Cô giáo trường làng vào top 50 giáo viên toàn cầu
Từ chối làm việc ở Canada, cô Trần Thị Thúy trở về trường THPT Đức Hợp (Hưng Yên) truyền đam mê học tiếng Anh cho học trò nông thôn.
Những ngày cuối năm Mậu Tuất, các cựu học sinh lớp 12A1 (khoá 2015-2018 trường THPT Đức Hợp, xã Đức Hợp, Kim Động, Hưng Yên) lên kế hoạch chúc Tết thầy cô giáo cũ. Không thể thiếu trong danh sách là cô giáo Trần Thị Thúy.
“Cô là phó chủ nhiệm nhưng đồng hành với lớp trong mọi hoạt động. Chính cô đã truyền cảm hứng, giúp chúng em hứng thú học tiếng Anh, tự tin giao tiếp với người nước ngoài”, Trần Thu Hà, sinh viên năm nhất Đại học Thương mại, nói.
Cô giáo mà Hà và học sinh trường THPT Đức Hợp yêu quý vừa được tổ chức giáo dục Varkey Foundation chọn là một trong 50 giáo viên toàn cầu, từ hơn 10.000 ứng viên. Giải thưởng thường niên này nhằm tôn vinh thầy cô có đóng góp đặc biệt xuất sắc cho sự nghiệp giáo dục.
Trong thư thông báo gửi cá nhân lọt top 50, Ban tổ chức viết rõ không quá coi trọng các giải thưởng nhà giáo từng đạt được, thứ họ đánh giá cao nhất là những điều giáo viên làm được cho học sinh ngoài kiến thức trong sách giáo khoa; hỗ trợ gì cho giáo viên khác và ảnh hưởng thế nào đến cộng đồng.
“Nhiều người chắc sẽ bất ngờ khi cô giáo trường nông thôn nhưng gần như cuối tuần nào cũng kín lịch đến các trường Hà Nội chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy. Cô Thúy không chỉ đưa công nghệ giáo dục đến với học trò vùng quê, tạo được hứng khởi học tập cho các em mà còn truyền cảm hứng cho giáo viên trường khác”, Hiệu trưởng trường THPT Đức Hợp, ông Hà Quang Vinh nói.
Cô Trần Thị Thúy – giáo viên dạy tiếng Anh tại trường THPT Đức Hợp (xã Đức Hợp, Kim Động, Hưng Yên). Ảnh: Quỳnh Trang.
Cô Thúy sinh ra trong gia đình có 3 anh chị em, bố làm nghề đánh cá sông, mẹ làm nông. Nhà nghèo, người anh cả học hết lớp 6 nghỉ để cùng bố mẹ lao động kiếm tiền, nhường cơ hội học tập cho hai em. Thúy lần đầu tiếp xúc tiếng Anh trong chương trình lớp 6. Những năm THCS còn lại, cô và các bạn không được học tiếp môn này do trường thiếu giáo viên.
“Một người anh họ là sinh viên Đại học Ngoại thương khi về chơi đã tặng tôi cuốn tạp chí song ngữ Sun Flower. Ở đó, tôi tìm thấy kiến thức thú vị ngoài tiết dạy của cô giáo nên tự mày mò học tiếng Anh vì nghĩ biết đâu có lúc dùng đến”, cô Thúy nói.
Sở thích học ngoại ngữ theo Thúy suốt những năm THPT và là lựa chọn của cô để học tiếp đại học. Ở xã Đức Hợp ngày đó, hiếm thí sinh nào thi năm đầu đỗ ngành tiếng Anh của Đại học Quốc gia Hà Nội, Sư phạm Hà Nội… Lý do học sinh nơi đây chỉ được học ngoại ngữ hệ 3 năm, trong khi đề thi sử dụng kiến thức hệ 7 năm. Học trò thường phải lên Hà Nội luyện thi vài tháng hoặc một năm mới có cơ hội đỗ. Không có điều kiện học thêm, Thúy mua sách về tự ôn thi.
Bước chân vào giảng đường Đại học Sư phạm Hà Nội, Thúy nhận ra mình như người “câm điếc tiếng Anh”. “Tôi ngồi đơ trên giảng đường vì không hiểu cô giáo nói gì và không nói được gì. Tôi phải học lại toàn bộ cách phát âm, đặt răng, lưỡi thế nào cho đúng”, cô kể.
