Cô giáo U70 và lớp học dưới chân núi
Ở tuổi 64, cô giáo Anh Nhàn vẫn miệt mài dạy các em nhỏ trong mái nhà tranh nép mình bên chân núi Mồng Gà (xã Sơn Bình, Hương Sơn, Hà Tĩnh). Năm 2005, sau gần 40 năm đứng lớp, cô Nhàn nhận quyết định nghỉ hưu nhưng cô vẫn gắn bó với nghiệp “gõ đầu trẻ”.
Dưới mái lá này, đã có bao thế hệ học trò lớn lên được cô Nhàn dìu dắt.
Sinh ra và lớn lên gia đình thuần nông ở một xã miền núi Sơn Mai, cô sơn nữ Phạm Thị Anh Nhàn được bố mẹ tạo điều kiện cho đi học cái chữ. Theo bước chân người anh trai cả là nhà giáo, cô Nhàn một mình đi bộ, vượt núi đèo đến với ngôi trường Sư phạm Bắc Hà Tĩnh. Tốt nghiệp ra trường, cô Nhàn được phân công về giảng dạy tại Trường tiểu học Cẩm Bình (huyện Cẩm Xuyên), cách nhà hơn 70 cây số.
Đến giờ, những người già trong xã Cẩm Bình vẫn còn nhớ hình ảnh cô giáo trẻ người nhỏ nhắn, nước da ngăm ngăm nhưng có đôi mắt sáng và nụ cười thường trực. Là “em út” của hội đồng sư phạm nhà trường, lại đi dạy xa nhà, nhưng sống trong tình thương và sự đùm bọc của đồng nghiệp và bà con nhân dân, cô giáo trẻ nhanh chóng chiếm được tình cảm của phụ huynh và học sinh bởi sự nhiệt huyết với nghề. Những tấm bản đồ, bảng chữ… tự tay cô làm hay những đồ dùng dạy học tự chế bằng những vật liệu thô sơ dễ kiếm nhưng đầy sáng tạo có sức hút đặc biệt với học trò. Chịu khó tìm tòi và học hỏi những người đi trước, cô giáo trẻ Anh Nhàn trở thành một trong những gương giáo viên dạy giỏi, chiến sĩ thi đua, lao động xuất sắc.
Với cô Nhàn, những năm công tác ở Cẩm Bình cũng là quãng thời gian đầy gian khó nhưng không thể nào quên. “Đó là thời của bom đạn, cô và trò vừa dạy học vừa lo tránh máy bay, chỉ cần nghe tiếng máy bay gầm rú là tất cả đội mũ rơm vào hầm trú ẩn, chờ máy bay đi xa lại lên học tiếp. Nhưng cũng không ít thầy cô vĩnh viễn ra đi lúc tuổi đời mới đôi mươi…” – cô bồi hồi nhớ lại. Cô Nhàn kể hồi đó cô trò chia nhau bữa ăn với gạo toàn tấm, củ khoai sùng. Dù gian khổ, cô Nhàn và những đồng nghiệp của mình vẫn đầy lạc quan tin tưởng, thương trò, quý nghề. Với những nhà giáo ăn cơm độn, mặc áo cũ nhưng chỉn chu, trách nhiệm, những lớp học trò đầu đội mũ rơm cần cù đến lớp, chăm ngoan, học giỏi, ngôi trường Cẩm Bình lúc ấy đã trở thành điển hình tiên tiến về giáo dục toàn diện – lá cờ đầu của ngành giáo dục toàn miền Bắc xã hội chủ nghĩa.
Sau gần 40 năm đứng lớp, năm 2005, cô giáo Nhàn nhận quyết định nghỉ hưu nhưng cái nghiệp “gõ đầu trẻ” vẫn theo chân cô đến tận bây giờ. Trong căn nhà đơn sơ bên quốc lộ 8A nối sang Lào, có một gian nhà nhỏ được chính tay cô Nhàn lợp mái tranh. Gian nhà là nơi nhiều năm qua cô dạy học cho những đứa trẻ trong vùng. Trên những bộ bàn ghế cũ, được cô tỉ mẩn đóng ghép hay do phụ huynh tặng, dăm bảy học trò đang tròn xoe mắt tập đọc, tập viết những con chữ đầu tiên. Những em nhỏ này phần lớn là con em của những bà con nông dân trong xóm, ở xã bên, hoặc có cả con cháu của các thầy cô giáo, đến đây để được cô Nhàn dạy thêm.
Video đang HOT
Trên chiếc bảng gỗ ghép từ nhiều miếng ván được làm từ gần hai chục năm trước, những nét chữ tròn trịa dần dần hiện ra qua bàn tay cô giáo. Không chỉ hướng dẫn các em cách phát âm, viết chữ, cô còn gửi gắm những bài học về cách làm người qua những bài giảng của mình. Những học trò ở đây, sau ba tháng hè đều có thể đọc thông, viết thạo, rồi biết chào hỏi, thưa gửi, cảm ơn, gọn gàng sạch sẽ hơn lên rất nhiều.
Nổi tiếng là nghiêm khắc, nhưng vừa tan học, trong nhà có thứ hoa quả gì là cô lại đưa ra cho mấy đứa nhỏ cùng ăn. Có khi những em học sinh chưa được bố mẹ đón lại cùng cô ăn cơm những món đơn giản như canh rau cà, quả trứng…, ăn xong được cô hát ru, cho đi ngủ trưa.
Cô giáo Nhàn (bên trái) và những bó chổi trện tự tay bẻ về. Chiều chiều cô vẫn lặn lội lên núi bẻ cây trện (một loài cây dại, mọc trên núi) về bó làm chổi để có thêm chút tiền trang trải cuộc sống.
