Cô học trò dân tộc Tày đỗ 3 trường đại học
Đạt giải Nhì học sinh giỏi Quốc gia Ngữ văn, Hiền Thương được tuyển thẳng vào HV Báo chí và Tuyên truyền. Tuy nhiên, để thử sức mình, em vẫn dự thi đại học hai khối A1 và D1. Kết quả, Thương đỗ cả HV Ngân hàng (22,75 điểm) và ĐH Ngoại thương (22,25 điểm).
Hà Hiền Thương cũng là Thủ khoa tốt nghiệp THPT tỉnh Bắc Kạn năm 2013 với tổng điểm là 57. Hiện nay, Hiền Thương đang là sinh viên khoa Kinh tế đối ngoại – Trường ĐH Ngoại thương.
Cô tân sinh viên ĐH Ngoại thương Hà Hiền Thương.
“Phải biết cách chấp nhận thất bại”
Tôi gặp Thương gần sát ngày em đi phỏng vấn tuyển dụng vị trí cộng tác viên kinh doanh cho một doanh nghiệp. Cô sinh viên năm nhất khá tất bật với lịch học, làm bài tập nhóm và công việc Biên tập viên của FFRadio (chương trình radio đặc biệt của Diễn đàn Sinh viên ĐH Ngoại thương).
“Hãy tưởng tượng chị đang là một nhà tuyển dụng, câu hỏi nào sẽ làm khó em?”- đó là cách chúng tôi bắt đầu cuộc trò chuyện. “Đây là một cây bút màu xanh, em hãy thuyết phục tôi cây bút này màu đỏ”, cô sinh viên người dân tộc Tày trả lời tôi một cách đáo để.
Rồi Thương trầm ngâm đôi chút: “Gần đây, khi dự thi vào Ban Tổ chức trong CLB ghita của trường, em đã được hỏi: “Vào giờ này, ngày này năm sau em nghĩ mình đang làm gì?”. Em khá bất ngờ với câu hỏi này. Em nghĩ tương lai là thứ khó đoán trước nhưng dự định và ước mơ thì không ai đánh thuế cả nên em trả lời vào giờ này, ngày này năm sau hi vọng em đã có một công việc làm thêm phù hợp, được tham gia vào CLB và em sẽ tiếp tục tìm kiếm những cơ hội trải nghiệm mới mẻ, thú vị khác. Anh quản lý mỉm cười nói: “Anh hỏi vậy là để xem phong thái của em có tự tin không chứ anh chị cũng không thể đi theo kiểm nghiệm những điều em nói sẽ trở thành sự thật hay không”. Dù không được chọn nhưng những bài học kĩ năng thực tế như thế này lại rất có giá trị với em”.
Mỗi tháng, FFRadio chia vòng và phân công 2 biên tập viên một nhóm viết một kịch bản từ 10 – 12 trang cho một chương trình dài 40 – 50 phút. Được tuyển vào Ban Biên tập, công việc của Thương là cùng 1 biên tập viên khác lên ý tưởng chi tiết và viết kịch bản cho người dẫn chương trình.
“Các anh chị trưởng, phó ban FFRadio khi phân chia công việc luôn quy định rõ ràng hạn chót nộp sản phẩm, buộc em không thể chậm trễ. Nhờ vậy em học được tác phong làm việc nghiêm túc, tinh thần trách nhiệm và cách quản lý quỹ thời gian thật hiệu quả để điều hòa hợp lý giữa việc học tập và các hoạt động ngoại khóa”, Thương hào hứng kể.
Video đang HOT
Mặc dù có bề dày thành tích học tập đáng nể nhưng trong câu chuyện, em luôn khiêm tốn nói về những điều mình chưa làm được. Thương bảo: “Đôi khi trượt một cuộc phỏng vấn nào đó lại là cách em đưa mình về thực tại, mình phải biết cách chấp nhận thất bại để nhận ra bản thân còn thiếu tố chất và kĩ năng gì để tự hoàn thiện bản thân “.
Cô học trò chuyên Toán giành giải quốc gia môn Văn
Ngày còn là học sinh trường THPT chuyên Bắc Kạn, mặc dù Thương học chuyên Toán nhưng các thầy cô đều đánh giá em có khả năng học đều tất cả các môn. Năm lớp 11, Thương thi học sinh giỏi lớp 12 môn Tiếng Anh và đạt giải Ba cấp tỉnh.
Hiền Thương (thứ ba, bên phải) cùng các học sinh được Sở GD-ĐT Bắc Kạn tuyên dương, khen thưởng.
