Cô giáo trường huyện say mê sáng tạo
Tuổi thơ vất vả cùng đồng đất xã Nga Hải, huyện Nga Sơn, nhưng cô học trò Mai Thị Thao ngày ấy đã đậu cùng lúc 2 trường đại học có điểm cao bậc nhất cả nước là Đại học Sư phạm I Hà Nội và Đại học Y Thái Bình.
Chọn theo ngành sư phạm, khi về quê công tác ở Trường PTTH Mai Anh Tuấn trong huyện, cô giáo Thao đã có nhiều sáng tạo trong giảng dạy, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, đạt nhiều danh hiệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo và tỉnh Thanh Hóa, trở thành gương điển hình tiên tiến trong ngành giáo dục tỉnh nhà.
Ở Trường THPT Mai Anh Tuấn, cô giáo Mai Thị Thao luôn là người để lại sự mến thương và nể phục với các thế hệ học sinh và bạn bè đồng nghiệp. Dạy môn Hóa học, cô Mai Thị Thao là người mạnh dạn thử nghiệm kiến thức cho học trò bằng tiếng Anh. Khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, cô đã cùng thầy cô tổ Hóa học của trường pha chế thành công nước rửa tay khô để sử dụng rộng rãi trong nhà trường. Hàng loạt danh hiệu đổi mới sáng tạo trong quá trình dạy học đã khẳng định được tài năng, truyền lửa tri thức cho học trò.
Cô Mai Thị Thao đã đưa nhiều chuyến đò tri thức cho các thế hệ học sinh Trường THPT Mai Anh Tuấn.
Qua trao đổi, chúng tôi cảm nhận được ở người giáo viên sinh năm 1977 ấy một sự nhiệt huyết, sẵn sàng cống hiến cho nghề, cho các thế hệ học sinh và sự phát triển của nhà trường. Bắt đầu vào nghề năm 1999, khi ấy Trường THPT Nga Sơn chuyển về xã Nga Thành, cơ sở vật chất thiếu thốn, đa phần học sinh là con em vùng giáo. Những năm đầu chuyển địa điểm và đổi tên thành Trường THPT Mai Anh Tuấn, chất lượng đầu vào của học sinh còn thấp, thậm chí có năm còn thiếu chỉ tiêu tuyển sinh, phụ huynh chưa mấy quan tâm đến việc học của con em mình. Đó thực sự là những thử thách với người giáo viên trẻ tuổi chưa có nhiều kinh nghiệm như cô. Cùng với đó, hoàn cảnh gia đình khó khăn do bố mẹ già yếu, lấy chồng bộ đội công tác xa nhà, rồi một tay chăm sóc con nhỏ, nhưng cô Thao vẫn không chùn bước. Chỉ sau 4 năm công tác, cô đã 2 lần đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp huyện và đến năm 2005 đã trở thành giáo viên giỏi cấp tỉnh khi tuổi đời còn rất trẻ.
Trong quá trình giảng dạy, cô luôn sát sao gần gũi để động viên kịp thời, chỉ ra cho các em về tương lai tươi sáng khi các em học tập tốt. Học tập tư tưởng đạo đức của Bác gắn với thực tế nhiệm vụ được giao, cô Thao luôn thân thiện với học trò, gần gũi tìm hiểu hoàn cảnh của từng em để từ đó có biện pháp rèn luyện, giáo dục và động viên các em kịp thời. Cô còn sắp xếp công việc gia đình để có thời gian bồi dưỡng thêm cho các em vào các buổi chiều sau tan học ở trường, ngày chủ nhật mà không thu tiền của bất kì học sinh nào. Nhờ đó học trò luôn tin tưởng cô giáo, gắng sức học tốt mang lại thành tích cao nhất. Nhiều em có hoàn cảnh khó khăn phải bỏ học, cô đã đến tận nhà động viên, hỗ trợ các điều kiện học tập để các em tự tin quay lại lớp.