Tranh thủ lúc mấy đứa trẻ đang tự viết bài, cô tâm sự: “Bao nhiêu năm đứng lớp quen rồi, mình đã lấy học trò làm niềm vui. Giờ về nghỉ cũng muốn có thời gian hơn nhưng phụ huynh không chê cô giáo già, vẫn đến gửi gắm…”. Học phí của các cháu đôi khỉ chỉ là mấy quả trứng, mớ rau muống non mới hái nhưng cô vẫn vui vẻ đón nhận. Và cứ thế, mỗi mùa hè đến, người ta lại bắt gặp hình ảnh cô giáo già, tóc đã nhiều sợi bạc, ân cần nắm tay, tập viết, giảng bài cho các em nhỏ bằng tuổi cháu nội mình.
Bài, ảnh: Hà My
Theo dân trí
Lá thư 'thầm kín'của trò lớp 2
Dòng tâm sự "thầm kín" trong bức thư của Cún viết cho cậu bạn cùng lớp. Nét chữ nguệch ngoạc, ngây ngô khiến ai đọc cũng phải buồn cười.
Hảo và Cún học lớp 2 là đôi bạn thân học cùng trường, lại cùng khu nên những chuyện ở nhà, chuyện "riêng tư" đều thổ lộ, chia sẻ với nhau. Một hôm, khi đang chuẩn bị cho bữa cơm chiều thì cả hai tự dưng chạy xuống bếp xin tôi tờ giấy trắng nói rằng để viết chữ.
Lá thư "độc đáo"
Hai đứa rúc rích, nhỏ to kể chuyện rồi thỉnh thoảng lại phá lên những tràng cười giòn tan, thích thú. Đang vui vẻ, bỗng cuộc nói chuyện bị gián đoạn bởi màn "trao đổi" diễn ra giữa hai cô bạn.
Hảo giành quyển sổ của Cún và nói: "Cậu không cho tớ xem là mai tớ mách Kiên, bỏ cậu rồi yêu tớ". Biết là không thể thắng được cô bạn Hảo đanh đá, Cún nhũn nhặn với bạn " Ừ, cậu hứa đấy".
Tò mò với câu chuyện không đầu đuôi của hai cô bạn nhỏ, tôi ngồi sát Cún và hỏi : " Bạn Cún nhà mình "thích" cậu bạn nào rồi à, kể cho chị nghe với". Cún cười toe toét rồi thì thầm vào tai tôi: "Trong cuốn sổ da lúc chiều chị đưa cho em ý".
Bữa tối xong xuôi, khi bước vào phòng làm việc tôi thấy có cuốn sổ da Cún để ngay ngắn trên bàn. Được sự cho phép của cô bé hồi chiều, tôi mở ra xem. Nét chữ nguệch ngoạc, ngây thơ thậm chí viết còn sai lỗi chính tả: "Em yêu anh nhiều lắm, yêu mãi mãi. Kiên ơi chúng ta không bao giờ quên nhau nhé... chúng ta không lơi nhau đâu".
Ngày hôm sau đem thắc mắc hỏi Cún, Cún bảo "Chị ơi, "không lơi" là "không lấy" chị ạ. Em xem trên tivi thấy họ nói với nhau thế nhưng... em không biết viết chữ "lấy" như nào".
Trong trường hợp như trên về phía các bậc phụ huynh cũng có nhiều quan điểm trái chiều nhau. Mẹ Cún thì cho rằng là " vớ vẩn", rồi dạy Cún theo kiểu roi vọt " học không chịu học, mới tí tuổi mà đã linh tinh từ giờ mẹ mà thấy con như này thêm một lần nữa là đừng có trách mẹ". Còn với một số ông bố, bà mẹ khác thì lại cười trừ và cho đó là hành động ngộ nghĩnh của con trẻ.
Cô Huyền (Thanh Trì, Hà Nội) cũng có con trong độ tuổi trên chia sẻ "Cháu Bốp nhà mình cũng từng một lần nhờ mẹ viết thư cho bạn gái hồi học mẫu giáo.
Con thích bạn Yến Vi ở lớp, thích cả mẹ bạn ý nữa vì mẹ bạn ý xinh lại hay mua bim bim siêu nhân cho con". Bé bày tỏ rất tự nhiên rồi rành rọt nhờ mình viết "Tớ thích cậu lắm. Tớ không thích Trung "còm" ngồi vẽ cạnh cậu đâu. Tớ sẽ nhờ mẹ tớ mua bờm tóc tặng cậu, cậu hứa ngồi cạnh tớ nhé".
Cô Nguyễn Tố Nguyên (giáo viên Trường Tiểu học Tự Nhiên, Thường Tín, Hà Nội) cho biết " Trẻ con từ 4-8 tuổi thường tò mò và bắt chước người lớn rất nhanh. Hiện tượng trẻ có những biểu hiện tâm lý theo kiểu người lớn như trên cũng là bình thường. Phụ huynh không nên có thái độ quá gay gắt, dạy dỗ con cái theo kiểu roi vọt, dễ gây ảnh hưởng không tốt đến trẻ.
Bên cạnh đó, chúng ta nên tạo môi trường lành mạnh thoải mái bằng việc hướng trẻ đến những hoạt động vui chơi ngoài trời để con trẻ phát triển tốt nhất".
Theo Vietnamnet
Không ép trẻ mầm non học trước chương trình lớp 1 Tuyệt đối không ép trẻ tập đọc, viết chữ, học trước chương trình lớp 1. Các địa phương phát huy sáng tạo trong việc đổi mới phương pháp giáo dục mầm non (GDMN), tăng cường các biện pháp chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số. Đây là một trong những quy định được nêu trong hướng dẫn thực hiện nhiệm...