Cô giáo Yên Bái mang lớp học 4.0 đến với trò vùng cao
Mong trẻ yêu thích đi học, cô Đỗ Thùy Quyên, Trường Mầm non xã Suối Giàng ( Yên Bái) đã tạo nên lớp học 4.0, góp phần xóa tan khoảng cách với trò.
Cô giáo Đỗ Thùy Quyên hướng dẫn trẻ pha trà theo dự án bảo tồn và phát huy văn hóa trà shan tuyết Suối Giàng. Ảnh: NVCC.
Mang kiến thức giúp học sinh thay đổi cuộc đời
Sinh ra và lớn lên tại tỉnh Yên Bái, cô giáo Đỗ Thùy Quyên, 36 tuổi, thấu hiểu những khó khăn, vất vả của trẻ em vùng cao với điều kiện sống còn nhiều thiếu thốn. Từ nhỏ, cô đã ước mơ trở thành giáo viên và mang kiến thức giúp học sinh thay đổi cuộc đời.
Đến nay, cô Quyên đã có 17 năm gắn bó với nghề giáo trên vai trò là giáo viên mầm non. Trong đó cô dành nhiều thời gian gắn bó với trẻ em Trường Mầm non xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, một trong những khu vực đặc biệt khó khăn của tỉnh Yên Bái.
Nhắc đến học trò, cô Quyên bộc bạch: “Trẻ em nơi đây vẫn còn nhiều thiếu thốn. Lớp tôi hiện nay là lớp ghép 3 độ tuổi với 41 trẻ. Giữa các em còn có sự chênh lệch về khả năng nhận thức, độ mạnh dạn. Nhiều bạn chỉ mới ra lớp”.
Ngoài ra, 40 trẻ trong lớp là người dân tộc Mông nên việc giao tiếp với cô giáo người Kinh còn hạn chế. Một em là trẻ chậm phát triển nên cần được quan tâm, chăm lo nhiều hơn.
Trăn trở cùng khó khăn của những đứa trẻ vùng cao, cô Quyên quyết tâm tìm cách giúp học sinh được học tập và yêu thích đến trường.
Học sinh Trường Mầm non xã Suối Giàng. Ảnh: NVCC.
Một lần tình cờ, cô Quyên được tiếp xúc với tấm thiệp 3D do nước ngoài sản xuất nên nảy ra ý tưởng làm sách 3D cho học sinh. Cuốn sách đầu tiên ra đời đã khơi gợi hứng thú của những đứa trẻ người Mông nhút nhát.
Tuy nhiên, không chỉ là hình ảnh nổi, cô giáo mong muốn các chi tiết trong sách có thể chuyển động để trò tăng tương tác với sách và câu chuyện trong đó. Cơ hội đến với cô Quyên vào năm 2018, khi cô tham gia Cộng đồng Giáo viên sáng tạo Việt Nam của Microsoft và có cơ hội giao lưu, học hỏi từ đồng nghiệp trên mọi miền tổ quốc.
Nhờ đó, các cuốn sách ngày càng sống động, chi tiết hơn với những hình ảnh được cô giáo chỉnh sửa từ các ứng dụng của Office365. Năm 2019, sản phẩm sách 3D của cô Quyên được chọn là một trong 50 sáng kiến lọt vào chung kết cuộc thi Diễn đàn giáo dục Việt Nam – Đổi mới sáng tạo trên nền tảng Công nghệ thông tin.
Việc tham gia Cộng đồng Giáo viên sáng tạo Việt Nam còn giúp cô Quyên từ chỉ biết sử dụng phần mềm PowerPoint để thiết kế bài giảng, chuyển sang ứng dụng công cụ Skype mở lớp học “xuyên biên giới”. Thông qua Skype, cô giáo kết nối lớp học của mình với lớp học của các thầy cô giáo khác tại Việt Nam và ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, cô giáo đã xây dựng dự án “Nông sản sạch – cùng bé đến trường”. Dự án giúp cô trò có thêm kinh phí để mua sắm thiết bị dạy học và nâng cao chất lượng dạy học.
