xèo" nên gọi là bánh xèo.
Để cho ông ấy hiểu thêm, tôi phải "phát âm" tiếng "xèo" rõ to, nghe vậy ông cười thật vui và ăn một lúc đến... 10 bánh luôn. Ông chỉ ăn bánh xèo, còn tôm cua ghẹ ốc gì cũng "NO" (không).
Ông còn hẹn khi nào có dịp trở lại Sơn Mỹ lần nữa, dứt khoát tôi phải đãi tiếp ông loại bánh này. Một người Mỹ "ghiền" bánh xèo Quảng Ngãi nói chứ tôi không dựng chuyện để tự quảng cáo bánh xèo quê nhà đâu nhé.
Cũng nhân rằm tháng Mười cách đây lâu lắm rồi, thời mà bếp nhà nào ở quê cũng vang lên thứ âm thanh rạo rực ấy khi chớm đông, có anh bộ đội lâu ngày về phép. Thấy chồng về đột ngột (hồi đó không có di động như bây giờ, thấy mặt chồng là biết về chứ không báo trước), chị vợ mừng quýnh.
Dù còn ba bữa nữa mới tới rằm tháng Mười nhưng chị vợ đã cắp rổ ra chợ mua ngay hai con vịt, xong về nhà xay bột để đúc bánh xèo thịt vịt bồi dưỡng cho chồng. Với hảo ý là ưu tiên cho người tiền tuyến giữ sức, chị vợ dành luôn phần việc xay bột, anh chồng chỉ việc đứng ngó thôi.
Vừa xay, chị vừa hỏi: "Chớ ba mày về được mấy ngày vậy?". Anh chồng thấy chị vợ miệng hỏi mà mặt đỏ lựng nên đùa: "Ba về hai hôm thôi vì đi công tác tạt ngang chớ không phải nghỉ phép".
Nghe vậy, chị vợ ỉu xìu. Đang quay cái khuôn chạy vù vù, bỗng dưng chững lại, vòng quay chiếc cối xay bột chậm chạp hẳn, giọng buồn xo: "zề... chi... zậy... mà... zề, zề... chi... zậy... mà... zề hê".
Trông cái mặt tiu nghỉu, cái cách xay bột xìu xìu vậy của vợ, anh chồng phì cười: "Ba giỡn mà, lần này về cả tháng lận". Chị vợ nghe thế là bừng tỉnh liền, tay quay lia lịa chiếc cối xay bột: "Zề như zậy mới zề, zề như zậy mới z ề ề ề chớ...".
Bột văng tứ tung, dính đầy áo lính anh chồng. Thế đấy, bánh xèo nó cũng đủ làm cho những đôi lứa có lí do để mà mặn nồng đấy thôi.
Cộng đồng làng và ký ức tuổi thơ
Trở lại với chuyện bánh xèo tháng Mười. Thời bé ở quê quá cực khổ thiếu thốn nên nghe đúc bánh xèo là trẻ con rạo rực ghê lắm. Tháng này mưa lụt được ở nhà khỏi chăn bò, được đi nghịch nước, thả lờ, đơm đó, lại còn được ăn bánh xèo, không gì vui bằng.
Theo Thanhnien
Nức tiếng bánh xèo Quảng Ngãi Tên bánh xèo có lẽ xuất phát từ âm thanh "xèo xèo" khi đổ bột gạo vào khuôn bánh có dầu hoặc mỡ đang nóng trên lửa. Bánh xèo từ lâu đã trở thành món ăn đặc trưng của người dân Việt Nam, nhưng riêng ở Quảng Ngãi, bánh xèo là một món phổ biến, mang hương vị rất riêng của vùng đất...