Cô học trò nghèo đạt giải Nhất môn Giáo dục công dân kỳ thi HSG tỉnh Nghệ An
Học giỏi các môn tự nhiên, Kim Thoa bất ngờ giành giải Nhất môn thi Giáo dục công dân trong kỳ thi chọn học sinh giỏi tỉnh Nghệ An khối lớp 11 vừa qua khiến cả thầy trò Trường THPT Kim Liên sửng sốt.
Thoa tâm sự về hoàn cảnh, ước mơ đi học và kiếm một công việc lo lắng cho mẹ và gia đình.
Nguyễn Thị Kim Thoa năm nay 17 tuổi, nhà ở xóm Trù II, xã Kim Liên (huyện Nam Đàn, Nghệ An) học giỏi các môn tự nhiên, khối thi mà em chọn là các môn tự nhiên. Ngôi trường đại học mà em ước ao, lung linh, lúc xa lúc gần, ở tận đất thủ đô xa tít mà Thoa chưa từng bước đến, cũng có đầu vào là các môn tự nhiên.
Nguyễn Thị Kim Thoa xuất sắc giành giải Nhất môn Giáo dục công dân trong kỳ thi học sinh giỏi tỉnh Nghệ An.
Và trên con đường đi học của mình, đã đôi lần Thoa thoáng cái ý định thôi học, cũng chỉ bởi hoàn cảnh đôi lúc éo le vất vả của gia đình. Những viễn cảnh nặng nề khiến một cô bé ở độ tuổi trăng rằm khi thấy dáng hình mẹ vất vả gánh vác lo toan, Thoa cũng muốn ghé vai vào chia sẻ.
May mà Thoa chưa nghỉ học. Nếu không thì sẽ không có một Kim Thoa như bây giờ. Điều mà các thầy ở Trường THPT Kim Liên luôn tin là em sẽ trở thành một người có ích.
Đề thi môn Giáo dục công dân khối lớp 11 tỉnh Nghệ An năm nay, hay và thú vị.
Một thú vị nhỏ mà chúng tôi nhận thấy, những giáo viên ở cạnh cô học trò này, trong những lúc khó khăn, lúc học tập, và cả khi thi cử đều là những người thầy luôn động viên, chia sẻ, an ủi Kim Thoa.
Người trực tiếp bồi dưỡng cho Thoa là thầy giáo Nguyễn Xuân Huế. Thầy Huế đã giảng dạy bộ môn Giáo dục công dân gần 20 năm, đã tham gia kỳ thi hơn chục năm qua, nhưng chưa có lần nào học sinh của mình giành được giải Nhất.
Thầy Nguyễn Xuân Huế và cô học trò Nguyễn Thị Kim Thoa. Dù chỉ đọc lại đề thi đã qua, thầy trò vẫn luôn có những kiến giải mới.
Chưa có học trò giành giải cao nhất, có lẽ trong thâm tâm là điều ước vọng chưa thành đối với những người như thầy Huế. Vậy nên, những ngày này, nhắc đến học trò của mình, thầy Huế luôn có một cảm giác bất ngờ. Rồi sau đó là sự xúc động bởi kết quả mà Thoa đạt được.
Thầy Huế bất ngờ vì kết quả, vì lần đầu có cô học trò đạt giải Nhất ở môn mình dạy gần 20 năm qua chưa có một giải nào dù là nhỏ nhất. Từ trong thâm tâm thầy luôn cảm nhận một điều gì đó, sự sáng láng, mà kết quả vừa qua Thoa đạt được, là sự khẳng định về năng lực của em. Lần đầu tiên được công nhận rõ ràng chứ không chỉ thông qua sự ước lượng thường ngày nữa.
Hai thầy trò dưới mái trường THPT Kim Liên (huyện Nam Đàn, Nghệ An).
“Thoa siêng học kinh khủng, mẹ em, bà Nguyễn Thị Hà có khi mách rằng nhiều đêm phải tự tay tắt điện, bắt em đi ngủ, không thì chẳng biết lúc nào Thoa mới rời khỏi bàn học” – thầy bộ môn Giáo dục công dân nhớ lại.
