Cô học trò khiếm thính học giỏi, múa đẹp
Nhìn cô học trò nhỏ xinh xắn nhưng ít ai ngờ Song Hà bị tật khiếm thính từ thuở lọt lòng. Vượt lên khuyết tật của bản thân, những năm học qua, cô học sinh Bình Định luôn học giỏi, viết, vẽ đẹp, múa dẻo, biết giúp đỡ bè bạn…
Đó là cô học trò nhỏ Đinh Hồ Song Hà, hiện học lớp 9A1 Trường THCS thị trân Phù Mỹ (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định), với mơ ước cháy bỏng mong được làm cô giáo dạy trẻ khuyết tật.
Chưa một lần được gọi tiếng “ba, mẹ”
Như bao đứa trẻ khác, Song Hà chào đời trong niềm vui vỡ òa của ba mẹ và hai bên gia đình nội ngoại. Nhưng niềm hạnh phúc được chừng một tháng thì ba mẹ Hà nhận ra con gái mình có những dấu hiệu bất thường. Em chẳng thể nghe được âm thanh xung quanh, ánh mắt trong sáng của đứa trẻ nhìn mẹ ru, bố nựng nịu mà không hề có phản ứng gì. Đưa con đi viện khám, gia đình chết lặng khi biết con gái mình bị khiếm thính từ khi trong bụng mẹ.
Song Hà luôn học giỏi, viết đẹp.
Gác lại nỗi đau, ba mẹ đưa em đi chữa trị ở trong Nam ngoài Bắc, nghe chỗ nào có thầy giỏi, thuốc hay là tìm đến nhưng mọi phương thuốc đều không thể cho em nghe được âm thanh và giọng nói. Ngậm ngùi đưa con về nhà, gia đình cố gắng chăm sóc để con bớt đi cảm giác thiệt thòi. Nhiều lần nhìn đám bạn trong xóm nói cười, nghĩ tủi thân em lại bật khóc. Mỗi khi nhìn con gái như vậy, mẹ em cũng chỉ biết ngậm ngùi ôm con vào lòng vỗ về mà khóe mắt cay cay.
Kém may mắn nhưng từ bé nhưng Hà luôn khao khát được đến trường. Biết con gái không thể theo học được, nhưng thương con, ba mẹ em lại ngược xuôi tìm trường. Rồi niềm vui nhỏ bé đến với em khi có một ngôi trường đặc biệt dang tay đón nhận trẻ khuyết tật.
Video đang HOT
Năm 2000, em phải xa gia đình để vào nhập trường Niềm vui Phú Yên (tỉnh Phú Yên), trong nỗi nhớ thương của gia đình. Ở đây, Hà được sống trong mái ấm dành cho những hoàn cảnh bất hạnh từ nhiều miền quê khác nhau. Từ đó, em đã có cái nhìn lạc quan hơn về bản thân và cuộc sống. Những con chữ đầu tiên giúp em viết nên được hai chữ thiêng liêng “ba, mẹ”, em thấu hiểu được công lao trời bể và nỗi khổ của ba mẹ tảo tần để em đến trường. Chính vì lẽ đó, trong tim cô bé Song Hà nhen nhóm lên ngọn lửa ước mơ giản dị trở thành cô giáo dìu dắt cho những trẻ em kém may mắn như mình.
“Tuy phải xa gia đình, người thân nhưng đổi lại ở trường em có thêm nhiều bạn mới, đó là những người cùng cảnh ngộ như em. Ở đây, chúng em được các cô thầy dạy cách làm người là phải biết chia sẻ, cảm thông, được học cái chữ. Chúng em là những người thiệt thòi, rất cần được sự cảm thông của mọi người…” – Hà tâm sự.
