Có nên công bố danh sách thí sinh trong vụ tiêu cực thi cử ở Hòa Bình hay không?
Đừng “sợ tổn thương” các thí sinh vi phạm bởi chính vụ việc tiêu cực này đã làm “tổn thương” ngành giáo dục nước nhà, làm xói mòn niềm tin của xã hội.
Sau sự việc tiêu cực trong kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia ở Hòa Bình có kết quả của cơ quan điều tra.
Trong số 64 thí sinh đã được xác định là có dính líu đến với việc tiêu cực thì có 63 thí sinh của kỳ thi năm 2018 và 1 thí sinh của kỳ thi năm 2017.
Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra là có công bố công khai danh sách 64 thí sinh này hay không?
Đây là vấn đề nhạy cảm của xã hội nên đại diện ngành giáo dục địa phương, chính quyền và các trường đại học còn đắn đo bởi sợ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các thí sinh khi các em đang còn quá trẻ và sự việc này chưa hẳn là các em được biết.
Song, có lẽ việc công khai danh sách là cần thiết bởi các thí sinh này đã qua tuổi 18- cái tuổi đủ để chịu mọi trách nhiệm có liên quan đến mình trước pháp luật.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình- nơi phát hiện ra 64 thí sinh được nâng điểm thi – (Ảnh: giaddinh.net.vn)
Trước sự việc này, bà Đinh Thị Hường, Phó Giám đốc Sở Giáo dục- Đào tạo Hòa Bình đã cho biết là Sở sẽ không công bố danh sách gian lận thi cử vì “ sợ tổn thương” thí sinh.
Lý do không công bố được bà Hường lý giải như sau: “ Vì tuổi của các thí sinh hiện đang 17, 18, độ tuổi tuy có những suy nghĩ chín chắn nhưng cũng có những suy nghĩ bồng bột.
Việc người lớn làm, các em phải chịu đã là một tổn thất lớn cho các em. Nhưng chúng tôi muốn làm sao để tâm lý các em không bị đột ngột, không bị xáo trộn“.
Chúng tôi cho rằng ý kiến của bà Phó Giám đốc Sở rất… nhân văn nhưng có lẽ sẽ không phù hợp trong những trường hợp này.
Nếu làm không đến nơi, đến chốn thì có thể “ làm gương” cho những sự việc tương tự xảy ra trong thời gian tới.
Nhất là trong bối cảnh không phải chỉ có Hòa Bình mà còn nhiều địa phương khác cũng đang được điều tra, làm rõ trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018.
Video đang HOT
Hơn nữa, đây càng không phải là trường hợp cá biệt bởi cơ quan chức năng đã phát hiện tới 64 trường hợp và có cả thí sinh của năm học trước.
Nếu “sợ tổn thương” thí sinh thì sẽ tạo nên một tiền lệ vô cùng đáng lo ngại cho các tỉnh cũng đang được điều tra và thậm chí là rồi đây nếu các kiểu vi phạm tương tự như thế này, chúng ta cũng sẽ rất khó công bố trước dư luận.
Đây có phải là việc làm của phụ huynh mà các thí sinh chỉ là “nạn nhân” của cha mẹ hay không?
Chúng tôi hoàn toàn cho rằng các thí sinh này thừa biết việc làm của cha mẹ mình.
Khi làm một việc lớn như vậy lẽ nào lại không có những trao đổi giữa cha mẹ với con cái?
Phụ huynh thừa hiểu là nếu con em mình mà học giỏi thì chẳng có ai lại bỏ tiền ra chạy điểm để làm gì.
Vừa mất tiền, vừa mất uy tín trước mọi người bởi thường thì việc “chạy” hay “nhờ vả” cũng đều phải qua nhiều khâu trung gian khác nhau.
Và, nếu thí sinh khi thi không làm được bài nhưng khi công bố điểm thì cao chót vót để trở thành thủ khoa, á khoa của một số trường đại học lại không thấy điều bất thường hay sao?
Vì thế, chỉ khi con em mình học dở nhưng “mục tiêu” của cha mẹ, của thí sinh lớn thì họ mới chạy điểm. Nên, nói cha mẹ chạy mà thí sinh không biết là điều hoàn toàn không hợp lý.
Nếu Bộ và Sở Giáo dục- Đào tạo Hòa Bình chỉ công bố danh sách đến các trường đại học rồi các trường xử lý theo quy chế và cao nhất là đuổi học, các sinh viên này âm thầm trở về nhà thì đây là chuyện hoàn toàn vô lý.