“Thời giờ các em học trò cũng thực tế, chọn các khối thi ngành nghề thực tế, nên với những bộ môn như giáo dục công dân, việc tìm được em có sự yêu thích, sự tận tâm trong việc học tập, chịu khó tìm hiểu là rất khó” – thầy Huế chia sẻ.
“Thực ra nói nhờ thầy dạy mà trò đỗ là không đúng hẳn đâu. Các anh xem lại cái đề thi vừa qua mà xem, toàn câu hỏi mở. Hỏi như vậy, người lớn như chúng ta đọc còn thấy nhiều băn khoăn không dễ trả lời. Vậy nên, tôi nghĩ, em nào có thành tích qua những đề thi này là những em có tư duy, có chính kiến và cả sự tự tin với ý kiến của mình. Học trò nó ham nó mê, nó có tư duy, nên người thầy chỉ cần gợi mở dần dần là nó đạt được” – thầy Huế cầm đề thi, trầm ngâm nói.
Thầy hiệu trưởng, trong mường tượng của lũ học trò, có lẽ bao giờ cũng là người mà học sinh trong trường thấy khó gần nhất. Cũng có thể để đứng đầu một mái trường, sự gần gũi nhiều khi dễ bị hiểu nhầm là sự dễ dãi. Sự xa cách có lẽ có một nguyên nhân như vậy.
Nhưng có lẽ đó cũng chỉ là cảm nhận chủ quan của chúng tôi, một lứa học trò mà thời gian rời mái trường còn nhiều hơn là số năm đã theo học.
Điều đó đã không đúng khi gặp thầy Dương Văn Sơn, hiệu trưởng Trường THPT Kim Liên. Thầy Sơn thuộc vào lớp lên chức hiệu trưởng cấp 3 trẻ nhất tỉnh Nghệ An khi ở tuổi 37.
Với người hiệu trưởng mới 37 tuổi này thì những học trò như Thoa, không chỉ vì thành tích, mà còn vì những gì em đã vượt qua để đạt được. Với thầy Sơn, Kim Thoa là một cô học trò nhỏ, nhưng đã mang lại điều đáng quý với một mái trường.
Thầy giáo chủ nhiệm Hoàng Mạnh Thắng đến thăm gia đình Thoa. Thầy Thắng rất gần gũi với gia cảnh học sinh.
Thầy Sơn chia sẻ: “Thoa gian nan nhưng có chí, đó là điều mà người thầy nào cũng không thể chối bỏ ở học sinh của mình. Thầy cô sẽ thấy bóng hình của mình trong những lứa học sinh mình dạy. Không chỉ riêng em Thoa, mà những học sinh nào có hoàn cảnh, nhà trường cũng sẽ tìm mọi cách có thể để các em không bị đứt việc học. Đã khó rồi mà còn dở dang học hành, đời khó mà tiến lên lắm” – thầy hiệu trưởng trẻ tuổi, nói giản dị.
“Thầy Huế có cho tôi xem đề thi năm này, nói thật với các anh, đề đúng là hay, nhưng mà khó” – thầy Sơn thật thà – “cũng thấy thật vinh dự khi trường có học sinh giành giải Nhất”.
Góc học tập giản đơn của Thoa.
“Học trò càng gia cảnh thì thầy cô càng phải biết, càng phải có sự động viên, tất nhiên là nhà những em học sinh ấy chúng tôi luôn qua lại. Học trò mình mà, thầy cô mà quan tâm thì ít em chểnh mảng việc học lắm” – thầy Hoàng Mạnh Thắng – chủ nhiệm lớp 11C1, nơi Thoa đang theo học, cần mẫn nói.
“Chỉ tiếc là em không thi môn Vật lý mình dạy, nếu không, biết đâu năm nay thầy Huế phải nhường vinh dự này lại cho mình” – hai người thầy nhìn nhau cười ở trong ngôi nhà nhỏ của gia đình Thoa.
Mẹ Thoa, bà Nguyễn Thị Hà, gầy gò và lam lũ, thấy các thầy cười, nhìn con gái tự hào, niềm vui kín đáo của người mẹ vất vả. Bà Hà nay là trụ cột của cả gia đình. Chồng bà, ông Nguyễn Văn Yên, thợ xây công nhật gặp 2 tai nạn lao động trong ít năm, giờ chỉ còn hợp với những việc nhà lặt vặt.