Không chỉ trăn trở để đổi mới phương pháp dạy học, cô còn luôn nghiên cứu các sáng kiến kinh nghiệm, được đồng nghiệp đánh giá cao. Cô là một trong số ít giáo viên tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, viết sáng kiến kinh nghiệm. Nhiều năm liền các sáng kiến kinh nghiệm của cô được cấp ngành, cấp tỉnh đánh giá, xếp loại cao. Đặc biệt trong năm 2014, đề tài sáng kiến kinh nghiệm của cô được xếp loại B cấp tỉnh. Năm 2017, cô lại tiếp tục có sáng kiến kinh nghiệm đạt loại A cấp tỉnh. Trong cuộc thi “Dạy học tích hợp liên môn”, bài thi của cô có điểm cao nhất – xếp giải nhì cấp tỉnh và đạt giải khuyến khích cấp Quốc gia( 2017)… Là một giáo viên trường huyện, nhưng cô Mai Thị Thao được Giám đốc Sở Giáo dục và Đà tạo nhiều lần tin tưởng giao ra đề, làm giám khảo thi chọn học sinh giỏi, chọn giáo viên giỏi cấp tỉnh, chọn giáo viên vào Trường THPT Chuyên Lam Sơn…
Cô Mai Thị Thao trong buổi lễ trao danh hiệu “Công chức, viên chức, người lao đọng tiêu biểu tỉnh Thanh Hóa năm 2021″.
Video đang HOT
Nhiều học sinh khá, giỏi sau khi được cô Mai Thị Thao giảng dạy.
Với cương vị là một tổ trưởng chuyên môn, cô luôn chủ động đề ra kế hoạch hoạt động theo từng tháng, sinh hoạt chuyên môn theo đúng quy định; bám sát và thực hiện tốt công tác soạn bài, chuẩn bị bài giảng; đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực người học. Có nhiều ý kiến tham mưu về chuyên môn với Ban Giám hiệu, được nhà trường đánh giá cao. Trong 20 năm công tác, cô đã có 2 học sinh đạt giải nhì môn Hóa Casio cấp Quốc Gia, 50 giải học sinh giỏi cấp tỉnh (trong đó có 4 nhất, 8 nhì …) và hơn 500 học sinh đậu vào các trường đại học hàng đầu của cả nước, trong đó nhiều em có điểm môn Hóa học hơn 9,0 điểm.
Giáo viên Nguyễn Thị Hải, đồng nghiệp của cô Thao cho biết: Được tham gia công tác giảng dạy cùng cô Mai Thị Thao, tôi ấn tượng sự say nghề và ham nghiên cứu khoa học cũng như khả năng sáng tạo trong giảng dạy. Càng tiếp xúc nhiều, rồi qua lời kể của học sinh, phụ huynh, tôi càng thấy cô là người biết vượt lên hoàn cảnh, khẳng định bản thân, quan trọng hơn đó là truyền lửa cho thế hệ học sinh nhà trường.
Nhà giáo Nguyễn Thị Minh Sáng Yêu nghề như một sự tự nhiên
Việc dạy đến với tôi nó như là một sự tự nhiên, vì đó là con đường mà tôi đã mơ ước ngay từ khi học dưới mái trường phổ thông tôi đã lựa chọn nghề dạy học...
ThS. Nguyễn Thị Minh Sáng, Trưởng phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng giáo dục (Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội).
Đó là những dòng tâm sự của ThS. Nguyễn Thị Minh Sáng, Trưởng phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng giáo dục (Trường Đại học Tài nguyên Môi trường Hà Nội), trong dịp kỉ niệm 30 năm gắn bó với sự nghiệp "trồng người".
Người xây "móng nhà"
Hơn 30 năm trước, cô giáo trẻ Nguyễn Thị Minh Sáng nhận nhiệm vụ tại Trường Khí tượng Thủy văn Sơn Tây (nay là Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm I Hà Nội.
