Cô hiệu phó mở lớp dạy kỹ năng sống miễn phí cho học sinh
“Con đường để rèn mình trở thành người tử tế bắt đầu từ những việc tử tế” – cô Phạm Thị Thùy Loan – Hiệu phó Trường THCS Nguyễn Huệ (TP Đà Nẵng) đã nhắn nhủ như thế đến các học trò của mình ở lớp dạy kỹ năng sống miễn phí do cô đứng lớp vào mỗi sáng Chủ nhật hàng tuần.
Và từ lớp học của cô Loan, chúng tôi cảm nhận rằng, trên “con đường rèn mình trở thành người tử tế ấy”, các em học sinh thật may mắn có một người dẫn đường và đồng hành như cô Loan.
Trò chuyện cùng PV Dân trí, cô Loan chia sẻ, lớp học kỹ năng sống miễn phí của cô được “ươm mầm” từ thực tế nhiều trường hợp phụ huynh chưa có điều kiện về kinh tế hoặc chưa quan tâm việc cần thiết cho con em học kỹ năng sống một cách tử tế.
Giáo án được hình thành từ những trải nghiệm của cô giáo từng làm công tác đoàn, đội; tình nguyện làm người “gỡ rối tơ lòng” cho học trò khi các em có những khúc mắc trong việc học và cuộc sống thường ngày với người thân, bạn bè. Thêm vào đó là những kiến thức và phương cách giáo dục kỹ năng sống hiện đại, bài bản mà cô tích luỹ qua những khoá tập huấn mà cô được nhà trường tạo điều kiện tham gia.
Giáo trình bao gồm các bài giảng lý thuyết và hướng dẫn thực hành những kỹ năng căn bản như phương pháp tự học hiệu quả, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tự lập, cách ứng phó với các tình huống bạo lực học đường, xâm hại trẻ em…
Cô giáo dạy học trò thực hành từ những việc cụ thể như là cách nói với mọi người “câu chuyện của tôi” trong kỹ năng giao tiếp
Video đang HOT
Để học trò chú tâm hơn đến bài giảng và nhớ cách xử lý tình huống hơn, cô Loan chọn những bản tin thời sự nóng hổi để dẫn đề cho bài giảng. Ví dụ, hôm kia vừa xảy ra một vụ học trò đánh nhau ở tỉnh A nào đó đang được phụ huynh, học sinh nói đến nhiều, thì bài giảng cô Loan chọn hôm nay là kỹ năng ứng phó tình huống bạo học đường. Hoặc thực tế ở lớp cho thấy học trò rất chú tâm bài giảng phòng chống xâm hại trẻ em khi có một vụ việc thời sự về vấn nạn này.
Hay cô dạy trò sống xanh, sống sạch từ những chuyến đi thực tế trải nghiệm và cảm nhận vẻ đẹp của tự nhiên, từ đó “gieo mầm” ý thức bảo vệ môi trường sống
Dạy học trò tự lập với việc cô bày tỏ mong muốn các em tự chuẩn bị bữa cơm trong buổi học thực tế, cô Loan cũng dạy trò biết quan tâm, chia sẻ với mọi người xung quanh từ chính tấm lòng yêu thương của cô dành cho “những người bạn nhỏ” của mình.
Và cô Loan luôn bày tỏ niềm vui với những tấm ảnh “có tâm” của học trò ghi hình cho mình; hạnh phúc trong tình yêu thương của học trò
Cô Phạm Thị Thùy Loan là Hiệu phó trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng).
Cô Loan cũng là người lặng thầm ghi hình những khoảnh khắc đẹp của học trò trong những giờ học, những chuyến đi thực tế học kỹ năng sống thật cần thiết cho các em làm hành trang trên “con đường rèn luyện mình trở thành người tử tế”
Điểm tựa và là nguồn năng lượng lớn nhất để cô Loan dẫn đường và đồng hành cùng học trò chính là gia đình. “Ông xã rất ủng hộ việc mình làm và con trai ngoan, tự lập, nên mình yên tâm hơn khi dành nhiều thời gian cho nghề giáo. Chính ngôi nhà gia đình tôi sống cũng cũng là nơi học trò bao thế hệ đến thăm như tìm về nhà” – cô Loan chia sẻ
Khánh Hiền
Ảnh: Nhân vật cung cấp
Theo Dân trí
Dạy kỹ năng sống miễn phí tại Hà Nội: Giúp trẻ sử dụng mạng xã hội thông minh
Ngày 29/6, buổi học "sử dụng mạng xã hội thông minh" nằm trong chương trình dạy kỹ năng sống miễn phí đã được tổ chức tại Trường THCS Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội).
Học sinh phát biểu tại lớp học. Ảnh: Minh Thúy
Mục tiêu của lớp học là giúp học sinh trở thành người sử dụng mạng xã hội thông minh để lan tỏa những điều tốt đẹp trong cuộc sống, hạn chế tối đa tiêu cực có thể xảy ra.
Buổi học "sử dụng mạng xã hội thông minh" tại Trường THCS Dịch Vọng (Cầu Giấy)
Tại buổi học, học sinh đã được thực hiện các hoạt động trải nghiệm dưới sự hướng dẫn của các cô giáo. Thông qua các hoạt động trải nghiệm, học sinh đã được phát huy khả năng sáng tạo của bản thân, rèn luyện kỹ năng thuyết trình, nói trước đám đông, kỹ năng làm việc nhóm,...
Không chỉ vậy, học sinh còn được cung cấp những kiến thức vô cùng bổ ích để có thể "sử dụng mạng xã hội một cách thông minh".
Học sinh tham gia hoạt động trải nghiệm tại buổi học
Học sinh hoạt động nhóm
Đáng chú ý, tại buổi học, học sinh đã được thể hiện ý kiến cá nhân khi sử dụng mạng xã hội và nói về thông điệp " Suy nghĩ trước khi chia sẻ".
Thực tế cho thấy, mạng xã hội có một ưu điểm đó là giúp xóa đi khoảng cách địa lý. Chúng ta có thể kết nối với mọi người ở những nơi rất xa, tìm kiếm bạn bè mới và những người có điểm chung với mình.
Tuy nhiên, nếu quá lạm dụng mạng xã hội sẽ để lại nhiều hậu quả khó lường: Giảm tương tác với mọi người; mắc bệnh trầm cảm, hoang tưởng, mất ngủ,...
Học sinh hào hứng tham gia hoạt động tại buổi học
Nhiều hoạt động trải nghiệm đã diễn ra
Dự kiến, buổi học tiếp theo với chủ đề "an toàn học đường" được tổ chức tại Trường THCS Dịch Vọng sẽ giúp học sinh nắm được những kiến thức cơ bản để bảo vệ bản thân và giúp đỡ mọi người, phòng, tránh những nguy cơ mất an toàn trong môi trường học đường (tai nạn thương tích, bạo lực học đường,...) có thể xảy ra.
Theo viettimes
Giáo dục kỹ năng sống: Bắt đầu từ những chuyện nhỏ Giáo dục kỹ năng sống là hoạt động rất cần thiết giúp học sinh tự tin, năng động hơn trong cuộc sống, nhất là việc xử lý những tình huống thường gặp. Việc bồi đắp kỹ năng sống cho học sinh không nhất thiết phải là những đề tài to tát nhưng phải cụ thể và ứng dụng phù hợp với thực tế....