Cô không lên lớp thì sai, mà dạy tiết nào cũng tội nghiệp học trò
Người xưa vẫn nói: “Văn ôn, võ luyện” mà lâu nay thì một bộ phận thầy cô trong Ban giám hiệu có “luyện” đâu nên kiến thức thì lơ mơ, phương pháp dạy thì cũ kỹ.
LTS: Trước thực trạng một số thành viên Ban giám hiệu tại các trường phổ thông không hoặc không dám đứng lớp theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thầy giáo Thanh An đưa ra những phân tích thể hiện quan điểm của mình về vấn đề này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Những năm gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã phản ánh nhiều về tình trạng một số thành viên Ban giám hiệu không dạy nhưng vẫn nhận tiền đứng lớp.
Vì thế, chúng ta đã phải chứng kiến có những vị hiệu trưởng sáng tạo bằng cách lấy giờ chào cờ để kê thành giờ dạy cho mình, hoặc không dạy lớp nhưng vẫn có trong bảng phân công để đối phó… nhận tiền.
Những câu chuyện như thế đã tồn tại khá lâu và cũng đã có nhiều Ban giám hiệu bị kỉ luật, bị truy thu lại số tiền đã nhận.
Và, có lẽ đây vẫn là một bài toán khó cho đội ngũ lãnh đạo các trường phổ thông hiện nay.
Chúng ta đều biết, trước khi làm lãnh đạo nhà trường thì các thành viên trong Ban giám hiệu nhà trường đã nhiều năm dạy lớp.
Khi đã là lãnh đạo thì vẫn có nhiều người trong Ban giám hiệu ở một số nơi thực hiện khá tốt công việc đứng lớp theo qui định hiện hành.
Nhất là những giáo viên trẻ mới được bổ nhiệm thì việc đứng lớp không có gì là trở ngại đối với họ.
Thế nhưng, có rất nhiều những hiệu trưởng, phó hiệu trưởng không dạy hàng chục năm trời thì việc trở lại đứng lớp là một việc vô cùng khó khăn, bất cập.
Vì thế, việc đứng lớp không chỉ gây khó khăn cho các thành viên này mà một thực tế rõ nhất là khi họ dạy thì… rất tội cho các em học trò.
Việc giảng dạy với giáo viên trẻ không vấn đề gì nhưng với các hiệu trưởng, hiệu phó ít đứng lớp thì lại một việc rất khó khăn. (Ảnh minh họa: Báo Nhân dân)
Nhiều thành viên Ban giám hiệu lâu nay không dạy lớp nhưng vì là lãnh đạo nhà trường nên họ chỉ đạo rất hay, nói rất giỏi và cũng thường xuyên phê bình giáo viên này phương pháp yếu, giáo viên kia kiến thức chưa vững vàng.
Nhưng, khi đã dạy rồi thì mọi chuyện hoàn toàn khác. Thực tế dạy bây giờ khác xa so với hàng chục năm về trước.
Phương pháp giảng dạy khác, cách ra đề kiểm tra khác và vất vả hơn trước rất nhiều.
Vậy nên, có nhiều giáo viên trong tổ chuyên môn xin dự giờ các thành viên Ban giám hiệu nhưng họ không cho mà lấy nhiều lí do khác nhau để chối từ. Nghĩ cũng lạ thật!
Theo hướng dẫn trước đây thì hiệu trưởng phải dạy 2 tiết/ tuần, phó hiệu trưởng phải dạy 4 tiết/ tuần nhưng được qui đổi số tiết với những công việc kiêm nhiệm.
Vì thế, các vị hiệu trưởng lấy 2 tiết kiêm nhiệm bí thư chi bộ, nhiều phó hiệu trưởng là chủ tịch công đoàn thì lấy 3 tiết kiêm nhiệm chức vụ bù sang là đúng với qui định.
Nhưng, bắt đầu từ năm học này thì khác, Thông tư số 15 ban hành ngày 9/6/2017 đã qui định rõ:
Video đang HOT
Định mức tiết dạy/năm đối với hiệu trưởng được tính bằng: 2 tiết/tuần x số tuần dành cho giảng dạy và các hoạt động giáo dục theo quy định về kế hoạch thời gian năm học;
Định mức tiết dạy/năm đối với phó hiệu trưởng được tính bằng: 4 tiết/tuần x số tuần dành cho giảng dạy và các hoạt động giáo dục theo quy định về kế hoạch thời gian năm học”.