Lên lớp 12, nhận thấy khả năng của Thương, cô giáo dạy Ngữ văn lớp chuyên Toán đã động viên em thử sức với kì thi học sinh giỏi Ngữ văn. Được “khơi dòng” nguồn đam mê bấy lâu, Thương quyết định tham dự và vượt qua kì thi cấp trường, cấp tỉnh. Nhưng nhiều khi Thương đã vấp phải những quan điểm không ủng hộ.
“Có nhiều bạn nói rằng em là con gái chuyên Toán nên chất Văn trong em sẽ khô khan, đừng tự làm khó bản thân mình. Cô giáo phụ trách đội tuyển Văn cũng khá lo lắng không biết liệu rằng em có theo kịp tiến độ chương trình học lớp chuyên Văn hay không. Quả thật, khi vào tới vòng chọn đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia, đề bài yêu cầu phân tích một bài thơ trong chương trình chuyên mà em chưa biết tới, em đánh liều phân tích theo cách cảm nhận của riêng mình và may mắn đã mỉm cười khi em được chọn vào đội tuyển với số điểm suýt soát”.
Thương được bố trí học chung với các thí sinh lớp 11 thi “vượt cấp” để bổ sung kiến thức. Để tiếp sức cho cô bạn đang bận ôn thi đội tuyển, các bạn cùng lớp giúp Thương ghi bài trên lớp còn thầy cô giáo luôn “trực điện thoại” khi Thương cần phụ đạo các môn thi tốt nghiệp THPT.
Kết quả ngoài sức mong đợi, Thương đạt giải Nhì môn Ngữ văn trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Bất ngờ hơn, chưa kịp nghỉ ngơi, cô bạn tiếp tục tham gia kì thi Giải toán trên máy tính cầm tay cấp quốc gia tại Phú Thọ và giành huy chương Bạc. Đặc biệt, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, Hà Hiền Thương là thí sinh đỗ tốt nghiệp Thủ khoa của tỉnh Bắc Kạn với 57 điểm (trong đó 2 môn 10 điểm, 2 môn 9,5 điểm và 2 môn 9 điểm).
Với thành tích học sinh giỏi Quốc gia môn Ngữ văn, Hiền Thương được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận.
Với những thành tích trên cộng với 12 năm liền là học sinh giỏi, mới đây Hiền Thương đã vinh dự được nhận Giải thưởng Hoa Trạng nguyên năm 2013. Ngày 16/11 tới đây, Thương cũng sẽ được nhận học bổng tại “Lễ biểu dương học sinh dân tộc thiểu số đạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và đỗ thủ khoa, điểm cao kỳ thi đại học, cao đẳng năm 2013″ do Ủy ban Dân tộc Chính phủ trao tặng.
Đích đến tiếp theo mà Hiền Thương đang muốn chinh phục là văn bằng 2 chuyên ngành Luật và đi du học nước ngoài. Đối với Thương, mỗi ngày luôn mở ra nhiều cơ hội mới để em tiếp tục thử thách bản thân mình.
Phương Nhung
Theo Dantri
Cạnh tranh vào trường Kinh tế tốp trên sẽ không giảm
Thông tin năm 2013, Bộ GD-ĐT sẽ tạm dừng mở các ngành đang thừa "đầu ra" như Tài chính ngân hàng, Quản trị kinh doanh, Kế toán. Tuy nhiên, lãnh đạo nhiều trường Kinh tế tốp trên cho biết sự cạnh tranh vào trường sẽ không giảm.
Trong cuộc họp về công tác thực hiện quy hoạch nguồn nhân lực và đào theo theo nhu cầu xã hội, Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, từ năm 2013 sẽ tạm dừng mở các ngành đang thừa "đầu ra" như Tài chính ngân hàng, Quản trị kinh doanh, Kế toán, đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ không cho phép mở các trường đại học đào tạo các ngành này.
Thứ trưởng Bộ GD- ĐT Bùi Văn Ga cũng chia sẻ, chỉ có các trường vốn chuyên về đào tạo kinh tế mới được xem xét mở thêm các ngành này. Các trường đào tạo "trái tay" sẽ không được duyệt mở ngành. Động thái này của Bộ được cho là sẽ giúp giải quyết vấn đề sinh viên ngànnh Kinh tế ra trường khó xin việc, tỷ lệ thất nghiệp cao.
Trước cảnh báo này, liệu sự cạnh tranh vào các trường ĐH kinh tế tốp trên có giảm?
