Có nên cho trẻ học ngoại ngữ sớm?
Các chuyên gia về ngôn ngữ trên thế giới cho rằng, việc học sớm ngôn ngữ thứ hai không những không ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ của trẻ, mà còn giúp trẻ phát triển khả năng tập trung trong khi học…
Những ngày qua, mạng xã hội đang chia sẻ một phóng sự về hiện tượng rối loạn ngôn ngữ ở trẻ nhỏ. Chỉ sau hai ngày đăng tải, phóng sự đã nhận được gần 35.000 lượt chia sẻ với hơn 6.000 bình luận khác nhau khi phản ánh tình trạng trẻ dưới ba tuổi gặp khó khăn khi sử dụng tiếng Việt, thậm chí sử dụng tiếng Anh nhiều hơn tiếng Việt. Trong đó, rất nhiều bình luận của người lớn cho rằng không nên cho trẻ nhỏ học tiếng Anh khi tiếng Việt còn chưa thành thạo, nếu không sẽ khiến trẻ bị rối loạn ngôn ngữ.
Ảnh minh họa
Không đồng tình với quan điểm này, chuyên gia giáo dục – mẹ “thần đồng” Đỗ Nhật Nam – chị Phan Hồ Điệp, cho rằng, cần khẳng định rằng, thời điểm trước 10 tuổi là thời điểm tuyệt vời học ngôn ngữ thứ hai.
“Con bạn có thể học muộn hơn nhưng chắc chắn sự nhạy cảm về ngôn ngữ, khả năng phát âm sẽ không tốt nếu như được tiếp cận trước 10 tuổi. Tại sao như vậy? Chúng ta hình dung một cách đơn giản là trẻ em sẽ học ngôn ngữ bằng một chiếc hộp, ta gọi là “Hộp ngôn ngữ”. Chiếc “Hộp ngôn ngữ” này có 3 tính năng tuyệt vời nhưng lại chỉ “mở” khi trước 10 tuổi.
Đó là, tính năng lập sơ đồ đa ngôn ngữ: tự động phân loại các âm của ngôn ngữ khác nhau thành các nhóm mẫu hình âm khác nhau và vì thế nó có thể phân tách và sử dụng các tiếng khác nhau một cách hiệu quả.
Tự động sử dụng ngữ pháp: Hộp ngôn ngữ nhận biết các quy tắc ngữ pháp và áp dụng chúng một cách tự động bằng cách sử dụng cấu trúc ngữ pháp tương tự để thể hiện những nội dung cần diễn đạt.
Tính năng phát âm chuẩn: “Hộp ngôn ngữ” ghi nhớ cách cơ mặt chuyển động khi tạo ra âm mới và bắt chước. Cơ mặt của trẻ em linh hoạt và mềm dẻo nên trẻ có thể học cách phát âm chuẩn xác các ngôn ngữ.
Bằng kinh nghiệm thành công của một bà mẹ từng cho con theo học ngôn ngữ thứ 2 từ khá sớm, chị Phan Hồ Điệp còn chỉ ra thêm, “Hộp ngôn ngữ” sẽ có những ngăn riêng để tích lũy các ngôn ngữ mà không sợ bị nhầm lẫn, nếu có cũng rất ít.
Vì thế, trẻ có thể học tiếng Anh từ nhỏ, ngoài việc đưa con đi học tiếng Anh từ những cơ sở uy tín, cha mẹ có thể “học cùng con” từ những con đường tự nhiên để có thể tiếp cận bao gồm: âm thanh, hình ảnh, hứng thú, sự lặp lại hay thông qua những hoạt động, sự liên kết… Theo đó, bố mẹ nên cho trẻ tiếp xúc với các bài hát tiếng Anh, dùng truyện tranh, hình ảnh tương tác và tạo cho trẻ sự hứng thú khi học…
Đồng tình với quan điểm này, một giáo viên Trung tâm Anh ngữ Discovery cũng chia sẻ thêm: cho trẻ học sớm ngoại ngữ có rất nhiều tác dụng. Trước hết, trong quá trình các em tiếp xúc với một ngôn ngữ thứ hai, chúng sẽ không nhận thức được rằng mình đang phải học ngôn ngữ đó. Cũng giống như tiếng mẹ đẻ, khi còn nhỏ, các bé thường hay bắt chước người lớn cách phát âm cho đến giọng điệu. Và điều đó đối với trẻ là chuyện rất bình thường, nó không hình thành suy nghĩ trong đầu trẻ là mình đang học cái gì đó. Chỉ là các bé thích và muốn làm theo. Như vậy đó là một lợi thế rất lớn, và nó được tiếp diễn hàng ngày tạo thành thói quen rất tốt.
