Cơ hội nào để học sinh tiếp cận nghiên cứu KHKT?
Hiện nay, có những HS THPT không chỉ học kiến thức trong sách vở, sự tò mò, ham hiểu biết đã thu hút các em đến với khoa học kỹ thuật (KHKT) một cách say mê, sáng tạo và mang lại nhiều kết quả tốt đẹp. Tuy nhiên, việc hỗ trợ HS tham gia nghiên cứu KHKT vẫn còn nhiều cái khó, cần sự chung tay của các lực lượng trong và ngoài ngành GD.
SV Trường ĐH Bách khoa Hà Nội mang sản phẩm sáng tạo khoa học kỹ thuật đến trường phổ thông để truyền cảm hứng cho HS
Luôn có ngọn lửa đam mê tìm hiểu KHKT trong HS phổ thông, tuy nhiên, việc khích lệ HS tiếp cận KHKT và tham gia các cuộc thi sáng tạo ở lĩnh vực này vẫn còn nhiều hạn chế.
Dùng sản phẩm sáng tạo KHKT để “hút” học sinh
Say sưa giới thiệu với một nhóm HS THCS về sản phẩm đo chất lượng không khí do chính mình sáng tạo, Nguyễn Hữu Kim (tốt nghiệp chuyên ngành Điện tử viễn thông, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) nói: “Tình trạng ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn hiện nay rất đáng lo ngại. Những hạt bụi có bán kính nhỏ hơn 2,5 micromet tương đương kích thước 1/30 một sợi tóc là bụi có hại cho sức khỏe. Có thể gây ảnh hưởng trực tiếp với cơ thể, có thể vào phổi, xâm nhập vào máu và gây ra một số bệnh ung thư…”. Mục đích sáng tạo sản phẩm này của nhóm Kim và vừa làm ra máy đo mức độ ô nhiễm của không khí, vừa là sản phẩm trực quan sinh động hỗ trợ dạy STEM cho HS.
Dự án mang những sản phẩm sáng tạo KHKT đến với HS của nhóm của Kim đã nhận được tài trợ của một số đại sứ quán (ĐSQ), như Mỹ, Cộng hòa Séc… Nhờ có sự tài trợ này, nhóm của Kim thời gian qua đã tích cực mang sản phẩm sáng tạo đến các trường phổ thông, giới thiệu về STEM, về KHKT cho HS.
Nguyễn Hữu Kim cho biết, trong lúc chờ thực hiện “offer” du học thạc sĩ ở nước ngoài, thời gian rảnh cậu cùng nhóm SV trong dự án đến nhiều trường THCS, THPT, với mong muốn truyền cảm hứng yêu thích sáng tạo KHKT cho HS. “Nếu một HS phổ thông sớm có điều kiện thể hiện đam mê sáng tạo KHKT, sau khi tốt nghiệp THPT cũng có thể sẽ theo đuổi công việc gắn với sáng tạo KHKT” – Kim nhận xét – “Việc nghiên cứu KHKT thường được SV các trường ĐH đi sâu hơn, vì đây là nội dung có trọng điểm rõ ràng ở bậc ĐH. Còn ở các trường phổ thông chủ yếu chỉ hướng tới GD kiến thức nền tảng cho HS”.
Theo chân dự án, tiếp xúc với HS nhiều trường phổ thông, Nguyễn Hữu Kim cho rằng hoạt động nghiên cứu KHKT ở môi trường GD phổ thông tại Việt Nam chưa được phổ biến. “HS các trường phổ thông chủ yếu mới được học những kiến thức trên lớp, trong sách giáo khoa. Nhiều kiến thức rất khô khan, HS lại ít được tiếp cận thực tiễn và rất ít tiếp xúc với các dự án KHKT”, Kim chia sẻ. “Tuy nhiên, khi nhóm mang các sản phẩm KHKT đến những trường phổ thông ở Hà Nội, như: THPT Amsterdam, THPT Tạ Quang Bửu, THPT Kim Liên… thì thấy rằng thực tế có rất nhiều HS đam mê nghiên cứu KHKT. Nếu có điều kiện, được khuyến khích, chắc chắn rất nhiều HS sẵn sàng tham ra các dự án KHKT”.
Học sinh mong đợi gì?
May mắn được tham gia một dự án (project) thực tế, Lê Tuấn – HS chuyên Toán (Trường THPT Chuyên Hạ Long, một trong hai HS đoạt giải thưởng về nghiên cứu KHKT quốc tế) chia sẻ: “HS phổ thông không có nhiều cơ hội tiếp cận với các dự án nghiên cứu KHKT. Ngay nhiều HS trong trường em có tiềm năng tham gia các dự án, nhưng vẫn ít điều kiện để thể hiện đam mê và năng lực”. Tuấn cho biết, trong cuộc thi quốc tế, được tiếp xúc với HS THPT của các quốc gia khác, em thấy rằng ngay từ phổ thông HS ở các trường nước ngoài đã được tham gia những project, có nghiên cứu riêng và được nhà trường, gia đình, doanh nghiệp ủng hộ, tạo điều kiện.