Dự báo sự cạnh tranh vào các trường kinh tế "tốp trên" sẽ không giảm.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Tô Ngọc Hưng - Giám đốc Học viện Ngân hàng cho biết: "Tôi nghĩ sẽ không giảm lượng hồ sơ vào Học viện vì chỉ tiêu vào trường năm nay vẫn ổn định như các năm trước. Tôi vừa đi tư vấn tuyển sinh ở một số tỉnh về thấy học sinh vẫn rất quan tâm tới ngành kinh tế đặc biệt là ngành Tài chính ngân hàng. Quan trọng nhất là người học, học ở trường nào để khi ra trường dễ xin việc. Đối với sinh viên của Học viện Ngân hàng rất ít thất nghiệp nên chúng tôi không lo ngại về việc thiếu chỉ tiêu. Tôi thấy, nếu khuyến cáo không cẩn thận thì sẽ khổ người học".
Theo ông Hưng, ngành Ngân hàng hiện nay đang thực hiện tái cấu trúc lại nguồn nhân lực. Theo đó, vận động cán bộ lớn tuổi về nghỉ hưu sớm để tuyển cán bộ trẻ, thay đổi lại cơ cấu, tạo cơ hội cho người trẻ vào làm việc. Năm nay Học viện Ngân hàng dành từ 30 - 50 chỉ tiêu đào tạo theo nhu cầu cho Ngân hàng Trung ương. Học viện sẽ tuyển sinh viên có điểm số từ cao xuống thấp để đào tạo.
Bà Lê Thị Thu Thủy - trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Ngoại thương cho rằng: "Bộ thông báo hạn chế mở thêm ngành Tài chính ngân hàng, Quản trị kinh doanh, Kế toán và khuyến cáo các trường giảm chỉ tiêu ở những ngành này chứ không phải là không đào tạo nữa. Khủng hoảng kinh tế chỉ trong giai đoạn chứ xã hội vẫn phát triển, các ngành vẫn phải đào tạo để đáp ứng nhu cầu xã hội. Trường ĐH Ngoại thương giữ ổn định chỉ tiêu như các năm trước".
"Dự báo số lượng hồ sơ ĐKDT vào trường năm nay sẽ không biến động nhiều so với năm trước bởi kinh nghiệm tuyển sinh cho thấy lượng hồ sơ nộp vào trường mấy năm trở lại đây luôn ổn định" - bà Thủy cho hay.
Còn theo ông Phạm Quang Dong - trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, những khuyến cáo về dư thừa nguồn nhân lực khối ngành Kinh tế không ảnh hưởng gì tới trường vì trường đào tạo có uy tín. Việc cắt giảm chỉ tiêu chỉ ở những trường không đào tạo chuyên về kinh tế. Số lượng chỉ tiêu của trường không giảm. Điểm chuẩn hàng năm vào trường luôn cao và dao động từ 20 - 21 điểm. Do vậy, sự cạnh tranh vào trường sẽ không giảm.
Ông Ngô Thế Chi - Giám đốc Học viện Tài chính đã có ý kiến cảnh báo về dư thừa nguồn nhân lực ngành kinh tế từ 4 năm trước. Ông Chi cho hay: "Khi biết tình hình như vậy, trường chúng tôi đã có sự thay đổi là mở thêm một số chuyên ngành đào tạo mới đáp ứng nhu cầu xã hội là chuyên ngành phân tích chính sách và kế toán công. Các ngành Tài chính ngân hàng, Kế toán và Quản trị kinh doanh chỉ tiêu vẫn giữ ổn định như các năm trước. Qua khảo sát sinh viên ra trường thấy các em đều xin được việc làm". Ông Chi dự báo số lượng hồ sơ ĐKDT vào trường năm nay tương đương với năm trước.
Theo cán bộ thu nhận hồ sơ tại nhiều điểm trên địa bàn Hà Nội cho biết hiện thí sinh vẫn đang nghiên cứu trường dự thi nên phải đến sang tuần các em mới nộp. Theo cán bộ thu nhận hồ sơ Nguyễn Thị Hòa - Trường THPT dân lập Đào Duy Từ, năm nay thí sinh của trường vẫn nộp hồ sơ đông nhất vào các khối A, A1 và D1. Còn các khối C và năng khiếu rất ít. Lượng hồ sơ nộp vào khối ngành Kinh tế năm nay có giảm hơn so với năm trước nhưng không nhiều.
Hồng Hạnh
Theo dân trí
Thủ khoa ĐH Ngoại thương xuất thần từ nhỏ Mẹ của Nguyễn Huy Quốc, thủ khoa ĐH Ngoại thương cơ sở 2 kể, Từ năm 4 tuổi, Quốc có thể đọc rành mạch chữ, biết làm toán, biết xài máy vi tính. Hay tin cậu con trai thứ 2, Nguyễn Huy Quốc (18 tuổi, H.Thạch Hà, Hà Tĩnh) đỗthủ khoa ĐH Ngoại thương cơ sở 2, với điểm số 29 cả gia...