Cố lên các sĩ tử 12
Mùa tuyển sinh đại học đã cận kề, hẳn các bạn 12 đang rất lo lắng trước kỳ thi quan trọng của cuộc đời.
Ước mơ con cái được học hành đến nơi đến chốn, được bước vào giảng đường đại học và vững vàng khi cầm tấm bằng cử nhân trên tay, có công việc tốt sau này… là mong muốn của tất cả các phụ huynh. Tuy nhiên, chính vì mong ước đó của cha mẹ mà không ít các bạn trở nên bị áp lực.
Tôi cũng từng bị áp lực, không phải vì sự ép buộc của gia đình, mà vì niềm hy vọng mà gia đình dành cho tôi quá lớn. Tôi là đứa con gái út, các chị của tôi chưa ai thi đỗ vào đại học và cha mẹ luôn mong muốn tôi phải vào đại học cho bằng được.
Bằng sức lực của một đứa bị hỏng kiến thức do không chú tâm học hành và vướng vào chuyện mộng mơ chàng hoàng tử trong lớp, tôi đã phải cố gắng ròng rã hai năm để có thể thực hiện được mơ ước của cha mẹ. Các bạn ở tình thành luôn được có điều kiện hơn tụi mình ở quê lên tỉnh học. Các bạn ấy quen biết với nhiều giáo viên và thường được phụ huynh gửi cho bạn bè hoặc người thân công tác bên lĩnh vực sư phạm để chỉ dẫn trong học tập.
Mình chẳng có tiền và cũng chẳng có sự quen biết đó. Mình được đứa bạn thân học ở tỉnh dẫn dắt vào lớp học ” bao cua” của nhóm nhỏ, và điều tất nhiên là phải có tiền học phí trả cho giáo viên. Đối với mình đó là một số tiền không nhỏ. Mình tiết kiệm trong ăn uống cũng như trong sinh hoạt, vì từ năm lớp 10 mình đã phải xa gia đình lên tỉnh học. Rồi năm 12, mình cũng đi làm gia sư để có tiền đi luyện thi đại học. Mình được một bà lão tốt bụng nhờ dạy cho đứa cháu gái thông minh của bà. Vì học trò thông minh quá nên cô gia sư chỉ mới học lớp 12 như mình phải chịu bao nhiêu là vất vả. Có khi con bé tinh nghịch quá, mà mình bảo nó chẳng nghe, thế là cha của nó la mình. Lúc đó mình buồn và nén lại những giọt nước mắt, nhưng mắt mình đã đỏ hoe. Thì ra kiếm tiền không dễ dàng gì.
Làm gia sư,mình cũng có được số tiền kha khá để thanh toán tiền học thêm. Lúc mình đi ôn thi đại học ở trường chuyên, mình lại là chuyên gia trốn học. Lý do đơn giản vì các lớp luyện thi cấp tốc thường không đạt hiệu quả cao như lời quảng cáo. Tiếc số tiền đóng mà không thể theo lớp đó vì giáo viên dạy không phù hợp với phương pháp trắc nghiệm mà giáo viên ” dạy cua” đã dạy mình. Các bạn sĩ tử sắp thi trong kỳ thi đại học 2010 biết mình đã học một tháng cuối như thế nào không?
Mình ôn tập lại những vấn đề đã học trên lớp, phải ôn những vấn đề dễ trước. Vì trắc nghiệm thì kiến thức không cần phải sâu, mà đặc biệt là phải rộng, và phải chính xác. Một sự nhầm lẫn nhỏ cũng gây kết quả sai.
Luyện tập cách tính nhanh và chính xác. Không phải học thuộc đáp án vì dạng đề thi chỉ giống ở dạng chứ không phải con số. Vậy nên cách giải một bài toán nhanh, không cần lời giải rườm rà, chỉ cần các bạn hiểu được cái nút thắt của vấn đề và chứng minh nó bằng vài dòng để thế số vào tính toán là ổn.
Video đang HOT
Đối với các bài hóa học, các bạn nên chú ý các hệ số cân bằng phương trình. Với một chất đã học, thì bạn nên nghĩ nếu nó phản ứng với nhóm nguyên tố hóa trị 1 thì hệ số sẽ là những số nào, nếu chất đó phàn ứng với nguyên tố hóa trị 3,…, chất này đặc tính là gì? Các phương trình phản ứng của chất này mà ta được giáo viên đứng lớp dạy như thế nào?
Đối với môn vật lý, các bạn nên vững lý thuyết, và phải tận dụng các công thức mà bạn đã chứng minh đúng để tính nhanh các bài toán nhỏ. Có thể lúc lên lớp, giáo viên sẽ chứng minh thật dài mới ra được công thức đó. Thì giờ đây với trắc nghiệm, bạn hoàn toàn có thể áp dụng công thức đó mà không cần phải chứng minh. Hiểu được cách chứng minh các công thức từ những công thức cơ bản giúp các bạn có thể tính nhanh và chính xác. Trong trường hợp bài thi không có sẵn các công thức mà chúng ta biết thì bạn có thể chứng minh nhanh hoặc bỏ qua và quay lại khi có thời gian.