Ước mơ dệt bằng đôi mắt
Năm 2006, Hà về lại Phù Mỹ tiếp tục học lớp 4. Sáu năm học ở trường Niềm Vui đã cho em một nền tảng để hòa nhập với cộng đồng. Em đã đọc viết thành thạo và có thể nhìn khẩu hình để phần nào đoán bắt nội dung lời nói. Tuy vậy khó khăn vô vàn khi em đến lớp học chung với những bạn bình thường. Đó là sự tự ti với Hà khi đôi tai chẳng thể nghe được gì, miệng chỉ biết “ê a…”. Nhưng bằng ý chí và nghị lực, Hà quen dần với trường lớp. Nhất là khi bạn bè thông cảm và sẻ chia với em niềm vui nỗi buồn bằng những dòng chữ trên trang vở học trò.
Mọi người ai cũng bất ngờ khi biết 5 năm liền, Hà đều là học sinh giỏi. Nhìn những gì đã đạt được, từ trong sâu thẳm ánh mắt hồn nhiên của Hà hiện lên niềm vui. Hà chia sẻ: “Bố mẹ đã khổ rất nhiều để nuôi em khôn lớn, em muốn làm được gì đó để bố mẹ luôn vui lòng”. Còn mẹ em nhìn con âu yếm nói “mỗi khi không đạt điểm cao ở trường thì nó buồn cả ngày vậy đó…”.
Tuy không nghe, không nói được nhưng Song Hà luôn học giỏi, được trao nhiều giấy khen học sinh giỏi.
Không chỉ học giỏi, Hà còn nhiều tài lẻ khác như: viết chữ đẹp, múa hay và giỏi vẽ tranh. Năm 2012, Hà đã đoạt giải Nhất cuộc thi múa ở trường với tiết mục độc vũ. Chẳng mấy ai xem Hà múa lại nghĩ rằng cô học trò khuyết tật ấy lại có thể làm được điều đó. “Em nhìn, rồi ghi nhớ những động tác múa cô giáo dạy và tự đếm nhịp để múa khớp với nhạc. Ban đầu em không nghĩ em sẽ không đạt giải, nhưng lúc đọc hai chữ Song Hà từ phía ban giám khảo em đã khóc lên vì vui… Em vui hơn là những kết quả em đạt được sẽ làm ba mẹ vui, tự hào về mình”.
Cô học trò khuyết tật học giỏi, múa đẹp đã trở thành niềm tự hào của trường, lớp khi em luôn mang về giải thưởng trong các cuộc thi lớn nhỏ.
Tâm sự về cô học trò của mình, cô Vũ Thị Kim Nhung – giáo viên chủ nhiệm của em Hà cho biết: “Em Hà tuy kém may mắn nhưng bù lại em tư duy rất tốt, chỉ giao tiếp bằng cách quan sát nhưng em tiếp thu bài rất nhanh. Em có nhiều thành tích tốt trong học tập và phong trào. Điều đáng nói là em luôn biết chia sẻ giúp đỡ bạn bè trong học tập, hiện em đang làm biên đạo múa cho tiết mục văn nghệ của lớp để tham gia cuộc thi văn nghệ chào mừng ngày 26/3 của trường…”.
Chia tay Song Hà nơi ngôi trường em đang theo học, chúng tôi vẫn còn ấn tượng về một cô bé giàu nghị lực…
Đại Nguyễn – D.Công
Theo dân trí
Cảm phục cô học trò khiếm thính đa tài
Ở trường chuyên biệt Tương Lai, nhắc đến cô học trò Dương Thị Thúy Nga, các thầy cô đều không giấu được niềm vui, sự tự hào về cô học trò ngoan hiền, học giỏi, đa tài của mình.
Dù là một học sinh khiếm thính nhưng em đã biết vượt qua hoàn cảnh để trở thành một tấm gương sáng cho nhiều em khuyết tật noi theo.
Vượt qua bao nỗi nhọc nhằn để đến được với kiến thức như những người bình thường khác, Dương Thị Thúy Nga (15 tuổi) đã chứng minh cho nhiều người biết rằng, người khiếm thính vẫn có thể làm được những điều mà người thường vẫn làm được bằng nghị lực và lòng đam mê của mình.
Cô học trò Dương Thị Thúy Nga luôn tỏ ra thích thú với những tiết học Văn trên lớp.
