Có những giáo viên không dám dạy môn học mà mình đã được đào tạo!
Khi thầy cô không có chuyên môn thì việc dạy cũng chỉ là cách làm đối phó, dạy cho có chứ làm sao hiểu được nội dung, bản chất của môn học mà mình đang giảng.
Bước vào đầu năm học mới, việc đầu tiên là các nhà trường phải thực hiện việc phân công giáo viên giảng dạy trong năm. Việc giáo viên đào tạo môn nào thì dạy môn đó là chuyện đương nhiên không có gì phải bàn cãi.
Vậy nhưng, thực tế vẫn có những giáo viên sợ dạy môn học mà mình đã được đào tạo, sợ dạy những lớp cuối cấp. Chuyện tưởng chừng nghịch lý nhưng lại đang diễn ra ở một số trường phổ thông hiện nay.
Một số giáo viên thích dạy các môn phụ để đỡ vất vả hơn (Ảnh minh họa: TTXVN)
Tâm lý của nhiều người khi thi vào các trường sư phạm thì thích vào các môn chính như Toán, Lý, Hóa, Văn, Anh…và những thí sinh vào được những ngành học được xem là môn chính thường có điểm chuẩn cao hơn.
Nhưng, khi ra trường về các trường nông thôn- nơi mà học sinh không có nhu cầu học thêm thì một số một số giáo viên lại thích dạy các môn phụ, cho dù môn đó bản thân người thầy không hề được đào tạo.
Chính vì một số môn học hiện nay ở trường phổ thông thiếu hoặc không có giáo viên chuyên ngành nên có nhiều người chọn các môn này để dạy.
Bởi, dạy các môn được xem là phụ thì nhẹ về kiến thức, ít phải đầu tư, ít bị cấp trên kiểm tra, ít khi phải thực hiện thao giảng chuyên đề và cũng ít khi bị dự giờ khi có các đoàn thanh, kiểm tra về trường.
Vì thế, nhiều khi phân giảng dạy đầu năm có những chuyện khôi hài là giáo viên “xí phần” dạy các môn mà mình không được đào tạo.
Ở cấp trung học cơ sở hiện nay có môn học nghe qua thì rất hấp dẫn đó là môn Công nghệ nhưng thực tế thì môn học này có rất ít giáo viên được đào tạo đúng chuyên ngành, thậm chí có môn không hề có giáo viên chuyên ngành.
Đa phần là giáo viên dạy “tay ngang” mà thôi. Đối với Công nghệ lớp 8, lớp 9 thì giáo viên Vật lý dạy. Công nghệ lớp 7 được phân công cho giáo viên môn Sinh học và môn Công nghệ 6 được phân công cho giáo viên…Ngữ văn đảm nhận.
Nhất là đối với môn Công nghệ lớp 6 thì thường dạy nhàn hơn rất nhiều đối với dạy môn Ngữ văn.Chính vì một số giáo viên sau một vài năm được phân công dạy môn Công nghệ nên khi nhà trường phân công dạy cả môn chính được đào tạo thì họ thường ngại ngần và tìm cách để thoái thác.
Bởi, ít phải chấm bài mà môn học này có nhiều tiết thực hành nên giáo viên Văn có nhiều người xin dạy. Thậm chí khi nhà trường phân công môn Văn thì họ lấy lý do lâu ngày không dạy Văn để tìm cách thoái thác.
Nhất là môn Văn bây giờ có nhiều học sinh không thích thú. Hơn nữa, môn học này phải nói nhiều, giảng nhiều, ghi nhiều và lượng kiến thức thì tương đối lớn. Trong khi, mỗi tiết học môn Công nghệ thì thường chỉ có mấy gạch đầu dòng là xong.
Không chỉ môn Công nghệ mà ngay cả môn Giáo dục công dân hiện nay cũng nhiều người thích thú được dạy. Đặc biệt là đối với một số thầy cô làm Ban giám hiệu thì thường tự phân cho mình mấy tiết theo quy định.
