Cơ hội khai thác mỏ dầu trù phú sau thoả thuận lịch sử giữa Israel-Liban
Thỏa thuận lịch sử đạt được giữa Israel và Liban vào ngày 11/10 đã giải quyết những tranh chấp biên giới trên biển kéo dài nhiều năm liên quan đến các mỏ dầu và khí đốt lớn ở Địa Trung Hải.
Tàu Anh mang theo giàn khoan tới vùng đặc quyền kinh tế của Israel tại Địa Trung Hải khai thác dầu mỏ. Ảnh: Twitter/The media line.
Theo đài truyền hình CNN, trong một tuyên bố vài giờ sau khi nhận được đề xuất cuối cùng từ Israel qua nhà hòa giải Mỹ Amos Hochstein, Tổng thống Liban Michel Aoun cho biết đề xuất này của Israel phù hợp và đáp ứng nhu cầu của Liban, cũng như đảm bảo quyền của Liban với tài nguyên thiên nhiên. Tổng thống Aoun cho hay ông hy vọng thỏa thuận sẽ được thông báo sớm nhất có thể.
Về phần mình, Thủ tướng Israel Yair Lapid khẳng định thỏa thuận là một thành tựu lịch sử, giúp củng cố an ninh của Israel, đóng góp hàng tỷ USD vào nền kinh tế của Israel và đảm bảo sự ổn định của biên giới phía bắc nước này. Nhà lãnh đạo Lapid nói đề xuất thỏa thuận đáp ứng tất cả các nguyên tắc an ninh và kinh tế do Israel đưa ra.
Khu vực tranh chấp giữa 2 quốc gia bao gồm mỏ dầu khí Karish và khu vực thăm dò Qanaa, dự kiến được chia phần cho Israel và Liban theo thỏa thuận. Israel cho biết họ sẽ bắt đầu khai thác dầu và khí đốt từ mỏ Karish, sau đó xuất khẩu sang châu Âu.
Cùng ngày, Bộ trưởng Năng lượng Liban Walid Fayyad cũng cho biết công ty năng lượng Total của Pháp, công ty sở hữu hợp đồng khai phá vùng biển Liban, sẽ bắt tay vào làm việc tại khu vực thăm dò Qanaa ngay lập tức.
Mỏ dầu khí Karish cùng với mỏ Tanin gần đó ước tính chứa khoảng 2-3 tấn khối khí đốt tự nhiên và 44 triệu thùng khí hóa lỏng.
Mặc dù so sánh với sản lượng toàn cầu, lượng nhiên liệu tại mỏ Karish tương đối nhỏ nhưng việc đưa Karish vào khai thác là một bước phát triển đáng hoan nghênh đối với các đồng minh phương Tây của Israel trong bối cảnh xung đột tại Ukraine đẩy giá năng lượng tăng vọt và châu Âu phải tìm kiếm các giải pháp thay thế cho dầu và khí đốt của Nga.
Căng thẳng Israel và Liban leo thang tới bên bờ vực chiến tranh
Nguy cơ nổ ra chiến tranh giữa Liban và Israel bất ngờ tăng cao trong thời gian gần đây kể từ cuộc xung đột năm 2006.
Video đang HOT
Tàu khoan của Energean có trụ sở tại London bắt đầu khoan tại mỏ khí đốt tự nhiên Karish ngoài khơi Israel ở phía đông Địa Trung Hải vào ngày 9/5/2022. Ảnh: Reuters
Hezbollah đang huy động lực lượng của mình ở miền Nam Liban trong khi chờ đợi phản ứng của Israel trước các yêu cầu của Liban liên quan đến việc khai thác khí đốt từ các mỏ đang tranh chấp ở phía Đông Địa Trung Hải.
Kể từ khi thủ lĩnh của phong trào Hồi giáo Hezbollah, ông Hassan Nasrallah, đe dọa sử dụng vũ lực để ngăn Israel đơn phương khai thác khí đốt từ một số mỏ phía Đông Địa Trung Hải, đã có những chính sách ngoại giao cả công khai và bí mật để tránh một cuộc xung đột mà hậu quả sẽ khôn lường.
Lựa chọn quân sự
Vào ngày 13/7, lần đầu tiên ông Nasrallah đe dọa chiến tranh với Israel nếu nước này thực hiện kế hoạch vận hành mỏ khí Karish, nằm ở rìa của Vùng đặc quyền kinh tế Liban vào đầu tháng 9/2022.
Những mối đe dọa này, lặp lại nhiều lần trong những tuần gần đây, sau khi khi ba máy bay không người lái giám sát được triển khai tới khu vực mỏ Karish vào ngày 2/7.