Lâu nay trong và ngoài ngành GD vẫn nói nhiều đến sự hợp tác, liên kết giữa trường ĐH với doanh nghiệp song dường như sự hợp tác, gắn kết tương tự vẫn bỏ trống ở các trường phổ thông, trong vấn đề hỗ trợ HS tìm hiểu, nghiên cứu KHKT. Hiện nay vẫn tồn tại tâm lý cho rằng HS phổ thông còn nhỏ tuổi, doanh nghiệp và các cơ quan, đơn vị ngoài ngành GD chưa nhìn thấy “lợi ích” của việc hợp tác với trường phổ thông.
Video đang HOT
Còn Mạnh Tuấn Hưng – HS chuyên Lý (cùng đội nghiên cứu với Lê Tuấn) thẳng thắn: “Khi tham gia một dự án nghiên cứu KHKT, em có cơ hội tiếp xúc với nhiều HS ở các trường tỉnh/thành khác. Qua trao đổi với các bạn, em thấy hiện nhiều trường THPT vẫn xem trọng vấn đề học văn hóa hơn nội dung khác, không coi trọng đam mê nghiên cứu KHKT của HS. Thậm chí, có những trường THPT không biết (hoặc không giới thiệu) về những cuộc thi sáng tạo KHKT trong và ngoài nước dành cho cho HS, không khuyến khích HS tham gia”.
Tuấn Hưng cũng cho rằng, việc tham gia các cuộc thi sáng tạo khoa KHKT chưa được xem trọng ở trường phổ thông là một thiệt thòi cho HS. Mặc dù, với kinh nghiệm đã tham gia dự án KHKT, theo Tuấn Hưng, việc đầu tư cho một dự án tốn khá nhiều thời gian, song điều lý thú là thực hiện dự án về KHKT giúp HS THPT vận dụng được rất nhiều kiến thức đã học trong sách giáo khoa.
Là HS chuyên Khoa học tự nhiên, Tuấn Hưng cho rằng bản thân và nhiều HS THPT khác, kể cả HS chuyên đều có mong muốn tìm hiểu và biết thêm những kiến thức thực tiễn ngoài sách vở. Theo Tuấn Hưng, nếu có điều kiện tham gia nhiều “project” và các cuộc thi về sáng tạo KHKT thì HS sẽ có cơ hội thể hiện khả năng và niềm đam mê sáng tạo.
“Thể hiện bản thân và để lại được một dấu ấn gì đó trong thời gian học phổ thông là mong muốn của nhiều HS. Chỉ cần có được sự khích lệ và tạo điều kiện để tham gia một “project” phù hợp với năng lực, điều đó khiến HS THPT như em cảm thấy rất tự hào” – Tuấn Hưng tâm sự.
An Nhiên
Theo GDTĐ
Đầu tư tiền tỷ biến ý tưởng sáng tạo của HS thành hiện thực
Coi trọng những ý tưởng sáng tạo kỹ thuật của học sinh. Nhà đầu tư có thể rót vốn tiền tỷ để xây dựng điều kiện thực hành trong nhà trường, biến những ý tưởng sáng tạo của học sinh thành hiện thực.
Nhóm học sinh THPT và mô hình ý tưởng "Rào chắn barie tự động an toàn đường sắt". Ảnh: Thạch Thảo.
Học sinh THCS hào hứng với trải nghiệm sáng tạo. Ảnh: Thạch Thảo.
"Chúng tôi có thể đầu tư từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng vào xưởng trường, để tạo môi trường thực hành cho học sinh. Như vậy học kiến thức trong sách vở xong học sinh có thể thực hành kiến thức ngay tại trường, học sinh có điều kiện đưa ý tưởng sáng tạo vào thực hành.
Việc đầu tư xưởng trường có thể biến những ý tưởng hay thành sản phẩm sử dụng cho chính giáo viên và học sinh trong trường, hoặc đưa ra ngoài xã hội"- Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa (Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm Hà Nội) chia sẻ thông tin này tại Ngày hội "Tuổi trẻ sáng tạo", Tổng kết Hội thi "Chúng tôi trải nghiệm- Chúng tôi sáng tạo" của học sinh Trường THCS, THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm Hà Nội vừa diễn ra hôm nay.
Hàng năm Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm tổ chức Đại hội "Tuổi trẻ sáng tạo" thay cho hoạt động thi học sinh giỏi trước đây- vốn chỉ chủ yếu tập trung thi lý thuyết kiến thức học trong sách vở. Ảnh: Thạch Thảo
"Tuổi trẻ sáng tạo" trở thành hội thi của học sinh giỏi, đại hội của những sáng tạo vận dụng kiến thức đã học vào thực tế, là nơi học sinh thể hiện ý tưởng sáng tạo về khoa học kỹ thuật.
Nhóm học sinh Vũ Nguyệt Anh, Trần Ngọc Nam, Đặng Hồng Duy (lớp 12) Nguyễn Quang Minh (lớp 10) hào hứng chia sẻ về sản phẩm sáng tạo kỹ thuật. Các học sinh này cho biết để hoàn thiện ý tưởng sáng tạo để tham gia Hội thi đã chiếm khá nhiều thời gian ngoài giờ học chính khóa, nhưng nhóm thiếu niên vẫn quyết tâm thực hiện ý tưởng vì yêu thích.