Mình chỉ lại cho các bạn kinh nghiệm học của mình khi chuẩn bị thi đại học. Nhưng các bạn thân mến! Có khi đại học kề bên nhưng cũng quá xa tầm tay. Đừng lo lắng. Hãy lạc quan lên nhé!
Hẫy cố gắng hết sức để hoàn thành tốt bài thi. Và hãy luôn đặt hy vọng rằng, nếu vì tỷ lệ chọi hay vì ngành của mình lấy điểm cao thì hãy cố gắng trong kỳ thi. Vì nếu nguyện vọng 1 không may trược thì bạn cũng có một số điểm khá cao để tham gia xét tuyển các ngành khác.
Bạn đừng bao giờ quá mơ mộng vào ngành bạn đã chọn. Ví dụ như: mơ ước của bạn là học ngành đó và nếu không học được ngành đó, thì bạn sẽ không học ngành khác. Thật sự có rất nhiều con đường dẫn đến sự thành công các bạn ạ. Mỗi ngành nghề đều có một sự thú vị và thử thách riêng. Khi đã chọn nghề rồi thì quyết tâm theo học. Đừng nản chí nhé, chỉ cần có niềm tin và ý chí, thì bạn sẽ dễ dàng vượt qua mọi khó khăn thôi. Cố lên các sĩ tử lớp 12 nhé!
Theo Mực Tím
Những điều thí sinh Đại học cần lưu ý
Đề thi chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12
Đây là khẳng định của Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng Giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo), vì vậy các bạn học sinh ở những nơi không có điều kiện học thêm, luyện thi hãy yên tâm và tự tin bước vào kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay. Đề thi sẽ tiếp tục được chỉ đạo ra theo hướng giảm việc học "vẹt". Mỗi đề thi đều có những câu hỏi dễ để học sinh trung bình có thể trả lời được. Ngoài ra, sẽ có những câu hỏi khó hơn để phân loại học sinh khá, giỏi và mức độ phân loại. Việc ra đề theo phương thức "mở" như đã thực hiện trong năm 2009 tiếp tục được áp dụng trong kỳ thi 2010.
Theo quy định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng tháng 7-2010 sẽ tổ chức thi trắc nghiệm hoàn toàn đối với các môn Ngoại ngữ (Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Đức, Tiếng Nhật), Vật lý, Hóa học, Sinh học; các môn khác thi theo hình thức tự luận. Đề thi trong kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn. Đề thi gồm 50 đến 60 câu đối với các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học và 80 câu đối với các môn ngoại ngữ; thời gian làm bài là 90 phút.
Học sinh Trường THPT Cao Bá Quát (Gia Lâm, Hà Nội) chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng. Ảnh: Minh Trường
Hãy tự tin rằng mình sẽ làm được bài. Khi làm bài thi tuyển sinh đại học, cao đẳng, nếu chẳng may các bạn gặp câu hỏi mà phần kiến thức về nó các bạn học chưa kỹ thì hãy bỏ qua và làm câu khác. Đừng bao giờ làm lần lượt từ trên xuống dưới, tìm câu dễ làm trước, câu khó làm sau, không mất quá nhiều thời gian vào một câu. Sau khi giải quyết hết câu khác mà còn nhiều thời gian thì mới tập trung lại những câu chưa làm được.
Chú ý khi làm bài các môn thi trắc nghiệm
Các câu trắc nghiệm trong đề thi đều có 4 lựa chọn A, B, C, D. Đề thi được in sẵn và có nhiều phiên bản (mỗi phiên bản là một mã đề thi), do máy tính tự động xáo trộn thứ tự câu cũng như thứ tự các phương án A, B, C, D. Số phiên bản đề thi là nội dung được bảo mật đến khi thi xong. Điểm của bài thi trắc nghiệm được máy tính quy về thang điểm 10 như bài thi tự luận.
Các thí sinh nên dùng bút chì để khoanh tròn các đáp án. Sở dĩ nên dùng bút chì vì nếu chẳng may khoanh sai đáp án thì việc tẩy đi được dễ dàng. Mặt khác, hiện nay đa số các máy chấm thi trắc nghiệm được thiết kế để dễ dàng "bắt" với chất liệu than chì.
Khi làm từng câu trắc nghiệm, thí sinh cần đọc kỹ nội dung câu trắc nghiệm, phải đọc hết trọn vẹn mỗi câu trắc nghiệm, cả phần dẫn và bốn lựa chọn A, B, C, D để chọn phương án đúng (A hoặc B, C, D) và dùng bút chì tô kín ô tương ứng với chữ cái A hoặc B, C, D trong phiếu trả lời trắc nghiệm (TLTN). Làm đến câu trắc nghiệm nào, thí sinh dùng bút chì tô ngay ô trả lời trên phiếu TLTN, ứng với câu trắc nghiệm đó.
