Cơ hội mới đối với đầu tư – kinh doanh
Năm 2015 ghi nhận sự chuyển biến rõ rệt trong việc điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ, nhất là chính sách lãi suất, tỷ giá, tài khóa; hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng tiếp cận với quy tắc và thông lệ quốc tế.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chứng kiến Lễ ký chính thức Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) ngày 5/5/2015 tại Hà Nội
Cơ hội và thách thức luôn đồng hành trong từng giai đoạn phát triển của mỗi quốc gia. Năm 2016, Việt Nam bắt đầu kế hoạch 5 năm (2016- 2020) với hành trang là thành quả đáng khích lệ về kinh tế – xã hội của năm 2015 và hội nhập sâu rộng hơn với thế giới. GS – TSKH Nguyễn Mại đã có bài viết bàn về cơ hội mới đối với đầu tư và kinh doanh dành riêng cho Báo Đầu tư.
Bài 1: Kinh tế 2015 và những dẫu mốc quan trọng
Năm 2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,68%, CPI binh quân tăng 0,63%, kinh tế vĩ mô tương đối ổn định, GDP đạt khoảng 204 tỷ USD, gấp 2 lần năm 2010; GDP bình quân đầu người đạt 2.228 USD, tăng 1,9 lần năm 2010.
Chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam tăng 2,5 điểm, lên mức 144,8 điểm trong tháng 12/2015, cao hơn mức trung bình của hai năm trước đó (136,6 điểm). Ngân hàng ANZ nhận định: “Mức điểm này đánh dấu kỷ lục mới cho chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam và cũng là lần đầu tiên, chỉ số này của Việt Nam đạt mức cao nhất châu Á. 66% người tiêu dùng kỳ vọng tình hình kinh tế Việt Nam ở trạng thái tốt trong 5 năm tới, chỉ có 5% dự đoán tình hình kinh tế sẽ ở trạng thái xấu”.
GS – TSKH Nguyễn Mại
Năm 2015 ghi nhận sự chuyển biến rõ rệt trong việc điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ, nhất là chính sách lãi suất, tỷ giá, tài khóa; hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng tiếp cận với quy tắc và thông lệ quốc tế; Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp 2014 bắt đầu có hiệu lực, cùng với việc sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bất động sản, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế, Luật Nhà ở…
Những chính sách mới đã được cộng đồng doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, dư luận quốc tế đánh giá cao, tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho đầu tư và kinh doanh, tạo điều kiện gần 95.000 doanh nghiệp mới thành lập, tăng 26,6% số doanh nghiệp và tăng 39,1% vốn đăng ký so với năm 2014, trong đó có hàng nghìn doanh nghiệp khởi nghiệp, phục hồi khoảng 20.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động, thu hút 14,5 tỷ USD vốn FDI thực hiện, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 162,5 tỷ USD, tạo tiền đề phát triển kinh tế trong giai đoạn mới.
Năm 2015 đánh dấu cột mốc mới trên con đường hội nhập quốc tế. Nước ta đã ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh kinh tế Á Âu (VCUFTA), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), tham gia quá trình hình thành Cộng đồng ASEAN, trong đó có Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) bắt đầu từ ngày 31/12/2015. Các hiệp định tự do mới tạo cơ hội cho Việt Nam tiếp cận thị trường hơn 1,4 tỷ người, GDP 43,7 nghìn tỷ USD.
Video đang HOT
Với VCUFTA, khoảng 59% biểu thuế được dỡ bỏ sau khi hiệp định có hiệu lực, 25% được cắt giảm theo từng năm. Dự báo, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Nga tăng 63%, sang Belarus tăng 41% và sang Kazakhstan tăng 8%, vượt mức 10 tỷ USD vào năm 2020.
Với EVFTA, Việt Nam và EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với hơn 99% dòng thuế. Đối với số dòng thuế còn lại, hai bên dành cho nhau hạn ngạch thuế quan hoặc cắt giảm thuế quan một phần. Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU-MUTRAP) dự báo, GDP của Việt Nam tăng thêm 7 – 8% vào năm 2025, xuất khẩu tăng thêm 50% vào năm 2020 và 93% vào năm 2025 (so với không có EVFTA).
Với VKFTA có hiệu lực từ ngày 20/12, Hàn Quốc cam kết giảm 95,4% dòng thuế nhập khẩu từ Việt Nam, cao hơn so với mức 89,2% của Việt Nam dành cho Hàn Quốc. Hai nước đặt mục tiêu đưa kim ngạch thương mại hai chiều từ 33,6 tỷ USD trong 11 tháng năm 2015 lên 70 tỷ USD vào năm 2020.