Các học sinh cho biết gia đình rất ủng hộ, khuyến khích các bạn tìm hiểu và tham gia hội thi sáng tạo kỹ thuật, dù có những hôm học xong chính khóa các bạn tiếp tục ở lại trường để cùng bàn về ý tưởng và hoàn thành sản phẩm.
Trần Ngọc Nam tự tin thay mặt nhóm học sinh thuyết trình sản phẩm của nhóm có tên "Rào chắn barie tự động an toàn đường sắt" trước hàng trăm học sinh, giáo viên và phụ huynh tham dự Đại hội sáng tạo hôm nay. Nam cho biết cả nhóm hoàn thành sản phẩm và đoạt giải Nhất hội thi với sự giúp đỡ thực hiện của thầy giáo dạy Vật lý và giáo viên phòng hỗ trợ học tập. Ảnh: Thạch Thảo.
"Tình trạng tai nạn giao thông đường sắt hiện nay đang là mối lo ngại lớn ở Việt Nam. Nguyên nhân chủ yếu của các tai nạn giao thông đường sắt là do những đoạn giao cắt giữa đường sắt và đường bộ còn nhiều; Việc xóa bỏ lối đi dân sinh còn hạn chế, thiếu kinh phí; Nhân viên làm nhiệm vụ chắn barie ở những địa điểm này không đủ; Có những nơi đoạn giao cắt đường bộ và đường sắt không có rào chắn, hoặc có rào chắn nhưng không có đèn báo..."- Trần Ngọc Nam bày tỏ lý do nhóm học sinh cùng thực hiện ý tưởng sáng tạo rào chắn barie tự động cho an toàn giao thông đường sắt.
Có khoảng 100 ý tưởng của gần 400 học sinh THCS, THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm tham gia hội thi "Tuổi trẻ sáng tạo" năm nay. Chung cuộc đã chọn ra 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba, nhiều giải khuyến khích, giải triển vọng. Ảnh: Thạch Thảo.
Hiệu trưởng Trường THCS, THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm Hà Nội thầy Đàm Tiến Nam chia sẻ: "Tất cả các sản phẩm sáng tạo của học sinh đã thể hiện được những điều rất đáng quý. Đó là học sinh đã quan tâm và nói đến các hệ điều hành, các phần mềm, trí tuệ nhân tạo... giúp tự động hóa trong cuộc sống hàng ngày, điều này rất cần thiết với học sinh trong xu hướng của công nghiệp 4.0".
Tự tin thuyết trình ý tưởng. Ảnh: Thạch Thảo.
Theo thầy Nam, điều tuyệt vời hơn là tất cả các sản phẩm sáng tạo của học sinh đều hướng đến cuộc sống thực tế ngoài sách vở, hướng tới phục vụ con người, phục vụ cộng đồng. Có được những ý tưởng như vậy chứng tỏ học sinh có suy nghĩ, tình cảm muốn làm cho cuộc sống an toàn hơn, đáng sống hơn, tốt đẹp hơn.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa đánh giá: "Có những ý tưởng sáng tạo của học sinh rất hay mà nhà đầu tư có thể rót vốn ngay để ý tưởng thành hiện thực. Ví dụ, với sản phẩm sọt rác thông minh giúp phân loại rác. Tôi thấy rằng học sinh rất thông minh khi nghĩ ra ý tưởng này. Chúng tôi sẵn sàng chào đón học sinh đến Hội đồng quản trị để "chào hàng" ý tưởng sáng tạo của các con".
Nhóm sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội giúp học sinh Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm tìm hiểu sản phẩm sáng tạo trong Ngày hội "Tuổi trẻ sáng tạo". Ảnh: Thạch Thảo.
"Nhà đầu tư có thể làm việc với học sinh, cùng các con thực hiện việc sản xuất ra những thùng rác thông minh dùng ngay trong nhà trường. Hội đồng quản trị đang dự định phải đầu tư 100 triệu để thay thế tất cả các thùng rác trong hệ thống giáo dục. Thay vì ra ngoài mua, chúng tôi sẵn sàng đầu tư hàng trăm triệu để cùng học sinh suy nghĩ và hiện thực từ ý tưởng thùng rác thông minh của chính học sinh.
Biến ý tưởng của các con thành những sản phẩm thông minh sử dụng ngay ở trong trường. Hội đồng quản trị quyết tâm đầu tư những việc này, để học sinh thấy rằng ý tưởng sáng tạo hay của các con không chỉ nằm trên giấy"- Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa chia sẻ.
Thạch Thảo
Theo giaoducthoidai
Hướng nghiệp cho học sinh: Gia đình không thể đứng ngoài cuộc Định hướng giáo dục nghề nghiệp cho HS trong trường phổ thông là nền tảng quan trọng để phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Để có nghề nghiệp và một tương lai vững chắc, phụ thuộc vào quyết định đúng đắn trong việc lựa chọn ngành nghề phù...