Cô Minh Sáng kể, những ngày đầu cơ sở vật chất của trường còn đơn sơ, thiếu thốn, cuộc sống còn nhiều vất vả. Tuy vậy, đó lại là cơ hội để một cô giáo trẻ thích nghi và cố gắng hơn trong công tác. Vì với cô Minh Sáng, khó khăn rèn trí, vất vả rèn người, có vượt qua gian truân thử thách thì mới có thành công như ngày hôm nay.
Bẵng đi gần 15 năm sau, năm 2001, Khoa Kỹ thuật Môi trường được thành lập, cô Minh Sáng là được giao phó vai trò quản lý. Nghiễm nhiên, cô Sáng trở thành một trong những người xây dựng nền móng cho Khoa Môi trường của Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường hôm nay. Trải qua hơn 10 năm, Khoa Môi trường lớn mạnh, trở thành điển hình tiên tiến với nhiều thành tích cả về dạy học và nghiên cứu.
Đến năm 2012, một "bước ngoặt" đến với cô Sáng, cô trở thành cán bộ Phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục. Nhiệm vụ chính của cô bây giờ không chỉ là việc truyền tải tri thức, kỹ năng cho sinh viên nữa mà còn làm sao để công tác khảo thí thực sự hoàn thiện để nhà trường thực sự tìm được những nhân tài trong số hàng vạn em sinh viên.
Dù gắn bó và đồng hành cùng sự phát triển của trường trong nhiều năm, cô luôn trăn trở để quy trình khảo thí chính xác, khách quan, trung thực nhất. Lý thuyết, cách làm đã có nhưng thực tế công việc nảy sinh nhiều khó khăn.
ThS. Nguyễn Thị Minh Sáng với hơn 30 năm gắn bó với sự nghiệp "trồng người".
Theo cô Minh Sáng, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các khâu làm phách, ghép phách, báo điểm... rất tốn công sức và thời gian. Ban đầu, cô chỉ nghĩ nhập liệu và có hệ thống dữ liệu liên thông là quy trình hoàn thiện nhưng thực tế cô phải đưa ra nhiều giải pháp mới. Thời điểm đó, nhiều ý kiến phản đối quan điểm, cách làm của cô khiến công việc "chặt chẽ quá".
Bằng trách nhiệm bản thân, cô Minh Sáng chứng minh được vai trò của quy trình "chặt chẽ" để triển khai công tác khảo thí minh bạch, đảm bảo chất lượng giáo dục cao nhất. Để mọi người tin tưởng, cô chủ động tìm tòi, nghiên cứu các văn bản quy định của Bộ GD&ĐT, học hỏi từ những cán bộ có chuyên môn để tích lũy thêm kiến thức, kinh nghiệm phục vụ cho công tác chuyên môn.
Cô Minh Sáng trải lòng: "Có lẽ, trách nhiệm là yếu tố duy nhất giúp tôi nỗ lực tự tìm tòi, nghiên cứu để có thể hoàn thành nhiệm vụ được giao. Bởi bấy giờ, công việc mới không phải là sự hứng thú đối với tôi".
Người thầy tâm huyết với nghề
Từng là giảng viên dạy giỏi Tài nguyên và Môi trường, TP Hà Nội cũng như cấp cơ sở, cô Nguyễn Thị Minh Sáng hiểu được những khó khăn trong công tác giảng dạy và "tuyệt chiêu" để truyền thụ kiến thức cho sinh viên hiệu quả nhất.
Ngoài giảng dạy chuyên môn, cô còn tham gia đứng lớp tại các lớp tập huấn về công tác đảm bảo chất lượng cũng như hướng dẫn các đơn vị, cá nhân trong Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường triển khai công tác tự đánh giá cấp cơ sở giáo dục và cấp chương trình đào tạo.