Với TPP, 12 nước thành viên tham gia cam kết xóa bỏ từ 78 – 95% dòng thuế nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực. Viện Kinh tế quốc tế Peterson dự báo, trong điều kiện lý tưởng có thể thúc đẩy GDP của Việt Nam tăng thêm 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025, kim ngạch xuất khẩu tăng thêm 68 tỷ USD vào năm 2025. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, TPP gia tăng 8-10% GDP của Việt Nam đến năm 2030 (so với không có TPP).
Vào những ngày cuối năm, dư luận chú ý đến chuyến thăm Việt Nam của CEO Google Sundar Pichai. Nói chuyện trước 200 đại diện doanh nghiệp khởi nghiệp tại một quán cà phê ở trung tâm Hà Nội ngày 22/12, ông Sundar Pichai nhận định rằng, quy mô của thị trường trong nước, tỷ lệ người sử dụng Internet lớn và văn hóa kinh doanh mạnh mẽ là những nhân tố khiến Việt Nam không thể không thành công trên thế giới. Ông nói: “Tôi nghĩ đây chỉ là vấn đề thời gian và tôi cho rằng, nhiều người trong các bạn thực tế đã bắt đầu việc này từ lâu”.
Năm 2015 cũng còn nhiều vấn đề kinh tế vĩ mô chưa được xử ký có kết quả. Nợ công, trong đó có nợ của Chính phủ mặc dù vẫn dưới ngưỡng an toàn, nhưng theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nghĩa vụ thanh toán nợ công của Việt Nam trong tổng thu ngân sách đã tăng từ 22% năm 2010 lên gần 26% năm 2014, trong đó trả lãi vay chiếm gần 7,2% chi ngân sách. Nổi lên là nợ của chính quyền tỉnh và thành phố có xu hướng tăng nhanh, thậm chí có địa phương lâm vào tình trạng thiếu hụt ngân sách cho các khoản chi thường xuyên.
Lãi suất và tỷ giá hối đoái là hai vấn đề nhận được sự quan tâm hàng ngày của doanh nghiệp. Mặc dù lãi suất bình quân liên ngân hàng ở kỳ hạn ba tháng từ mức rất cao khoảng 14% năm 2011 đã giảm xuống dưới 6% vào giữa năm 2013 đến năm 2015, lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại có xu hướng giảm rõ rệt, tuy lãi suất cho vay có giảm, nhưng vẫn chênh lệch khá lớn so với lãi huy động và có xu hướng tăng, tạo ra nhiều lợi nhuận cho các ngân hàng thương mại, trong khi đáng ra là cơ hội để giảm hơn nữa lãi suất cho vay nhằm giảm chi phí vốn của doanh nghiệp.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, năm 2015, tăng trưởng tín dụng đạt 18%, mức cao nhất trong những năm gần đây, nhưng với lãi suất cho vay khá cao so với các nước trong khu vực (chỉ 5-6%), thủ tục cho vay có tài sản thế chấp khắt khe nên chỉ khoảng 25% tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm trên 95% tổng số doanh nghiệp trong nước; 75% tín dụng cho các “đại gia”, trong đó phần lớn được thực hiện nhở “quan hệ cánh hẩu”, đầu tư chéo, mà những con số hàng chục nghìn tỷ đồng nợ của một số tập đoàn kinh tế đã được công bố trên phương tiên thông tin đại chúng báo hiệu nguy cơ vỡ nợ rất lớn, kéo theo hậu quả khó lường đối với nền kinh tế của nước ta.
Tiến sĩ Nguyễn Tú Anh nhận định rất đúng: “Lấy lãi suất cho vay trừ đi lãi suất huy động sẽ thấy khoản lợi nhuận thô của ngân hàng càng ngày càng tăng. Điều này cho thấy, quá trình xử lý nợ xấu của ngân hàng hiện vẫn chưa đi đúng bản chất, chẳng qua mới gạt nợ xấu sang một bên. Do đó, chi phí để khắc phục nợ xấu cả người gửi tiền và người vay tiền đều phải gánh chịu”.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu bổ sung: “Với lãi suất cho vay cao như hiện nay, trừ những doanh nghiệp có tỷ lệ sinh lời cao thì chịu nổi, còn những doanh nghiệp nhỏ với lãi suất trung bình khoảng 10% thì họ bán hàng ra, sau khi trả mọi chi phí cho sản phẩm, nhân công, còn lại không đủ để trả cho ngân hàng chứ khó có lời. Lãi suất cao khiến rất nhiều doanh nghiệp sống cầm cự vì không muốn đóng cửa, nhưng họ cũng không biết cầm cự được bao nhiêu lâu”.
