Cô học trò nghèo đỗ thủ khoa kỳ thi vào Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh
Bố đi làm ăn xa, mẹ ở nhà xoay sở mấy sào ruộng và bán đậu phụ, thế nhưng với nỗ lực vượt khó, trong kỳ thi tuyển sinh vào Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh vừa qua, em Đoàn Việt Hà đã đạt điểm số cao nhất khiến mọi người khâm phục.
Với điểm số 52,75 (trong đó điểm thi môn chuyên Toán là 9), cô học trò Phạm Đoàn Việt Hà (học sinh Trường THCS Nguyễn Thiếp, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) đã gây bất ngờ khi trở thành thí sinh có điểm số cao nhất trong kỳ thi vào lớp 10 THPT Chuyên Hà Tĩnh năm học 2018 – 2019.
Đó là thành quả cả quá trình cố gắng, đầy ý chí nghị lực của Việt Hà bởi em sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện học tập đầy đủ như bao bạn bè khác. Kết quả của em trong kỳ thi vừa qua đã trở thành món quà đặc biệt có ý nghĩa mà em dành tặng cho gia đình, bạn bè và các thầy cô giáo ở Trường THCS Nguyễn Thiếp.
Cô học trò Phạm Đoàn Việt Hà
Chị Lan (mẹ Việt Hà) cho biết, năm lên lớp 6, cháu bị viêm thận cấp phải điều trị gần 1 năm. Bố đi làm ăn xa thỉnh thoảng mới về, Việt Hà sống cùng mẹ, 2 em và ông bà nội. Ngoài khoản tiền nhỏ bố gửi về hàng tháng, cuộc sống của gia đình phụ thuộc vào ruộng đồng và nghề làm đậu phụ của mẹ nên vẫn còn nhiều khó khăn.
Video đang HOT
Thời gian rảnh, Việt Hà thường làm việc vặt giúp gia đình và chỉ cho em gái học.
Thấu hiểu được những vất vả, khó khăn mà bố mẹ đang từng ngày phải trải qua, Việt Hà luôn chăm chỉ và thái độ học tập rất nghiêm túc. Năm lớp 8, em đạt giải Ba môn Toán cấp huyện. Năm lớp 9, em giành đúp giải Nhất môn Toán và môn Hóa cấp huyện; giải Nhất môn Toán kỳ thi học sinh giỏi tỉnh.
Giấy khen giải Nhất môn Toán lớp 9 trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh vừa qua của Việt Hà.
Về kỳ thi vừa qua, Việt Hà chia sẻ: “Đề thi năm nay có tính phân hóa rất rõ ràng, để giành được điểm ở câu phân loại cần phải cố gắng rất nhiều. Riêng em bước vào phòng thi với tâm lý nhẹ nhàng. Như lời mẹ dặn, em xem đây là một cuộc thử sức nên bình tĩnh làm hết khả năng. Kết quả này làm em rất vui nhưng cũng bất ngờ”.
Mẹ Việt Hà cho biết thêm: “Mấy ngày qua tôi nhận được rất nhiều cuộc điện thoại chúc mừng của các thầy cô giáo. Tôi mừng vì con đã được như ý nguyện, nhưng cũng lo làm sao để cố gắng có thêm nguồn thu cho con học hành. Sẽ vất vả hơn nhưng gia đình quyết tâm cùng Việt Hà thực hiện ước mơ”.
Tiến Hiệp
Theo Dân trí
Đua ghe ngo vào đề Toán thi lớp 10 ở Sóc Trăng
Ngày 16 và 17/6, các trường phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức kỳ thi tuyển sinh năm học 2018 - 2019. Trong đề thi môn Toán sáng ngày 17/6, người ra đề đã đưa đua ghe ngo truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer vào bài số 4. Nhiều thí sinh mất điểm ở bài này vì "tính đánh đố" cao.
Theo số liệu từ Sở GD&ĐT tỉnh Sóc Trăng, chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 được UBND tỉnh phê duyệt là 10.520 (trong đó có 308 thí sinh thuộc diện tuyển thẳng là những học sinh đạt giải các cuộc thi từ cấp Quốc gia trở lên, học sinh khuyết tật, học sinh dân tộc nội trú, học sinh dân tộc ít người). Trong khi đó, toàn tỉnh chỉ có 11.504 thí sinh đăng ký tuyển sinh vào lớp 10, tỉ lệ chọi rất thấp.
Các thí sinh phải làm đủ 3 bài thi ở các môn bắt buộc gồm: Ngữ Văn, Toán, Tiếng Anh. Các môn đều thi theo hình thức tự luận, riêng môn Tiếng Anh kết hợp cả hình thức tự luận và trắc nghiệm khách quan.
Theo phản ánh của các thí sinh, đề thi năm nay không khó vì các em được ôn tập chu đáo, coi như "trúng tủ".
Đề thi môn Toán bất ngờ với câu hỏi về đua ghe ngo truyền thống ở Sóc Trăng.
Nhiều thí sinh có đáp án nhầm trong câu hỏi về đua ghe ngo so với đáp án chính thức.
Riêng đề thi môn Toán sáng ngày 17/6, một bất ngờ là ở bài số 4 (2 điểm), người ra đề đã đưa đua ghe ngo truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer vào đề thi. Theo các thí sinh, nhiều em bị mất điểm ở bài số 4 này vì "tính đánh đố" cao.
Cụ thể, "tại lễ hội đua ghe Ngo Sóc Trăng, có 56 đội ghe trong và ngoài tỉnh đăng ký tham gia. Lúc đầu ban tổ chức dự kiến chia 56 đội thành các bảng đấu với số đội ở mỗi bảng bằng nhau. Đến ngày bốc thăm chia bảng có một đội không tham dự, vì vậy ban tổ chức quyết định tăng ở mỗi bảng thêm một đội, do đó tổng số bảng đấu giảm đi 3 bảng. Hỏi số bảng đấu dự kiến lúc đầu là bao nhiêu".
Qua tìm hiểu, nhiều thí sinh nhầm với số bảng sau khi một đội rút tên nên nhiều em cho đáp số là 11 bảng. Tronng khi đó, đáp án đúng là 14 bảng.
Cao Xuân Lương
Theo Dân trí
QUẢNG NGÃI: Học sinh vùng cao nỗ lực ôn thi để "vượt vũ môn" Điều kiện học tập không bằng học sinh ở đồng bằng, vì vậy học sinh các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi xác định phải nỗ lực hết mình để có thể "vượt vũ môn" trong kỳ thi THPT Quốc gia sắp tới. Đồng hành với các em trong thời gian qua là những thầy cô tâm huyết với giáo dục vùng cao....