Có nên đưa lời bài hát ‘Lạc trôi’ vào đề thi Ngữ văn?
Thầy giáo Trịnh Quỳnh cho rằng đề thi Ngữ văn có lời bài hát “ Lạc trôi” của Sơn Tùng M-TP khiến không ít học sinh bật cười vì chưa thực sự hiểu ca từ muốn nói gì.
Trong kỳ thi khảo sát chất lượng môn Ngữ văn lớp 11, trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc lựa chọn lời bài hát Lạc trôi của ca sĩ Sơn Tùng làm ngữ liệu đọc hiểu.
Trước đó, bài hát Ông bà anh của tác giả Lê Thiện Hiếu cũng được đưa vào đề thi học kỳ I môn Ngữ văn của trường THPT Trường Chinh, TP.HCM.
Vấn đề này gây ra nhiều tranh luận với những quan điểm khác nhau trong giáo viên và học sinh.
Mục đích của đọc hiểu là khám phá văn bản
Đề thi đọc hiểu là nội dung mới trong các đề thi môn Ngữ văn khoảng 3 năm lại đây. Nếu như phần làm văn tập trung các văn bản văn học trong sách giáo khoa thì phần đọc hiểu có phạm vi văn bản lớn hơn nhiều.
Thứ nhất, đề đọc hiểu không lấy các văn bản đã học trong sách giáo khoa, vì thế người ra đề có thể trích dẫn từ nhiều nguồn khác nhau như báo chí, sách vở hay lời bài hát…
Thứ hai, đề đọc hiểu đề cập nhiều kiểu văn bản bao gồm: Văn bản báo chí, chính luận, khoa học, sinh hoạt… Đây là những văn bản thường xuyên bắt gặp trong cuộc sống. Đó không chỉ là các bài thơ, truyện ngắn, mà có thể là một biểu đồ, bức tranh, hóa đơn, thông báo hay lá thư.
Nội dung đọc hiểu có tính ứng dụng cao, mang nhiều ý nghĩa thực tiễn, gần gũi học sinh. Bản thân thi ca và âm nhạc cũng có mối liên hệ với nhau nên việc đưa một lời bài hát đang thịnh hành vào đề thi đọc hiểu là hết sức bình thường.
Đề thi môn Ngữ văn lớp 11 trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc. Ảnh: B.L.
Không phải bài hát nào cũng nên đưa vào đề đọc hiểu
Đa phần lời bài hát hiện nay ý nghĩa còn nông cạn, nhạt nhòa, chưa sâu sắc. Vì vậy, không phải bài hát nào cũng có thể sử dụng làm ngữ liệu đọc hiểu.
Trong số các ca sĩ, Sơn Tùng có lượng bài hát xuất hiện trong đề thi nhiều như Thái Bình mồ hôi rơi, Remember me, Không phải dạng vừa đâu, gần đây là Lạc trôi… Điều này chứng tỏ phần nào lời bài hát của chàng ca sĩ này ít nhiều tác động đến giới trẻ.
Tuy nhiên, các bài hát được nhiều người quan tâm sau một thời gian cũng sẽ “lạc trôi” vào quên lãng một cách nhanh chóng. Những điều đọng lại khiến học sinh phải suy ngẫm không nhiều.
Video đang HOT
Bài Lạc trôi khi xuất hiện có nhiều ý kiến trái chiều. Ngoài những lời khen còn có quan điểm cho rằng bài hát khó nghe, ca từ khó hiểu. Vì thế, Lạc trôi vào đề thi sẽ khiến các câu hỏi khiên cưỡng và máy móc.
Ví dụ như câu 3: Theo anh, chị, vì sao tác giả lại cho rằng: “Bâng khuâng mình ta lạc trôi giữa đời / Ta lạc trôi giữa trời?”. Câu 4: “Thông điệp mà đoạn trên muốn gửi tới mọi người là gì?”.
Kiểu câu hỏi này có thể khiến người làm bài bật cười vì chỉ căn cứ câu chữ thì không ai hiểu ca từ của Lạc trôi thực sự muốn nói gì?
Cũng không thể lý giải nổi thông điệp lời bài hát. Kiến giải của người ra đề về quan niệm: “Hạnh phúc không bao giờ có sẵn. Hạnh phúc do chính con người tạo nên” lại hoàn toàn “lạc trôi” so với nội dung của ca từ. Vì thế văn bản một đằng, câu hỏi lại hỏi một vấn đề khác.
Thầy giáo Trịnh Quỳnh – tác giả bộ sách chiến thuật môn Ngữ văn. Ảnh: NVCC.
Kỹ năng làm bài nếu không biết ‘Lạc trôi’
Nhiều học sinh thắc mắc văn bản được đưa ra không phải ai cũng biết. Những học sinh vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa chưa chắc biết đến bài hát này? Tuy nhiên, học sinh lưu ý đề thi đọc hiểu kiểm tra kỹ năng đọc hiểu đối với một văn bản mới lần đầu tiên tiếp xúc, vì vậy ngay cả khi các em không biết lời bài hát thì vẫn làm được bài.
Khi tiếp xúc bài hát, câu nói của người nổi tiếng, các em nên cảm thấy bình thường, đừng để cảm xúc yêu – ghét; hâm mộ – không hâm mộ chi phối. Đó chỉ là tư liệu để làm bài. Điều cốt yếu là kiến thức nền tảng đã được học để nhìn nhận đánh giá vấn đề, cũng như khám phá vẻ đẹp của nội dung, nghệ thuật văn bản.
