Cô giáo Việt 14 năm cống hiến nơi xứ người
Đến nay, 14 năm xa Tổ quốc thì có đến 10 năm cô giáo Phương cống hiến cho nền giáo dục Ănggola. Xa gia đình nhưng bà vẫn tự hào là hậu phương vững chắc nuôi dưỡng tài năng cho ba nhà khoa học của gia đình.
Người phụ nữ Việt với sứ mệnh cầu nối bang giao Việt Nam – Ănggola
Bà Nguyễn Lan Phương sinh ra tại Hà Nội, trong một gia đình có bảy anh chị em. Ngay từ nhỏ, cô bé Nguyễn Lan Phương đã biết tạo cho mình một cuộc sống tự lập. Bố đi làm cách mạng triền miên không về nhà, một mình mẹ vất vả nuôi bảy anh chị em. Thương bố mẹ, cô bé Phương tự nhủ phải cố gắng học thật giỏi để không phụ công sinh thành dưỡng dục. Và những nỗ lực không ngừng của Phương đã đơm hoa kết trái.
Bà Nguyễn Lan Phương là một trong 2 Việt kiều Ănggola được Ủy ban nhà nước về người Việt Nam tại nước ngoài (Bộ Ngoại Giao) mời tham dự Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội dịp vừa qua.
Những năm tháng học trò, dù vừa học tập, vừa phải sơ tán chạy máy bay giặc khắp các vùng quanh Hà Nội, cô bé Nguyễn Lan Phương vẫn liên tục đoạt danh hiệu học sinh xuất sắc và được cử đi thi học sinh giỏi Toán toàn miền Bắc năm 1966.
Ngay năm sau, trong niềm hạnh phúc vỡ òa, Phương nhận được giấy triệu tập của Bộ Đại học và chuyên nghiệp quyết định cử đi học đại học chuyên ngành Vật lý lí thuyết tại Rumani.
Bà Nguyễn Lan Phương
Năm 1971, sau bốn năm học tập trên đất bạn và trở về với tấm bằng xuất sắc, bà được phân về giảng dạy tại trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội. Đam mê tìm tòi và nghiên cứu khoa học, năm 1977 bà đã trở thành một trong những lớp thạc sĩ đầu tiên được đào tạo thành công tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Gần hai mươi năm giảng dạy và cống hiến tại ngôi trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, trong quãng thời gian dài cần mẫn với sự nghiệp “trồng người”, những danh hiệu cao quý như: Giáo viên dạy giỏi toàn thành phố, Người tốt việc tốt Thủ đô… là sự động viên tinh thần thiêng liêng và cao quý nhất đối với cô giáo Nguyễn Lan Phương.
Rồi một bước ngoặt lớn đã khiến cuộc đời bà rẽ sang một hướng khác để trở thành chiếc cầu nối cho mối bang giao và tình hữu nghị giữa hai đất nước Việt Nam – Ănggola. Năm 1989, khi mối quan hệ hữu nghị hai nước đã trở nên thân thiết, nhà nước Ănggola quyết định nhờ Chính phủ Việt Nam tập hợp giúp một đội chuyên gia trẻ sang nước bạn giúp cải tiến và nâng cao nền giáo dục. Ngay sau khi thi tuyển thành công, cô giáo Phương đã cùng đoàn chuyên gia Việt Nam lên đường sang nước bạn.
Video đang HOT
Những năm tháng bà cống hiến nơi xứ người cũng là lúc hai cậu con trai ở nhà bước vào tuổi mới lớn, rất cần bàn tay chăm sóc của mẹ. Mẹ vắng nhà, con thiếu mẹ, đó là một thiệt thòi không gì bù đắp được. Cũng thật may mắn, hai con của bà hiểu và thương yêu mẹ hết mực nên cố gắng học giỏi và là nguồn động viên tinh thần lớn nhất của bà.
Đến nay, 14 năm xa Tổ quốc thì có đến 10 năm cô giáo Phương cống hiến cho nền giáo dục Ănggola. Mãi đến năm 2006, khi sức khỏe bắt đầu sa sút, bà mới nhận lời làm chuyên gia cố vấn cho công ty Pedrinho producoes trên đất bạn.