Có điều, bản thân những thầy cô ấy lại không được đào tạo chuyên ngành Giáo dục công dân. Nhưng, nếu dạy môn mà mình đã được đào tạo thì vất vả, thậm chí là khó khăn khi phải xem lại kiến thức môn học.
Video đang HOT
Thực trạng này diễn ra khá nhiều ở các trường phổ thông.
Tất nhiên, khi thầy cô không có chuyên môn thì việc dạy cũng chỉ là cách đối phó, dạy cho có chứ làm sao hiểu được nội dung, bản chất của môn học mà mình đang giảng. Mọi thiệt thòi đương nhiên sẽ thuộc về các em học sinh.
Đối với những lớp cuối cấp thì một số giáo viên sợ nặng kiến thức nên khi được phân công thì một số người cũng tìm cách thoái thác. Bởi, những lớp cuối cấp thường phải hệ thống lại toàn bộ kiến thức của cả cấp học nên rất nặng về kiến thức.
Muốn dạy được những lớp cuối cấp thì bắt buộc phải có cái nhìn bao quát và nắm khái quát được toàn bộ kiến thức môn học đó trong cả cấp học.Nhất là những môn mà gắn với các kỳ thi chuyển cấp thì đòi hỏi càng cao hơn.
Hơn nữa, những lớp cuối cấp thì bắt buộc phải ôn thi học sinh giỏi, các môn thi chuyển cấp còn phải ôn tập trong hè, trong khi thời điểm đó thì các giáo viên khác đã được nghỉ rồi.
Vì vậy, khi được phân công cũng khiến cho một số giáo viên sợ và tìm cách từ chối.
Tư tưởng dạy khối nào, dạy môn nào cứ muốn dạy mãi một khối đã ăn sâu vào suy nghĩ của một số giáo viên hiện nay. Bởi dạy một một môn, dạy một khối thì sẽ quen thuộc, không phải soạn giáo án, làm lại bài kiểm tra và tất nhiên không phải đầu tư cho những bài giảng mới.
Thực tế cho thấy, không phải cứ đào tạo như nhau là giáo viên có trình độ, năng lực như nhau và càng không phải giáo viên nào cũng nhiệt tình và dám tự tin làm chủ tất cả kiến thức môn học trong toàn cấp học.
Bởi, cứ nhìn vào việc phân công nhiệm vụ đầu năm học thì mọi người sẽ thấy một điều rất rõ là có những giáo viên luôn muốn cái lợi, luôn muốn việc nhẹ nhàng cho mình, còn ai vất vả, dạy nhiều tiết, kiêm nhiệm công việc nhiều cũng kệ mặc!
NGUYỄN NGUYÊN
Theo giaoduc.net
Sẽ đưa ra chỉ số để nắn chỉnh tư duy "môn chính môn phụ"
"Bộ GD&ĐT sẽ đưa ra chỉ số đánh giá nhằm nắn chỉnh tư duy của những người quản lý về quan niệm môn chính - môn phụ; các cấp quản lý tuyệt đối không phân biệt môn chính - môn phụ trong chỉ đạo; giáo viên cũng phải bước qua tâm lý này" - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết như vậy khi chủ trì tọa đàm tìm giải pháp nâng cao chất lượng môn Lịch sử trong trường phổ thông.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Tọa đàm
Tọa đàm do Bộ GD&ĐT tổ chức diễn ra trong bối cảnh môn Lịch Sử tại Kỳ thi THPT quốc gia chỉ có điểm trung bình 4,3 - tuy kết quả có tốt hơn năm ngoái - song vẫn tiếp tục là một trong hai môn có điểm trung bình thấp nhất.
