Có nên tồn tại các kỳ thi giáo viên giỏi?
Sau mỗi ngày vất vả “đánh vật” với học sinh trên lớp, giáo viên phải “gồng mình” soạn giáo án, làm sáng kiến kinh nghiệm và chuẩn bị cho thi giáo viên dạy giỏi.
Nhiều giáo viên cho rằng, thi giáo viên giỏi hiện nay còn theo hình thức khiến giáo viên áp lực, mệt mỏi trong chuẩn bị.
Cô Lương Thị Hòa – Giáo viên Trường Tiểu học và THCS Cao Sơn (huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình) kiến nghị giảm tải đối với các cuộc thi dành cho giáo viên. Ảnh: Q.Anh
Sút cả chục cân vì thi giáo viên giỏi
Lấy dẫn chứng từ bản thân mình sau một loạt Hội thi giáo viên giỏi đã bị sa sút về sức khỏe, không có đủ thời gian để thực hiện công tác chuyên môn trên lớp, cô Lương Thị Hòa – Giáo viên môn Âm nhạc, Tổng Phụ trách Đội tại Trường Tiểu học và THCS Cao Sơn (huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình) cho biết: “Chỉ trong tháng 3/2017, tôi phải tham dự liên tiếp 4 cuộc thi, bao gồm kỳ thi giáo viên giỏi môn Âm nhạc cấp huyện, tỉnh và Tổng phụ trách Đội. Trong một tháng đó khiến tôi giảm mất 10kg, thiếu đi thời gian để thực hiện tốt công tác chuyên môn hàng ngày, mặc dù được tạo điều kiện, giúp đỡ từ nhà trường và các đồng nghiệp”.
Cũng theo cô Hòa, các kỳ thi tạo nhiều về áp lực, đầu tiên đó là thành tích. Đó có thể là thành tích thật, nhưng cũng có thành tích không thật. Những thành tích này đè nặng lên giáo viên trực tiếp đứng lên giảng dạy. Với thầy cô tâm huyết là mong muốn được yêu thương, mang tất cả kiến thức đã được học dành cho học sinh, gửi gắm cho các em học sinh, nhất là những em vùng sâu vùng xa. Nhưng thời gian chuẩn bị cho các cuộc thi chiếm rất nhiều thời gian đầu tư vào bài giảng cho các em.
Video đang HOT
“Nơi tôi công tác có một địa bàn không có điện, các em đều là người dân tộc Dao, đi các cuộc thi như thế là tôi xa các em. Các em ở đây không có điện đồng nghĩa với việc không có điều kiện để xem ti vi, do đó đến lớp niềm vui của các em là muốn nghe thầy cô hát, múa. Vì vậy, mong muốn của tôi là được giảm tải từ các cuộc thi dành cho các giáo viên, nhất là những giáo viên vùng sâu vùng xa, bởi chúng tôi luôn mong được gần các em nhiều hơn”, cô Lương Thị Hòa chia sẻ thêm.
Thầy Nguyễn Quang Trung (Trường THCS Quảng Hòa, xã Quảng Hòa, huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông) cho biết: “Hiện nay, có nhiều cuộc thi dành cho giáo viên đã ảnh hưởng đến việc đảm bảo thời gian giảng dạy cho học sinh trên lớp. Tuy có sắp xếp lịch dạy bù, nhưng giáo viên vẫn khó để đảm bảo chất lượng bằng việc dạy theo đúng quy định. Cần giảm số lượng cuộc thi dành cho giáo viên. Ngoài ra, cũng đề nghị giảm số lượng hồ sơ sổ sách mang tính hình thức để bớt gánh nặng cho giáo viên chủ nhiệm”.
Sẽ không yêu cầu giáo viên tham gia các cuộc thi
Thời gian qua, đã có nhiều tranh luận về câu chuyện có nên bỏ hay giữ lại các cuộc thi giáo viên giỏi. Trên thực tế, về ý nghĩa của cuộc thi này đó là một sân chơi để những nhà giáo tâm huyết có cơ hội thể hiện khả năng của mình, được đồng nghiệp, phụ huynh, học sinh cảm phục. Tuy nhiên, việc có quá nhiều cuộc thi, nội dung, hình thức thi mang nặng yếu tố thành tích, chỉ là nơi “diễn” chứ không phải để nâng cao kiến thức, khả năng.
Thậm chí, vào tháng 1/2019, tại một trường tiểu học ở một thành phố, để phục vụ cho Hội thi giáo viên giỏi cấp thành phố, nhà trường đã yêu cầu chỉ học sinh chăm ngoan, học giỏi mới được tham gia các tiết dạy của giáo viên dự thi, học sinh lực học yếu hơn được cho nghỉ. Bộ GD&ĐT đã vào cuộc và chỉ ra nhiều bất cập trong Hội thi giáo viên giỏi tại đây. Bộ GD&ĐT cũng đã có công văn chấn chỉnh, lưu ý một số vấn đề liên quan đến tổ chức Hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp học phổ thông và giáo dục thường xuyên trong đó nhấn mạnh “Giáo viên dự thi không được tập dượt dạy thử, dạy trước với học sinh; không được “gà bài” trước cho học sinh; Khi thao giảng cần phải được giữ nguyên trạng số lượng học sinh của lớp…”.
