Có nên thổ lộ tình yêu với thầy giáo
Buổi học đầu tiên tôi đã mến thầy ở sự gần gũi, nhiệt tình và vẻ ngoài lịch thiệp. Chẳng hiểu sao tim tôi cứ đập loạn xạ mỗi khi thầy đứng gần.
Tôi là học trò của thầy ở một trung tâm Anh ngữ. Lớp học ít người nên ai cũng được thầy quan tâm chỉ bảo tận tình. Ngoài giờ học, thầy còn hay rủ lớp đi uống nước, ăn chè để có dịp thực tập tiếng Anh với nhau.
Ở trên lớp, thi thoảng tôi bắt gặp thầy để ý tôi, khi ra ngoài thầy cũng quan tâm tôi nhiều hơn những bạn khác. Bạn bè chọc tôi là học trò cưng của thầy và tỏ ý ghen tỵ, thầy chỉ cười và không phản ứng gì cả. Thâm tâm tôi nghĩ thầy cũng có tình cảm với mình.
Ảnh minh họa: nissin.
Qua tìm hiểu, tôi biết thầy chưa có gia đình, có lần thầy nói vui do quá tuổi rồi nên ngại lập gia đình. Trong lớp có bạn nói với tôi rằng thầy chưa lấy vợ vì bố mẹ chưa tìm được người môn đăng hộ đối. Tôi cũng e dè vì thực lòng đang tính thổ lộ tình cảm với thầy. Tôi e dè vì thầy là người thành đạt, có học vị, nhà lại giàu có, còn tôi chỉ là một nhân viên văn phòng, ở tỉnh lẻ và nhà lại chẳng khá giả gì. Tôi sợ khi nói ra người ta sẽ nghĩ tôi là “đũa mốc mà chòi mâm son”, là ham giàu nên chủ động tấn công thầy.
Tôi biết mình si mê thầy và mơ trở thành một nửa trong cuộc đời thầy. Bạn thân khi biết tôi có tình cảm với thầy thì khuyên không nên mơ tưởng viển vông làm gì, sẽ làm mình đau khổ. Tôi có nên chủ động thổ lộ tình cảm với thầy hay không dù biết cơ hội cho mình không nhiều? – ( Thư)
Trả lời:
Chào Thư,
Bạn đang yêu đơn phương thầy giáo của mình và phân vân nên hay không chủ động thổ lộ tình cảm với thầy. Có nhiều lý do khiến bạn lưỡng lự như sợ người ta nghĩ không đúng về mình hay không được chấp nhận vì không môn đăng hộ đối…
Video đang HOT
Thư biết đấy, trong mối quan hệ này, mọi việc đều do sự chủ động của bạn, từ việc mến thầy ở lần gặp đầu tiên do sự gần gũi, quan tâm và lịch thiệp đến việc tim cứ đập loạn xạ mỗi lần thầy đứng bên cạnh. Bạn có cơ sở để tin rằng thầy cũng có tình cảm với mình vì thi thoảng bắt gặp thầy để ý mình trên lớp, khi ra ngoài thì quan tâm mình nhiều hơn những bạn khác.
Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào những căn cứ như vậy mà nghĩ thầy cũng có tình ý với mình thì liệu có vội vàng không. Bởi trong lớp học, việc thầy cô có học trò cưng hay ưu tiên người này người khác không phải là hiếm gặp. Ở đây, thầy vẫn giữ thái độ đúng mực trong giao tiếp khi chỉ cười và không phản ứng gì dù bị học trò trêu chọc. Do vậy, mọi nhận định hiện tại dường như đều do suy nghĩ chủ quan và tình cảm một chiều của bạn mà thôi.
Việc bạn có tình cảm với thầy là chuyện đã rõ, nên hay không thổ lộ tình cảm ấy thiết nghĩ bạn nên cân nhắc thật kỹ để tránh những rủi ro cho bạn. Sở dĩ tôi khuyên bạn nên suy nghĩ và cân nhắc vì những vấn đề sau:
Thứ nhất, tình cảm giữa bạn và thầy mới chỉ xuất phát từ một phía. Do vậy, khi chưa biết đối phương có tình ý với mình hay không mà đã thổ lộ thì xác suất thành công sẽ không cao. Chưa kể người mà bạn tính thổ lộ lại là thầy giáo của mình, sẽ thế nào nếu thầy chưa sẵn sàng và từ chối tình cảm của bạn? Thầy có còn dành sự quan tâm cho bạn như trước kia hay trở nên kín kẽ và tạo khoảng cách với bạn?