Và, thông tư này cũng đã qui định: “Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường phổ thông, trường dự bị đại học không được quy đổi chế độ giảm định mức tiết dạy đối với các chức vụ kiêm nhiệm thay thế cho định mức tiết dạy được quy định tại Thông tư này”.
Khi việc qui đổi số tiết dạy đã không còn được tính nữa thì nếu Ban giám hiệu các trường phổ thông không dạy lớp sẽ sẽ mất phụ cấp đứng lớp.
Theo qui định hiện nay, phụ cấp đứng lớp đối với cấp Trung học cơ sở là 30% và Trung học phổ thông là 35%.
Điều đó cũng đồng nghĩa không dạy sẽ mất 1/3 tổng số lương hàng tháng.
Vì vậy, không có vị nào dám không dạy cả, ai cũng cố gắng mỗi tháng từ 8-16 tiết (tùy vào chức vụ) để được hưởng nguyên lương của mình.
Khi Ban giám hiệu bắt buộc phải đứng lớp thì nhiều những câu chuyện khôi hài đã xảy ra.
Dù không phải là giáo viên môn Giáo dục công dân nhưng nhiều hiệu trưởng, phó hiệu trưởng lại “tình nguyện” đi dạy môn học này.
Theo phân phối chương trình hiện hành thì môn Giáo dục công dân hiện nay mỗi tuần chỉ có 1 tiết/ lớp, giáo viên đang dạy môn học này ở các trường phần lớn còn thiếu tiết nhưng có trường cả 2 thành viên Ban giám hiệu đều tự phân công để dạy môn học này.
Thành thử, giáo viên chính của Giáo dục công dân bỗng nhiên được… nhàn.
Nhiều giáo viên Giáo dục công dân còn thiếu nhiều tiết đề nghị dạy luôn số tiết của hiệu trưởng và hiệu trưởng chỉ việc kí tên vào sổ đầu bài nhưng các vị này đều… ngại.
Và, “tình nguyện” được đứng lớp để giảng dạy theo đúng qui định hiện hành.
Khi đã đi dạy thì phải có giáo án mà việc soạn giáo án thì phải đúng với hướng dẫn hiện hành và rất mất thời gian nên các thành viên Ban giám hiệu phải xin giáo án của giáo viên cùng bộ môn, cùng khối trong trường.
Từ đó, dẫn đến nhiều những hệ lụy, phải nể nang nhau trong việc nhận xét, đánh giá giáo viên dưới quyền.
Sinh hoạt chuyên môn cũng không thể nào dám mạnh miệng “chỉ đạo chuyên môn” như trước đây nữa.
Hiệu trưởng trường chúng tôi có chuyên môn được đào tạo là môn Toán, nhưng vì làm hiệu trưởng đã hai chục năm qua nên không đứng lớp.
Năm nay, khi nộp bảng phân công ra Phòng giáo dục, cán bộ của Phòng thấy hiệu trưởng chuyên môn là Toán mà đi dạy Giáo dục công dân thì thắc mắc và động viên là dạy một lớp Toán 4 tiết trong học kì I, sang học kì II thì nghỉ vì học kì I đã dạy 4 tiết/tuần mà qui định mỗi chỉ có 2 tiết.
Nhưng, hiệu trưởng không dám dạy Toán bởi bỏ lâu ngày mà môn Toán là môn quan trọng, sợ ảnh hưởng đến học trò.
Chính vì không phải chuyên môn là Giáo dục công dân nhưng vì môn này chủ yếu là giải quyết tình huống nên dễ dạy, không phải đầu tư nhiều cho trong việc đứng lớp.
Nhưng, không phải vì vậy mà các thành viên này làm tốt cho việc đứng lớp của mình. Các lớp được các thành viên Ban giám hiệu dạy thì học sinh đều rất ngán.
Một là các em vẫn “sợ” hơn các thầy cô bộ môn và “sợ” cả chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm của các thầy cô này.
Người xưa vẫn nói: “Văn ôn, võ luyện” mà lâu nay thì một bộ phận thầy cô trong Ban giám hiệu có “luyện” đâu.