Chúng ta không chỉ xử lý hình sự những cán bộ, giáo viên trong Hội đồng thi ở Hòa Bình tham gia sửa điểm.
Điều dư luận cũng đang mong chờ là cả những thí sinh trong vụ tiêu cực này- ít nhất cũng phải được công bố danh sách trước dư luận.
Nếu chỉ âm thầm xử lý các thí sinh, không cho dư luận biết có khác nào anh lấy trộm, lấy cắp của ai đó những đồ vật quý giá nhưng bị phát hiện thì trả lại tang vật… rồi thôi.
Chúng ta đã chứng kiến nhiều thanh thiếu niên phạm pháp và họ bị công khai danh tính và tất nhiên cũng chẳng ai “sợ tổn thương” bao giờ.
Mọi người cần bình đẳng trước pháp luật như nhau.
Khi con người ta đã đủ 18 tuổi là đủ tuổi để chịu trách nhiệm trước luật pháp khi mình vi phạm hoặc liên quan đến sai phạm.
Chính vì vậy, dù có đau, thậm chí có “tổn thương” cho 64 thí sinh này thì việc công bố danh sách công khai cũng là điều cần thiết. Trước pháp luật, dù có nhân văn đến đâu thì người vi phạm cũng cần được đối xử bình đẳng như nhau.
Gian lận 1-2 điểm thì đã cướp mất cơ hội của người khác.
Đằng này, có thí sinh được nâng 1 môn đến 9.25 điểm, có trường hợp nâng 3 môn là 26,45 điểm thì không chỉ cướp mất suất của các thí sinh khác mà còn cướp mất cả vị trí thủ khoa của các trường đại học, học viện.
Cho dù một số thí sinh không nhập học nhưng phần lớn đã nhập học ở các trường đại học, học viện.
Vì thế, các cơ quan chức năng cần minh bạch, bình đẳng giữa những người học hành đàng hoàng, cầu tiến và những người học hành gian dối, học hình thức, học cầu danh lợi.
Muốn đất nước giàu mạnh, công bằng thì việc nhỏ nhất phải xử lý người vi phạm bình đẳng như bao nhiêu những người khác.
Đừng “sợ tổn thương” các thí sinh vi phạm bởi chính vụ việc tiêu cực này đã làm “tổn thương” ngành giáo dục nước nhà, làm xói mòn niềm tin của xã hội.
Tài liệu tham khảo:
-https://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Bo-me-chay-diem-ma-dem-ten-thi-sinh-beu-len-la-mot-sai-lam-post196547.gd
-https://vtc.vn/pho-gddt-hoa-binh-khong-cong-bo-danh-sach-gian-lan-thi-cu-vi-so-ton-thuong-thi-sinh-d463117.html
NGUYỄN NGUYÊN
Theo giaoduc.net.vn
Hậu kiểm thí sinh trúng tuyển vào trường quân đội
Sau tiêu cực thi cử ở Hòa Bình, lãnh đạo Cục Nhà trường - Bộ Quốc phòng khẳng định sẽ đẩy mạnh khâu hậu kiểm đối với các thí sinh trúng tuyển
Chiều 14-3, Cục Nhà trường - Bộ Quốc phòng đã tổ chức cuộc họp báo về công tác tuyển sinh quân sự năm 2019.
Từ chối thí sinh dính tiêu cực
Liên quan đến vấn đề nóng là 64 thí sinh bị phát hiện gian lận điểm ở Hòa Bình, trong đó chủ yếu đăng ký xét tuyển vào các trường khối công an, quân đội, đại tá Vũ Xuân Tiến, Trưởng Ban Thư ký Ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng, cho hay trong mùa tuyển sinh 2018, nhiều thí sinh điểm rất cao, thủ khoa không đến nhập học, số này không chỉ ở Hòa Bình mà còn một số địa phương khác. Thủ khoa của Học viện Hậu cần là thí sinh tỉnh Hòa Bình không nhập học là một ví dụ. "Phần lớn những em này không báo lại lý do, một số em cho biết đã nhập học trường khác hoặc đi du học" - đại tá Tiến cho biết. Trả lời câu hỏi về chất lượng học tập của các thí sinh thủ khoa hoặc có điểm rất cao, lãnh đạo Cục Nhà trường cho hay thời gian học mới được hơn một học kỳ nên các trường chưa có đánh giá cụ thể.