Thư nên dành thời gian để tìm hiểu thêm những thông tin về thầy, về gia đình, về lý do vì sao thầy chưa lập gia đình, đặc biệt là về tình cảm thầy dành cho bạn ở mức độ nào. Có lẽ cần thiết phải có những buổi trò chuyện mang tính chất riêng tư thay vì chỉ gặp trên lớp hoặc đi chung cả lớp như hiện tại. Khi đó, việc tìm hiểu và bày tỏ quan điểm của bạn sẽ dễ dàng hơn.
Thứ hai, giả sử thầy có tình ý với Thư, liệu bạn có đủ tự tin để vượt qua rào cản “môn đăng hộ đối” để thổ lộ tình cảm với thầy hay không? Sở dĩ tôi đặt ra câu hỏi này vì đây cũng chính là lý do khiến Thư dè chừng trong quyết định của mình. Chưa kể, nếu chuyện thầy chưa chịu lấy vợ vì gia đình chưa tìm được người xứng hợp về mọi mặt là sự thật, thì cơ hội cho bạn là bao nhiêu nếu chủ động thổ lộ? Đành rằng, nếu yêu nhau thật lòng thì tình yêu sẽ không có biên giới và sẽ vượt qua được mọi giới hạn và rảo cản, nhưng có lẽ cũng không thừa khi bạn nên cân nhắc kỹ về điều này trước khi đưa ra quyết định.
Thứ ba, Thư cũng đang sợ người ta nghĩ mình là “đũa mốc mà chòi mâm son” hay vì hám giàu sang mà chủ động tấn công thầy. Sợ những dư luận như vậy, đồng nghĩa với việc bạn chưa có được sự tự tin và thoải mái cần thiết để thực hiện điều mình muốn. Chắc hẳn bạn cũng biết hiệu quả công việc sẽ thế nào khi mình chưa thực sự sẵn sàng?
Thư cũng nên lưu tâm đến những góp ý của bạn bè vì người ngoài thường có cái nhìn khách quan hơn. Không hẳn tự nhiên mà bạn thân lại khuyên Thư không nên mơ mộng viển vông để khỏi chuốc lấy đau khổ.
Thư thân mến, những phân tích trên cho thấy còn nhiều vấn đề liên quan đến cả yếu tố chủ quan lẫn khách quan khiến bạn nên cân nhắc lại trước khi quyết định. Thay vì băn khoăn nên hay không chủ động thổ lộ tình cảm của mình, có lẽ Thư tự hỏi thời điểm nào là thích hợp tỏ tình, để một khi đã bộc lộ thì ít ra bạn có đủ sự tự tin và cơ sở để hy vọng.
Thư cũng nên tiên liệu những tình huống có thể xảy ra nếu bày tỏ tình cảm với thầy. Bạn sẽ được gì và mất gì nếu nói lên suy nghĩ và tình cảm của mình trong lúc này? Trong trường hợp thực sự muốn biết câu trả lời và chấp nhận rủi ro, bạn có thể làm điều mình muốn bằng cách tìm dịp thuận tiện để bày tỏ tình cảm với thầy.
Người ta thường nói khi yêu con tim có những lý lẽ riêng của nó mà đôi khi lý trí không thể giải thích được. Hy vọng bạn có được sự tỉnh táo và sáng suốt cần thiết để giữa con tim và lý trí sẽ tìm được tiếng nói chung trong việc cân nhắc để đưa ra quyết định hợp lý trong lúc này.
Thân mến!
Theo VNE
'Teen' bỏ bạn, quên gia đình khi có người yêu
"Lúc mới yêu, em như bị bỏ bùa, mụ mị, chỉ biết mình anh. Ban ngày trên lớp bên nhau, ban đêm nấu cháo điện thoại đến 1-2h sáng, sim thay liên tục. Bố mẹ, bạn bè không có cách nào liên lạc với em", Hương Thu, 20 tuổi cho biết.