Suốt học kỳ đầu, cô miệt mài lên phòng máy tính của thư viện để nghe chương trình tiếng Anh và học nói với các bạn cùng lớp. Nhiều hôm Thúy ở lỳ trên thư viện đến 8h tối. Cô tận dụng tối đa những gì miễn phí để cải thiện trình độ. Trừ năm học đầu tiên bị đuối môn tiếng Anh, những năm sau Thúy đều được học bổng dành cho sinh viên có kết quả học tập loại giỏi.
Từ trải nghiệm khó khăn của bản thân, khi trở thành giáo viên, cô Thúy luôn cố gắng để học sinh không bị rơi vào tình cảnh tương tự. Cô khuyến khích các em nghe, nói thật nhiều. Cũng vì vậy mà thời gian đầu dạy học tại THPT Đức Hợp, cô từng bị phụ huynh phê bình vì nói tiếng Anh lắm quá học sinh không hiểu.
“Học sinh ở quê rất nhút nhát giao tiếp tiếng Anh, có em từng nói không thể học được ngoại ngữ. Nhưng tôi muốn học trò nghĩ nhiều, muốn nhiều hơn thế. Tôi kể câu chuyện của mình để các em thấy cô giáo trong hoàn cảnh khó khăn vẫn có thể đỗ đại học, trở thành giáo viên và có cơ hội ra nước ngoài thì các em với điều kiện học tập tốt hơn, chắc chắn sẽ làm được nhiều hơn thế”, cô giáo kể.
Học sinh trường THPT Đức Hợp tham gia tiết học kết nối skype để giao tiếp tiếng Anh với học trò quốc gia khác. Ảnh: NVCC.
Lần mò cách dạy tạo hứng thú học tiếng Anh cho học sinh, cô Thúy tình cờ biết đến cộng đồng giáo viên dạy học sáng tạo. Tìm được nội dung hữu ích về phương pháp dạy học tích cực, cách ứng dụng công nghệ thông tin vào bài giảng, cô bắt đầu tổ chức các tiết học kết nối qua skype để học sinh giao tiếp với học trò, người dân các nước khác, học theo dự án.
Video đang HOT
Vào năm học 2015-2016, cách dạy của cô Thúy quá khác lạ với trường vùng quê như THPT Đức Hợp. Hiệu trưởng cũ và không ít giáo viên sợ cô làm học sinh phân tán tư tưởng. Tuy nhiên, những thay đổi tích cực trong thái độ và kết quả học tập, kỹ năng nghe nói tiếng Anh… của học sinh khiến cô kiên trì cách dạy mới. Một số giáo viên bắt đầu học hỏi phương pháp mới của cô.
Mỗi tháng một lần, cô Thúy lên chủ đề, yêu cầu học sinh chuẩn bị nội dung cho ngày học kết nối. Đó có thể là buổi thảo luận tìm ý tưởng làm giàu cho quê hương với các học sinh ở Nhật Bản; giới thiệu văn hóa, đất nước, con người với lớp học ở châu Phi… Có lần, học sinh mang dụng cụ lên lớp hướng dẫn qua skype cách làm bánh trôi, chè kho cho các bạn Nhật Bản. Mới đây, trong tiết học tại lớp 10A1, học trò đã “ du lịch” nước Anh qua buổi skype với người bản địa. Họ vừa đi tới các địa danh nổi tiếng, vừa giới thiệu qua điện thoại cho học sinh trường THPT Đức Hợp.
“Các tiết học rất thú vị, sôi động. Chúng em không chỉ mở rộng vốn từ vựng, tự tin giao tiếp tiếng Anh mà còn tăng khả năng thuyết trình, làm powerpoint… Cách dạy của cô Thúy giúp em tiếp nhận kiến thức dễ dàng hơn và hiểu được tiếng Anh rất cần thiết trong kết nối mọi người trên thế giới”, Vũ Thảo Hiền (lớp 10A1, THPT Đức Hợp) nói.
Cựu học sinh Trần Thu Hà thì ấn tượng với những buổi trưa cô giáo không về nhà mà mua cơm hộp ăn ngay tại lớp để tranh thủ chỉn chu phòng ốc, chương trình, thiết bị kết nối skype cho giờ học chiều. Sự tận tâm, cố gắng để có tiết dạy chất lượng của cô Thúy khiến học sinh cũng nỗ lực học tập theo.
Trường không có wifi, camera kết nối Internet nên để tổ chức những buổi học skype cho học sinh, cô Thúy phải tự trang bị, mang lên lớp máy tính xách tay, bộ phát wifi. Do cần đường truyền ổn định, cô giáo đã mua dây, xin nhà trường cho nối mạng từ phòng hiệu trưởng đến các lớp học.