Đại tá Vũ Xuân Tiến cho biết sau hậu kiểm sẽ xử lý nghiêm túc tất cả các sai sót
Nói thêm về tiêu cực thi cử xảy ra ở Hòa Bình, Trung tướng - giáo sư Trần Hữu Phúc, Cục trưởng Cục Nhà trường, khẳng định thí sinh nào không đủ điểm thì sẽ không được nhận. "Quan điểm của Bộ Quốc phòng là ai sai phạm thì xử lý" - GS Phúc nhấn mạnh. Cục trưởng Cục Nhà trường cũng cho biết công văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) mới gửi đến Cục Nhà trường cách đây 2 ngày. "Chúng tôi đã gửi các nhà trường để các trường thực hiện đúng quy trình. Cục Nhà trường sẽ làm việc với Bộ GD-ĐT để xử lý đúng quy định của Bộ GD-ĐT và Bộ Quốc phòng. Khi có kết quả sẽ thông tin cụ thể với báo chí" - Trung tướng Phúc nói.
Cũng theo đại tá Vũ Xuân Tiến, sau khi tuyển sinh, các trường đều có hậu kiểm cả về kết quả học và kết quả thi để có cơ sở đối chiếu so sánh và xử lý nghiêm túc tất cả các sai sót.
Không tuyển thí sinh xăm mình
Trả lời những băn khoăn về công tác sơ tuyển khiến thí sinh bị trượt oan như thí sinh Quang Quốc Việt thiếu 2 cm chiều cao ở Học viện Sĩ quan thông tin năm 2018, đại tá Vũ Xuân Tiến cho biết từ năm 2019 sẽ quy định mới. Theo đó, sau 10 ngày kể từ ngày thí sinh nhập học, các trường phải thông báo kết luận về phân loại tiêu chuẩn sức khỏe đến thí sinh đã nhập học biết, làm thủ tục trả về địa phương đối với các thí sinh không đủ tiêu chuẩn sức khỏe.
Năm nay, Bộ Quốc phòng cũng đưa ra quy định mới, đó là thí sinh có hình xăm, chữ xăm không được tuyển vào các trường quân đội. Theo đại tá Vũ Xuân Tiến, lý do của việc này là Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư số 05/2019/TT-BQP Quy định tiêu chuẩn chính trị của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công chức, công nhân và viên chức quốc phòng trong Quân đội Nhân dân Việt Nam, trong đó quy định trên cơ thể không có hình xăm, chữ xăm.
Một nội dung mới nữa là Bộ Quốc phòng quyết định điều chỉnh khu vực tuyển sinh của Trường Sĩ quan Lục quân 1 và Trường Sĩ quan Lục quân 2. Theo đó, Trường Sĩ quan Lục quân 1 tuyển thí sinh từ tỉnh Quảng Bình trở ra phía Bắc. Trường Sĩ quan Lục quân 2 tuyển thí sinh từ tỉnh Quảng Trị trở vào phía Nam. Việc điều chỉnh quy định để thống nhất với việc phân chia theo khu vực tuyển sinh.
Mở rộng với thí sinh nữ
Năm nay, ngoài Học viện Quân y, Học viện Kỹ thuật quân sự, Học viện Khoa học quân sự đã được tuyển thí sinh nữ, Bộ Quốc phòng đã cho phép Học viện Hậu cần tuyển thí sinh nữ, chỉ tiêu đào tạo không quá 10% chỉ tiêu ngành tài chính. Tuy nhiên, Trung tướng Trần Hữu Phúc cũng lưu ý do chỉ tiêu tuyển nữ rất ít vào các trường quân đội nên điểm chuẩn thường khá cao, các em nữ nên xem xét kỹ trước khi lựa chọn đăng ký xét tuyển.
Bài và ảnh: Yến Anh
Theo nld.com.vn
Gian lận thi đại học: Bao nhiêu thí sinh đỗ trường công an, quân đội? Theo kết luận điều tra của Bộ Công an về vụ việc tiêu cực thi cử tại Hòa Bình, 56 thí sinh với 140 bài thi trắc nghiệm được chỉnh sửa nâng điểm. Theo một đánh giá, tiêu cực thi cử phần lớn đều hướng tới các trường khối công an, quân đội vì đây là những trường có điểm chuẩn cao và...