Cô “khó” dạy trò “nghèo”
Nhà giáo ưu tú (NGƯT) Lương Thị Mỹ Lệ đã vượt qua biết bao sóng gió, gian khổ, từng ngày chống chọi với bệnh tật để cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Cô tình nguyện về công tác tại một huyện thuộc diện nghèo nhất TP.HCM với những khó khăn, vất vả chồng chất.
30 năm ươm mầm chồi non
Trước khi gặp cô, chúng tôi đã từng nghe lời nhận xét: Nhà giáo ưu tú Lương Thị Mỹ Lệ luôn hết lòng vì học sinh, cuộc sống và sự nghiệp giáo dục của cô luôn quyện chặt với nhân dân, hòa vào sự đói nghèo, cơ cực của những người dân chân lấm tay bùn để góp phần ươm mầm xanh cho đất nước. Chúng tôi tìm về trường tiểu học Long Thạnh (ấp Long Thạnh, xã Long Hòa, huyện Cần Giờ, TP.HCM) để tìm gặp NGƯT Lương Thị Mỹ Lệ. Cô tiếp chúng tôi tại ngôi trường nay đã được xây dựng khá khang trang, nhưng những kỷ niệm ngày đầu về Cần Giờ công tác vẫn được cô nhớ rất rõ. Đó là những tháng ngày gian khổ đối với nhiều giáo viên đã từng về đây nhận nhiệm vụ.
Cô giáo Lệ chụp ảnh lưu niệm cùng với những học sinh của mình
Video đang HOT
Cô Lương Thị Mỹ Lệ (SN 1963, tại quận Bình Thạnh, TP.HCM). Sau khi tốt nghiệp trường trung học Sư phạm (nay là trường Trần Đại Nghĩa), tháng 8/1983 cô tình nguyện lên đường về huyện Cần Giờ để dạy học. Đây là huyện thuộc diện nghèo nhất trong địa bàn TP.HCM. Cô Lệ cho biết: “Thời điểm ấy, việc vận động giáo viên đi công tác ngoại thành rất khó khăn. Lúc học ở trường mình là cán bộ đoàn viên, hơn nữa lúc ấy còn trẻ và nhiệt huyết cống hiến nên đã tình nguyện đi ra ngoại thành công tác mặc dù biết nơi ấy có nhiều khó khăn”. Theo cô Lệ, lúc ấy ban chấp hành đoàn trường rất muốn giữ cô ở lại để hoạt động trong công tác đoàn. Nhưng với quyết tâm và mong muốn được công tác tại những nơi vùng sâu vùng xa, tiếp cận với đời sống của người dân để có thể hiểu và giúp họ được nhiều hơn nên cô đã tình nguyện về ngoại thành công tác. Mặc dù khi xuống tới nơi, thấy mọi thứ đều rất thiếu thốn, từ cơ sở vật chất cho đến điều kiện sống là hết sức khó khăn, nhưng với tâm niệm dân sống được thì mình cũng sống được, cô đã hòa vào cuộc sống ấy để ươm mầm cho các em học sinh nghèo.
Khi bắt đầu với công việc giáo dục, cô mới nhận ra nơi đây có quá nhiều khó khăn, vất vả. Trong vô vàn khó khăn, việc thiếu nước sạch là điều nan giải nhất đối với bộ phận giáo viên về đây công tác. Cô Lệ nhớ lại: “Những năm đó trẻ em không hề thích thú với việc hàng ngày phải tới trường, bởi thường ngày các em phải sống lam lũ trong cái nghề nuôi tôm trong đầm. Lúc nào mặt mày, chân tay đều lấm lem bùn đất thì làm sao có thể tới lớp học chữ được. Với tâm huyết đặc biệt đối với nghề giáo, tôi cùng phía nhà trường đã vận động, khuyến khích các em đến trường. Thế nhưng, việc các em đến lớp không phải dễ dàng gì. Mỗi khi nghe hiệu lệnh từ chiếc kẻng (làm từ mảnh bom thay cho trống) vang lên thì lúc đó các em mới từ các đầm tôm bước lên để tới trường. Có rất nhiều em tay chân còn lấm bùn nhưng vẫn tới lớp. Lúc này, giáo viên chỉ còn cách tắm cho từng em rồi mới vào lớp học được. Cô Lệ cũng cho biết, để có được nước tắm cho các em cũng là điều hết sức gian nan. Vào những năm ấy, ở địa phương nước rất khan hiếm, nguyên cả một khu vực xã chỉ có duy nhất một giếng nước, mà chỉ là nước lợ chứ không phải nước ngọt. Nếu muốn lấy nước để dùng thì giáo viên phải thức dậy từ lúc nửa đêm đi chắt nước, rồi đưa về để lắng trong lại và tắm cho các em học sinh”.