Người phụ nữ thầm lặng phía sau ba nhà khoa học
Ở tuổi 61, vẻ đẹp mặn mà của người con gái Hà Thành vẫn còn vương vấn trên khuôn mặt bà Nguyễn Lan Phương. 15 năm xa gia đình, xa Tổ quốc, hạnh phúc lớn nhất của bà là trở thành “hậu phương” vững chắc và thầm lặng nuôi dưỡng tài năng cho ba nhà khoa học cống hiến cho Tổ quốc.
Nói về chồng, dịch giả – kiến trúc sư Lê Phục Quốc, giọng bà sôi nổi, không giấu được niềm tự hào. Cho đến tận bây giờ, trải qua bao gian truân và thử thách, ông vẫn mãi là người chồng mà bà thần tượng: một nhà khoa học tài năng và cần mẫn đến “không thể tưởng tượng nổi” như lời bà nói. Bà nâng niu mang từ giá sách cho chúng tôi xem công trình mới nhất của kiến trúc sư Lê Phục Quốc: Cuốn “Bách khoa thư kiến trúc, hội họa, điêu khắc, đồ họa, nghệ thuật trang trí” vừa xuất bản năm 2010 dày gần 1.300 trang với một nguồn kiến thức tưởng như vô tận từ đông, tây, kim, cổ của khắp các nền văn hóa trên thế giới.
Tình yêu bà dành cho ông hàm chứa biết bao niềm cảm phục tài năng. Là một trong những dịch giả đầu tiên được nhà nước cử đi học tiếng Nga tại Moscow, kiến trúc sư Lê Phục Quốc đã dịch 15 cuốn sách tiếng Nga cùng nhiều tài liệu về kiến trúc bằng các thứ tiếng Anh, Pháp, Đức, Tây Ba Nha, Trung Quốc… sang tiếng Việt.
Bà Phương (áo dài xanh – bìa phải) trong buổi được gặp gỡ với Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nhân dịp về nước dự Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội
Niềm tự hào thứ hai của bà Phương là sự thành đạt của hai người con trai: Anh Lê Thanh Hà và anh Lê Quốc Cường. Cả hai anh em cùng học đại học tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội chuyên ngành Công nghệ thông tin. Anh cả Lê Thanh Hà đã bảo vệ thành công thạc sĩ tại Sydney – Úc, hiện làm việc cho hãng máy tính IBM chi nhánh tại Việt Nam. Em trai Lê Quốc Cường bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ và luận án tiến sĩ tại Paris – Pháp, hiện vừa nghiên cứu vừa làm việc cho tập đoàn điện tử Panasonic.
Thời gian sống và làm việc tại Ănggola, bà Nguyễn Lan Phương đã quá quen thuộc với cộng động người Việt tại nước này bởi bà thường xuyên giúp đỡ bà con khi gặp rắc rối với các nhà chức trách sở tại do không biết ngôn ngữ nước bạn. Ngoài ra bà cũng là Chi Hội trưởng Chi hội người Việt tại Fapa – Ănggola.
Trong lần tham dự Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, bà đã dâng trào cảm xúc và viết nên những vần thơ dâng tặng Thủ đô ngàn năm tuổi: “Từ mùa thu ngàn năm xưa ấy/ Thành phố “Rồng bay” đi vào lịch sử/ Đất Thăng Long với bao gương hào kiệt/ Rực rỡ sáng ngời non sông Việt Nam!”.
Theo Dân Trí
13 năm làm nô lệ tình dục ở xứ người
Sau 13 tủi nhục, chị đã tìm được sự bình yên chốn quê nhà (Hình minh họa)
Mong được đổi đời, chị Phan Thị B (SN 1960), quê ở xã Sơn Tây, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã lên tàu đi theo một người phụ nữ lạ sang tận Trung Quốc. Ở xứ người, chị đã phải làm nô lệ tình dục cho một ông chồng hờ. Sau 13 năm lưu lạc, chị may mắn tìm được về quê hương. Câu chuyện tủi nhục, bi đát của người phụ nữ bất hạnh này khiến rất nhiều người phải rơi lệ.