Thực tế, đa số học sinh cảm thấy hứng thú, thoải mái khi làm các dạng bài này. Nội dung học tập đã có rất nhiều sự thay đổi tích cực.
Chúng ta không nên quá ngạc nhiên khi bắt gặp các dạng đề mang tính thời sự chạy theo xu hướng như thế. Nhưng xét trên nhiều khía cạnh, giáo viên khi ra đề cũng nên cân nhắc khi lựa chọn ngữ liệu làm đề đọc hiểu.
Không nên nhầm lẫn giữa tính thực tiễn với tính thời sự, bởi vì các vấn đề thời sự sẽ trở thành cũ kỹ, lạc hậu và đề thi đó chỉ sử dụng được một lần.
Không nên đưa ra các vấn đề tiêu cực của đời sống xã hội để học sinh lên án, phê phán mà nên định hướng những phẩm chất tốt đẹp, các tấm gương sáng để bạn trẻ học tập.
Một đề thi hoàn thiện cần đảm bảo các yếu tố thẩm mỹ nghệ thuật, thông tin giáo dục, thời sự thực tiễn… Không phải tất cả đề đều đảm bảo được các yếu tố đó, giáo viên cần cân nhắc những vấn đề có lợi cho học sinh, phù hợp mục đích của bài thi.
* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.
Theo Zing
'Lạc trôi' của Sơn Tùng M-TP vào đề thi Ngữ văn lớp 11
Đề thi môn Ngữ văn lớp 11 trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc yêu cầu học sinh chỉ ra thông điệp đoạn trích trong bài hát "Lạc Trôi" của nam ca sĩ Sơn Tùng.
Đề thi trích dẫn một phần lời bài hát với câu hỏi liên quan phương thức biểu đạt của văn bản, tìm từ Hán Việt trong đoạn trích.
Ngoài ra, đề bài còn yêu cầu học sinh hiểu thế nào về hai câu "Bâng khuâng mình ta lạc trôi giữa đời / Ta lạc trôi giữa trời". Học sinh phải tìm ra thông điệp của đoạn trích này.
Cụ thể, phần đọc hiểu (3 điểm) nêu trích đoạn:
"Người theo hương hoa mây mù giăng lối
Làn sương khói phôi phai đưa bước ai xa rồi
Đơn côi mình ta vấn vương hồi ức trong men say chiều mưa buồn
Ngăn giọt lệ ngừng khiến khóe mi sầu bi
Đường xưa nơi cố nhân từ giã biệt li, cánh hoa rụng rơi
Phận duyên mong manh rẽ lối trong mơ ngày tương phùng.
Tiếng khóc cuốn theo làn gió bay
Thuyền ai qua sông lỡ quên vớt ánh trăng tàn nơi này
Trống vắng bóng ai dần hao gầy.
Lòng ta xin nguyện khắc ghi trong tim tình nồng mê say
Mặc cho tóc mây vương lên đôi môi cay
Bâng khuâng mình ta lạc trôi giữa đời
Ta lạc trôi giữa trời".
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt của đoạn trích trên?
Câu 2: Chỉ ra các từ Hán Việt được sử dụng ở 6 dòng đầu của đoạn trích?
Câu 3. Theo anh, chị vì sao tác giả lại cho rằng: Bâng khuâng mình ta lạc trôi giữa đời / Ta lạc trôi giữa trời?
Câu 4: Thông điệp mà đoạn trên muốn gửi tới mọi người là gì?
Phần còn lại của đề thi là câu hỏi nghị luận xã hội và cảm nhận đoạn thơ Vội vàng của nhà thơ Xuân Diệu.
Đề thi môn Ngữ văn lớp 11 trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc. Ảnh: B.L.
Bạn Dương Hùng - học sinh trường THPT chuyên Vĩnh Phúc - xác nhận đó là đề thi khảo sát môn Ngữ văn lớp 11 của trường chiều 13/4.
"Sau khi thi môn Ngữ văn, nhiều bạn chuyền tay nhau, bàn tán việc đưa bài hát của ca sĩ Sơn Tùng vào đề thi", Hùng nói.
Hùng nói gặp khó khăn với đề thi này vì lời bài hát tương đối khó hiểu, cấu trúc các câu không liên kết chặt chẽ như những bài thơ, văn được học trong sách giáo khoa.
Nhiều học sinh cho rằng đề văn tương đối khó, thi xong ai cũng nói đùa với nhau bị "lạc trôi giữa phòng".
Trao đổi với Zing.vn, thầy Trịnh Quỳnh - tác giả bộ sách chiến thuật môn Ngữ văn - bày tỏ không phải lời bài hát nào cũng ý nghĩa. Một số bài hát của Sơn Tùng thể hiện một phần quan điểm của tuổi trẻ. Vì thế, không phải lần đầu bài hát của chàng ca sĩ gốc Thái Bình được đưa vào đề thi.
Nam giáo viên cũng cho rằng đề thi khiến nhiều người bất ngờ và mới đạt được tính thời sự, còn yếu tố thực tiễn, giáo dục và thẩm mỹ khá mờ nhạt.
Theo Zing
Đưa bài hát 'Ông bà anh' vào đề thi có gì phải tán dương? Thơ về tình yêu có bao nhiêu bài hay được các nhà nghiên cứu, phê bình thẩm định, vậy tại sao không chọn làm ngữ liệu, việc gì phải "chạy" theo trào lưu hot trên mạng như vậy? Gần đây, rất nhiều báo mạng "nóng" với chuyện đưa lời bài hát Ông bà anh của tác giả Lê Thiện Hiếu vào đề thi...