Hương Thu đang là sinh viên năm 2, ngành du lịch tại Hà Nội. Cô kể, ngay từ năm đầu đại học, cô đã cảm mến một bạn trai trong lớp. Cô cũng cảm nhận được cậu bạn này thích mình. Chuyện tình cảm của cả hai phát triển thuận lợi. Trong tháng đầu, ngày ngày hai người gặp nhau trên lớp, thi thoảng cậu này ghé qua phòng cô chơi hoặc đi chơi vào cuối tuần. Sang những tháng sau, hai người gặp nhau cả ngày, nói chuyện không chán, quấn quýt như đôi sam. Tối đến lại 'buôn' điện thoại đến khuya.
"Để nói chuyện được nhiều mà không tốn kém, tụi em hay mua sim khuyến mãi, cứ hết tiền lại chuyển sang sim mới. Bố mẹ không biết nên cứ gọi điện theo số cũ cho em không được, lo cuống cuồng. Cuối tuần bắt anh trai em đang học ở Hải Phòng lên Hà Nội xem em có sao. Anh và bố mẹ biết chuyện có vẻ giận lắm", cô gái trẻ rụt rè thuật lại.
Không chỉ làm bố mẹ lo lắng, tủi thân, Thu còn bị bạn bè kịch liệt lên án. Nhóm bạn cô có 5 người, đều là dân chuyên văn chơi thân từ thời cấp 3. Lên đại học mỗi người một trường khác nhau nhưng tuần nào cũng tụ tập ăn uống, đi chơi. Từ khi có người yêu, Thu quên bẵng luôn việc nhắn tin, trò chuyện hay đi chơi với nhóm bạn. Vì thay sim liên tục, bạn bè cũng không thể liên lạc với cô khi có việc cần.
Người trẻ lúc mới yêu thường chưa biết cân bằng chuyện tình cảm với học tập, gia đình, bạn bè. Dẫn đến có những nơi đặt quá nhiều tình cảm, có nơi thiếu đi sự quan tâm. Ảnh minh họa: P.D.
"Tự nhiên mất bạn" là trạng thái hiện tại của Vân và Thảo (sinh viên năm nhất, Học viện Bưu chính Viễn Thông). Vân kể, cô, Thảo và Hà My chơi thân với nhau. Nhưng từ đợt Tết vừa rồi Hà My có người yêu, chàng người yêu được đặt lên vị trí thứ nhất, cô và Thảo bị cho ra "rìa" mặc dù vô tâm không phải là tính cách xưa nay của Hà My.
"Trước cuối tuần nào 3 đứa cũng rong ruổi khắp Hà Nội, lúc đi mua quà, lúc đi công viên chụp ảnh. Chuyện gì cũng nói với nhau. Từ khi My có người yêu, nó lập tức tách ra. Hôm nào kéo được nó đi chơi thì mặt sưng mày sỉa, đi được tí là đòi về bảo người yêu gọi. Đã thế, mình và Thảo không thèm kể bí mật với nó như trước nữa", Vân tự ái.
Khi yêu không chỉ các bạn gái mà nhiều chàng trai cũng chung một tình huống có người yêu... quên người thân, bạn bè. Khang (19 tuổi, Đại học Bách Khoa Hà Nội) bức xúc khi mấy bạn cùng phòng giục cậu bạn tên Tú về liên hoan sinh nhật cậu: "Đừng nhắc đến nó trước mặt tớ. Có bạn gái vào là quên bạn bè, cả tuần không thấy mặt mũi đâu".
Phòng Khang có 6 người, 3 cậu đã có người yêu, thậm chí còn yêu trước Tú rất lâu nhưng không ai "thay tính, đổi nết" vì người yêu như Tú. "Từ ngày có người yêu nó đi tối ngày, ít thể dục với anh em, cũng không còn ăn cơm ở phòng. Đã thế, tiền sinh hoạt ở phòng cũng không đóng...".
"3 đợt liên hoan phòng gần đây nó đều không tham dự. Trước đó thì 'bắn' thuốc lào, thuốc lá, rượu bia cũng có tí máu mặt nhưng giờ mời mỏi mồm mà nó chỉ uống lấy vì. Gặp phải hôm nào có bạn gái ở cạnh thì nó càng ngoan hơn. Chán, mới yêu được mấy tháng đâu mà như thành con người khác. Nhiệt tình với anh em mất hết cả", Khang chậc lưỡi nói.