Tỷ giá được Ngân hàng Nhà nước điều hành khá linh hoạt, về cơ bản đồng Việt Nam không có biến động lớn. Tuy vậy, việc neo tỷ giá với USD trong khi những đồng tiền khác nhất là euro, yên, nhân dân tệ mất giá so với USD đã gây ra khó khăn cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu, chẳng những không còn lãi mà thậm chí chịu lỗ để giữ quan hệ với đối tác bên ngoài.
Tỷ giá và lãi suất đều là giá cả đồng tiền, nếu giữ tỷ giá tương đối ổn định trong điều kiện tỷ lệ lạm phát thấp thì cần giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay, đồng thời Chính phủ cần có chính sách giảm thuế, trợ cấp tài chính đối với các doanh nghiệp những ngành hàng chịu thiệt thòi khi xuất khẩu. Đáng tiếc, điều mong đợi đó của doanh nghiệp đã không diễn ra trong năm 2015.
Trong khi ghi nhận những tiến bộ trong việc hành thành thể chế và sự chỉ đạo rốt ráo của Chính phủ đối với cải cách thủ tục hành chính, thì phần lớn doanh nghiệp vẫn phải đương đầu tình trạng sách nhiễu, phiền hà của công chức trong ngành thuế, hải quan, quản lý thị trường, môi trường, gây thiệt hại cho doanh nghiệp.
(Còn tiếp)
Giáo sư – TSKH Nguyễn Mại
Cơ hội và thách thức luôn đồng hành trong từng giai đoạn phát triển của mỗi quốc gia. Năm 2016, Việt Nam bắt đầu kế hoạch 5 năm (2016- 2020) với hành trang là thành quả đáng khích lệ về kinh tế – xã hội của năm 2015 và hội nhập sâu rộng hơn với thế giới. GS – TSKH Nguyễn Mại đã có bài viết bàn về cơ hội mới đối với đầu tư và kinh doanh dành riêng cho Báo Đầu tư.
Giáo sư – TSKH Nguyễn Mại
Theo GS – TSKH Nguyễn Mại
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
VKFTA có hiệu lực, xuất khẩu hàng dệt may chưa dễ tăng tốc
Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) đã chính thức có hiệu lực từ ngày 20/12/2015, mở ra một cơ hội cho các ngành hàng xuất khẩu Việt Nam tăng kim ngạch nhờ ưu đãi thuế quan. Tuy nhiên, ngành hàng được kỳ vọng có tốc độ tăng xuất khẩu lớn nhất sang Hàn Quốc là dệt may lại đang chứng kiến sự giảm tốc đáng kể trong năm 2015. Vậy đâu là nguyên nhân?
Cơ hội gia tăng xuất khẩu hàng dệt may sang Hàn Quốc là rất khả quan khi VKFTA đã chính thức có hiệu lực
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), 11 tháng năm 2015, kim ngạch xuất khẩu dệt may sang Hàn Quốc đạt 2,150 tỷ USD, tăng chưa đến 2% so với cùng kỳ 2014 và khả năng cả năm 2015 chỉ đạt 2,59 tỷ USD, tụt xa so với mục tiêu đặt ra từ đầu năm là 3 tỷ USD.
Trong khi đó, năm 2014, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang Hàn Quốc tăng tới 27% so với 2013, đạt 2,4 tỷ USD. Tăng mạnh nhất là các nhóm áo khoác, áo jacket, hàng suite, quần nam/nữ.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn, bà Nguyễn Thị Đoàn, Phó giám đốc Công ty cổ phần May Kinh Bắc (tại Cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp Cầu Giát, xã Chuyên Ngoại, huyện Duy Tiên, Hà Nam) cho biết, năm 2015, dệt may sang Hàn Quốc không đạt được mức tăng kỷ lục như năm 2014, do cạnh tranh xuất khẩu giữa các quốc gia xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường này rất khốc liệt.
Hiện tại, các doanh nghiệp sản xuất cùng dòng sản phẩm tại các nước như Bangladesh, Sri Lanka, Myanmar, Campuchia, Malaysia, Indonesia, Trung Quốc đang là đối thủ lớn của ngành may mặc của Việt Nam tại Hàn Quốc và nhiều thị trường khác.