Thành ra, khi giảng dạy đâu có thể có phương pháp nhuần nhuyễn như giáo viên đứng lớp lâu nay.
Và, về kiến thức thì nắm lơ mơ nên phần nhiều vẫn vận dụng phương pháp “đọc – chép” từ cách đây hàng chục năm trước.
Rõ ràng, việc qui định Ban giám hiệu đứng lớp mới được hưởng phụ cấp đứng lớp đang gây nhiều khó khăn cho các nhà trường.
Ban giám hiệu không dạy thì không có phụ cấp, bị mất 1/3 lương.
Nhưng, nếu mà dạy cũng không phát huy được vai trò của người thầy đứng lớp dẫn đến sự truyền đạt kiến thức cho học trò không được trọn vẹn.
Thiết nghĩ, Bộ Giáo dục cần có những qui định và chỉ đạo thấu đáo để khắc phục tình trạng này.
Theo GDVN
Chuyện dạy của Ban giám hiệu nhà trường
Do tâm lý chẳng sợ ai dự giờ, kiểm tra như hồi còn làm giáo viên nên phần lớn các Ban giám hiệu nhà trường thường buông xuôi, họ chỉ dạy đủ số tiết quy định.
Đọc bài "Cô không lên lớp thì sai, mà dạy tiết nào cũng tội nghiệp học trò" của tác giả Thanh An đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam mới thấy chuyện này chẳng phải hiện tượng cá biệt trong một trường, một địa phương, nó là hiện tượng phổ biến, chuyện đương nhiên là thế trong ngành giáo dục của chúng ta.
Nó phản ánh việc "nói một đường làm một nẻo" và "nói không đi đôi với làm" của các Ban giám hiệu nhà trường, người luôn được xem như là "đầu tầu gương mẫu" trong mỗi trường học.
Chuyện dạy của ban giám hiệu nhà trường có đúng thực chất (Ảnh minh họa: hanoistar.edu.vn).
Lên chức là đổi môn dạy
Thường thì khi được cất nhắc lên Ban giám hiệu nhà trường, phần lớn họ là giáo viên có tay nghề chuyên môn vững. Nay nắm chuyên môn của một trường, được dự giờ nhiều giáo viên, được tiếp cận nhiều phương pháp dạy học mới, được cọ xát nhiều với các cuộc thi chuyên môn của khu vực thì lẽ ra tay nghề của Ban giám hiệu phải càng ngày càng vững vàng.
Có lẽ do tâm lý chẳng sợ ai dự giờ, kiểm tra như hồi còn làm giáo viên nên phần lớn các Ban giám hiệu nhà trường thường buông xuôi, họ chỉ dạy cho đủ số tiết quy định.
Đã có không ít học sinh bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông bức xúc "Thầy hiệu phó dạy chán gì đâu ấy, thầy giảng bài chẳng hiểu".
Có em phàn nàn "Cô hiệu trưởng dạy tiếng Anh lớp con phát âm còn thua bạn Hùng trong lớp (Hùng là học sinh giỏi tiếng Anh của trường).
Thế nên khi đã làm sếp rồi đại đa số giáo viên dạy các môn Toán, Lý Hóa, Anh văn, Văn (các bậc học trung học cơ sở và trung học phổ thông) đều tự đổi môn dạy cho mình.
Họ biện minh không có thời gian đầu tư cho chuyên môn vì bận nhiều việc. Môn được Ban giám hiệu chọn dạy nhiều nhất là môn Giáo dục công dân và môn Công nghệ.
Theo một số học sinh phàn nàn "thầy hiệu trưởng dạy lớp con môn Giáo dục công dân, thầy chẳng bao giờ giảng bài, lấy ví dụ ngoài thực tế mà chỉ cho đọc sách giáo khoa và dặn về nhà học trong sách để kiểm tra".
Có em than "do không hiểu bài nên tụi con đọc trong sách vừa dài vừa khó thuộc".
Em lại nói rằng "thầy Hiệu phó dạy môn Công nghệ tới phần nấu ăn, trong khi các lớp khác được thực hành nấu ăn thì lớp con cũng chỉ đọc bài trong sách giáo khoa thôi".