Cô Quyên hướng dẫn học sinh sử dụng robot Vex 123. Ảnh: NVCC.
Video đang HOT
Dạy học bằng robot thông minh
Mới đây, cô Quyên đã ứng dụng dạy học bằng robot thông minh. Hiện nay, lớp của cô Quyên đang sử dụng 2 robot thông minh là robot Mtiny và robot Vex 123 để giáo dục STEM.
Trong đó, robot Mtiny do cô Quyên trích kinh phí cá nhân, từ dự án “Nông sản sạch – cùng bé đến trường” kết hợp với kinh phí ủng hộ của nhà hảo tâm mua về dạy học. Còn robot Vex 123 được đội ngũ Liên minh STEAM và Kidscode STEM cho mượn.
Có thể đối với những đứa trẻ ở thành phố, robot là món đồ chơi bình thường nhưng với những em nhỏ vùng cao, nhất là trẻ em xã Suối Giàng, đây là món đồ vô cùng lạ lẫm. Ban đầu, khi được tiếp cận với robot, nhiều em còn rụt rè. Nhưng sau khi được cô Quyên hướng dẫn cách làm quen, em nào cũng thích và cũng mong được “chơi” cùng robot.
Học sinh có thể điều khiển robot bằng cách chạm đơn giản hoặc sử dụng thẻ mã hóa. Từ đó, các em có thể trau dồi kỹ năng tư duy, sáng tạo, giải quyết vấn đề và tiến tới việc làm quen với các thuật toán và mã hóa. Khi giảng dạy theo chương trình mầm non của Bộ GD&ĐT, cô cố gắng lồng ghép cho học sinh sử dụng robot thông minh.
Học sinh thực hành sử dụng robot Mtiny. Ảnh: NVCC.
Giảng dạy trong môi trường muôn vàn khó khăn nhưng cô Quyên đã và đang nỗ lực hết mình để mang lại những phương pháp, điều kiện học tập tốt nhất cho học sinh. Những kết quả tích cực từ các dự án như sách 3D, dạy học STEM, dạy học robot thông minh… là động lực để cô Quyên tiếp tục cố gắng.
“Tôi muốn mang đến sự thay đổi trong lớp học để rút ngắn khoảng cách giữa cô trò, khiến học sinh tin yêu ở mình, thích đi học và có động lực học tập. Nếu cô trò có thể gần gũi, giáo dục mới có thể mang lại hiệu quả. Ngọn lửa này sẽ theo các em trên hành trình đến trường sau này”, cô Quyên chia sẻ.
Chia sẻ về động lực đổi mới sáng tạo, cô Quyên cho biết: “Nói đến giáo dục và giáo dục STEM nói riêng, tôi giống một người học sinh, say mê, tò mò và muốn chinh phục tri thức mới. Nếu vốn kiến thức rộng và sâu, tôi có thể mang đến cho học trò những bài học chất lượng”.
Nhưng điều khiến cô Quyên phấn đấu hơn cả là mong muốn thay đổi khoảng cách giữa giáo viên và học sinh vùng cao, từ đó góp phần giảm thiểu chênh lệch giáo dục giữa các vùng miền. Học sinh dân tộc thiểu số vốn có tính cách nhút nhát nên khoảng cách giữa cô trò là rất lớn, dẫn đến việc dạy học gặp nhiều thách thức.
Dành nhiều thời gian nói về Cộng đồng Giáo viên sáng tạo Việt Nam, cô Quyên bày tỏ cảm thấy may mắn khi được tìm hiểu nhiều mô hình giáo dục ở những khu vực có đặc điểm địa lý khác nhau. Cũng nhờ cộng đồng này, cô được làm quen, kết bạn và được hỗ trợ bởi các đồng nghiệp, các tổ chức khắp mọi miền.
Cô Quyên (áo đen) tập huấn giáo dục STEM cho trường Tiểu học Trần Quốc Toản, TP Hạ Long. Ảnh: NVCC.