Góc thành tích của Thoa, niềm tự hào của người mẹ lam lũ Nguyễn Thị Hà.
Anh trai Ngọc Anh của Thoa lúc tỉnh lúc mê, chẳng được nhanh nhạy như bạn bè, là gánh nặng không biết đến khi nào mới tự lo được thân mình. Trên còn có người mẹ chồng ốm đau cách bữa.
Nên bà Hà làm cả một mẫu ruộng, làm luôn cả phần ruộng của nhà người khác, và hàng tá việc không tên. Thoa chẳng thấy được lúc nào mẹ ngơi nghỉ. Trăm sự đều dồn vào vai mẹ, nhất là những khi trong nhà người ốm đau thuốc thang còn nhiều hơn cả người mạnh khỏe.
Nên Thoa dứt buổi học là lại tận tụy làm cùng mẹ, giúp mẹ và cũng là để giúp mình bớt đi nỗi day dứt: mẹ miệt mài, mình yên ổn ngồi học, sao đành.
Việc nhà nông đồng áng, hai mẹ con cứ lầm lũi làm. Thoa tự nhủ lòng, không được để mẹ làm hết việc, và không được học kém. Mình đã kém các bạn điều kiện, nên mình không được thua kém các bạn trong việc học nữa. Nên Thoa làm luôn tay, và có thời gian là Thoa không rời quyển sách.
Gương mặt kiên nghị của cô học trò nhỏ.
Chúng tôi đọc lại đề thi môn Giáo dục công dân trong kỳ thi diễn ra trung tuần tháng 3 vừa qua, và có lúc đã cảm thấy… lúng túng. Người ra đề thi chắc hẳn chẳng có ý đánh đố người làm, nhưng cảm giác trong lòng người đọc, rằng sự mường tượng về bộ môn dễ bị người ta coi là môn phụ này, hẳn là thấy mình đã sai.
Không lý thuyết cũng như đạo đức khô cứng, các câu hỏi rất tự nhiên được lấy từ thực tế cuộc sống hẳn khiến cho thí sinh thấy thú vị sinh động, lượng kiến thức rộng và sự suy tư không ít. Đề hay, vì gợi mở. Nhưng cũng vì thế mà trở nên khó, vậy nên để đạt được giải cao không phải là chuyện dễ dàng.
“Em chỉ học hành qua sách vở và nhờ thầy bồi dưỡng, hướng dẫn, em còn không dùng điện thoại” – Thoa cười hiền lành, nói giản dị. “Em thấy đề thi vừa qua rất cụ thể mà lại gợi mở nữa. Đọc xong đề em thấy rất hứng khởi, cứ như là mình được giao cho toàn quyền xử lý vậy.
Em làm với tâm trạng rất thoải mái. Cho dù có nhiều điều sau này đọc lại đề em nghĩ là mình có thể còn làm tốt hơn nữa”, Thoa bộc bạch.
Thoa học hành chỉ thuần có sách vở và thầy dạy, em còn không dùng điện thoại, những kiến thức cuộc sống trong những câu hỏi đó, không biết em lấy đâu để mà diễn giải. Chúng tôi thầm nghĩ, dù không có nhiều điều kiện tiếp xúc, nhưng cuộc sống của em, tuổi 17 với nhiều nghĩ suy và gán cho mình trách nhiệm, có thể là một phần vốn mà em đã đưa vào bài thi mà có khi chính em cũng không nhận thấy.
Nhìn cô học sinh nhỏ Kim Thoa, gian nan học tập, lành lẽ những năm đến trường, bất chợt nhớ lại vào thời điểm vừa qua, ồn ào đâu đó những chuyện học trò đánh đập, làm nhục học trò, dùng tay chân để nói chuyện, học trò rành chuyện xã hội hơn chuyện bài vở, khiến cho bất giác suy nghĩ.
Điều gì đã tạo nên những sự khác biệt. Rồi chợt nghĩ, có khi, sự gian nan mà Thoa gặp không phải chỉ là vật cản, nó đã khiến cho em thành một con người trưởng thành hơn. Thoa đã lớn lên trong tuổi trăng rằm.