Qua nhiều năm công tác, cô Minh Sáng vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2010. Đến năm 2013, cô được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương lao động hạng Ba. Sang năm 2016, Ban chấp hành Công đoàn viên chức Việt Nam ghi nhận cô Minh Sáng với thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua "Giỏi việc nước, đảm việc nhà".
ThS. Nguyễn Thị Minh Sáng là tấm gương điển hình tiên tiến với nhiều thành tích cả về dạy học và nghiên cứu.
Các dấu ấn đáng nhớ khác là những lần được vinh dự nhận được danh hiệu Chiến sĩ thi đua ngành Tài nguyên và Môi trường; hàng chục bằng khen cấp Bộ, cấp Thành phố; Bằng khen của Ban chấp hành Đảng bộ khối các Cơ quan Trung ương; Công nhận giảng viên dạy gỏi các cấp, nhiều năm liền được công nhận là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở...
Bên cạnh đó, cô còn là đại diện cho cán bộ giảng viên của nhà trường lên phát biểu trong Hội nghị điển hình tiên tiến giai đoạn 2015 - 2020 của Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội. Tập thể đơn vị trong do cô phụ trách cũng liên tục được ghi nhận là tập thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhiều lần được các cấp ghi nhận thành tích, khen thưởng.
Trường Đại học Tài nguyên Môi trường Hà Nội được thành lập năm 2010, trên cơ sở nâng cấp Trường Cao đẳng Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nhưng có lịch sử hình thành và phát triển tới gần 70 năm.
Với hàng chục nghìn lượt cán bộ, học viên, sinh viên được đào tạo là một minh chứng về vai trò của Nhà trường trong việc cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ cho lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Để có được những thành quả ấy, các thế hệ nhà giáo có năng lực, trình độ chuyên môn, nhiệt huyết với tinh thần trách nhiệm cao của Nhà trường đóng một vai trò quyết định.
Nếu như thành quả của người gieo hạt trồng cây là những hoa thơm trái ngọt thì với cô Nguyễn Thị Minh Sáng thành quả lớn nhất của cô hôm nay.
Bên cạnh những thành tích, giải thưởng vinh dự nói trên, cô Minh Sáng còn là người truyền lửa đam mê tới nhiều thế hệ học trò Trường Đại học Tài nguyên Môi trường Hà Nội.
Đến nay, nhiều sinh viên của cô đã trở thành kỹ sư, doanh nhân thành đạt. Sắp tới ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, một mùa tri ân nữa lại qua, mái tóc của cô Sáng đã điểm bạc nhưng với nhiều thế hệ học trò, sự nghiêm khắc xen lẫn quan tâm, ân cần dạy bảo của cô sẽ là những kỉ niệm không bao giờ nhạt phai.
Có thể giảng đường từ mai sẽ vắng bóng dáng quen thuộc của cô, nhưng với các đồng nghiệp đã hết mực yêu quý, tôn trọng cô Minh Sáng sẽ có rất nhiều lưu luyến. Với trách nhiệm với thế hệ đi trước, cô Minh Sáng luôn sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm quý báu cho thế hệ đi sau.
"Luôn đặt trách nhiệm vào công việc và cuộc sống là bạn sẽ thành công" - đó chính là thông điệp mà cô muốn gửi gắm đến những bạn sinh viên đang ngồi trên ghế giảng đường tại Trường Đại học Tài nguyên môi trường Hà Nội. Phương châm đáng quý ấy dường như thật đúng, thật đẹp toát lên từ chính cái tên Minh Sáng của cô!
Nghệ An trích hơn 2 tỷ đồng khen thưởng giáo viên, học sinh đạt giải cao tại các cuộc thi Đây là phần thưởng cho những nỗ lực cố gắng của tập thể giáo viên và học sinh trong năm học 2020 - 2021. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định khen thưởng thành tích đạt giải Olympic khu vực và quốc tế, khen thưởng thành tích đạt giải tại Kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia năm học 2020 - 2021....