Muốn đổi đời thành nô lệ
Năm 1995, sự nghèo khó đã đẩy người đàn bà góa Phan Thị B (SN 1960), quê ở xã Sơn Tây, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) phải ra làm thuê ở TX Hà Tĩnh. Một hôm, có người phụ nữ khoảng 50 tuổi tên là Hà, hứa giúp B đổi đời. Theo lời Hà thì lần này chị ta về thăm quê, ít ngày nữa lại sang với chồng con ở bên Trung Quốc. Hà nói, nếu B muốn làm công việc nhẹ nhàng, thu nhập cao thì đi sang Trung Quốc với Hà.
Chị Phan Thị B. và con gái đang kể chuyện với PV.
Không chút ngại ngần, B đã theo Hà ra TP Vinh lên tàu đi Lào Cai, rồi sang Quảng Đông (Trung Quốc). Tại đây, Hà giao B cho một người đàn ông tên Chung Cam Sình, khoảng 40 tuổi. Lúc đầu, B làm giúp việc, chợ búa, nấu nướng, dọn dẹp cho người đàn ông này. Dần dần B trở thành nô lệ tình dục của Sình và nhiều người trong gia đình Sình. Năm 1998, B sinh con gái. Chị tâm sự: " Ở xứ lạ, tôi gần như không biết gì. Muốn liên lạc với người thân hay tìm đường về nhà cũng rất khó khăn. Chỉ biết nơi tôi ở là huyện Dinh Tệ. Sinh con, thiếu ăn nên tôi bị đau ốm thường xuyên. Nhưng dù ốm đau đến mấy thì tôi cũng phải làm việc quần quật suốt ngày, hết công việc ngoài đồng lại đến trong nhà. Ngày nào cũng thế, tôi phải dậy từ lúc gà gáy để ra đồng hái rau đem ra chợ bán. Khi về đến nhà, tôi phải phục vụ hết người này đến người khác. Đời sống tinh thần bị tổn thương quá nặng là nỗi kinh sợ lớn nhất, luôn đeo bám tôi cho đến nay".
Tại quê nhà, sau khi B mất tích, gia đình chị đã dốc sức đi tìm. Song, mọi nỗ lực tìm kiếm đều bất thành. Khi chị còn đang sống cảnh nô lệ ở xứ người thì bố mẹ chị đổ bệnh và lần lượt qua đời. Tôi hỏi, sống khổ thế sao chị không bỏ trốn? Nghẹn ngào, chị B kể: "Không phải tôi không muốn bỏ trốn, song với sự giám sát nghiêm ngặt của những người trong gia đình chồng nên việc bỏ trốn nhiều lần bất thành".
Chị B đã phải sống cảnh nô lệ trong gia đình này suốt 13 năm. Năm 2008, chị khóc suốt đêm cầu xin chồng về thăm quê vì hay tin mẹ mất. Chung Cam Sình đồng ý nhưng chỉ cho chị về một mình. Vừa ôm con gái vào lòng, chị tâm sự tiếp: "Dù phải để con gái ở lại nhưng tôi rất vui mừng khi được trở về. Suốt mấy ngày lần mò, dò hỏi đường, cuối cùng tôi đã về đến quê hương. Tôi không về quê ngay mà vào TP.HCM gặp em gái bàn cách quay lại Trung Quốc giải thoát cho con gái. Sau đó, phần nhớ con, phần để lấy lòng tin với nhà chồng, tôi đã trở lại Trung Quốc".
Tay trắng cùng những nỗi đau
Thấy chị B quay lại, Chung Cam Sình và gia đình rất tin tưởng. Sau đó ít ngày, B nói với gia đình chồng rằng, bên nhà ngoại rất muốn cả gia đình cùng nhau về thăm quê một chuyến. Chị B kể tiếp: "Ông ấy đồng ý và chúng tôi cùng nhau về Việt Nam. Về đến đất Việt, mẹ con tôi đã đánh lừa ông ấy thoát thân".
Suốt 13 năm bặt vô âm tín, bỗng dưng vào một ngày tháng 2 năm 2008, chị B trở về trước sự ngỡ ngàng của người thân trong gia đình. Dáng người gầy guộc, khuôn mặt sạm đen, chị về với người thân trong nước mắt. Ra đi với mơ ước được đổi đời, giờ chị trở về với hai bàn tay trắng cùng những nỗi ê chề, tủi nhục. Tài sản duy nhất chị có được suốt 13 năm xa xứ là cô con gái, chỉ biết nói tiếng Việt bập bẹ.