Ngoài ra, hiện nay cô Quyên đang nhận được sự đồng hành, hỗ trợ lớn từ Liên minh STEM nhằm thúc đẩy STEM 4.0 cho huyện Văn Chấn, Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) và huyện Than Uyên (tỉnh Lai Châu). Với những kinh nghiệm trong lĩnh vực STEM, cô giáo đã và đang tập huấn, chia sẻ về triển khai giáo dục STEM trong chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông cho các cấp học, đơn vị trường, Phòng GD&ĐT và Sở GD&ĐT nhiều địa phương.
Nỗ lực không ngừng nghỉ của cô Quyên cộng với sự hỗ trợ nhiệt tình từ mọi người xung quanh đã giúp những đứa trẻ vùng cao trở nên tự tin và mở lòng hơn với cô giáo. Để giờ đây, từ một giáo viên người Kinh lên xã Suối Giàng công tác, cô Quyên đã trở thành “người mẹ thứ 2″ của những đứa trẻ người Mông.
Lớp học có 42 học sinh đạt trên 9 điểm Ngữ văn: Bí quyết của cô giáo
Để Văn học đến với học sinh một cách tự nhiên, cô Nguyễn Thị Hoài Thu, giáo viên Trường Trung học phổ thông Quang Trung, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng tìm cách cho các em tiếp cận môn học rất thực tế.
Cô Nguyễn Thị Hoài Thu trong giờ Ngữ văn. (Ảnh: Minh Thu/TTXVN)
Với phương pháp dạy Ngữ văn sáng tạo, hơn 10 năm qua, cô giáo Nguyễn Thị Hoài Thu, Tổ trưởng bộ môn Văn-Sử-Địa, Trường Trung học phổ thông Quang Trung, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng đã đào tạo những lứa học trò xuất sắc.
Trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm học 2021-2022, 42/50 học sinh lớp 12 C4 cô Thu dạy đạt trên 9 điểm môn Ngữ văn.
Từ nền tảng căn bản đến sáng tạo riêng
Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Thái Nguyên, cô giáo Nguyễn Thị Hoài Thu (sinh năm 1978) một mình từ Thái Nguyên trở về huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng (quê hương của bố mẹ) để sinh sống và lập nghiệp.
Sau 1 năm dạy học ở trường bán công Thủy Nguyên, cô về công tác tại Trường Trung học phổ thông Quang Trung, xã Cao Nhân, huyện Thủy Nguyên.
Với mong muốn đổi mới phương pháp dạy để học sinh không nhàm chán và đó cũng là cách để tự làm mới mình, cô Thu đã dành thời gian đi học nâng chuẩn, nỗ lực tự học, tìm tòi nghiên cứu để mỗi bài giảng học sinh hứng thú, phát huy năng lực của các em.
Sau khi nghiên cứu, tìm tòi, cô Thu nhận thấy "lược đồ tư duy" là phương pháp rất khoa học để các em nhớ bài nhanh. Cô hướng dẫn các em vẽ "lược đồ tư duy" làm sao cho vừa đẹp mắt, vừa khoa học lại tóm lược những ý cơ bản của bài.
Đầu tiên, cô yêu cầu học sinh đọc kỹ tác phẩm, hình dung ra những hình ảnh mà mình sẽ vẽ từ nội dung của tác phẩm, sau đó chất lọc các từ ngữ, các câu then chốt để đưa vào sơ đồ. Với phương pháp này, học sinh sẽ hệ thống được bài học, nắm chắc nội dung bài.
Phương pháp "đóng vai" cũng được cô Thu áp dụng trong nhiều bài giảng. Đây là phương pháp mà học sinh vô cùng thích thú vì các em phát huy những năng khiếu sở trường của bản thân từ việc dàn dựng sân khấu cho đến viết kịch bản đạo diễn, trang phục.
Cùng với đó, cô Thu còn áp dụng kỹ thuật "hỏi chuyên gia" để giúp các em hiểu sâu hơn về bài học, tạo cho không khí lớp học sôi nổi.