Danh Thắng – Nguyễn Duy
Theo Dân trí
Nghệ An: Dự án xe lăn đặc biệt giành giải Nhì toàn quốc tại cuộc thi KHKT cấp quốc gia năm 2019
Sau khi đoạt giải Nhất cuộc thi sáng tạo Khoa học kỹ thuật (KHKT) dành cho học sinh THPT tỉnh Nghệ An, dự án "Cải tiến xe lăn bổ trợ dụng cụ phục hồi chức năng" của nhóm tác giả Trương Văn An, Phan Quỳnh Trang - học sinh lớp 8 trường THCS Trà Lân (huyện Con Cuông, Nghệ An) tiếp tục tham dự cuộc thi KHKT cấp quốc gia dành cho học sinh trung học khu vực phía Bắc và đã giành giải Nhì.
Hai em Trương Văn An, Phan Quỳnh Trang tại cuộc thi KHKT cấp quốc gia năm 2019.
Đây là một kết quả xứng đáng cho một quá trình nghiên cứu thực hiện của hai học trò nghèo vùng miền núi Nghệ An.
Với dự án "Cải tiến xe lăn bổ trợ dụng cụ phục hồi chức năng", hai em Trương Văn An, Phan Quỳnh Trang mong muốn chiếc xe lăn không chỉ là phương tiện đi lại mà còn là công cụ để hỗ trợ giúp phục hồi chức năng và mang lại sự thoải mái hơn cho người bệnh.
Sản phẩm được ấp ủ từ những ý tưởng sơ khai ban đầu trong lúc hai học sinh đến thăm thầy Phan Sĩ Việt là giáo viên giảng dạy Toán, Lý, công tác nhiều năm tại trường THCS Trà Lân (huyện Con Cuông) khi thầy bị ốm. Tại đây, các em gặp mẹ của thầy Việt, bà không may bị tai biến và phải ngồi xe lăn. Lúc này bà ra hiệu vì mỏi lưng, thầy Việt nhờ An lấy gối lót tựa lưng cho bà.
Em Phan Quỳnh Trang và bố mình tại cuộc thi.
Lúc ấy An buột miệng nói: Xe lăn này sao họ không thiết kế tựa lưng thầy nhỉ? Cả thầy Việt, An và Trang cùng nhìn vào chiếc xe lăn của bà không chớp mắt với những ý tưởng sẽ cải tiến chiếc xe lăn để có thể giúp cho mẹ thầy được thoải mái hơn.
Được biết, em Trương Văn An sinh ra trong một gia đình bố mẹ là giáo viên THCS. Năm em lên 8 tuổi, bố em không may qua đời vì tai nạn giao thông (TNGT) trên đường đến trường. Thương mẹ, An cố gắng vươn lên trong học tập, An là học sinh giỏi môn Vật lý. Mỗi lần nghe nói đến những vụ TNGT, nhìn thấy những nạn nhân bị tai biến mạch máu não, bị TNGT phải ngồi trên xe lăn, An lại ấp ủ một ngày nào đó làm được chiếc ghế hay chiếc giường kết hợp tập luyện chức năng cho các nạn nhân.
Ba thầy trò bên chiếc xe lăn và người đầu tiên thử nghiệm cũng chính là mẹ thầy Việt. Nụ cười hạnh phúc của bà đã chứng minh những giá trị thực tiễn mà chiếc xe mang lại.
Có nhiều năm công tác, thầy giáo Phan Sĩ Việt có chuyên môn vững vàng, được tôi luyện trong môi trường có nhiều giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Mẹ thầy bị tai biến cách đây 15 năm, trong đó 5 năm đầu bà còn đi lại được, 10 năm trở lại đây, sau cơn tai biến lần thứ hai, bà không thể đi lại được nữa. Hàng ngày, thầy chăm sóc phụng dưỡng mẹ già, từ khâu vệ sinh cá nhân đến tập luyện phục hồi chức năng cho mẹ. Quãng thời gian dài chăm sóc mẹ, thầy Việt hiểu hơn ai hết nỗi vất vả của những gia đình có người thân bị tai biến mạch máu não, bị tai nạn rủi ro, bán thân bất toại.