Tiếp theo là việc phát sóng một đoạn video như một phần của cuộc chiến tâm lý, cho thấy việc triển khai một bệ phóng và tên lửa đất đối biển loại Nour của Iran (phiên bản sửa đổi của tên lửa C-802 của Trung Quốc) và hình ảnh hồng ngoại của mục tiêu là giàn khoan Karish cùng các đơn vị nổi để sản xuất và khai thác xung quanh giàn khoan của Israel, kèm với những với tọa độ địa lý của chúng.
Lời đe dọa của ông Nasrallah đã lên đến đỉnh điểm vào ngày 10/8 vừa qua. Phát biểu trước đám đông trong lễ tưởng niệm Ashura, nơi đánh dấu cuộc tử vì đạo vào năm 680 của Imam Hussein, cháu trai của Nhà tiên tri Muhammad, thủ lĩnh của Hezbollah yêu cầu những người ủng hộ "hãy chuẩn bị cho bất kỳ tình huống nào khi nguồn tài nguyên đảm bảo cho sự giàu có của chúng ta sẽ bị cắt đứt".
"Bằng cách đặt lên bàn cân lựa chọn quân sự, ông Hassan Nasrallah thực sự muốn khởi động lại các cuộc đàm phán về phân định biên giới trên biển vào thời điểm mà việc khai thác khí đốt ở Đông Địa Trung Hải đang trở thành một vấn đề toàn cầu trong bối cảnh đối đầu giữa Nga và các nước phương Tây", một cựu ngoại trưởng Liban nói trong điều kiện giấu tên.
Về phần mình Tướng Charles Abi Nader đã nghỉ hưu của Liban nói: "Khí đốt ở Đông Địa Trung Hải, bao gồm cả khí đốt từ Liban, ngày nay là một trong những yếu tố của cuộc đối đầu toàn cầu. Nếu khai thác đủ lượng khí đốt để thay thế một phần khí đốt của Nga, nó có thể thay đổi các cán cân quốc tế".
Trong khi đó, những người chỉ trích Hezbollah nhấn mạnh những tác động tiêu cực tiềm tàng với Liban về cái mà phương tiện truyền thông hiện nay gọi là "phương trình Nasrallah". "Thủ lĩnh của Hezbollah cư xử như một diễn viên trong cuộc cạnh tranh của các quốc gia. Nhưng chúng ta phải đứng ngoài cuộc cạnh tranh này. Ông Nasrallah nên tìm cách cứu chúng ta khỏi chiến tranh. Nếu chiến tranh xảy ra, nó sẽ gây ra sự hủy diệt lẫn nhau", lãnh đạo của cộng đồng Druze ở Liban, Walid Jumblatt cảnh báo.
Bản đồ khu vực tranh chấp biên giới trên biển giữa Israel và Liban. Ảnh: LT
Tuy nhiên, cách tiếp cận của ông Nasrallah cũng có những người bảo vệ. Ông Abi Nader lập luận: "Tôi nghĩ rằng phương trình này có thể phục vụ lợi ích của Liban ở mọi cấp độ. Nếu Liban không có các tài sản và khả năng răn đe giúp nước này trở nên mạnh mẽ, Israel sẽ không nối lại quá trình đàm phán gián tiếp [bị đình chỉ kể từ tháng 10/2021]".
Vị chuyên gia về các vấn đề quân sự và chiến lược trên lưu ý thêm: "Ngay cả khi máy bay không người lái bị bắn rơi trên khu vực Karish, đó là một thông điệp gửi tới Israel cho thấy sự nghiêm túc và quyết tâm của Hezbollah trong việc sẵn sàng tấn công các mục tiêu ở Israel. Nếu những máy bay không người lái không vũ trang có thể tiếp cận thành công giàn khoan Karish, điều đó có nghĩa là các thiết bị có vũ trang cũng có thể làm điều tương tự".
Triển khai lực lượng
Những lời đe dọa bằng lời nói của ông Nasrallah cũng đi kèm với các biện pháp cụ thể. Các nguồn tin thân cận, được các quan chức an ninh Liban chứng thực, cho biết Hezbollah đã đặt các lực lượng của họ ở Liban và Syria trong tình trạng báo động cao. Các đơn vị tinh nhuệ của lữ đoàn al-Radwan, được triển khai trong nhiều năm xung quanh thành phố Aleppo của Syria để chống lại các nhóm Hồi giáo vũ trang, đã được tái triển khai đến miền Nam Liban và các đơn vị dự bị đã được yêu cầu sẵn sàng huy động.