Chị Phạm Thị Hải, em dâu của chị B kể lại: "Sau khi bố mẹ qua đời, anh em vẫn tiếp tục tìm kiếm chị nhưng rồi đành bỏ cuộc. Chúng tôi cứ tưởng chị đã mất tích, không thể nào gặp lại được. Ngày chị trở về, tất cả người thân dường như không thể tin vào mắt mình. Thương quá, anh em, người thân đã góp và vay thêm tiền xây dựng cho hai mẹ con chị căn nhà làm chỗ nương thân trong quãng đời còn lại".
Nghe em dâu nói, chị B lại nghẹn ngào: "Suốt 13 năm trời tôi chống chọi với số phận nghiệt ngã nơi xứ người. Cái mất lớn nhất của tôi là không có cơ hội báo hiếu bố mẹ, không được nhìn mặt bố mẹ trong những giây phút cuối đời. Ngày tôi về, bố mẹ đã đi xa. Giờ đây, tôi chỉ đặt niềm hy vọng vào cô con gái duy nhất và sống nương tựa vào người thân và bà con lối xóm. Tôi thoát cảnh phải bỏ thân ở xứ người là hạnh phúc lắm rồi, giờ tôi chỉ mong cho con gái nhanh hòa nhập được với cuộc sống hiện tại, mong có được một công việc ổn định để nuôi cháu".
Về Việt Nam, con gái chị B lấy tên là Phan Thị Tuyết N. theo họ của mẹ. Tuyết N. đã được em gái chị B gửi học tiếng Việt 2 năm nay ở TP.HCM.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Tá Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Tây cho biết: "Chúng tôi đã báo cáo lên Phòng LĐTB-XH huyện rồi. Khi chị B trở về, Bộ LĐTB-XH có cán bộ về phối hợp với Phòng LĐTB-XH điều tra. Qua đó, họ cho chúng tôi biết, chị B không thuộc đối tượng là nạn nhân của tệ nạn buôn bán phụ nữ (?!). Chị B không thuộc diện hộ nghèo năm 2010 vì trong danh sách xóm đưa lên không có tên gia đình chị. Chúng tôi sẽ xem xét lại để có giải pháp hỗ trợ mẹ con chị B trong điều kiện có thể".
Ông Nguyễn Tá Tuấn và ông Phan Tiến Hùng.
Ông Phan Tiến Hùng, Trưởng phòng LĐTB-XH huyện Hương Sơn khẳng định: " Trường hợp này, huyện chưa nhận được báo cáo của UBND xã Sơn Tây nên chưa có cơ sở để xem xét. Chúng tôi sẽ tiến hành xác minh, nếu đúng hai mẹ con chị B có hoàn cảnh như vậy thì sẽ đề xuất với UBND huyện hỗ trợ, tạo điều kiện giúp chị B có một công việc ổn định. Còn nếu 2 mẹ con chị thuộc đối tượng được hưởng chính sách trợ cấp xã hội thì chúng tôi sẽ triển khai ngay". Ông Hùng còn cho biết thêm, huyện sẽ tạo điều kiện cho hai mẹ con chị B sớm ổn định cuộc sống, nhanh chóng hòa nhập cộng đồng.
Được biết, ở xã Sơn Tây ngoài mẹ con chị B, còn có một số người khác đã từng là nạn nhân của tệ nạn buôn bán phụ nữ như chị Lê Thị L, chị Nguyễn Thị H... Có người sau khi trở về đã bị mắc bệnh HIV hay các căn bệnh xã hội khác. Tất cả họ đều là những mảnh đời, những số phận bất hạnh, bị rơi vào hoàn cảnh đáng thương khi phải trải qua một quãng thời gian tủi nhục nơi xứ người.
Theo Đời sống pháp luật
Sao nam Việt ngày ấy và bây giờ Thời gian có thể làm diện mạo của nghệ sĩ thay đổi nhưng những đóng góp và cống hiến cho nghệ thuật thì luôn sống mãi trong lòng khán giả. Mời các bạn cùng ngắm lại hình ảnh các sao nam của showbiz Việt ngày ấy và bây giờ. Có những ngôi sao đã già, có những ngôi sao ngày càng đẹp lên...