Từ khi lọt lòng mẹ, Thúy Nga đã kém may mắn so với những người khác, em bị khiếm thính bẩm sinh. Thời điểm đó, ở thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai quê em không hề có trường học dành cho người khuyết tật. Thấy bạn bè tíu tít đến trường, em nằng nặc đòi ba mẹ đi học. Cảm động trước tinh thần hiếu học của cô con gái, ba em đã gửi em ra Đà Nẵng ở nhờ nhà người thân và làm hồ sơ để em được nhập học. Cô Trương Thị Ngọc Hà chính là người đầu tiên giúp em đến với con chữ ở bậc tiểu học trường chuyên biệt Tương Lai.
"Vừa mới nhập học, Nga hòa đồng rất nhanh vào môi trường mới. Các em học sinh ở đây đều chung hoàn cảnh nên rất dễ hòa đồng và chia sẻ mọi chuyện cùng nhau. Nga tư chất rất thông minh. Em học chữ và làm toán rất nhanh. Nhiều lúc em khiến tôi phải ngạc nhiên về khả năng của em", cô Ngọc Hà chia sẻ.
Cũng theo cô Hà, học sinh khiếm thính gặp rất nhiều khó khăn khi làm phép tính chia vì khả năng tư duy của các em còn hạn chế. Nhưng nếu người giáo viên biết sử dụng kí hiệu, chỉ dạy kỹ càng chậm rãi cho các em học thì các em vẫn có thể tiếp thu được kiến thức. Lên học ở bậc THCS, Thúy Nga học đều tất cả các môn nhưng môn mà em yêu thích nhất vẫn là môn Văn.
Kể về niềm đam mê của mình, Nga ra hiệu: "Môn Văn giống như một người bạn thân thiết của em vậy. Mỗi khi gặp chuyện vui hay chuyện buồn em đều viết những tâm sự của mình ra giấy. Đó là cách để em cảm thấy thoải mái và thêm yêu cuộc sống hơn". Còn cô Nguyễn Thị Nghĩa, giáo viên dạy văn của Nga thì cho biết: "Năm lớp 6 thành tích môn Văn của Nga luôn xếp loại giỏi ở cả hai kỳ. Trong kỳ thi giữa kỳ lớp 7 vừa rồi, môn Văn của em cũng đạt điểm tuyệt đối, 10 điểm".
Cô Nguyễn Thị Nghĩa - giáo viên dạy Văn đang chỉ bài cho cô học trò "cưng" Thúy Nga.
Không chỉ giỏi, cô học trò khiếm thính Dương Thị Thúy Nga còn rất đa tài trong nhiều lĩnh vực. Năm 2011, Nga đã xuất sắc giành 2 huy chương vàng ở môn cờ vua và bóng bàn trong giải thể thao giành cho người khuyết tật toàn quốc. Mới đây, Nga cùng các bạn Trường chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu đã tham gia tiết mục múa trong chương trình văn nghệ mang tên "Từ trái tim đến trái tim" tổ chức tại công viên 29 - 3. Nhìn những điệu múa uyển chuyển trong tiết mục "Một thoáng quê hương", ít ai biết được rằng đây là tiết mục công phu của những học sinh khiếm thính.
Dù khiếm thính nhưng Thúy Nga luôn lạc quan trong cuộc sống.
Khi hỏi về ước mơ sau này của mình, Nga cười dịu dàng ra hiệu: "Em muốn học thật giỏi để sau này trở thành cô giáo dạy các em cùng chung hoàn cảnh của mình. Suốt thời gian học ở mái trường này, em xem các cô ở đây như những người mẹ hiền truyền đạt cho em bao điều bổ ích, lắng nghe mọi chuyện của em. Sau này, em cũng muốn được đứng trên bục giảng để chỉ dạy cho các em".
Theo Tiin
Sáu lý do dạy thêm, học thêm tràn lan Do chương trình học nặng nên có đến 80% học sinh đòi hỏi phải được học thêm. Sáng 21/1, Tổ đại biểu QH gồm Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải, ông Huỳnh Thành Đạt và ông Nguyễn Phước Lộc đã có buổi tiếp xúc cử tri theo chuyên đề về "lạm thu, dạy thêm, học thêm" trên địa bàn quận 5....