Nặng nề tâm lý "môn phụ"
Mở đầu cuộc tọa đàm, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, cuộc tọa đàm được tổ chức ngay sau khi công bố kết quả thi nhằm phân tích và tìm ra giải pháp cho một vấn đề không mới nhưng bức thiết, đó là chất lượng và vị trí của môn Lịch sử trong trường phổ thông. "Đổi mới dạy và học môn Lịch sử là tất yếu nhưng đổi mới thế nào để môn học trở nên gần gũi với cả người dạy lẫn người học, thầy tâm huyết, trò hứng thú" - Bộ trưởng nêu vấn đề.
Mang đến tọa đàm tâm trạng buồn vì kết quả điểm trung bình Lịch sử lại thấp nhất trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, cô giáo Lê Thu Huyền, Trường THPT Sơn Tây (Hà Nội) cho biết, khi đọc đề thi Lịch sử năm nay, cô và các đồng nghiệp đều thống nhất nhận định đề thi chất lượng tốt, không có vấn đề gây tranh cãi, rất tường minh, "nhưng cuối cùng phổ điểm trung bình của môn Lịch sử vẫn thấp nhất" - Cô Huyền chia sẻ tâm trạng khi đón nhận phổ điểm môn Lịch sử.
Đầu tư cơ sở vật chất cho môn Lịch sử còn hạn chế. Ảnh minh họa
Lí giải vì sao dù giáo viên đã nỗ lực, có tâm huyết nhưng kết quả dạy và học môn Lịch sử vẫn chưa cao, cô Huyền cho rằng, có sự chênh lệch, không đồng đều giữa chất lượng giáo viên các vùng miền; sự quan tâm dành cho môn Lịch sử trong mỗi nhà trường cũng chưa thỏa đáng đúng như sứ mệnh, trách nhiệm của môn học.
"Tôi lấy ví dụ, các trường có thể bỏ kinh phí đầu tư phòng học bộ môn, phòng thí nghiệm hay phần mềm hỗ trợ giảng dạy cho một số môn học rất dễ dàng, nhưng khi nói đến đầu tư cho môn Lịch sử là có sự cân nhắc" - cô Huyền nói.
Chung quan điểm về việc môn Lịch sử chưa được coi trọng đúng mức nhưng cô Hoàng Thị Lan Hương, Tổ trưởng môn Lịch sử, Trường THPT Chu Văn An lại lí giải từ khía cạnh sự hứng thú của học sinh với môn học này.
Vấn đề là làm sao để đổi mới nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy, phương thức kiểm tra đánh giá cho phù hợp, thiết thực và hiệu quả. Đội ngũ giáo viên các cấp cũng cần được đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu. Khi thầy cô chuyển động - môn Sử sẽ chuyển động. Phải làm sao để học Sử phải trở thành nhu cầu tự thân của mỗi học sinh
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ
Cô Hương cho biết, ở Trường THPT Chu Văn An môn Lịch sử vẫn được coi trọng nhưng học sinh không còn hứng thú với môn học này nữa, các em lựa chọn hướng khác. Sự lựa chọn này phần nhiều đến từ sự định hướng của gia đình, mong muốn các em theo đuổi 3 môn chính là Toán - Ngữ Văn - Ngoại ngữ.
"Nhiều phụ huynh cách kỳ thi tốt nghiệp THPT 2-3 tháng đến gặp chúng tôi để nhờ phụ đạo cho con môn Lịch sử, để mong cháu đủ điểm qua tốt nghiệp. Thời gian trước đó các em dành cho các môn xét tuyển đại học, chủ yếu là khối thi 3 môn Toán - Ngữ Văn - Ngoại ngữ" - Cô Hương chia sẻ.
Đây cũng là thực tế diễn ra tại Trường THPT Việt Đức (Hà Nội). Theo cô giáo Phạm Thị Thanh Huyền, giáo viên dạy tốt, học sinh có hứng thú với môn học nhưng dù có thích thì môn Lịch sử cũng hầu như không liên quan đến lựa chọn nghề nghiệp của các em, nên các em chỉ học đủ điểm để qua môn.