Những "chuyên gia" là những em học sinh học khá, giỏi bộ môn Văn, có hiểu biết kiến thức văn học sâu hơn các bạn khác. Phương pháp này giống như một buổi tư vấn giải đáp trả lời cho những băn khoăn thắc mắc về các vấn đề trong bài học.
Các phương pháp trên sẽ giúp các em nắm vững bài tập, đạt điểm cao ở các phần thi đọc hiểu, song như thế vẫn là chưa đủ để học sinh có thể viết những câu văn, đoạn văn uyển chuyển, mượt mà.
Kỹ thuật "viết tích cực" là công cụ để học trò thể hiện trọn vẹn năng lực của mình. Về kỹ thuật "viết tích cực," cô Thu cho biết cô khuyến khích các em hãy viết thật tự nhiên, viết tất cả những gì các em suy nghĩ, không câu nệ sách vở, không giống bài của cô giáo hay của bất cứ ai. Khi gỡ bỏ được từ "phải" ra khỏi suy nghĩ, hầu hết học sinh đều viết rất tự nhiên, có mạch văn, cảm xúc.
Tiếp cận Ngữ văn một cách thực tế
Có phương pháp dạy học tốt giống như có một công cụ tối ưu nhưng để Văn học đến với học sinh một cách tự nhiên, cô Nguyễn Thị Hoài Thu tìm cách để các em tiếp cận môn học rất thực tế.
Khi tiếp nhận bất cứ lớp mới nào, cô Thu sẽ luôn hỏi học sinh "Các em có biết học Văn để làm gì không? Tại sao các em phải học Văn?" Câu trả lời của học trò có rất nhiều, trong đó có những băn khoăn, tại sao việc học văn lại vẫn phải cẩn thận từng câu, từng chữ trong khi tiếp cận thông tin trên môi trường mạng đã hoàn toàn thay đổi.
Cô Nguyễn Thị Hoài Thu luôn khuyến khích học sinh phát huy hết khả năng sáng tạo trong tiếp cận môn Ngữ văn. (Ảnh: Minh Thu/TTXVN)
Trả lời câu hỏi, cô gợi mở sau này ra trường, tất cả các em sẽ phải tiếp cận rất nhiều văn bản. Việc đọc để hiểu một văn bản vô cùng quan trọng cũng như viết một văn bản sao cho đúng về nội dung và đúng về câu chữ. Nắm chắc những kiến thức cơ bản của bộ môn Ngữ văn hôm nay sẽ giúp cho các em rất nhiều trong công việc về sau cũng như trong cuộc sống.
Vượt lên những bình thường này, Văn học có khả năng chạm đến trái tim của mỗi người. Vì vậy, đứng trước một tác phẩm, cô luôn đặt ra câu hỏi với học sinh "Vậy thông qua tác phẩm, nhà văn muốn chuyển tải đến chúng ta những thông điệp gì." Các em gọi tên những thông điệp đầy ý nghĩa và đó cũng là cách để học sinh nhận thức được vai trò, ý nghĩa của bộ môn và các em sẽ lại hào hứng khám phá những tác phẩm mới.
Cô Thu chia sẻ giúp cho một lớp làm chương trình "Ngoại khóa Văn học" là vất vả nhất. Các em sẽ là những người viết kịch bản cho tác phẩm, lên ý tưởng cho đạo cụ, sân khấu và tập vai diễn một cách say sưa. Nếu thầy cô sân khấu hóa được tác phẩm, học sinh sẽ có những sân chơi bổ ích, thiết thực, Văn học sẽ đi vào cuộc sống. Đây cũng là một cách để cho giáo viên phát huy năng lực của học sinh, như thế những tác phẩm Văn học sẽ trở nên gần gũi hơn với các em.
Hạnh phúc bình dị
Không chỉ đổi mới trong phương pháp giảng dạy để đạt hiệu quả cao trong các kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, cô Thu còn là giáo viên chủ chốt ôn luyện đội tuyển học sinh giỏi thành phố môn Ngữ văn của trường.