“Chỉ có người lớn chúng ta khi cầm những quyển sách tiếng Anh với rất nhiều từ vựng, ngữ pháp, cấu trúc bên trong, và cảm thấy học tiếng Anh là điều bắt buộc thì mới thấy khó, còn trẻ em thì không như vậy. Bên cạnh đó, vì còn bé nên các em có nhiều thời gian hơn để học ngôn ngữ: tham gia hoạt động, xem phim, chương trình ca nhạc tiếng Anh giành cho trẻ em. Những kiến thức từ tất cả những hoạt động như thế đến với các bé hoàn toàn tự nhiên. Và đến khi các bé phải học những kiến thức về từ vựng, ngữ pháp, cấu trúc ở trên lớp sẽ không còn cảm thấy bị áp lực vì trước đó bé đã làm quen rồi”, vị giáo viên này nhấn mạnh.
Một lưu ý khác, các chuyên gia về ngôn ngữ trên thế giới cho rằng, việc học sớm ngôn ngữ thứ hai không những không ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ của trẻ, mà còn giúp trẻ phát triển khả năng tập trung trong khi học so với những bé chỉ biết tiếng mẹ đẻ. Bên cạnh đó, ngoại ngữ hỗ trợ tiếng mẹ đẻ hình thành và phát triển tốt nếu được giới thiệu sớm và bằng phương pháp phù hợp. Việc học ngoại ngữ giúp trẻ hình thành lối tư duy logic từ tiếng Việt sang tiếng Anh. Do vậy, các bậc phụ huynh đừng quá lo lắng mà quay lưng với việc cho con học ngôn ngữ thứ 2 từ bé.
Theo nongnghiep.vn
Trẻ học tiếng Anh ra sao để không bị "loạn ngữ"?
Học tiếng Anh nói riêng và ngoại ngữ nói chung không đúng cách sẽ khiến trẻ nhiễu tri thức, nhiễu thông tin, dễ "loạn ngữ". Một số chuyên gia cho rằng, để ngoại ngữ trở thành ngôn ngữ thứ hai, người học cần môi trường, sách vở hoặc máy móc nhưng khi trẻ dưới 2 tuổi, không nên cho trẻ tiếp xúc quá nhiều với công nghệ.
Dưới 2 tuổi: Không nên tiếp xúc nhiều với công nghệ
PGS -TS Phạm Văn Tình - Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam cho rằng, nếu có nguyện vọng con học ngoại ngữ tốt, đừng vội vã cho trẻ tiếp cận sớm. Tốt nhất để trẻ lớn lên hồn nhiên, hoàn thiện tiếng Việt cơ bản nhất, sau khi hoàn thiện được kỹ năng mới tiếp xúc với ngoại ngữ một cách bài bản, chắc chắn đem lại hiệu quả.
Cũng theo PGS Tình, quan điểm của ông, trẻ nên có khái niệm và nền tảng cơ bản với tiếng mẹ đẻ, sau đó học ngoại ngữ từ mẫu giáo hoặc tốt nhất là từ 5-6 tuổi trở lên.