Hiện nay, đường Internet của cô Thúy dài đến 200 m, kéo đủ đến những phòng học trên tầng cao của 3 dãy nhà trong trường. “Giờ ra chơi, học sinh lớp này sẽ lên thu dây từ lớp khác rồi kéo sang phòng học của các em. Tuy vất vả một chút nhưng tôi và học trò đều hiểu rằng có Internet mọi thứ sẽ dễ dàng, hiệu quả hơn nên tất cả đều cố gắng”, cô Thúy nói.
Cô Thúy đã giành giải nhì cuộc thi giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức năm 2016; là một trong bốn đại diện Việt Nam tham gia Diễn đàn giáo dục toàn cầu do Microsoft tổ chức tại Canada năm 2017. Tại diễn đàn, sau khi cùng bốn giáo viên thắng chung cuộc nhờ sáng tạo dạy học sử dụng trò chơi, cô Thúy được lãnh đạo Microsoft Canada chào mừng tới quốc gia này. Tuy nhiên, cô từ chối với lý do “ra đi là để trở về”.
Cô Trần Thị Thúy giương cao lá cờ Việt Nam khi chiến thắng tại Diễn đàn giáo dục toàn cầu do Microsoft tổ chức tại Canada năm 2017.
Quay lại THPT Đức Hợp, cô Thúy xin bố mẹ đẻ mảnh đất trống để mở thư viện, dạy học miễn phí cho học sinh. Nhiều người bảo cô có danh tiếng thì nên dạy thêm kiếm tiền trang trải cho gia đình, nhưng cô không muốn thế. “Ngày bé nhà tôi nghèo, thầy cô đã mượn sách cho tôi học, mang áo ấm đến tận nhà cho tôi. Giờ, tôi muốn ở Đức Hợp, dạy tiếng Anh cho những đứa trẻ nghèo và làm cầu nối cho các em nhìn xa hơn ra ngoài thế giới. Ai đó có thể bảo tôi khùng, nhưng tôi sẽ theo đuổi đến cùng con đường lựa chọn”, cô chia sẻ.
Từ chối những lời mời dạy học ở môi trường làm việc tốt, không muốn làm quản lý hay trở thành người tập huấn giáo viên, cô Thúy hiện chỉ muốn đi dạy học. Cô cất kỹ bằng khen vì hiểu nó chỉ có tính thời điểm, học sinh sẽ không nhìn vào đó để đánh giá giáo viên mà coi trọng việc thầy cô dạy dỗ thế nào.
Đều đặn mỗi ngày, cô Thúy thức dậy lúc 4h để chuẩn bị cho ngày dạy mới, đưa hai con tới trường. Cô hạnh phúc với cuộc sống không khá giả vật chất, nhưng gia đình nội, ngoại yêu thương nhau, học sinh mỗi ngày tới lớp lại cười rạng rỡ.
Tháng 3 tới, cô Thúy sẽ sang Dubai dự lễ vinh danh 50 giáo viên toàn cầu và trao một triệu đôla cho người xuất sắc. “Nếu được giải thưởng ấy, tôi sẽ thực hiện lời hứa là phát triển thư viện Sunflower và hỗ trợ giáo viên khác”, cô nói.
Quỳnh Trang
Theo VNE
Đề xuất tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2: Ý tưởng tuyệt vời nhưng phải cẩn trọng
Đề xuất đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 của Việt Nam là một ý tưởng tuyệt vời bởi tiếng Anh được coi là ngôn ngữ chính trong mọi tiến trình đàm phán quốc tế; nhưng cũng không thể phủ nhận nguy cơ đe dọa đến nền văn hoá lâu đời nếu Việt Nam coi tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2.
Tại Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp năm 2018 với chủ đề "Tìm giải pháp đột phá cho khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam", Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã đề xuất Thủ tướng sớm công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 của Việt Nam. Nhiều ý kiến của giáo viên dạy tiếng Anh người nước ngoài và doanh nghiệp đã bày tỏ quan điểm về ý tưởng này.
Cô giáo Fritzie Caspe: Phá bỏ rào cản ngôn ngữ, mở ra vô vàn cơ hội cho người Việt
"Cô Fritzie Caspe, Trưởng bộ phận Học vụ tại Trung tâm Anh ngữ JOLO - Chi nhánh Nguyễn Thị Định"
Là một đất nước đang trải qua quá trình thay đổi toàn diện trong nhiều lĩnh vực và trong thời đại toàn cầu hoá, Việt Nam coi việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai của đất nước là một lựa chọn cần thiết.
