Có hay không “bất thường” trong xét thăng hạng giáo viên THPT tại Huế?
Phóng viên báo Dân trí vừa nhận được đơn phản ánh của một nhóm giáo viên ở tỉnh Thừa Thiên Huế về việc bất thường trong xét thăng hạng giáo viên THPT từ hạng 3 lên hạng 2 của tỉnh này năm 2018.
Nhiều nghi vấn về bất thường trong xét thăng hạng giáo viên
Theo đơn phản ánh của một nhóm GVở tỉnh Thừa Thiên Huế, dẫn đầu về tỉ lệ GV được xét thăng hạng là trường THPT Thừa Lưu (huyện Phú Lộc), một trường ở mức độ trung bình về chất lượng học sinh cũng như đội ngũ GV. Số lượng được thăng hạng chiếm đến 45% số GV toàn trường (vượt xa trường Quốc học, Nguyễn Huệ, Hai Bà Trưng, Phan Đăng Lưu – những trường top của tỉnh).
Về số lượng tuyệt đối thì trường Thừa Lưu có 32 GV được thăng hạng (chỉ sau trường chuyên Quốc học), vượt xa các trường khác có quy mô tương đương và quy mô lớn hơn.
Trong nhóm dẫn đầu về tỉ lệ còn có các trường như: An Lương Đông, Cao Thắng, Phú Bài, Đặng Trần Côn. Những trường ở top trung bình – khá của tỉnh, chưa phải trong top trường lớn.
Đơn của các giáo viên đặt nghi vấn dẫn đầu tỷ lệ giáo viên được xét thăng hạng là trường THPT Thừa Lưu – một trường ở mức độ trung bình về chất lượng học sinh và đội ngũ giáo viên, số lượng được thăng hạng chiếm đến 45% số giáo viên toàn trường?
Trong nhóm xếp cuối về tỉ lệ GV được nâng hạng có các trường: Đặng Huy Trứ, Bùi Thị Xuân, Nguyễn Đình Chiểu, Vinh Xuân (chỉ chiếm từ 6%-9%). Trong khi quy mô số lớp và tổng số GV các trường này hơn hẳn trường THPT Thừa Lưu. Trong đó Đặng Huy Trứ và Bùi Thị Xuân có quy mô hơn 100 GV.
Video đang HOT
Ngoài ra các giáo viên này còn phản ánh có sự bất thường về xét điểm ở cấp trường. Cụ thể, ở các trường Nguyễn Đình Chiểu, Hương Trà, Phong Điền yêu cầu GV phải kinh qua chức vụ tổ trưởng trở lên hoặc có làm ban giám khảo các hội thi mới được nộp hồ sơ. Các trường Bùi Thị Xuân, Thuận An, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Sinh Cung, A Lưới thì yêu cầu GV đã từng kinh qua chức vụ tổ phó trở lên.
Vì vậy, rất nhiều GV là chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, đủ điểm nhưng chưa kinh qua các chức vụ trên nên không được trường xét.
Tuy vậy nhưng nhiều trường như Thừa Lưu, An Lương Đông, Đặng Trần Côn… thì chỉ yêu cầu đủ thâm niên công tác (7 năm trở lên) và có thêm một số thành tích khác là được nộp hồ sơ.
Qua sự việc này, các GV đặt câu hỏi vì sao trong cùng một Sở Giáo dục, trong cùng một đợt mà mỗi Hiệu trưởng thì tự đưa ra các tiêu chí khác nhau. Dẫn đến số lượng GV thăng hạng giữa các trường chênh lệch rất lớn.
Các GV yêu cầu ban ngành chức năng làm rõ trách nhiệm của các Hiệu trưởng có liên quan trong việc xét thăng hạng năm 2018, trách nhiệm của Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh để trả lại công bằng cho tất cả GV THPT ở Thừa Thiên Huế, để các GV đủ điểm được nộp hồ sơ và xét thăng hạng.
Thống kê số lượng giáo viên thăng hạng 3 lên hạng 2 (đối chiếu kết quả điểm) – tài liệu đơn thư nhóm giáo viên cung cấp
Sở lập đoàn kiểm tra đến các trường xác minh từng trường hợp
PV báo Dân trí đã có cuộc làm việc với TS. Phạm Văn Hùng, Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế về việc này. Ông Hùng cho biết việc xét thăng hạng GV THPT từ hạng 3 lên hạng 2 của tỉnh năm 2018 được Sở chỉ đạo các trường làm dân chủ, công khai, minh bạch.
“Chúng tôi đã thành lập hội đồng liên ngành gồm Sở Giáo dục, Sở Nội vụ, Thanh tra tỉnh… Sở Giáo dục & Đào tạo có 1 hệ thống văn bản đẩy đủ, tỉ mỉ, cụ thể. Hội đồng đã bám sát các văn bản chỉ đạo của Bộ, ngành, trung ương, UBND tỉnh và không có bất cứ một sự vận dụng nào.
Mỗi hồ sơ của GV phải đầy đủ 4 lời khai, đánh giá của cá nhân GV đó, của tổ trưởng chuyên môn, công đoàn và hiệu trưởng. Nếu không có đủ chữ ký thì không được công nhận.
