Cô học trò nghèo đỗ cả ĐH Y lẫn Dược
Hoàn cảnh gia đình nghèo khó, éo le, nhưng Nguyễn Thị Hương, học sinh lớp 12A2 Trường THPT Thạch Thất (Hà Nội) luôn cố gắng học tập tốt. Đợt thi đại học vừa qua, em đỗ cả hai trường Đại học Y và Đại học Dược Hà Nội với số điểm cao.
Trong số các bạn cùng trang lứa, Hương thấp bé nhất. Trong ảnh: Hương (thứ 7 từ trái qua) và các bạn trong đội tuyển học sinh giỏi của Trường THPT Thạch Thất (Hà Nội).
“Cô giáo” làng
Căn nhà cấp bốn nhỏ bé của bốn bà cháu Hương nằm cuối con ngõ nhỏ lầy lội ở thôn Phúc Tiến (xã Bình Yên, Thạch Thất, Hà Nội).
Gần hai tháng nay, căn nhà này không ngớt tiếng cười vui vì Hương đỗ đại học, nhưng cũng không ít tiếng thở dài vì hoàn cảnh gia đình nghèo khó, biết lấy tiền đâu để nuôi tiếp giấc mơ đại học của Hương.
Bố mẹ chia tay khi Hương và em trai còn nhỏ. Tay trắng, ba mẹ con về nhà bà ngoại – một vợ liệt sỹ thời chống Mỹ – nương tựa nhau, rau cháo qua ngày.
Mẹ Hương – bà Cấn Thị Lan – năm nay 48 tuổi, nặng chưa tới 40kg, da xanh xao, vàng vọt. Từ năm 1985 trở lại đây, đã ba lần, bà phải lên bàn mổ vì đau ruột thừa, dính ruột.
Ngoài hai sào ruộng gieo cấy và làm thuê, làm mướn ngày được ngày không cho mấy nhà làm đồ mộc trong làng, bà Lan chẳng làm được gì thêm.
Sửa nhà, mua sắm đồ đạc, thậm chí tiền học của các con, tiền ăn uống, thuốc thang nhiều khi cũng phải trông vào khoản hưởng trợ cấp cho chế độ vợ liệt sỹ của mẹ đẻ (mỗi tháng khoảng 1 triệu đồng).
Biết gia cảnh nghèo khó, Hương luôn phấn đấu học tập tốt. Hầu như năm nào em cũng là học sinh giỏi của trường.
Video đang HOT
Đặc biệt, em còn đạt nhiều giải trong những kỳ thi học sinh giỏi, trong đó, phải kể đến Giải nhì môn Hóa kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố năm lớp 12.
Cũng vì thành tích vươn lên trong học tập mà Hương được nhiều thầy cô giúp đỡ, trao học bổng vượt khó. Số tiền đó, Hương để dành giúp đỡ gia đình và nộp tiền học phí.
“Gia đình cháu Hương là hộ gia đình chính sách nghèo trong xã, thuộc diện rất khó khăn. Hương luôn học giỏi, chăm ngoan. Tôi thấy những khi mùa vụ, cứ tan học là cháu lại giúp mẹ cấy, gặt, tát nước.” – ông Cao Văn Thông – Trưởng thôn Phúc Tiến (xã Bình Yên, Thạch Thất, Hà Nội).
Không chỉ học tập tốt, Hương còn rất đảm việc nhà. Bà Lan kể, ngay từ năm học lớp ba, Hương đã đi tát nước cùng mẹ. “Cứ khoảng 30 gầu nước, lại nghỉ rồi mới tát tiếp được” – bà Lan nói. Đợt thi tốt nghiệp vừa qua, đúng dịp mùa, Hương vừa ôn thi, vừa tranh thủ đi cấy giúp mẹ.
Cũng vì thành tích học tập đáng nể mà Hương được bạn bè trong lớp, ở xóm ngưỡng mộ. Ngay từ năm lớp chín, Hương đã dạy phụ đạo cho nhiều bạn bè cùng trang lứa.
Không có bảng, cô học trò nhỏ tận dụng bức tường nhà hàng xóm, cánh cửa, thành hòm thóc làm bảng để dạy bạn. Đến nay, khi Hương rời nhà đi học đại học, bức tường vẫn còn in những công thức toán học Hương từng dạy bạn bè.
“Đợt ôn thi đại học vừa rồi, nó cũng hướng dẫn ôn tập gần hai tháng cho đứa bạn, nhưng chỉ đỗ được cao đẳng thôi” – bà Lan nói.
Đi thi, tối ngủ ở… trường thi
Ngày Hương đi thi đại học, bà Lan phải bán ruộng lạc và vay thêm khoảng 500 nghìn đồng. Số tiền này chia làm hai đợt cho Hương đi thi hai khối. Đi xe buýt lên Hà Nội, con vào thi, mẹ ngồi ngoài chờ. Bữa ăn, hai mẹ con chỉ dám mua hai suất cơm giá 15.000 đồng/suất.
Đến tối, sợ tốn tiền, hai mẹ con ngủ ngay ngoài hành lang phòng thi. “Cũng may, bảo vệ người ta cho ngủ. Với lại, cũng có một số phụ huynh đi thi ngủ cùng nên không sợ gì cả” – bà Lan nhớ lại.
Thi xong đại học, về nhà, Hương lại lao vào nghiệp gia sư. Có người trong làng thấy Hương học giỏi, thuê Hương phụ đạo cho con. Mỗi buổi như thế, Hương cũng kiếm được khoảng một trăm ngàn để tiết kiệm cho việc đi học sau này.
