Có Luật Giáo Dục ĐH: Bộ và trường đều lo
Ngày 1/1/2013, Luật Giáo dục Đại học (GDĐH) bắt đầu có hiệu lực. Luật GDĐH được kỳ vọng sẽ mang lại diện mạo mới cho nền GDĐH Việt Nam. Tuy nhiên, cả bộ và trường đều đang… lo!
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, hiện có 36 văn bản kể cả mới và cũ cần điều chỉnh đang được soạn thảo. Trong đó, quan trọng nhất là nghị định hướng dẫn thi hành Luật GDĐH, chuẩn bị được đưa ra xin ý kiến rộng rãi các bộ, ban, ngành… Ông Ga nói: Hy vọng các văn bản hướng dẫn kịp ra đời khi Luật GDĐH bắt đầu có hiệu lực ngày 1/1/2013.
Theo ông Ga, khi Luật GDĐH đi vào thực tiễn thì điều quan trọng nhất là đổi mới về hệ thống và nâng cao chất lượng. Sắp tới, các trung tâm kiểm định chất lượng sẽ kiểm định các trường ĐH, CĐ và phân tầng các cơ sở GDĐH.
Theo đó, khi các trường được phân tầng và xếp hạng, trường nào đủ điều kiện mới được giao tự chủ trong việc cấp văn bằng.
Ông Ga nhấn mạnh: Không phải khi Luật có hiệu lực là giao tất cả các quyền tự chủ cho các trường. Các trường phải cạnh tranh nhau để tạo được niềm tin của xã hội.
Những trường vừa qua không tuyển đủ được người học sẽ phải xem lại từ công tác quảng bá đến việc phá bỏ những ngành đào tạo đã bão hòa… Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất là hiện nay mới có một cơ quan kiểm định chất lượng GD của Bộ GD&ĐT, trong khi Việt Nam có hơn 400 trường ĐH.
Trả lời thắc mắc này, ông Ga nói: Ở thời điểm hiện tại, chưa có tổ chức kiểm định chất lượng độc lập nào hình thành, phải chờ luật có hiệu lực và Bộ sẽ xem xét hồ sơ để cho phép thành lập!
Thu-chi, vấn đề nóng trong tự chủ về tài chính được ông Ga nhấn mạnh: Học phí và khoản thu khác phải theo quy định và các trường không được thu vượt khung, không phải muốn thu bao nhiêu thì thu, nhất là trường công.
Video đang HOT
Trước khi Luật GDĐH có hiệu lực, đại diện các cơ sở đào tạo cũng tỏ rõ những băn khoăn. Theo ông Hoàng Minh Sơn, Trưởng Phòng Đào tạo ĐH Bách khoa Hà Nội, Luật GDĐH còn có nhiều điểm chung chung và ông hy vọng trong quá trình thực hiện bộ cần xây dựng các tiêu chí để các trường xác định lại mục tiêu đào tạo.
Các trường sẽ được kiểm định chất lượng. (Trong ảnh: SV nghiên cứu khoa học).
Ông Sơn nói: Dù lãnh đạo bộ hay các trường tự in, tự phát bằng mà có kẽ hở thì vẫn tiêu cực. Vấn đề là chất lượng thực sự. Bằng giả không sợ bằng chất lượng giả! Vẫn theo ông Sơn, vấn đề là làm sao để các trường nâng cao chất lượng, bảo vệ thương hiệu và uy tín của trường.
Ông Nguyễn Hữu Công, Phó Giám đốc ĐH Thái Nguyên cho rằng, các văn bản hướng dẫn sắp tới cần rõ ràng về sự phân cấp của các ĐH vùng so với ĐHQG hoặc ĐH khác.
Ông Công cũng cho rằng, vì tính đặc thù của ĐH vùng, bộ nên nghiên cứu để phân cấp thêm một số nội dung liên quan khoa học công nghệ, tương xứng với tầm ĐH vùng. Ông Công đề nghị: Bộ cần xem xét để mở rộng hơn quyền tự chủ của ĐH vùng.
Ông Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội phản ánh sự bất cập của tổ chức Hội đồng trường do Luật GDĐH quy định. Ông đề nghị, văn bản hướng dẫn làm thế nào để khắc phục được sự bất cập này.
Theo ông Vũ Văn Hóa, Hội đồng trường theo quy định hiện hành của Luật GDĐH có quy định thêm cả thành phần là chính quyền địa phương. Trong khi đó, người tham gia chính quyền không thạo lắm về GD&ĐT nên thành phần này chỉ mang tính hình thức.
Ông Hóa nói: Trước khi Luật GDĐH có hiệu lực, bộ cần xem xét lại và hướng dẫn cẩn trọng để điều này không trở thành cản trở đối với sự phát triển của các trường ĐH và để… đôi bên cùng vui vẻ.
Ông Ga nói: Để thực hiện Luật GDĐH, điều quan trọng nhất là phải có đội ngũ tốt, các trường phải chủ động hoàn toàn, nếu không sẽ bị tụt lùi.