Tổng cộng chúng tôi có đến 26 đầu việc kéo dài thời gian trong 8 tháng. Hội đồng xét thăng hạng đã họp 5 lần. Về chấm điểm thì hội đồng đã thành lập thêm tổ giúp việc và chấm điểm qua 2 đợt, đợt 1 từ 18-26/7 và đợt 2 từ 17/9-1/10 nên có thể nói việc xét thăng hạng quá chi tiết” – ông Hùng cho biết.
TS. Phạm Văn Hùng, Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế (phải) làm việc với các báo
Hiện Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế đã đưa ra kết quả chấm điểm danh sách GV xét thăng hạng, tuy nhiên đây không phải là kết quả cuối cùng. Theo ông Hùng, chiếu theo quy định, kết quả điểm chấm cho các hồ sơ xét thăng hạng phải được thông báo để GV liên quan có ý kiến và xin phúc khảo (nếu thấy cần).
Tuy nhiên, thời gian vừa qua Sở đã nhận được một số thông tin phản ánh, băn khoăn của GV về tỷ lệ chênh lệch giữa các trường khá lớn. Để đảm bảo khách quan, chính xác, giải quyết tốt vấn đề trên, Sở này đã gửi giấy triệu tập thủ trưởng các đơn vị tham dự cuộc họp chiều 24/10 sắp tới về nội dung xét thăng hạng để rà soát bàn kế hoạch giải quyết.
Theo ông Hùng, sau cuộc họp bàn triển khai ở các trường, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ cử các đoàn kiểm tra đến với các trường để trực tiếp kiểm tra, rà soát xác minh cụ thể từng trường hợp đảm bảo đúng quy định và công bằng. Kết quả sẽ được thông tin đến báo chí sớm nhất.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin.
Đại Dương
Theo Dân trí
Hàn Quốc họp kín để giải quyết tham nhũng tại trường mầm non tư thục
Hãng Yonhap đưa tin, ngày 21/10, các quan chức từ Văn phòng Tổng thống, Chính phủ và Đảng Dân chủ cầm quyền (DP) đã tổ chức một cuộc họp để thảo luận về các cách để giải quyết những bất thường tại các trường mầm non tư thục.
Sự phẫn nộ của người dân ngày càng gia tăng trước tình trạng tham nhũng của chủ sở hữu các trường mẫu giáo tư thục. Ảnh: Yonhap
Cuộc họp kín được tiến hành trong bối cảnh sự phẫn nộ của người dân ngày càng gia tăng trước tình trạng tham nhũng của chủ sở hữu các trường mẫu giáo. Những phát hiện này đã được một nhà lập pháp chỉ ra trong một cuộc thanh tra mới đây của Bộ Giáo dục.
Cuộc thanh tra được tiến hành trong giai đoạn từ năm 2013 - 2017. Ông Park Yong-jin, một Đại biểu từ Đảng Dân chủ đã công bố danh sách khoảng 1.900 trường mầm mon tư thục bị phát hiện có liên quan đến gần 6.000 vụ gian lận kế toán, chi tiêu ngân sách và các bất thường khác.
Theo kết luận thanh tra của Bộ Giáo dục Hàn Quốc, từ năm 2012, ngoài những khoản học phí thu từ phụ huynh, các trường mầm non tư thục này đã nhận các khoản trợ cấp của Nhà nước. Một số chủ trường đã lạm dụng tiền trợ cấp cho các mục đích khác, trong đó bao gồm cả việc mua những vật dụng cá nhân.
Những đại biểu tham gia cuộc họp kín hôm 21/10 cũng đã tiến hành xem xét áp dụng một hệ thống kế toán nhà nước cho các trường học, có tên là hệ thống Edufine, để các trường mẫu giáo tư thục thực hiện.
Hiện nay, hệ thống Edufine được sử dụng bởi cả các trường công lập và trường tư. Tuy nhiên, trước đó, các trường mẫu giáo tư thục đã lên tiếng phản đối việc áp dụng nó, bởi hệ thống này sẽ đặt hồ sơ tài chính của họ dưới sự giám sát của Chính phủ.
Cuộc họp cũng đã thảo luận các cách để tiến hành kiểm tra, thanh tra thường xuyên các trường mẫu giáo tư thục và công bố công khai danh sách những chủ trường bị cáo buộc có những vi phạm nghiêm trọng.
Một loạt các biện pháp mang tính toàn diện dự kiến sẽ được công bố vào ngày 25/10, khi các quan chức cấp cao của Đảng Dân chủ và Chính phủ tổ chức tham vấn về vấn đề này.
Trước đó, ngày 20/10, nhiều phụ huynh học sinh và các nhà hoạt động đã tổ chức một cuộc biểu tình ở trung tâm Thủ đô Seoul để thúc giục Chính phủ nhanh chóng giải quyết những vấn đề bất thường đang tồn tại tại các trường mẫu giáo tư thục.
Ngọc Anh
Theo thanhtra
Cần làm rõ nhiều vấn đề tại NXB Giáo dục VN NXB Giáo dục VN công bố mảng kinh doanh độc quyền sách giáo khoa lỗ bình quân trên dưới 40 tỉ đồng/năm và kiến nghị tăng giá 'để đảm bảo doanh thu bù đắp chi phí'. Tuy nhiên, cách kinh doanh trong thực tế của đơn vị này có nhiều vấn đề cần phải làm rõ. Trụ sở NXB Giáo dục VN ở...