Câu chuyện mới đây do giáo viên Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học Tâm lý Giáo dục, Hà Nội kể lại đã khiến nhiều người giật mình. Có gia đình nộp 100 triệu đồng/tháng cho con học tiếng Anh tại trung tâm ngoại ngữ nhưng không hiệu quả. Bố mẹ đưa con đến xin tư vấn về ngôn ngữ và được biết con bị "loạn ngữ" vì bị ép học không đúng cách.
"Ép trẻ học tiếng Anh nói riêng và ngoại ngữ nói chung không đúng cách sẽ bị nhiễu tri thức, nhiễu thông tin. Khi chưa tiếp cận hệ thống tiếng mẹ đẻ cơ bản, trẻ khó tiếp cận một ngôn ngữ khác. Một khi trẻ định hình tiếng mẹ đẻ mới tiếp cận được một ngôn ngữ nào đó tiếp theo", ông Tình cho biết.
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Lâm - nguyên giảng viên Trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội lại cho rằng, để học sinh giao tiếp tiếng Anh tốt như ngôn ngữ mẹ đẻ thứ 2 (ESL - English as a Second Language), trẻ con phải tiếp xúc và giao tiếp với ngôn ngữ tiếng Anh ngay từ khi mới sinh ra.
"Tiếng Anh không thể học tốt khi tiếng Việt đã quá vững như độ tuổi khoảng từ lớp 5, lớp 6 trở lên", Th.S Lâm nói.
Thừa nhận cho trẻ em học tiếng Anh càng sớm càng tốt, thậm chí có thể ngay từ trong bụng mẹ, tuy nhiên theo bà Phạm Thị Cúc Hà, Thạc sỹ Giáo dục Úc, người có nhiều năm kinh nghiệm trong giáo dục và đào tạo Tiếng Anh cho trẻ từ các độ tuổi cho hay, để tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai, quan trọng cần phương pháp sao cho phù hợp với từng độ tuổi.
Theo Th.S Cúc Hà, chẳng hạn giai đoạn từ 0- 1 tuổi, cần cho trẻ làm quen với môi trường ngôn ngữ bằng bài hát và trò chơi cho trẻ học từ vựng trong môi trường xung quanh.
Từ 1-2 tuổi, cũng làm quen tự nhiên trong môi trường bài hát, trò chơi nhưng lúc này trẻ xây dựng vốn từ vựng dần dần và bắt đầu nói hai từ với nhau hoặc các cấu trúc đơn giản. Từ 2-3 tuổi, trẻ làm quen với từ vựng qua chủ đề, học ngoại ngữ như ngôn ngữ mẹ đẻ.
Từ 3-4 tuổi: Nên cho trẻ mở rộng vốn từ vựng, cấu trúc câu đơn giản qua các chủ đề.
Và từ 4-5 tuổi: Trẻ có thể sử dụng các cấu trúc câu để thể hiện ý tưởng.
Từ 5-6 tuổi: Giai đoạn này, trẻ đã có nền tảng ngôn ngữ toàn diện và tập trung vào kĩ năng đọc - viết để diễn đạt ngôn ngữ...
Quan trọng khi cho trẻ học ngoại ngữ là cần phương pháp sao cho phù hợp với từng độ tuổi. (Ảnh: Minh họa).
"Điều cốt lõi để học sinh giao tiếp tiếng Anh tốt như ngôn ngữ mẹ đẻ thứ hai là môi trường. Trẻ em có thể giao tiếp giữa người với người, với ti vi, sách báo và các ứng dụng công nghệ...
Tuy nhiên, khi trẻ dưới 2 tuổi thì không nên cho trẻ sử dụng bất cứ công nghệ nào mà nên cho các con nghe nhạc. Nếu quá lạm dụng các thiết bị điện tử, trẻ sẽ bị hạn chế sự phát triển ngôn ngữ", bà Cúc Hà chia sẻ.
"Không nên tập trung mỗi từ vựng và cấu trúc"
Để trẻ không bị "loạn ngữ", theo Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Lâm, trẻ em phải có môi trường tiếng Anh chuẩn tắc ngay từ khi mới sinh ra.