Chẳng hạn, trong việc thực hiện phân tầng, bộ không có chương trình khung nữa mà chỉ quy định chuẩn đầu ra; nếu trường nào không nhạy bén, chất lượng đào tạo sẽ không đảm bảo.
Ông Ga nhấn mạnh, đội ngũ cán bộ giảng dạy cũng cần được nâng cấp để có thể nhanh chóng đứng vào vị trí xếp hạng cao. Đây thực sự là một rào cản!
Theo Hồ Thu (Tiền Phong)
Sẽ xóa bỏ phân biệt bằng cấp trong tuyển công chức
Cơ quan quản lý công chức không phân biệt loại hình đào tạo và văn bằng, chứng chỉ, không phân biệt trường công lập và trường ngoài công lập khi quy định điều kiện đăng ký dự tuyển công chức.
Đây là một trong những quy định quan trọng trong dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 13/2010/TT-BNV ngày 30/12/2010 của Bộ Nội vụ quy định chi tiết một số điều về tuyển dụng và nâng ngạch công chức của Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức. Hiện tại nội dung dự thảo này đã được gửi đến các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan hữu quan để tham gia đóng góp ý kiến.
Dự thảo cũng yêu cầu các cơ quan quản lý công chức không tự quy định thêm các loại đối tượng ưu tiên khác ngoài các đối tượng ưu tiên đã được quy định tại Điều 5, Nghị định 24/2010/NĐ-CP khi tổ chức tuyển dụng.
Ngoài sửa đổi, bổ sung điều kiện đăng ký dự tuyển công chức dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung một số điều về việc tiếp nhận đối với các trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng công chức.
Theo đó, có hai đối tượng được xem xét tiếp nhận không qua thi tuyển. Một là người tốt nghiệp thủ khoa tại các cơ sở đào tạo trình độ đại học ở trong nước và người tốt nghiệp đại học, sau đại học loại giỏi, loại xuất sắc ở nước ngoài được xem xét tuyển dụng vào công chức không qua thi tuyển hoặc được cơ quan có thẩm quyền xác nhận tốt nghiệp thủ khoa ở trình độ đại học tại các cơ sở đào tạo ở trong nước hoặc tốt nghiệp đại học, sau đại học loại giỏi, loại xuất sắc ở nước ngoài...
Hai là, người có kinh nghiệm công tác theo quy định được xem xét tiếp nhận không qua thi tuyển, nếu đang công tác trong ngành, lĩnh vực cần tuyển có thời gian tốt nghiệp đại học và làm công việc phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển từ đủ 60 tháng trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc và nếu có thời gian công tác không liên tục thì được cộng dồn) trong thời gian công tác 5 năm gần nhất không vi phạm pháp luật đến mức bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự đáp ứng được ngay yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển...
Dự thảo bổ sung hai quy định quan trọng trong quy trình xem xét tuyển dụng công chức không qua thi tuyển. Một là bổ sung thêm đối tượng không phải thành lập Hội đồng kiểm tra, sát hạch khi xem xét tuyển dụng công chức không qua thi tuyển đó là viên chức đang giữ chức vụ quản lý từ cấp phòng trở lên trong đơn vị sự nghiệp công lập.
Hai là, bổ sung một số trường hợp không phải thống nhất với Bộ Nội vụ hoặc Ban Tổ chức Trung ương trước khi quyết định tuyển dụng vào công chức không qua thi tuyển. Cụ thể, những người đã là cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên thuộc ngành, lĩnh vực cần tuyển, sau đó chuyển sang công tác tại các đơn vị sự nghiệp công lập, lực lượng vũ trang Viên chức đã được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch trước 1/7/2003 Những người là sĩ quan quân đội, sĩ quan công an, quân nhân chuyên nghiệp, người làm công tác cơ yếu.
Về mặt hồ sơ của người được đề nghị tuyển dụng vào công chức không qua thi tuyển Bộ Nội vụ bổ sung thêm Phiếu lý lịch tư pháp do Sở Tư pháp nơi thường trú cấp trong thời hạn 30 ngày, tính đến ngày nộp hồ sơ dự tuyển đối với trường hợp người được đề nghị tuyển dụng hiện không phải là viên chức, sĩ quan quân đội, sĩ quan công an, quân nhân chuyên nghiệp, người làm công tác cơ yếu hoặc người đang làm việc trong doanh nghiệp nhà nước.
N.H.
Theo dân trí
Mầm non lao đao thuở "xã hội hóa" Mười năm qua là một giai đoạn đầy biến cố đối với bậc học mầm non. Từ một bậc học bị đẩy ra "xã hội hóa" mạnh mẽ nhất, mầm non đã được Nhà nước gánh trách nhiệm trở lại. Tuy nhiên, những hệ lụy hằn khắc vào đời sống tinh thần của xã hội do thiếu trường mầm non công một thuở...