Bằng cách này, Việt Nam sẽ thực sự mở rộng cánh cửa với thế giới và đảm bảo rằng người dân của mình có thể giao tiếp, đối thoại quốc tế một cách đầy đủ và toàn diện. Cho dù mục đích của sự đối thoại, giao tiếp là để phục vụ kinh tế, giáo dục, du lịch hay văn hoá, thì cũng không thể phủ nhận khả năng nói tiếng Anh giờ đã trở thành một kỹ năng sống quan trọng.
Nhiều người Việt hiện nay được trang bị những kỹ năng và hiểu biết sâu sắc trong nhiều lĩnh vực, và họ sẽ thực sự đóng góp cho sự phát triển vượt bậc đất nước nếu họ có thể thể hiện tài năng với thế giới. Để làm vậy, họ cần hợp tác với cộng đồng quốc tế, và chắc chắn tiếng Anh sẽ là phương tiện giao tiếp chính.
Hơn nữa, khi được học tiếng Anh từ sớm, học sinh, sinh viên Việt Nam sẽ có rất nhiều lợi thế. Việc học và hành cần phải đi đôi với nhau. Vậy nên nếu tiếng Anh trở thành ngôn ngữ chính, các em sẽ không còn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm một môi trường thực hành Anh ngữ thường xuyên và chuẩn quốc tế. Các em sẽ dễ dàng giao tiếp với người nước ngoài.
Thêm vào đó, ngành du lịch hiện có đóng góp quan trọng vào nền kinh tế của nhiều địa phương. Với một lực lượng lao động có khả năng sử dụng tiếng Anh thành thạo, ngành du lịch của Việt Nam có thể nâng tầm chất lượng dịch vụ, xây dựng hình ảnh đẹp về một quốc gia du lịch hấp dẫn và đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu của du khách.
Với tất cả những suy nghĩ trên, tôi tin việc đưa tiếng Anh trở thành ngoại ngữ chính sẽ giúp phá bỏ mọi rào cản ngôn ngữ và mở ra vô vàn cơ hội cho mọi người Việt.
Ông Bùi Quang Cường - CEO iViet: "Con đường nhanh nhất để học hỏi tri thức tiên tiến"
Ông Bùi Quang Cường cho biết, Việt Nam đang phát triển sau các nước lớn từ vài năm tới vài chục năm, thậm chí trong nhiều lĩnh vực chúng ta thua những nước lớn tới hàng trăm năm. Muốn biết tương lai chúng ta sẽ thế nào chỉ cần sang những nước phát triển và tìm hiểu.
Cách tốt nhất để các doanh nghiệp Việt Nam tiến nhanh hơn đó là sang các nước lớn học hỏi mô hình của họ. Nhiều cái chúng ta mất thời gian nghiên cứu, khám phá ra điều tưởng chừng mới lạ nhưng ở các nước phát triển họ đã đưa vào áp dụng từ lâu.
Đơn cử như những tri thức quản trị được đúc kết thành sách thì hầu hết đều có bằng tiếng Anh trước. Sau ít nhất vài năm, cuốn sách đó mới được Việt hoá cho đông đảo người Việt Nam. Khi các doanh nghiệp Việt tiếp cận được tri thức đó, thế giới họ đã bắt đầu chuyển sang một mô hình quản trị khác.
Như vậy, để tiếp cận, học hỏi nhanh tri thức tiên tiến, con đường nhanh nhất là chúng ta phải hiểu ngôn ngữ phổ thông nhất thế giới.
Ông Bùi Quang Cường - CEO iViet
Ông Bùi Quang Cường cho rằng, thế giới của chúng ta bây giờ ngày càng phẳng. Chỉ cần ngồi tại Việt Nam với 1 chiếc máy tính được kết nối internet, chúng ta hoàn toàn có thể tiếp cận những đối tác, khách hàng lớn trên toàn cầu.
Nếu chúng ta để ý có thể thấy ở Việt Nam có rất nhiều bạn trẻ 8x, 9x ngồi tại Việt Nam đã tự đặt hàng từ Trung Quốc bán sang Mỹ, Châu Âu và trở thành triệu phú đô la.
Người Việt Nam với trí tuệ và thêm sự thông thạo về ngôn ngữ sẽ giúp các doanh nghiệp Việt tự tin hơn và hoàn toàn có thể cạnh tranh sòng phẳng với nhiều dân tộc khác trên thế giới.
Ông Cường cho hay, đi lên những vùng núi cao phía bắc tổ quốc hay vào những nơi nhiều khách du lịch như phố cổ Hội An, tôi nhận thấy rất nhiều trẻ em, người già bán hàng rong mà "bắn" tiếng Anh như súng liên thanh. Trong khi đó, nhiều sinh viên đại học, thậm chí thạc sỹ được đào tạo bài bản mà khi gặp "khách tây" là "bó tay" chẳng nói lên lời.