Tránh làm toàn bộ các câu của đề thi trên giấy nháp hoặc trên đề thi rồi mới tô vào phiếu TLTN, vì dễ bị thiếu thời gian. Tránh việc chỉ trả lời trên đề thi hoặc giấy nháp mà quên tô trên phiếu TLTN. Tránh việc tô 2 ô trở lên cho một câu trắc nghiệm vì trong trường hợp này máy sẽ không chấm và câu đó không có điểm. Việc làm đề thi đại học, cao đẳng được chuẩn bị kỹ lưỡng, gồm nhiều giáo viên có kinh nghiệm cũng như kiến thức rất giỏi, do vậy các bạn không nên có tâm lý nghi ngờ đề sai. Khi giải bài tập không có đáp án A, B, C, D thì hầu như các bạn đã giải sai. Hãy bình tĩnh kiểm tra lại và loại trừ các đáp án mà các bạn xác định chắc chắn sai. Từ đó khả năng tìm câu trả lời sẽ cao hơn và không bị mất điểm.
Đừng dại dột mang điện thoại di động vào phòng thi
Cần phải nói điều này với các bạn vì mấy năm qua đã có nhiều thí sinh trượt cũng chỉ vì mang điện thoại vào phòng thi. Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tuyệt đối không được mang theo và sử dụng các phương tiện thu, phát thông tin cá nhân trong khu vực thi khi các buổi thi đang diễn ra. Mang điện thoại di động vào phòng thi, dù không sử dụng hoặc để ở chế độ tắt nguồn thì vẫn bị coi là vi phạm quy chế thi và bị đình chỉ thi. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các hội đồng coi thi phải có nơi để thí sinh gửi điện thoại di động trước khi vào phòng thi.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố danh sách 5 loại máy tính cầm tay được đem vào phòng thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2010, đó là các máy tính không có chức năng soạn thảo văn bản (như tính năng ghi chép, ghi sổ điện thoại...); không có thẻ nhớ cắm thêm vào. Cụ thể là Casio FX 95, FX 220, FX 500A, FX 500 MS, FX 500 ES, FX 500 VN Plus, FX 570 MS, FX 570 ES; Vietnam Calculator VN-500RS, VN500 ES, VN 570 RS, VN 570 ES; Vinacal 500 MS, VinaCal 570 MS; Sharp EL 124A, EL 250S, EL 506W, EL 509WM; Canon FC 45S, LS153TS, F710, F720.
Thời gian từ nay đến lúc thi tuyển sinh đại học không nhiều, các bạn nên dành thời gian tự ôn tập thật tốt, nắm chắc kiến thức đã học, không nên sa đà vào những "lò luyện thi" vừa căng thẳng về đầu óc, vừa phân tán về kiến thức.
Điều cuối cùng, muốn lưu ý các bạn thí sinh rằng, hãy giữ gìn sức khỏe thật tốt cho kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng. Không nên thức quá khuya. Đối với những bạn yêu thích bóng đá, hãy tạm thời gác World Cup 2010 để tập trung cho việc ôn thi.
3 đợt thi
Đợt I: Ngày 4 và 5-7, thi đại học khối A và V: thí sinh thi khối V, sau khi dự thi môn Toán, Lý, thi tiếp năng khiếu Vẽ đến 8-7.
Đợt II: Ngày 9 và 10-7, thi đại học khối B, C, D và các khối năng khiếu: Thí sinh thi khối năng khiếu, sau khi dự thi các môn văn hóa (Khối H, N thi Văn theo đề thi khối C; Khối M thi Văn, Toán theo đề thi khối D; Khối T thi Sinh, Toán theo đề thi khối B; Khối R thi Văn, Sử theo đề thi khối C), thi tiếp các môn năng khiếu đến 14-7.
Đợt III: Ngày 15 và 16-7 thi cao đẳng. Các trường cao đẳng có thi các môn năng khiếu đến 20-7.
Các trường công bố điểm trúng tuyển NV1 (đợt 1) chậm nhất là ngày 20-8-2010. Các trường nhận hồ sơ Đăng ký xét tuyển và lệ phí Đăng ký xét tuyển đợt 2 từ ngày 25-8-2010 đến 17 giờ ngày 10-9-2010. Đợt 3 từ ngày 15-9-2010 đến 17 giờ ngày 30-9-2010.
Theo Quân đội nhân dân
Teen 12 và tấm bằng Tốt nghiệp Bằng cấp là một trong những yếu tố quan trọng cho teen tìm kiếm việc làm và bằng tốt nghiệp phổ thông đóng một vai trò thiết yếu đối với mỗi học sinh chúng ta. Thế nhưng đối với nhiều teen thì miễn sao mình đủ 30đ để đậu TN, còn bằng loại gì thì cũng không được teen chú trọng lắm! Bằng...