Theo bà Đoàn, khi VKFTA có hiệu lực, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng chưa dễ tăng tốc xuất khẩu sang Hàn Quốc do phân chia thị phần của các nhà nhập khẩu tại Hàn Quốc đã khá rõ nét. Sự thay đổi sẽ có, nhưng mức độ còn tùy quy mô, sự nhạy bén và năng động của doanh nghiệp.
Mặc dù xuất khẩu tăng trưởng chậm lại, song thị phần hàng dệt may Việt Nam nhập khẩu vào Hàn Quốc lại có cải thiện đáng kể: chiếm 16,4%, tăng 2,4% so với 2013; trong khi của Trung Quốc là 43,44%, giảm 1,59% và thị phần của các nước khác như Myanmar, Mỹ, Australia, Italy tăng dưới 0,5% so với năm 2013.
Theo ông Lê Tiến Trường, Phó chủ tịch Vitas, xuất khẩu dệt may sang Hàn Quốc tăng trưởng chậm lại trong năm 2015 không có gì đáng lo ngại, bởi năm 2013 - 2014, xuất khẩu dệt may sang thị trường này tăng tới 27 - 28%. Lý do nữa làm xuất khẩu dệt may Việt Nam sang Hàn Quốc giảm là, năm 2015, tổng nhập khẩu hàng dệt may của Hàn Quốc giảm 0,9% so với 2014, ước đạt 14,071 tỷ USD...
Trong khi đó, cơ hội gia tăng xuất khẩu vẫn được nhận định là khả quan, bởi thương mại song phương đã chuyển sang một giai đoạn mới, do VKFTA đã có hiệu lực, mở ra thời cơ cho các doanh nghiệp biết đầu tư bài bản để khai thác thị trường này.
Với cam kết mở cửa theo VKFTA, hàng dệt may Việt Nam thỏa mãn chứng nhận xuất xứ sẽ được hưởng mức thuế 0% từ ngày 20/12/2015 (thay vì mức thuế 8 - 13% trước đó).
Lãnh đạo Công ty cổ phần May Minh Hoàng (TP.HCM) cho rằng, việc cắt giảm thuế quan sẽ tạo thêm sức ép cạnh tranh đối với các doanh nghiệp trong nước, nhưng đây cũng là động lực lớn để doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, thể hiện ở việc nghiên cứu phát triển sản phẩm xuất khẩu có giá trị cao, hàng khác biệt mà thị trường Hàn Quốc có nhu cầu.
Vấn đề lớn để được nhận ưu đãi thuế 0% thay cho mức 8 - 13% như trước là doanh nghiệp xuất khẩu hàng dệt may phải tự chứng nhận xuất xứ, đảm bảo giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) theo quy định của Hải quan Hàn Quốc. Đây chính là điểm yếu của không ít doanh nghiệp xuất khẩu dệt may, do đội ngũ thực hiện chứng nhận xuất xứ còn thiếu và yếu.
Nhằm giúp doanh nghiệp tận dụng cơ hội giảm thuế và có thông tin về VKFTA, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 201/2015/TT-BTC về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện hiệp định thương mại tự do này trong giai đoạn 2015-2018. Theo đó, một số mặt hàng dệt may, quần áo nguyên chiếc xuất khẩu từ Việt Nam sang Hàn Quốc sẽ được xóa bỏ toàn bộ thuế quan ngay trong năm đầu tiên thực hiện Hiệp định. Như vậy, mấu chốt là doanh nghiệp khi xuất khẩu phải chuẩn bị đầy đủ chứng nhận về nguồn gốc xuất xứ của nguyên liệu để được Hải quan nước nhập khẩu chấp nhận.
Về tổng thể, theo đánh giá của Bộ Công thương, ngành dệt may có khả năng tận dụng tốt cơ hội xuất khẩu khi Hàn Quốc giảm thuế do quy mô sản xuất lớn, mặt hàng xuất khẩu đa dạng và có đội ngũ hơn 500 doanh nghiệp 100% vốn Hàn Quốc đang hoạt động rất quy mô và bài bản tại Việt Nam. Các doanh nghiệp này hiện đóng góp tới 65% tổng giá trị xuất khẩu dệt may sang Hàn Quốc.
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
Thông qua Luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi Ngày 19-6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi). Luật gồm bảy chương, 50 điều, có hiệu lực từ ngày 1-1-2016. Một phiên họp thường kỳ của Chính phủ (Ảnh: VGP). Theo Luật này, Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là...