Nỗi vất vả của hai mẹ con đã không bị phụ lòng. Hương đỗ cả hai trường đại học danh tiếng mà như nhiều người từng nói “nhất Y nhì Dược”.
Hương đỗ ĐH Dược Hà Nội (Toán 7,5 Lý 9 Hóa 9,5) và ĐH Y Hà Nội (Toán 9, Hóa 9,75, Sinh 6,75). “Em chọn học trường Dược Hà Nội và đã nhập học từ cuối tháng 8″ – Hương nói.
Hương nhập học, nỗi lo với gia đình đã nhiều lại càng thêm nặng. Không có tiền, bà Lan lại phải vay nóng ba triệu đồng cho con nhập trường.
Lên Hà Nội, chưa tìm được phòng trọ, Hương ở nhờ nhà người quen. Mỗi ngày, em phải đi bộ hai cây số để ra bến xe buýt.
Mẹ Hương bảo, sợ tốn kém, Hương còn mang cơm nắm đi ăn buổi trưa.” Hôm trước được nghỉ ngày 2/9, Hương về nhà mà lại tranh thủ đi dạy gia sư để kiếm tiền” – bà Lan nói, đôi mắt đỏ hoe vì thương con.
Theo Trường Phong
Tiền Phong
Thí sinh 'ảo' - Nhiều trường 'gọi' nguyện vọng 2, 3
Do có nhiều lý do khách quan có thể dẫn đến việc nhiều thí sinh chưa nhận được giấy chứng nhận kết quả thi trước ngày 31/8/2012.
Để đảm bảo quyền lợi của thí sinh, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu thời điểm kết thúc nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển đợt đầu tiên của các trường không được sớm hơn ngày 7/9/2012 (tính theo dấu Bưu điện trong trường hợp hồ sơ xét tuyển gửi theo đường bưu điện). Nhiều trường lấy thời điểm này làm hạn chót nộp hồ sơ xét tuyển.
Theo ông Đoàn Văn Vệ, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐHKH Tự nhiên (ĐHQG HN) trường này đã tuyển cơ bản đủ sau nguyện vọng 1, chỉ thiếu hơn 100 chỉ tiêu và đến 17 giờ ngày 7/9, giờ đóng cửa, trường nhận được hơn 800 đơn xét tuyển.
Ông Vệ khẳng định, sẽ lấy thí sinh theo điểm cao từ trên xuống đủ chỉ tiêu và không tuyển NV bổ sung nữa.
Trường ĐH Sư phạm tuyển được gần 2.000 sinh viên, trường này còn 400 chỉ tiêu tuyển bổ sung theo NV2. Tuy nhiên, đến thời điểm chót 7/9 trường này đã nhận được 1.300 đơn xét tuyển.
Ông Nguyễn Hắc Hải, Trưởng phòng đào tạo ĐHSP HN cho biết: Nhìn vào số hồ sơ xét tuyển có thể tính là đã đủ nhưng vì năm nay Bộ GD&ĐT cho phép nộp giấy chứng nhận kết quả ở dạng phô-tô-cóp-pi nên khả năng đăng ký "ảo" của sinh viên rất lớn.
Theo ông Hải, một đối tượng gây "ảo" nữa là thí sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia nộp đơn tuyển thẳng nhưng không đến nhập học.
Mặc dù thiếu 200-300 chỉ tiêu nhưng ĐH Bách khoa HN không gọi thêm NV2. ĐH Thái Nguyên nhận được 4.500 đơn xét tuyển nhưng cần gọi 7.000 chỉ tiêu, vì vậy khả năng gọi NV3 của trường này là rất lớn. ĐH Công nghệ và Kinh doanh HN nhận được 3.000 đơn NV bổ sung nhưng xét tuyển khoảng 2.500 thí sinh.
Viện ĐH Mở HN tuyển được 1.000 tân sinh viên qua NV1 và thiếu 1.000 người học nhưng đến thời điểm chót nhận được số đơn xét tuyển bổ sung vượt xa số chỉ tiêu thiếu. Ông Lê Văn Thanh, GĐ ĐH Mở khẳng định không có khả năng tuyển NV3.
ĐHDL Phương Đông đã tuyển được 300 sinh viên theo NV1 và nhận được 2.500 đơn bổ sung trong khi trường này tuyển 2.120 chỉ tiêu ĐH và 189 chỉ tiêu CĐ. Trường này tiếp tục nhận đơn tuyển bổ sung NV2 đến ngày 10-9.
ĐH Lâm nghiệp Xuân Mai gửi 1.400 giấy gọi lần 1 theo NV1 và còn thiếu hơn 1.000 chỉ tiêu.
Tuy nhiên, sau lần 1 gọi bổ sung, trường này nhận được hơn 2.000 đơn xét tuyển. Ông Trần Hữu Viên, hiệu trưởng, cho biết: trường vẫn có khả gọi tiếp nguyên vọng bổ sung vì thí sinh ảo nhiều.
Theo Tiền phong
Cậu bé 8 năm đi học bằng tay Lương Văn Mậu (14 tuổi, học sinh lớp 8A, trường THCS Lượng Minh, huyện Tương Dương, Nghệ An) bị dị tật bẩm sinh, hằng ngày em phải đến trường trên đôi tay của mình. Lương Văn Mậu. Tình cờ, tôi gặp Mậu trên cầu treo của xã Lượng Minh. Em đang đi học về bằng đôi tay thay cho đôi chân teo tóp....