Có hợp lý khi yêu cầu anh rể, em dâu phải công bố thông tin người liên quan?
Để việc áp dụng pháp luật được thống nhất, VNDirect thấy rằng Dự thảo Luật Chứng khoán nên giữ nguyên khái niệm Người liên quan quy định tại Luật Doanh nghiệp.
Dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) đang trong giai đoạn được xây dựng, với nhiều điểm thay đổi hướng đến mục tiêuhoàn thiện thể chế, đáp ứng nhu cầu hội nhập, nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước với thị trường chứng khoán, bảo đảm hiệu quả đầu tư của các nhà đầu tư và các tổ chức tài chính tham gia thị trường.Trong quá trình lấy ý kiến các thành viên thị trường, một số quy định được nhiều đơn vị cho rằng chưa hợp lý và cần cải thiện hay thậm chí là giữ nguyên như cũ.
Trong dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) tại khoản 39 Điều 4 Dự thảo quy định về khái niệm Người có liên quan bổ sung thêm trường hợp là cá nhân và con dâu, con rể, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của cá nhân này. Công ty và đối tác kinh doanh, khách hàng lớn của công ty đó theo quy định của Chính phủ cũng thuộc đối tượng là người có liên quan.
Những đối tượng trên sẽ nằm trong trường hợp phải công bố thông tin theo dự thảo Luật sửa đổi.
Theo bản tham luận của Công ty cổ phần chứng khoán VNDirect, đơn vị này thấy rằng khái niệm Người liên quan trong Dự thảo Luật Chứng khoán rộng hơn so với khái niệm Người liên quan quy định tại Khoản 17 Điều 4 Luật Doanh nghiệp. Việc này sẽ dẫn đến khó khăn cho các nhà đầu tư trong quá trình áp dụng pháp luật. Để việc áp dụng pháp luật được thống nhất, VNDirect thấy rằng Dự thảo Luật Chứng khoán nên giữ nguyên khái niệm Người liên quan quy định tại Luật Doanh nghiệp.
Trong khi đó, Công ty quản lý quỹ Bảo Việt lại hoàn toàn nhất trí với quan điểm về các đối tượng được bổ sung trong dự thảo. Đơn vị này cho rằng việc khái niệm người có liên quan được mở rộng thêm các đối tượng phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp và thực tế các đối tượng trên thị trường chứng khoán hiện nay.
Video đang HOT
Dù vậy, Công ty quản lý quỹ Bảo Việt đã đưa ra kiến nghị UBCKNN xem xét điều chỉnh một số thuật ngữ trong khái niệm người có liên quan hiện được quy định khá mờ, gây khó khăn cho các nhà đầu tư tham gia trên thị trường khi xác định về người có liên quan. Cụ thể: Quy định tại điểm c khoản 38 Điều 4: ‘Người có liên quan là cá nhân hoặc tô chức có quan hệ với nhau trong các trường hợp sau: Cá nhân được ủy quyển đại diện cho những người quy định tại các điêm a, b khoản 38 Điều này’.
BVF cho rằng theo logic quy định tại điểm a, b Điều 38 về người có liên quan được quy định rất rõ ràng gồm cá nhân và cha đẻ, cha nuôi…hoặc doanh nghiệp và người nội bộ…. Tuy nhiên tại điểm d chỉ liệt kê các cá nhân được ủy quyền đại diện cho những người quy định tại các điểm a, b khoản 38 Điều này; dẫn đến rất khó xác định mỗi quan hệ là người có liên quan với ai? Với người được đại diện hay người có liên quan của người được đại diện. Ví dụ như tại điểm a gồm cá nhân và cha mẹ của cá nhân, vậy trong trường hợp cá nhân có người đại diện thì người đại diện là người liên quan của cha mẹ cá nhân hay ngược lại? Ngoài ra, quy định về người đại diện đã có quy định tại điểm h, quan hệ hợp đồng trong đó một người là đại diện cho người kia.