Có giáo viên tiểu học nói rằng "Ban giám hiệu vào dạy xong mình phải vào dạy lại vì nhiều khi học sinh không hiểu bài".
Có thầy cô phàn nàn, họ liên tục nói rằng giáo viên phải kèm học sinh yếu kém, bồi dưỡng học sinh khá giỏi nhưng vào dạy lớp mình cả buổi, gặp mấy học sinh yếu chẳng ghi được một chữ, bài tập cũng chẳng làm nhưng thầy cô cũng chẳng phát hiện ra.
Với những học sinh lười học, được thầy cô Ban giám hiệu lên lớp dạy là may mắn vì có khi lớp chỉ học khoảng 2/3 thời gian là được chơi, hôm được nghỉ, hôm có thầy cô trông hộ vì Ban giám hiệu lúc bận việc, khi tiếp khách, hôm đi họp, có không ít lần lại quên vì ..."lu bu nhiều việc nên quên mất hôm nay mình có tiết".
Giành dạy tăng tiết
Dạy theo tiêu chuẩn thì ai cũng kêu bận nhưng dạy tăng giờ (dạy khi thiếu giáo viên, khi thầy cô bị bệnh...) nhiều Ban giám hiệu lại giành dạy hết.
Bởi, một tiết tăng theo ngân sách nhà nước trả theo lương một giáo viên có khoảng 20 năm đứng lớp từ 120-130 ngàn đồng/tiết. Nếu buổi sáng dạy 4 tiết thì số tiền được nhận khoảng 500 ngàn đồng.
Không ít Ban giám hiệu ngay từ đầu năm học, đã tự phân cho mình một tuần dạy tăng khoảng 5 tiết trong khi giáo viên chỉ tăng được vài ba tiết là nhiều.
Hoặc trong trường hôm ấy, bất ngờ có giáo viên nhập viện thay vì phân công một số giáo viên khác dạy thay thì không ít Ban giám hiệu lại phân công cho nhau thay phiên dạy để nhận tiền phụ trội.
Phần lớn thầy cô trong trường đều bất bình nhưng chẳng ai dám lên tiếng.
Bởi nếu phản ứng, dĩ nhiên nhiều người được lợi nhưng chính bản thân người đó lại "lên bờ xuống ruộng" bởi cách trả thù của họ.
Giáo viên đó sẽ bị xếp tiết dự giờ chưa đạt, xếp dạy vào lớp học yếu, lớp khó khăn, hoặc hay bị la, bị xoi mói, để ý, bị chỉ trích giữa Hội đồng, bị xếp loại công chức, bị chuyển trường đi xa...
Giải pháp nào hạn chế tình trạng trên?
Ban giám hiệu không đầu tư cho tiết dạy cũng bởi chuyện họ không bị ai dự giờ đánh giá. Bởi thế, cũng cần phải có quy định Ban giám hiệu dạy một số tiết dự giờ như giáo viên.
Mỗi khi Phòng, Sở thanh tra, nếu ngày hôm đó Ban giám hiệu có tiết dạy cũng cần được kiểm tra như những giáo viên bình thường khác.
Để Ban giám hiệu nhà trường dạy thao giảng trước giáo viên thì dù có lười đến đâu, Ban giám hiệu cũng phải lo soạn bài, đầu tư cho bài dạy một cách bài bản để đỡ "mất mặt" với giáo viên của mình, để còn dễ ăn nói sau này.
Nếu cứ quy định như hiện nay, đã lên làm giám hiệu là không có ai kiểm tra tiết dạy thì chẳng bao giờ họ phải đầu tư cho việc soạn giảng cũng là điều dễ hiểu.
Mà như thế học sinh là người chịu thiệt thòi nhất khi phải học những tiết dạy mà giáo viên chẳng có sự đầu tư, chuẩn bị.
Theo GDVN
Hiệu trưởng đứng cổng trường chào học sinh mỗi ngày Học sinh trường THPT Việt Đức (Hà Nội) đã quen với hình ảnh mỗi sáng tới trường hoặc khi tan học đều được thầy hiệu trưởng chào hỏi. Ngày 23/10, video ghi lại hình ảnh Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức (Hà Nội) đứng chào học sinh sau buổi tan học chiều tại cổng trường được cộng đồng chia sẻ. Trong video, thầy...