Năm nào, cô cũng đóng góp cho thành tích chung của nhà trường những học sinh đoạt giải cao ở bộ môn Ngữ văn, truyền cảm hứng, đam mê và có rất nhiều em đi theo con đường văn chương.
Em Hoàng Khánh Linh đoạt giải nhất học sinh giỏi thành phố môn Ngữ văn (năm 2021); em Cao Khánh Linh đoạt giải ba học sinh giỏi thành phố (năm 2022). Cả hai em đang theo học tại Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Em Hoàng Văn Hiệp, học sinh lớp 12 C8, chia sẻ trước đây, em rất sợ học Văn do cảm giác đây là môn học thuộc, không có sự sáng tạo và chẳng biết viết như nào mới đạt ý, đủ ý. Được học cô Thu, với cách truyền thụ sinh động, mỗi giờ Văn là một giờ học hào hứng, sáng tạo.
Đặc biệt, cô luôn khuyến khích chúng em viết thật tự nhiên, viết những gì đang diễn ra trong suy nghĩ, giúp em học môn học này chủ động và rất thích thú.
Theo thầy Ngô Văn Tuyến, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Trung học phổ thông Quang Trung, hơn 10 năm qua, cô Thu cùng các cô giáo của Tổ Văn-Sử-Địa của nhà trường đã luôn nỗ lực tiếp cận phương pháp giảng dạy mới và đạt hiệu quả.
Nhiều năm liền, bộ môn Ngữ văn luôn đứng trong tốp đầu thành phố trong Kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông và để lại ấn tượng lớn với giáo viên Văn của Hải Phòng.
Tháng 4/2022, cô Thu vinh dự chia sẻ kinh nghiệm để ôn thi tốt nghiệp môn Ngữ văn đạt kết quả cao cho giáo viên trong toàn thành phố với mong muốn bộ môn Ngữ văn của Hải Phòng sẽ nằm trong tốp đầu của cả nước.
Cô Nguyễn Thị Hoài Thu trong giờ Ngữ văn. (Ảnh: Minh Thu/TTXVN)
Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thủy Nguyên, Trường Trung học phổ thông Quang Trung trước đây chỉ đứng vị trí thứ 3 hoặc thứ 4 về thành tích giáo dục đào tạo, nhưng trong 10 năm trở lại đây đã vươn lên giữ vị trí số 1. Chất lượng đào tạo môn Ngữ văn của trường luôn đứng tốp đầu các trường Trung học Phổ thông tại Hải Phòng.
Tại lễ biểu dương học sinh, sinh viên tiêu biểu xuất sắc của thành phố vừa diễn ra, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Lê Khắc Nam phát biểu năm học 2021-2022, Hải Phòng đứng đầu toàn quốc về điểm trung bình môn Ngữ văn và giữ vững vị trí tốp đầu các tỉnh, thành phố về công tác phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia với 86 học sinh tham gia đoạt giải, xếp thứ 2 toàn quốc.
Trong thành công chung này có sự đóng góp của cô giáo Nguyễn Thị Hoài Thu. Với cá nhân cô Thu, niềm vui này thật lớn nhưng không phải là phần thưởng lớn nhất của một nhà giáo.
Theo cô Thu, niềm vui trong công việc là sau những bài văn từ trang sách, học sinh của cô đều trưởng thành với một trái tim thấu cảm, yêu thương con người và cuộc sống. Đó chính là gạch nối đẹp đẽ từ trang sách đến cuộc đời mà chỉ môn Ngữ văn mới mang đến được./.
Những cô giáo miền xuôi ở lại Pa Ủ VOV.VN -Những năm qua, nhiều thế hệ cán bộ, giáo viên từ miền xuôi lên vùng cao khó khăn, biên giới xa xôi của tỉnh Lai Châu công tác đã nỗ lực vượt khó, gắn bó với học trò và bản làng. Chấp nhận xa gia đình, các thầy, cô giáo đã gửi cả thanh xuân nguyện vượt rừng sâu, gian khổ ngày...