Không chỉ khó khăn do khan hiếm nước ngọt, vùng đất nơi cô giáo Lệ công tác bị bao phủ bởi những khu rừng ngập mặn rậm rạp. Đó chính là điều kiện thuận lợi để muỗi và nhiều loại côn trùng khác sinh sôi, phát triển nhanh. Cũng bởi vậy mà bệnh sốt rét xảy ra rất thường xuyên. Cô Lệ tâm sự: “Những lúc ấy chỉ chừng ba bốn giờ chiều mà ngồi ngoài trời thì không ai có thể chịu được cảnh muỗi bủa vây. Cũng vì thế mà tôi đã nhiễm bệnh sốt rét. Lúc đó, tôi bị sốt rét ác tính, người dân thấy tôi sốt cao quá nên chuyển tôi về lại thành phố để điều trị, cũng may là chuyển về kịp thời, không thì tôi khó lòng qua khỏi bởi cơn sốt rét ác tính ấy. Sau đó, ai cũng tưởng tôi sẽ không quay về lại huyện Cần Giờ để tiếp tục công tác nữa. Nhưng vì những tình cảm thương mến của những người dân trước đây đã từng sống với mình, cộng với sự thương yêu hết lòng những học sinh nghèo nên sau khi khỏi bệnh tôi lại tiếp tục trở lại với công việc dạy học. Tôi không thể chia tay với vùng đất chan hòa tình yêu thương, vùng đất mà tôi nhận là quê hương thứ 2 của mình”.
Nhà giáo ưu tú Lương Thị Mỹ Lệ
Hạnh phúc vì sự nghiệp trồng người
Ngay sau năm đầu tiên công tác tại huyện nghèo, cô giáo Lương Thị Mỹ Lệ đã đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp huyện. Hai năm sau, mặc dù đã đủ điều kiện để về lại thành phố, nhưng cô quyết định bám víu với quê hương thứ 2 này để tiếp tục sự nghiệp trồng người. Cô Lệ chia sẻ: “Lúc ấy, tôi cũng băn khoăn rất nhiều, không biết nên hành động thế nào. Bởi sau một thời gian sống ở nơi đây, tình cảm giữa cô, trò và những người dân nghèo khổ đã quyện chặt với nhau nên tôi không nỡ lòng rời xa”.
Cô Lệ nhớ lại những kỷ niệm không quên cùng với những học sinh nơi mảnh đất khốn khó ấy. Cô kể: “Ngày mới về công tác tại huyện Cần Giờ, các em ở đây đa phần bị ghẻ ngứa do nguồn nước bị ô nhiễm. Lúc dạy học tôi phải cầm tay từng em để hướng dẫn cho các em tập viết. Vì thế tôi cũng bị ghẻ ngứa, hai bàn tay đều lở loét. Hơn thế nữa, những lúc đứng phía sau để hướng dẫn, chí trên đầu các em bò xuống đầy người tôi. Lúc đó, mặc dù tay chân bị ghẻ ngứa và bệnh tật nhưng tôi không nản lòng. Đối với tôi đó là những kỷ niệm không lúc nào quên trong sự nghiệp trồng người của mình”.