Đồng cảm với những khó khăn của giáo viên dạy bộ môn Lịch sử, song Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu, không thể để tâm lý "môn phụ" - "môn chính" tiếp tục tồn tại trong các nhà trường phổ thông. Bộ trưởng khẳng định, Lịch sử là môn học có vị trí quan trọng ở bậc phổ thông, tỷ lệ học sinh lựa chọn Lịch sử để dự thi THPT quốc gia ngày càng tăng trong những năm qua đã cho thấy sự quan tâm của học sinh với môn học này.
Nhiều chuyên gia tâm huyết đã dành sự quan tâm cho cuộc Tọa đàm tìm giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học môn Lịch sử
Phải làm cho học sinh thích Sử
Là nhà nghiên cứu Lịch sử nổi tiếng, GS.TS Vũ Minh Giang nhận định, bản thân môn Sử rất có sức hấp dẫn nhưng trong một thời gian dài nền giáo dục của chúng ta tiếp cận nội dung nên dạy cụ thể, diễn biến, ngày tháng... dẫn đến học sinh rất sợ, khó nhớ. "Chúng ta dạy Sử theo lối không đối xử với nó như một môn khoa học nên cứng nhắc, giáo điều, mất tính khách quan, học thuộc lòng quá nhiều. Cách dạy của chúng ta tương đối nghèo nàn, khô cứng, trong khi môn học này rất cần bổ trợ bằng nhiều hình thức sinh động" - GS Giang nhìn nhận.
Cho rằng, đổi mới là cần thiết nhưng GS Vũ Minh Giang cũng thừa nhận, đổi mới dạy và học không thể nhanh được, nhất là đối với môn Sử, "nó có độ trễ, sự "đông cứng" trong chính các thầy cô giáo, chúng ta phải kiên quyết bỏ lối tư duy "không sự kiện làm sao thành Sử", chương trình giáo dục phổ thông mới tới đây phải làm được điều này, phải làm cho học sinh thích Sử".
Để nâng cao vị trí của môn Lịch sử, GS Vũ Minh Giang cho rằng, đã đến lúc phải tính lại để làm sao kiến thức Lịch sử cần cho tất cả mọi người, nhất là với cán bộ lãnh đạo, trở thành một tiêu chí lựa chọn cán bộ lãnh đạo. Ngoài ra, tính hấp dẫn phải có, đổi mới sách giáo khoa phải làm điều này, chữ nghĩa ít thôi, không trói buộc học sinh phải nhớ mà là để học sinh tự tìm tòi.
Theo GS Vũ Minh Giang, cách học và cách thi môn Lịch sử hiện nay có độ chênh đáng kể. Ông lí giải, kết quả cao hay thấp từ một kỳ thi chưa chắc đã do trình độ học sinh mà còn do đề thi. Việc ra đề thi Lịch sử mấy năm qua đã tiếp thu rất nhanh, chạy rất nhanh đổi mới nhưng người học có độ trễ vì vẫn học theo cách cũ nên chưa thích ứng ngay được với đề thi này. Cần phải có lộ trình từng bước một.
GS.TS Phạm Hồng Tung, Tổng chủ biên môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới, gợi mở, nên có sự thay đổi các môn trong tổ hợp tuyển sinh, môn Lịch sử cần được đưa vào trong nhiều tổ hợp xét tuyển hơn so với hiện nay. Ví dụ những ngành như du lịch, khách sạn, lữ hành... cần được xét tuyển bằng môn Lịch sử. Khi Lịch sử là một quan trọng trong lựa chọn nghề nghiệp, ví trí của môn học sẽ nâng cao hơn.
Đưa ra ví dụ ở Canada khi muốn nhập quốc tịch cần phải biết lịch sử của nước họ, PGS.TS Vũ Quang Hiển, Giảng viên khoa Lịch sử, trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội đặt câu hỏi, bên cạnh đổi mới chương trình, phương thức đánh giá, có cách nào đổi mới vị thế đặc thù môn Lịch sử được không?