Câu chuyện ở đây, ông Cường cho hay, ngoài việc đào tạo trong trường lớp, nhà nước cần có những chương trình tạo môi trường để toàn dân sử dụng tiếng Anh. Đơn cử như có thêm kênh truyền hình Việt bằng Tiếng Anh, có thể biến một số những nội dung thông dụng ngoài đường ở những thành phố lớn chuyển dần sang tiếng Anh, các thông tin công bố ra bên ngoài đều song ngữ... Khi có môi trường như vậy, bản năng con người sẽ tự học hỏi và thích nghi.
"Tôi tin rằng, nếu tạo được môi trường như vậy thì chỉ một thời gian nữa giao tiếp tiếng Anh và tiếp thu tri thức thế giới sẽ là chuyện nhỏ đối với các doanh nghiệp và công dân Việt Nam".
Thầy giáo tiếng Anh Juver Buencamino : "Sẽ mai một các giá trị văn hóa"
(Thầy Juver Buencamino, giáo viên với kinh nghiệm 10 năm giảng dạy tiếng Anh và Anh văn tại nhiều quốc gia châu Á như Thái Lan, Philippines, Hàn Quốc, Nhật Bản)
Đề xuất đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 của quốc gia là một ý tưởng tuyệt vời. Tuy nhiên, Việt Nam nên cân nhắc kỹ các lợi ích và tác hại của dự luật này đối với sự phát triển kinh tế quốc gia. Cá nhân tôi tin rằng, điều này mang đến lợi ích nhiều hơn.
Tiếng Anh được coi là ngôn ngữ chính trong mọi tiến trình đàm phán quốc tế, nhưng cũng không thể phủ nhận nguy cơ đe dọa đến nền văn hoá lâu đời của Việt Nam.
Việc sử dụng tiếng Anh như một công cụ phát triển tài chính có thể dẫn đến sự mai một của các giá trị và tập tục truyền thống từ thời xa xưa.
Thêm vào đó, điều này cũng khiến người Việt dễ dàng lãng quên những dấu mốc lịch sử vĩ đại của đất nước mình. Ví dụ, nếu học sinh, sinh viên quá chú trọng vào tiếng Anh, họ sẽ dành ít thời gian và sự quan tâm cho văn hoá truyền thống. Dần dần, các thế hệ sau này sẽ không còn cảm nhận rõ rệt về tính dân tộc và giá trị quê hương trong con người mình như hiện nay nữa.
Nói cách khác, nếu đứa trẻ được sinh ra và lớn lên với suy nghĩ "tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ", đứa trẻ sẽ khó có thể tự nhận thức rằng "mình là công dân Việt Nam".
Tuy nhiên, việc sử dụng tiếng Anh như một ngôn ngữ chính thức mang đến những ích lợi không thể chối cãi đối với an ninh kinh tế của quốc gia.
Trước hết, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có thể dễ dàng trao đổi, chia sẻ những ý tưởng và thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế tiềm năng.
Thứ hai, người Việt sẽ không còn phải đi du học và dành nhiều tiền của chỉ để có được một tấm bằng cử nhân từ một đất nước nói tiếng Anh nữa. Thay vào đó, họ có thể đầu tư phát triển hệ thống giáo dục trong nước.
Và trên hết, Việt Nam cũng sẽ có thể giảm bớt chi phí cho các quỹ học bổng chính phủ. Hãy lấy Philippines làm ví dụ. Chính phủ Philippines hỗ trợ kinh phí cho các trường học của nước mình hơn là khuyến khích học sinh, sinh viên du học nước ngoài.
Có thể dễ dàng nhận thấy hầu hết cử nhân của các trường này đều được đào tạo chuyên môn bài bản và có trình độ được quốc tế công nhận.
Vì vậy, tôi mạnh mẽ tin rằng đề xuất trên tại Việt Nam sẽ mang đến rất nhiều lợi ích to lớn.
Nhật Hồng - Hoàng Thủy ( ghi)
Theo Dân trí
Phụ huynh Trường tiểu học Đông Ba thắc mắc khoản thu lạ ở khối 2 Trong danh sách đóng tiền ở khối 2 của Trường tiểu học Đông Ba có khoản thu giáo viên nước ngoài, khiến phụ huynh không hiểu là dùng vào việc gì. Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được thông tin phản ánh từ phụ huynh cho biết, trong ngày nộp học phí cho học sinh hôm 4/10 vừa qua, phụ huynh...