Bản thân Khang cũng cho biết khi ở bên người yêu, cậu chiều chuộng, nâng niu cô như bà hoàng. Tuy nhiên, khi ra ngoài luôn dặn bạn gái phải giữ thể diện cho mình. "Trong nhiều trường hợp có bạn gái bên cạnh tôi đều chọn phương án trọng anh em, vì thế rất được lòng bạn bè. Bạn gái có ấm ức nhưng rồi cũng phải hiểu. Là đàn ông mà để bị nói 'bám váy đàn bà' thì nhục lắm".
Một năm nhìn lại thuở mới yêu, Hương Thu mới thấy mình ngây ngô, dại dột. Thời điểm vài tháng đầu mới yêu, cô ít gọi về nhà. Ngay cả khi bố mẹ gọi, cô cũng muốn nói chuyện nhanh. Bạn bè khi cần nhờ nhưng không biết cách liên lạc đành phải lặn lội xuống phòng trọ của cô chờ được gặp mặt. Hiện tại, cả Hương Thu và bạn trai đã cân bằng được chuyện tình cảm, quan tâm đến việc học, gia đình, bạn bè hơn. Cô cho biết: "Nghĩ lại cũng thấy ngại. Tụi bạn cứ thắc mắc em và bạn trai nói chuyện gì mà sao ngày gặp, đêm 'buôn' vẫn không hết chuyện. Khi yêu vào mới biết, một chuyện bé xíu nhai đi nhai lại cả trăm lần vẫn không chán. Giờ thì thấy bớt 'ham' như thế rồi. Mình còn có việc riêng, có mối quan tâm riêng của mình nữa chứ".
Bị cô chị em kết nghĩa bỏ lơ, Vân và Thảo quyết định cạch mặt, loại Hà My khỏi hội. Nhưng chưa kịp hành động thì cô bạn đã gọi cho hai người khóc lóc vì phát hiện cậu người yêu trăng hoa, một lúc 'bắt cá' với hai cô gái. Vân và Thảo thấy thương mà ở bên, dỗ dành để My vượt qua chuyện buồn.
"Từ chuyện của My, em khẳng định sau này khi yêu em sẽ cân bằng mọi chuyện. Nhất định không vì có 'giai' mà quên chị em đã kết nghĩa với mình bao năm được", Vân chia sẻ.
Theo chuyên gia tâm lý Văn Thanh Sĩ, tổng đài 1088, các bạn trẻ, nhất là ở lứa "tuổi teen" thường có tâm lý hướng ngoại, dễ vì một hứng thú nhất thời mà quên đi những mục tiêu lớn hơn. Độ tuổi này cũng chưa có suy nghĩ chín chắn, vì vậy mà cha mẹ rất sợ con yêu vào sao nhãng học tập.
"Hướng ngoại là tâm lý trong độ tuổi này. Ngoài ra cũng có thể do khi mới yêu, người yêu trở thành mối quan tâm lớn nhất, thành thử các bạn trẻ dành hết thời gian, suy nghĩ cho người yêu mà lơ là các mối quan hệ khác. Tuy nhiên, sau một thời gian vài tháng mọi việc sẽ được cân bằng lại", chuyên gia Văn Thanh Sĩ cho biết.
Theo chuyên gia, tình trạng giới trẻ "vô tâm" với gia đình, bạn thân khi có người yêu thường có ở lứa tuổi teen (từ 16 đến 18) và kéo dài đến độ tuổi 22, 23. Sau khi ra trưởng, đi làm, tự lập, suy nghĩ con người thường hướng nội hơn và lúc đó gia đình lại trở thành mối quan tâm lớn nhất. Mối quan hệ bạn bè, tình yêu cũng được cân bằng lại.
Theo VNE
Lớp 9 yêu đơn phương anh lớp 12 Mình vô cùng đau đớn khi luôn chủ động thể hiện tình cảm. Đã nhiều đêm, mình thầm khóc trong bóng tối. Năm nay mình học lớp 9. Suốt những năm trước, mình chỉ biết học và học. Lên lớp 9, một buổi chiều ra công viên, mình gặp một nhóm con trai cấp 3. Qua lời giới thiệu của tụi bạn, mình...