Toàn cảnh buổi Tọa đàm
Xóa bỏ tâm lý "môn chính - môn phụ"!
Là người có nhiều năm phụ trách bộ môn Lịch sử cấp THCS và THPT, ông Xuân Trường, chuyên viên Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho rằng, cần có một cuộc "cách mạng" trong nhận thức từ cán bộ quản lý, sở, phòng, hiệu trưởng, tổ bộ môn để chỉ đạo sát sao hơn với môn Lịch sử trong nhà trường, tạo động lực cho giáo viên. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào thiết kế bài giảng, tăng tính hấp dẫn cho bài giảng; đổi mới mới phương pháp dạy học với định hướng nghề nghiệp của học sinh.
Không đặt nặng yêu cầu về nội dung chương trình môn Lịch sử, theo cô giáo Lê Thu Huyền, Trường THPT Sơn Tây (Hà Nội), nội dung chương trình chỉ là một phần, quan trọng là giáo viên biết lựa chọn kiến thức nào để truyền tải đến học sinh, cách truyền tải, cái hồn của thầy cô giáo được gửi gắm trong bài giảng.
Mong mỏi lớn nhất của cô Huyền cũng như nhiều giáo viên dạy môn Lịch sử hiện nay là được trang bị các thiết bị hỗ trợ, phần mềm dạy học cần thiết và được tạo môi trường thuận lợi để giáo viên Lịch sử có động lực giảng dạy.
Ghi nhận các ý kiến tại Tọa đàm, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, đây sẽ là những gợi mở cần thiết để Bộ GD&ĐT có những điều chỉnh, chỉ đạo trong thời gian tới về cả cách dạy, cách học, cách thi của môn Lịch sử.
"Trong khi chưa áp dụng chương trình mới thì ngay trong dịp hè này cần rà soát lại chương trình môn Lịch sử ở bậc phổ thông, những gì bất cập phải bỏ, tiếp cận với chương trình mới, đẩy mạnh đổi mới phương pháp để hạn chế "độ trễ, độ vênh" giữa học và thi, hạn chế thầy cô giảng theo cách cũ trong khi thi đang đổi mới" - Bộ trưởng chỉ đạo các vụ, cục chuyên môn của Bộ.
Theo Bộ trưởng, đổi mới môn Lịch sử không thể nóng vội, mà từng bước một tạo ra sự nhìn nhận mới về môn Lịch sử. Đổi mới trước hết phải từ đội ngũ giáo viên, tạo động lực cho giáo viên, nếu giáo viên còn tâm lý "môn chính - môn phụ" thì khó đổi mới được.
"Bộ GD&ĐT sẽ đưa ra chỉ số đánh giá nhằm nắn chỉnh tư duy của những người quản lý về quan niệm môn chính - môn phụ; các cấp quản lý tuyệt đối không phân biệt môn chính - môn phụ trong chỉ đạo; giáo viên cũng phải bước qua tâm lý này" - Bộ trưởng nêu rõ.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, trong Hội nghị Giám đốc Sở GD&ĐT toàn quốc, những giải pháp nhằm nâng chất lượng dạy và học, nâng cao vị thế của môn Lịch sử sẽ được chỉ đạo và thực hiện tới từng địa phương, để ngay trong năm học tới sẽ có chuyển biến rõ nét đối với môn Lịch sử.
Minh Thu
Theo GDTĐ
"Cô dạy hay đấy, nhưng quá rủi ro!" Khi tôi tham gia cuộc thi giáo viên dạy giỏi, học sinh nói với tôi rằng: "Cô cứ yên tâm, bọn con diễn giỏi lắm". Nhưng tôi đã nói với các em: "Nếu các con đưa cho cô một kịch bản, cô sẽ là người đầu tiên quên lời". "Tôi cũng buồn rất nhiều và thấy tổn thương" Tôi là một giáo viên...