Cô giáo vào trường tát đồng nghiệp bị phạt 7 triệu đồng
Cô Lê Thị Cúc – giáo viên trường THPT Ngô Quyền, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng – bị phạt 7 triệu đồng vì đánh người và quay clip đồng nghiệp tung lên mạng.
Chiều 21/10, ông Mai Tấn Linh (Chánh thanh tra Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng) cho biết sau khi tìm hiểu xác minh, cô Lê Thị Cúc đã có hành vi đánh người và quay clip đồng nghiệp tung lên mạng.
“Cô Cúc đã vi phạm và xâm phạm các quy định nên chúng tôi đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với cô này 7 triệu đồng”, ông Linh nói.
Cụ thể, theo ông Linh, căn cứ xử phạt là cô Cúc đã đánh giáo viên Lan Anh và dồn cô Oanh vào góc tường để quay clip tung lên mạng. Đây là các hành vi xâm phạm đến thân thể và xúc phạm nhân phẩm nhà giáo, do đó căn cứ theo Điều 21 Nghị định 138 của Chính phủ về “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục” để xử lý.
“Mức xử phạt ở khung này là 5-10 triệu đồng nhưng chúng tôi thấy hành vi của cô Cúc là nghiêm trọng nên xử phạt 7 triệu đồng”, ông Linh nói.
Tuy nhiên, theo ông Linh, Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng không ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với cô giáo Cúc.
Trước đó, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng Nguyễn Đình Vĩnh cho biết Thanh tra sở đã họp sơ bộ và ra quyết định xử phạt hành chính đối với cô giáo Oanh (giáo viên mỹ thuật trường Tiểu học và THCS Đức Trí, quận Hải Châu) với số tiền 5 triệu đồng và tạm đình chỉ công tác một tháng.
Cô Oanh là giáo viên liên quan đến vụ việc vô tình làm em H.G bị xước má. Sau đó, phụ huynh của em H.G là cô Lê Thị Cúc (giáo viên trường THPT Ngô Quyền, quận Sơn Trà) xông vào đánh cô giáo khác và gây náo loạn trường học.
Trường Tiểu học và THCS Đức Trí, nơi xảy ra vụ việc. Ảnh: Pháp Luật TP.HCM.
Video đang HOT
Trước đó, khoảng 16h35 ngày 12/10, cô Cúc dắt theo con đang học lớp 3/4 với một vết xước trên mặt đến Trường Đức Trí. Thời điểm này đang vào giờ tan lớp, cô Cúc bất ngờ lao tới tát túi bụi cô giáo Lan Anh đang làm nhiệm vụ trả học sinh.
Cô Lan Anh bị cô Cúc tát không kịp tự vệ và bị ngã, gây thương tích. Cô Cúc đánh xong mới biết nhầm người.
Sau đó, Ban giám hiệu trường Đức Trí mời cô Cúc và em H.G vào làm việc. Tại đây, em H.G cho biết em bị cô Oanh đánh trong giờ ngủ trưa vì nói chuyện với bạn. Tuy nhiên, H.G nói khi bị cô đánh thì không thấy gì, ngủ dậy mới thấy rát mặt và có vết xước ở má.
Trường Đức Trí triệu tập cô Oanh làm việc. Khi cô Oanh vừa bước vào thì cô Cúc rút điện thoại, ép cô Oanh vào tường quay clip để tung lên mạng. Cô Oanh hoảng sợ bỏ chạy, cô Cúc đóng cửa phòng và tiếp tục quay phim.
Cô Oanh cho biết trong lúc ngủ trưa, H.G nói chuyện với bạn trong lớp nên cô nhắc nhở rất nhiều lần vẫn không được. Vì vậy, cô Oanh đã phạt vào phía vai của em H.G (đang nằm sấp). Móng tay dài đã sượt qua má gây ra vết xước. Cô Oanh cũng không biết có vết xước này.
Một lúc sau, chồng cô Cúc tới và giật lấy micro, xô xát với các thầy cô trong trường làm một cô giáo chảy máu tay. Sự việc gây hoảng loạn trong trường.
Ngày 13/10, cô Cúc đến trường Đức Trí rút hồ sơ chuyển trường cho con.
Theo Lê Phi / Pháp Luật TP.HCM
Giá của cái tát
Vấn đề ở chỗ xâm phạm thân thể người học như thế nào sẽ bị phạt 5 triệu đồng, như thế nào thì phạt 10 triệu đồng và khi nào là không vi phạm?