Chia sẻ về những bất cập trong các cuộc thi dành cho giáo viên hiện nay, ông Phạm Tuấn Anh – Phó cục trưởng Cục Nhà giáo cán bộ quản lý (Bộ GD&ĐT) cho biết: “Thời gian qua, Bộ cũng đã rà soát các cuộc thi giáo viên cho thấy, có một số nơi thực hiện chưa đúng, thi giáo viên giỏi nhưng giáo viên lại “diễn” lại nhiều lần một giờ dạy làm sai ý nghĩa của cuộc thi. Sắp tới, Bộ sẽ xét giáo viên giỏi dựa vào quá trình dạy học. Theo đó, giáo viên giỏi sẽ không chỉ đánh giá qua một giờ dạy mà cần xét cả quá trình và có ra tiêu chí, tiêu chuẩn rõ ràng”.
Đặt ra yếu tố áp lực cũng là một thử thách đối với giáo viên để nâng cao trình độ chuyên môn, tuy nhiên Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết: “Sắp tới, cuộc thi giáo viên dạy giỏi sẽ không phải viết hay trình bày sáng kiến kinh nghiệm. Thay vào đó, giáo viên có thể chia sẻ, trình bày những kinh nghiệm hay, những việc làm tốt trong năm qua… Thông tư chuẩn bị ban hành được xây dựng trên tinh thần giảm tối đa áp lực cho giáo viên. Các cuộc thi vẫn được tổ chức nhưng hình thức sẽ được giảm tải, không bắt buộc thầy cô tham gia”.
Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ đã rà soát và sẽ cắt những cuộc thi không nâng cao chất lượng giáo dục, thậm chí còn đang tạo gánh nặng, áp lực cho giáo viên. Một trong những nội dung quan trọng từ năm 2019 để giảm áp lực, tạo động lực cho giáo viên là giảm gánh nặng sổ sách hành chính, các cuộc thi nhà giáo không cần thiết. Bộ cũng đề nghị địa phương và các Bộ, ban ngành liên quan chung tay giải quyết áp lực thi đua cho các trường; có chính sách lương bổng để nhà giáo yên tâm làm tốt công việc.
Theo giadinh.net
Giáo viên Hà Nội chờ đợi gần 3 giờ để thi viên chức
Mặc dù lịch thi thông báo sẽ bắt đầu từ 8 giờ sáng, nhưng phải đến hơn 10 giờ trưa, nhiều hội đồng thi tuyển viên chức tại Hà Nội mới bắt đầu phát đề cho thí sinh.
Ngày 17/11, các thí sinh thi tuyển viên chức tại Hà Nội cùng bước vào vòng 2 với bài thi viết môn nghiệp vụ chuyên ngành. Theo lịch, đúng 8 giờ sáng các thí sinh sẽ bước vào thời gian làm bài. Bài thi được thông báo kéo dài 180 phút.
Tuy nhiên, tại nhiều điểm thi ở các quận huyện, thí sinh đã phải chờ đợi trong phòng thi tới gần 3 giờ đồng hồ.
Tại quận Bắc Từ Liêm, phải đến 10 giờ, các thí sinh mới bắt đầu được phát đề. Còn tại Đan Phượng, thời gian làm bài được tính từ 10h20; trong khi, huyện Sóc Sơn bắt đầu từ 9h15.
Cho đến 13 giờ, hầu hết các thí sinh mới kết thúc phần thi của mình.
Việc chờ đợi khiến nhiều thí sinh dự thi cảm thấy sốt ruột và căng thẳng. Thậm chí, nhiều người lo lắng, liệu Sở có hoãn thi thêm một lần nào nữa?
Một số thí sinh cho biết, theo lý giải của cán bộ coi thi, việc chậm trễ phát đề là do phải chờ đợi đề của Sở GD-ĐT Hà Nội mang đến.
Vì thí sinh phải đợi đề thi quá lâu, tại nhiều hội đồng thi tuyển đã phát đồ ăn nhẹ do sợ thí sinh... đói lả.
Bánh ngọt và sữa phát cho thí sinh tại Hội đồng thi Hoài Đức
Trong vòng 2 với bài thi viết môn nghiệp vụ chuyên ngành, đề thi gồm câu hỏi về phần soạn giáo án một bài học cụ thể có trong sách giáo khoa, đồng thời đưa ra các tình huống sư phạm để giáo viên xử lý. Tất cả đều tiến hành làm bài trong 3 tiếng. Riêng khối THCS, giáo viên dạy môn học nào sẽ làm bài thi chuyên môn môn đó.
Dự kiến, sau khi thi vòng 2 chuyên môn, từ ngày 18-24/11 sẽ là giai đoạn tổ chức chấm thi và công bố điểm bài thi viết.
Thúy Nga
Theo vietnamnet
Thi tuyển giáo viên: Tìm người tài, đức có khó? Thực tế cho thấy, thu hút và giữ chân giáo viên giỏi không chỉ bằng các chế độ, chính sách đãi ngộ hợp lý, mà với thầy cô, quan trọng nhất vẫn là môi trường làm việc thân thiện và có "đất" để giáo viên phát huy năng lực, sở trường của mình. Tập thể giáo viên, học sinh Trường Tiểu học Lê...