Một điểm cũng được đơn vị này đưa ra góp ý đó là Quy định tại điểm a khoản 38 điều 4: ‘Người có liên quan là cá nhân hoặc tổ chức có quan hệ với nhau trong các trường hợp sau: Người mà trong mối quan hệ với người khác trực tiếp, gián tiếp kiểm soát hoặc bị kiểm soát bởi người đó hoặc cùng với người đó chịu chung một sự kiểm soát’.
Với khái niệm nêu trên, người ở đây sẽ được hiểu chỉ là các cá nhân, hay gồm cả cá nhân và tổ chức? Mối quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp kiểm soát được hiểu như thế nào? Theo hợp đồng? Theo quy định nội bộ hay cơ cấu tổ chức?
Khái niệm người liên quan cũng được nhiều công ty quản lý quỹ và công ty chứng khoán đưa ra thảo luận tại hội thảo lấy ý kiến sửa đổi Luật chứng khoán do Bộ Tài chính tổ chức.
Bà Lê Thị Chân Phương, Phó Chủ tịch UBCK trân trọng các ý kiến đóng góp của thành viên thị trường để Ban soạn thảo luật nghiên cứu và tiếp thu, hoàn thiện trước khi trình Quốc hội, đảm bảo chức năng quản lý nhà nước về chứng khoán, bảo vệ nhà đầu tư và tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động.
Bình An
Theo ndh.vn
Sửa Luật Chứng khoán: Tăng tính minh bạch của thị trường
Nhiều chuyên gia đánh giá, Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi đã bổ sung một số quy định mới nhằm mục đích nâng cao tính minh bạch của thị trường chứng khoán (TTCK).
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo đóng góp ý kiến dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) tổ chức ngày 7/11.
Làm rõ những bất cập
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải, Luật Chứng khoán được ban hành năm 2006 và sửa đổi năm 2011 cùng một số văn bản hướng dẫn liên quan đã góp phần đưa TTCK Việt Nam ngày càng phát triển, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn của nền kinh tế. Đến 2018, số lượng công ty niêm yết tăng hơn 7 lần so với năm 2016, có hơn 1.537 công ty niêm yết và đăng ký giao dịch, vốn hóa thị trường đạt hơn 3,8 triệu tỷ đồng, tương đương 77% GDP, so với mức 22% GDP của năm 2016.
Tuy nhiên, với quá trình phát triển của nền kinh tế và hoạt động TTCK đã phát sinh nhiều bất cập trong Luật Chứng khoán và nhu cầu cần thiết phải sửa đổi để phù hợp với tình hình mới, tạo ra khuôn khổ pháp lý và động lực cho TTCK phát triển bền vững và an toàn. Phó Chủ tịch UBCKNN Vũ Thị Chân Phương thông tin, Luật Chứng khoán sửa đổi được xây dựng dựa trên 4 chủ trương căn bản. Thứ nhất, luật xây dựng dựa trên chỉ đạo của Đảng, phát triển TTCK trở thành kênh đầu tư huy động vốn dài hạn của nền kinh tế. Thứ hai, luật dự thảo xây dựng kế thừa những quy định Luật Chứng khoán từ năm 2006, bổ sung những nội dung phù hợp với thực tế thị trường và thông lệ quốc tế.
Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi gồm 10 chương, 137 điều. Theo UBCKNN, việc sửa đổi luật lần này bám sát các nguyên tắc chỉ đạo quan trọng: Kế thừa những quy định pháp luật về chứng khoán còn phù hợp với thực tế; sửa đổi, bổ sung những nội dung chưa được điều chỉnh, quy định còn chưa rõ, bất cập; luật hóa một số quy định trong các văn bản hướng dẫn thi hành luật hiện hành đã ổn định và phù hợp với thực tế nhằm tạo hiệu lực pháp lý cao hơn; cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động chứng khoán và TTCK...