Cô Lệ còn nhớ lại một kỷ niệm cảm động khó phai về một cô học trò nghèo tên là Kim Phụng: “Năm đó nhân ngày nhà giáo việt Nam, những học sinh khác thì được ba mẹ chuẩn bị quà để tặng thầy cô giáo, em học sinh này thì nhà rất nghèo nên không có quà gì để tặng thầy cô. Hôm ấy, lúc đứng xếp hàng, khuôn mặt em rất buồn, cứ nhìn chằm chằm xuống đất. Tới khi buổi lễ tổ chức xong, em lại đi vòng quanh sân trường nhặt những bông hồng vải nằm trên sân. Phụng lấy số tiền ăn sáng của em là 1.500 đồng nhét vào nụ hoa rồi chạy tới bên cô và nói: “Cô ơi cô nhận đi, mẹ con không có tiền mua quà, con thương cô lắm nhưng con không biết làm sao…”. Lúc đó, tôi chỉ kịp ôm chầm lấy em và không thể cầm lòng được”, kể đến đây, những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt hiền hậu của một nhà giáo hết lòng thương yêu học sinh khiến chúng tôi cũng không thể kiềm lòng.
Theo Mai Phong (Người đưa tin)
"Quan" nhiều hơn dân
Danh sách nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú vừa được công bố và một lần nữa cho thấy các loại danh hiệu vẫn cùng một công thức "quan nhiều hơn dân".
Trong 610 người được phong tặng, chỉ có 77 giáo viên THPT, THCS, tiểu học và mầm non. Rất nhiều tỉnh tuyệt không có bất cứ giáo viên nào được phong nhà giáo ưu tú, chỉ toàn là lãnh đạo.
Nhìn tên và chức vụ quan chức xuất hiện dày đặc từ trên xuống dưới trong bản danh sách, có thể thấy một điều gì đó không công bằng, còn có điều gì đó thiếu sót và thiếu vắng. Quá ít gương mặt những người thầy trực tiếp dạy học. Giáo sư, tiến sĩ, lãnh đạo các đơn vị cống hiến đời mình vì sự nghiệp giáo dục, họ xứng đáng được phong danh hiệu, nhưng còn rất nhiều thầy cô khác thầm lặng hy sinh, thậm chí trả giá cả cuộc đời vì học trò, vì nghề nghiệp, nhưng họ đã bị quên lãng.
Có biết bao thầy - cô giáo hy sinh tuổi thanh xuân, vác chữ lên non, sống nghèo khổ, túng thiếu để trồng người ở các vùng nông thôn, miền núi, hải đảo xa xôi. Họ lặn lội đi đến từng nhà học sinh, thuyết phục, vận động các em đi học. Họ cũng đi đò, bơi qua sông qua suối để đến với bảng đen phấn trắng. Không phải một ngày, hai ngày mà hàng chục năm tận tụy như vậy. Những con người đó không ưu tú ư?
Hai giáo viên Trần Hướng (Quảng Trị) và Bùi Thị Nhung (Khánh Hòa) tình nguyện ra sinh sống và dạy học ở Trường Sa. Họ bỏ lại sau lưng quê nhà với những điều kiện sống tốt đẹp ở đất liền để đến với quần đảo xa xôi, gian khổ và hiểm nguy. Các thầy - cô giáo ở trên đảo Trường Sa vừa dạy chữ, vừa là cột mốc sống giữ gìn lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam, họ không ưu tú thì còn ai ưu tú?
Có thể việc phong nhà giáo ưu tú, nhà giáo nhân dân phải căn cứ vào các tiêu chí được quy định sẵn, nên chỉ những người đạt tiêu chí mới được xét. Nếu như vậy chứng tỏ tiêu chí được đặt ra chưa đảm bảo khách quan, công bằng; còn thiếu sót, cần phải sửa gấp để phù hợp với thực tế.
Người dân còn chưa quên danh sách dự kiến đề cử chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 2012 công bố gần đây, cũng chỉ toàn quan chức, thưa thớt vài gương mặt dân thường. Dân mình kém thế sao!
Không chỉ chuyện chiến sĩ thi đua hay nhà giáo ưu tú, còn không ít danh hiệu, khen thưởng "quan" vẫn nhiều hơn dân.
Theo Lê Thanh Phong
Lao Động
Học viện Dân tộc: Mũi nhọn phát triển nguồn nhân lực khu vực dân tộc thiểu số Năm 2012, Ủy ban Dân tộc đã phối hợp với Bộ GD-ĐT ưu tiên xét tuyển thí sinh dân tộc thiểu số, thí sinh có hộ khẩu 3 năm trở lên tại các huyện nghèo quy định tại Nghị quyết số 30a vào học tại các trường đại học, cao đẳng. Trong cuộc trò chuyện với PV Dân trí nhân dịp đầu xuân...