Một cô giáo ở Đà Nẵng bị cho là tát học sinh (HS) đến trầy má (và cơ quan chức năng đã xác định hành vi của cô giáo chỉ là vô tình). Một cô giáo khác xót con bị trầy má xông vào tát cô giáo của con mình.
Nếu căn cứ quy định pháp luật, cả hai cô giáo đều sẽ bị phạt 5-10 triệu đồng cho hành vi bạo lực này.
Là giáo viên mấy chục năm, tôi đã thật thiếu sót và giật mình khi bây giờ mới biết về Nghị định 138/2013 xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục qua vụ xử phạt 5 triệu đồng đối với cô giáo có hành vi đánh HS.
Đọc văn bản mà tôi rùng mình. Nghề giáo thời nay thực sự nguy hiểm quá! Bất cứ lúc nào các nhà giáo cũng có thể phạm pháp bởi hầu như ai cũng từng có một vài lần "xâm phạm thân thể người học".
Ví dụ thân mật vỗ vai HS: "Nhóc! Sao đi trễ hoài vậy?" hoặc gắt gỏng phát vào mông đứa bé: "Sao không đứng ngay hàng thẳng lối". Đôi lúc chúng ta còn nhéo tai học trò: "Sao con lại ăn hiếp bạn?". Chẳng may các hành vi ấy bị xem là "xâm phạm thân thể" thì nguy hiểm quá!
Một hiệu trưởng trường THCS tại TP.HCM: Tôi thấy việc Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng xử phạt cô giáo 5 triệu đồng và đình chỉ dạy một tháng là quá nặng, cứng nhắc và thiếu công bằng.
Thứ nhất, việc áp dụng khoản 2 Điều 21 Nghị định 138/2013 lâu nay đã gây tranh cãi bởi khó phân định trong thực tế, thường áp dụng khi rõ dấu hiệu giáo viên xúc phạm danh dự, nhân phẩm, ngược đãi và xâm phạm thân thể HS.
Trường hợp trên, sở không chứng minh được điều đó mà vẫn phạt là chưa hợp lý.
Thứ hai, sở đã xử phạt giáo viên theo Nghị định 138/2013 thì cũng phải xử phạt phụ huynh theo khoản 2 Điều 19 nghị định này - phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục.
Phụ huynh đã thể hiện rõ thái độ côn đồ, xông vào đánh giáo viên, xúc phạm, thậm chí còn đòi quay phim nhục mạ các cô giáo. Đó là chưa kể phụ huynh này cũng là giáo viên, là tổ trưởng bộ môn của một trường trung học với 18 năm làm việc.
Riêng về Nghị định 138/2013, tôi thấy không ổn. Quy định chỉ mới nặng về phạt tiền mà thiếu tính xác thực hành vi bên nào xúc phạm, ngược đãi bên nào.
Trong giáo dục mà phạt bằng tiền là không ổn vì mục đích tối thượng là giáo dục các mối quan hệ thầy-trò, thầy với thầy hoặc thầy cô với phụ huynh chứ không phải "đánh" vào túi tiền.
Một giáo viên tại quận 10, TP.HCM: Làm HS bị xước mặt là sai nhưng điều đó không có nghĩa là bản chất cô giáo làm xước mặt học trò không có tâm với nghề.
Theo các thông tin đăng tải thì cô giáo không phải cố ý vì đã nhắc nhở học trò nhiều lần và cô cũng không cố tình tát cho trò chảy máu mới thôi. Bản thân học trò cũng không biết có vết xước này.
Việc ngành giáo dục phải làm trong trường hợp trên không chỉ ở xử lý cô giáo này như thế nào, mà phải xử lý nghiêm hành vi của phụ huynh. Đây cũng là giáo viên nhưng chưa thấy Sở xử lý.
Theo điều 21 Nghị định 38/2013:
1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi kỷ luật buộc người học thôi học không đúng quy định.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, ngược đãi, xâm phạm thân thể người học.
3. Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ giảng dạy từ 1 tháng đến 6 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 điều này.
Theo Diễm Quyên / Pháp Luật TP.HCM
'Không kiềm chế được hành động thì đừng làm cô giáo' Nhiều độc giả cho rằng việc một phụ huynh có thâm niên 18 năm trong nghề giáo xông đến trường tát vào mặt cô giáo là cách hành xử không văn minh, tổn hại tâm lý trẻ nhỏ. Thông tin người phụ nữ tên Lê Thị Cúc tự xưng có 18 năm trong nghề giáo xông vào trường ở Đà Nẵng tát cô...