Luật Chứng khoán sửa đổi cũng sẽ đảm bảo sự thống nhất giữa các văn bản pháp luật do Luật Doanh nghiệp đã sửa đổi. Bên cạnh đó, Luật Chứng khoán sửa đổi hướng tới 3 mục tiêu căn bản: Hoàn thiện thể chế, đáp ứng nhu cầu hội nhập, nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước với TTCK, bảo đảm hiệu quả đầu tư của các nhà đầu tư và các tổ chức tài chính tham gia thị trường.
Đại diện Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho rằng, Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi đã bổ sung, làm rõ các vấn đề còn bất cập trong Luật Chứng khoán hiện hành. Đồng thời luật hóa các nội dung đã được quy định tại các văn bản dưới luật nhằm tạo hiệu lực pháp lý cao hơn; bổ sung các điều luật trên cơ sở tham khảo các TTCK phát triển trong khu vực và thế giới nhằm góp phần cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh.
Tăng thẩm quyền thanh tra cho cơ quan quản lý
Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam (VASB) Nguyễn Thanh Kỳ, nhìn chung, Dự thảo đã được nghiên cứu kỹ lưỡng và đưa ra nhiều điểm mới tích cực. Trong đó, một số mục tiêu đã được đặt ra và giải quyết tương đối rõ nét. Dự thảo đã bổ sung một số quy định mới nhằm mục đích nâng cao tính minh bạch của TTCK. Trong đó, đáng chú ý nhất phải kể đến quy định về tăng một số thẩm quyền cho Thanh tra UBCKNN như thẩm quyền yêu cầu cung cấp thông tin từ tổ chức tín dụng, DN viễn thông và các tổ chức, cá nhân có liên quan nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho Thanh tra UBCKNN thực thi quyền hạn của mình trong xử lý các vi phạm trên thị trường, giúp thị trường hoạt động minh bạch hơn.
Bên cạnh đó, quy định về tách Giấy phép hoạt động với Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của công ty chứng khoán cũng là một bước tiến quan trọng. Theo VASB, điều này giúp cho UBCKNN có thể thực thi các chế tài như đình chỉ hoạt động, tước quyền sử dụng Giấy phép, thu hồi Giấy phép... Tránh được tình trạng không thể xử lý dứt điểm các thành viên thị trường vi phạm do bị vướng các quy định liên quan đến thủ tục giải thể, phá sản DN, giúp thanh lọc các thành viên tham gia thị trường.
Tại dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi, quy định về tổ chức kiểm toán được chấp thuận kiểm toán cho đơn vị có lợi cho công chúng. Đây là quy định mới được kỳ vọng sẽ đem lại những thông tin có chất lượng hơn trong Báo cáo tài chính của các công ty đại chúng và niêm yết, giúp nhà đầu tư có thông tin rõ ràng, minh bạch trước khi quyết định đầu tư.
"Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi cần làm rõ các quy định về chào bán chứng khoán, khái niệm về lãnh thổ. Bởi trong thời đại toàn cầu hóa, các giao dịch tài chính, chứng khoán có thể diễn ra xuyên biên giới. Ví dụ một tổ chức phát hành ở nước ngoài có thể thực hiện chào bán chứng khoán cho tổ chức, cá nhân Việt Nam mà không cần hiện diện tại Việt Nam. Trong trường hợp này có rủi ro là việc chào bán chứng khoán xuyên biên giới bị lọt ra ngoài phạm vi điều chỉnh của pháp luật Việt Nam." - Đại diện Công ty Chứng khoán VNDirect
Theo kinhtedothi.vn
Hợp sức cho thị trường nâng hạng Thị trường chứng khoán trong nước có quy mô ngày càng tăng trưởng, chất lượng hàng hóa được củng cố. Cùng với những giải pháp căn bản hướng tới sự phát triển ổn định và bền vững của thị trường, mục tiêu được nâng hạng lên nhóm thị trường mới nổi sẽ không còn xa. Một trong những nỗ lực nâng hạng thị...