Trong khi đó, Phan Quỳnh Trang là nữ sinh học tốt môn tiếng Anh, ý tưởng mơ ước sáng tạo ra một sản phẩm bổ trợ học tiếng Anh cho người khuyết tật cũng được Trang ấp ủ từ lâu.
Từ câu hỏi của em An, từ mơ ước của Trang và thực tiễn chăm sóc mẹ của thầy Việt, dự án "Cải tiến xe lăn bổ trợ dụng cụ phục hồi chức năng" đã hình thành. Ba thầy trò bắt đầu từ chính chiếc xe lăn của mẹ thầy Việt. Mỗi buổi chiều bà con khối xóm lại thấy ba thầy trò hì hụi bên chiếc xe lăn, tháo ra, lắp vào, rồi lại lắp vào tháo ra. Nhiều hôm ba thầy trò bới bới, tìm tìm trên bãi kho thu mua phế liệu để nhặt nhạnh những bộ phận chi tiết hư hỏng từ phế thải để tái chế vào sản phẩm của mình. Mỗi khi có ý tưởng, thầy trò lại cùng thảo luận tháo gỡ.
Hai em Trương Văn An, Phan Quỳnh Trang nhận bằng khen tại Cuộc thi KHKT cấp quốc gia dành cho học sinh trung học khu vực phía Bắc năm 2019.
Đầu tiên là cải tiến tựa lưng cho người bệnh. Qua thử nghiệm, nhiều chức năng bổ trợ phục hồi khác được thêm vào chiếc xe lăn như bàn đạp đặc biệt dành cho người bệnh, bàn đa năng được lắp thêm vào chiếc xe lăn. Mẹ thầy Việt cũng chính là người thử nghiệm chiếc xe lăn đầu tiên.
Ba thầy trò lại lúi húi mày mò, thay đổi bàn đạp chân có khớp kéo dài ngắn để phù hợp với chiều cao của mỗi bệnh nhân. Bệnh nhân bán thân bất toại chân tay thường mất cảm giác, do vậy một đôi dép cao su mềm có quai được gắn vào bàn đạp chân để cố định chân cho người bệnh khi tập luyện, hoặc khi đẩy xe di chuyển. Tấm tựa lưng được thay thế bằng nhiều thanh gỗ nhỏ, nhẵn bóng vừa có tác dụng như một máy mát xa giúp người bệnh thoải mái hơn.
Cuối cùng khi mẹ thầy Việt ngồi vào để thẩm định, bà nở nụ cười tươi và có những trải nghiệm rất ưng ý. Lúc này, ba thầy trò mới xác định sản phẩm đã hoàn thành, sau quãng thời gian hơn 3 tháng nghiên cứu.
Tại cuộc thi Sáng tạo KHKT dành cho học sinh bậc THCS huyện Con Cuông, năm học 2018 - 2019, sản phẩm đạt giải Nhất, được là 1 trong 4 dự án chọn tham gia cấp tỉnh. Sau cuộc thi cấp huyện, được sự quan tâm của lãnh đạo Phòng GD-ĐT huyện Con Cuông, ý kiến tư vấn của ban giám khảo, thầy trò lại mày mò sửa đổi từng chi tiết để sản phẩm được hoàn thiện hơn.
Dự án "Cải tiến xe lăn bổ trợ dụng cụ phục hồi chức năng" được đánh giá có khả năng ứng dụng trong thực tế rất cao.
Sau đó, dự án của các em lại tiếp tục đoạt giải Nhất tại cuộc thi Sáng tạo KHKT dành cho học sinh trung học tỉnh Nghệ An năm học 2018 - 2019. Dự án "Cải tiến xe lăn bổ trợ dụng cụ phục hồi chức năng" của nhóm tác giả Trương Văn An, Phan Quỳnh Trang tiếp tục tham dự Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học khu vực phía Bắc và đã giành giải Nhì.