Một quan chức an ninh Liban thông báo: "Đây là đợt huy động lớn nhất kể từ sau cuộc chiến năm 2006. Hàng nghìn chiến binh tham gia. Các thành viên của Hezbollah sống ở nước ngoài đã được kêu gọi trở về và các cuộc diễn tập được tổ chức bí mật để kiểm tra tính hiệu quả của các chốt chỉ huy và kiểm soát cũng như mạng lưới viễn thông do lực lượng này thiết lập trên khắp Liban.
Ngược lại, Israel cũng đang chuẩn bị cho chiến tranh. Quân đội Israel đã đặt lực lượng của họ ở biên giới với Liban trong tình trạng báo động cao, và hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt (Iron Dome), phiên bản trên bộ và hải quân, đã được triển khai trong khu vực nguy cơ xung đột. Hải quân Israel cũng đã tăng cường sự hiện diện của mình xung quanh mỏ Karish.
Các thành viên của lực lượng Hezbollah tại khu vực Janta, Liban ngày 19/8/2022. Ảnh: AFP
Bất chấp việc triển khai quân sự ồ ạt này ở cả hai bên biên giới, Abi Nader cho rằng "chiến tranh khó có thể xảy ra". Ông Nader giải thích: "Khi khả năng răn đe trở nên hiệu quả, khả năng xảy ra chiến tranh sẽ giảm đi. Chúng tôi đã chứng kiến điều này trong Chiến tranh Lạnh hoặc giữa Ấn Độ và Pakistan, cả hai đều trở thành cường quốc hạt nhân. Một lý do khác khiến bóng ma chiến tranh được đẩy lùi là phương Tây đang muốn sự ổn định ở Trung Đông, vì xung đột sẽ gây nguy hiểm đối với nỗ lực khai thác tài nguyên khí đốt".
Tuy nhiên, vị cựu Bộ trưởng Ngoại giao Liban được phỏng vấn trên không đồng tình với quan điểm này. Ông nói: "Rủi ro chiến tranh và thỏa hiệp là ngang nhau. Không ai có thể dự đoán diễn biến của sự kiện một cách chắc chắn".
Chờ phản hồi cuối cùng
Phản ứng cuối cùng của Israel đối với các yêu cầu của Liban về phân định biên giới trên biển vẫn chưa được chính thức chuyển đến các nhà chức trách Liban. Tuy nhiên tuần trước, Kênh 12 của Israel đã thông báo nội dung của nó, trích dẫn các nguồn không chính thức.
Theo đó, Israel sẽ đề nghị giữ lại hoàn toàn mỏ Karish nhưng nhượng lại toàn bộ khu vực tranh chấp cho Liban, trong đó có cả mỏ Qana, để đổi lại khoản bồi thường tài chính cho các khu vực tranh cãi. Nhưng Liban từ chối trả bất kỳ khoản bồi thường tài chính nào.
Israel còn đề xuất rằng công việc ở các mỏ khí đốt của Liban và Israel được giao cho cùng một công ty, trong trường hợp này là Energean, chịu trách nhiệm khai thác khí đốt từ Karish. Tuy nhiên, đối với Beirut, vốn từ chối mọi hình thức bình thường hóa quan hệ với Israel, việc có các dự án chung với nước này là điều khó có thể xảy ra.
Kênh 12 của Israel cũng thông báo rằng hoạt động khai thác khí đốt, dự kiến bắt đầu vào đầu tháng 9, sẽ bị hoãn lại cho đến tháng 10 vì "lý do kỹ thuật". Do đó, Hezbollah không còn cớ để tấn công các cơ sở hạ tầng khí đốt của Israel trước mắt. Nhật báo Al-Akhbar của Liban (gần gũi với Hezbollah) cho rằng phản ứng của Israel bao gồm nhượng bộ, nhưng cũng có "nhiều cạm bẫy mà Liban sẽ không thể chấp nhận".
Giới chức Liban đang chờ Đặc phái viên Mỹ Amos Hochstein chính thức truyền đạt phản ứng của Israel. Do đó, chuỗi sự kiện tiếp theo sẽ phụ thuộc vào đánh giá của Hezbollah về phản hồi từ Israel.
EU quan ngại sâu sắc về cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội tại Liban Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, ngày 20/9, Đại sứ của Liên minh châu Âu (EU) tại Liban Ralph Tarraf đã bày tỏ quan ngại sâu sắc với Tổng thống Liban Michel Aoun về cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng trầm trọng ở quốc gia Trung Đông này. Người gửi tiền tập trung bên ngoài một chi nhánh ngân hàng ở...