"Khi đã nghe quen phát âm chuẩn tiếng Anh, cho trẻ tiếp xúc mở rộng sang các giọng vùng miền như Anh Ấn, Anh Singapore, Anh Philippine, Anh Mỹ, Anh Úc... trẻ sẽ càng dễ nhận ra sự chênh về màu sắc giọng nói và sẽ có khả năng hiểu được hầu hết các cách nói tiếng Anh từ các nơi khác nhau trên thế giới.
Dấu hiệu nhận biết trẻ "loạn ngữ"
Có nhiều cách kiểm chứng. Trước hết phải kiểm tra 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, mới có chỉ số đánh giá đầy đủ.
Thứ hai, có thể cho trẻ vào tình huống cụ thể, đặt câu hỏi để trẻ trả lời xem phản xạ đúng không, có lệch lạc không trong phản ứng và giao tiếp.
(PGS -TS Phạm Văn Tình - Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam).
Nếu chỉ đơn giản học tiếng Anh ở trường hay một trung tâm nào đó mà đòi hỏi sau này hiểu hết tất cả các lối nói tiếng Anh từ khắp nơi trên thế giới thì không thể, bởi ở môi trường nhà trường và hầu hết các trung tâm, trẻ không có cơ hội giao tiếp với đa dạng các lối nói đó để có thể thích nghi và kinh nghiệm", Th.s Lâm nói.
Cũng theo thầy Lâm, khi các giáo viên chỉ dạy một phần tiếng Anh trên lớp còn xen lẫn vẫn dùng tiếng Việt trong khi dạy thì không thể đạt được về môi trường và phản xạ nói. Chưa nói đến các giáo cụ trực quan dùng giảng dạy tiếng Anh cũng không đồng bộ.
Lý giải thêm với chúng tôi về cách thức để trẻ không bị "loạn ngữ", trong khi các em học tiếng Anh nhưng môi trường tiếp xúc hoàn toàn người Việt, Thạc sĩ Cúc Hà cho hay, quan trọng cần có hệ thống ngôn ngữ rõ ràng.
"Chẳng hạn, hãy nói với trẻ một câu thoại tiếng Anh hoàn toàn hoặc câu thoại tiếng Việt. Hoặc hết ngữ cảnh nói tiếng Anh xong mới đến tiếng Việt", bà Hà nói.
Ngoài ra, theo Thạc sĩ Hà, yêu cầu quan trọng nhất đối với giáo viên khi dạy ngoại ngữ là phải có phương pháp phù hợp từng độ tuổi.
Giáo viên không chỉ dạy ngôn ngữ mà phải phát triển cho trẻ toàn diện, đặc biệt chú trọng tư duy phản biện và sáng tạo của học sinh để các em không chỉ tập trung học thuộc từ vựng, cấu trúc mà phải sử dụng ngôn ngữ để thể hiện ý tưởng.
Hiện có rất nhiều giáo trình tốt nhưng tốt nhất, nhưng theo Th.s Hà, nên chọn giáo trình phát triển toàn diện ngôn ngữ và tư duy cho học sinh chứ không chỉ tập trung vào từ vựng và cấu trúc. Trong khi dạy, giáo viên phải phổ cập kiến thức ngôn ngữ kèm với kiến thức khoa học, xã hội để học sinh mở rộng vốn sống và kiến thức xã hội.
Trẻ rối loạn ngôn ngữ vì học ngoại ngữ sai cách
Mỹ Hà
Theo Dân trí
Lời khuyên dành cho phụ huynh muốn con biết nhiều ngôn ngữ Việc cho trẻ tiếp xúc với ngôn ngữ khác tiếng mẹ đẻ từ năm đầu đời và mở rộng môi trường tiếp xúc với ngoại ngữ là cần thiết. Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng trẻ em biết nhiều ngôn ngữ sẽ có trí tưởng tượng tốt hơn và linh hoạt hơn trong suy nghĩ. Học ngoại ngữ cũng giúp cải thiện...