Thuyết trình về dự án của mình, Trương Văn An và Phan Quỳnh Trang trình bày: "Ngày nay xuất phát từ nhiều nguyên nhân mà di chứng bệnh tai biến mạch máu não, di chứng của tai nạn gia thông, tai nạn lao động là rất nhiều. Di chứng càng nặng nề thì gánh nặng phục hồi điều trị chăm sóc càng đè nặng lên bản thân bệnh nhân và gia đình họ. Thậm chí nhiều bệnh nhân và gia đình phải buông xuôi vì khó khăn trong chăm sóc và tập luyện phục hồi. Sản phẩm "Cải tiến xe lăn bổ trợ dụng cụ phục hồi chức năng" với giá thành thấp, chi phí rẻ phù hợp túi tiền người lao động. Các tính năng giúp người bệnh và gia đình giảm bớt gánh nặng trong chăm sóc, bổ trợ phục hồi chức năng."
Hiện tại ba thầy trò đang cố gắng hoàn thiện dự án của mình và mong muốn sản phẩm sẽ được ứng dụng rộng rãi trong thực tế.
Một dự án mang tính nhân văn cao, giáo dục các em sự cảm thông, chia sẻ đối với bệnh nhân bị di chứng tai biến mạch máu não, tai nạn, rủi ro. Một dự án có tính khả thi để đi vào thực tiễn, đáp ứng được nhu cầu của hàng ngàn bệnh nhân mà giá thành rẻ, chi phí thấp. Ba thầy trò cũng mong muốn dự án được triển khai sản xuất với số lượng lớn để cung cấp đến người bệnh trong thời gian sớm nhất.
Năm nay, Nghệ An có 9 dự án tham dự cuộc thi KHKT cấp quốc gia dành cho học sinh trung học khu vực phía Bắc. Kết quả, có 6 dự án được đạt giải, trong đó có 1 giải Nhất, 1 giải Nhì và 4 giải Tư.
Giải Nhất thuộc về dự án "Gối thông minh hỗ trợ giấc ngủ" của hai học sinh Nguyễn Quý Hiển và Trần Vương Quốc Đạt - học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu.
Giải Nhì thuộc về dự án "Cải tiến xe lăn bổ trợ dụng cụ phục hồi chức năng" của hai học sinh Trương Văn An, Phan Quỳnh Trang - học sinh Trường THCS Trà Lân.
Bên cạnh đó, có 4 dự án khác đạt giải Tư, đó là: Dự án "Nghiên cứu chiết tách anthocyanin từ củ khoai lang tím làm chất chỉ thị an toàn phát hiện PH môi trường" của học sinh Nguyễn Lê Mai Linh, Lê Mạnh Trung - Trường THPT Hà Huy Tập.
Dự án "Tái sử dụng phế phụ phẩm làm vật liệu hấp thu dầu" của học sinh Nguyễn Viết Mạnh, Đinh Viết Tỵ - Trường THPT Đô Lương 1.
Dự án " Thực trạng và giải pháp của việc giữ gìn và phát huy di sản văn hóa đền Quả Sơn và di tích lịch sử Truông Bồn cho học sinh THCS trên địa bàn huyện Đô Lương" của học sinh Trương Thị Hồng Vân và Thái Thị Quỳnh Chi - Trường THCS Lý Nhật Quang (Đô Lương).
Dự án "Đê tự động dâng lên do lực Acsimet, ngăn nước lũ hay triều cường tràn vào: của học sinh Trần Tiến Đạt, Đinh Văn Hải Đăng - Trường THPT chuyên Phan Bội Châu.
Với kết quả này, đoàn Nghệ An đứng thứ 6 trong tổng số 34 đơn vị tham gia dự thi. Nghệ An cũng có một dự án được lọt vào vòng 2 chọn đội tuyển quốc gia tham dự cuộc thi KHKT quốc tế. Kết quả, sẽ được công bố sau khi kết thúc cuộc thi khu vực phía Nam.
Nguyễn Phê
Theo Dân trí
Giải Nhất HSG quốc gia môn Địa lý: Vượt qua bản thân là thành công lớn nhất Từ học lực loại khá, Tôn Lương Bảo đặt mục tiêu vào đội tuyển bồi dưỡng học sinh giỏi (HSG) quốc gia. Vào đội tuyển, Bảo đặt mục tiêu đoạt giải cao để tìm kiếm lợi thế ở cuộc chạy đua 1 suất vào đại học. Chàng trai này vừa xuất sắc đoạt giải Nhất môn Địa lý tại kỳ thi HSG quốc...