Cô giáo trẻ vượt núi mang chữ tới vùng xa
Tôi vô cùng khâm phục cái cách mà một cô giáo trẻ dám dấn thân, vượt qua rừng sâu, núi cao, mang theo tri thức đến cho các em học sinh. Đó chính là cô giáo Lã Thị Thanh Huyền – giáo viên cấp II đầu tiên của huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) có học vị tiến sĩ.
Ngày ấy, khi chia tay khoa Văn học – trường Đại học KHXH&NV, mỗi sinh viên đều ấp ủ những ước mơ trở thành nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu, giáo viên… Rồi mỗi người một đường, một cuộc sống, một công việc riêng, và hầu như ai cũng muốn cuộc sống của mình thật đủ đầy, sung sướng.
Cô giáo Huyền với các em học sinh trường Na Ngoi. (Ảnh: nhân vật cung cấp).
Huyền sinh ra và lớn lên ở Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Không như những sinh viên khác, cô chọn một con đường vô cùng chông gai… Huyền kể, ra trường, cô có ý định xin làm giáo viên dạy Văn tại một ngôi trường ngay tại thành phố Vinh. Nhưng một lần, sau khi xem phóng sự của Đài Truyền hình Nghệ An về những ngôi trường, những học sinh vùng sâu, vùng xa thiếu thốn đủ bề, cô đã quyết tâm đến với những em nhỏ nơi đây….
Nói là làm, Huyền làm đơn gửi Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh trình bày nguyện vọng lên công tác ở huyện miền núi biên giới Kỳ Sơn. Với tấm bằng cử nhân Văn học loại Khá cùng chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, Huyền được nhận ngay vào Trường THCS Mường Lống làm giáo viên dạy Văn cấp II. Huyền tâm sự: “Quyết tâm là thế, nhưng những ngày đầu mình không thể tưởng tượng cuộc sống nơi vùng cao lại vất vả đến thế. Cách nhà 250 km, nhiều đoạn đường rất khó đi, đặc biệt là đoạn đường từ thị trấn Mường Xén vào xã Mường Lống. 50 km đường đất đỏ, vào ngày mưa hết sức trơn trượt, đi lại có khi mất cả một ngày trời. Thời tiết ở đây lại vô cùng khắc nghiệt. Cái gì cũng thiếu hết, từ điện, nước, đến thực phẩm, vật dụng sinh hoạt hàng ngày”.
Khó khăn chồng chất khó khăn. Một cô giáo trẻ mới ra trường không tưởng tượng nổi tại một nơi mà sự học của các em được “gán” hoàn toàn cho nhà trường và thầy cô giáo. Các cô phải vừa dạy, vừa dỗ dành, vừa động viên các em đi học. Thêm vào đó, sự khác biệt ngôn ngữ như muốn cản lại những tâm huyết của cô khi truyền lửa cho các em. Cô giáo không biết tiếng Mông, trong khi các em học sinh lại hạn chế tiếng Việt, thành thử cả cô và trò đều khó khăn trong việc truyền và tiếp nhận kiến thức, vậy nên, gần như không thể dạy theo đúng giáo trình, giáo án, sách giáo khoa và chương trình lên sẵn. Cô giáo trẻ Lã Thị Thanh Huyền đã tìm cách khắc phục bằng việc tích cực học tiếng Mông. Huyền chia sẻ: “Mình đã học tiếng Mông từ những giáo viên lâu năm của trường; tranh thủ mọi nơi mọi lúc để tìm cách giao tiếp với người dân Mường Lống, rồi học từ chính các em học sinh. Thời gian rảnh thì vào bản để tìm hiểu những phong tục tập quán, hiểu thêm về tính cách tộc người. Đây cũng là nền tảng để mình truyền kiến thức cho các em”.
Nhờ chịu khó học tiếng Mông và tìm hiểu phong tục tập quán của người dân nơi đây đã giúp cô giáo Huyền biết thêm được tính cách, đặc thù hoàn cảnh của từng học sinh, hiểu được tâm tư nguyện vọng của học sinh để bù đắp. Cô và trò càng xích lại gần nhau, kỹ năng nghe – nói – đọc – viết của các em học sinh cô dạy dần tốt lên, lượng tri thức được truyền tải nhiều hơn. Rồi từ lúc nào, Huyền trở thành một hình tượng cô giáo dạy giỏi, tận tụy trong lòng học sinh. Các em học sinh ngày càng quyến luyến và yêu quý Huyền. Cô cũng được các đồng nghiệp đánh giá cao về chuyên môn nghiệp vụ, là Tổ trưởng chuyên môn, luôn đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi, và từng đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp huyện. Với hơn 10 năm tuổi Đảng, Huyền là một đảng viên gương mẫu của Chi bộ Trường THCS Mường Lống.
Những tưởng thế là yên ổn cho một giáo viên trường huyện. Nhưng với Huyền vẫn là chưa đủ. “Trước đây mình nghĩ giáo viên cấp II có bằng Đại học là tốt rồi. Nhưng đến khi đi dạy học, trước sự ham học, ham hiểu biết của các em, lại dạy trong một ngôi trường đặc biệt, mình lại càng thấy không đủ, nếu cứ dạy và áp theo các quy định chuyên môn thì rất khó”. Để tìm tòi thêm về phương pháp dạy học, năm 2011 Huyền đăng ký thi, học thạc sĩ chuyên ngành Lý luận và phương pháp dạy học bộ môn Văn và tiếng Việt.tại khoa Ngữ văn, Trường Đại học Vinh.
Năm 2013, sau khi bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ, Huyền được điều động về Trường PTDT Bán trú THCS Na Ngoi dạy học. Cũng như Mường Lống, Na Ngoi là một xã đặc biệt khó khăn của huyện Kỳ Sơn, đường xá đi lại thậm chí còn khó khăn hơn. Cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học thiếu thốn. Ý thức về học tập của các em học sinh chưa cao, nhiều học sinh bỏ học… Huyền lại một lần nữa trở thành người mẹ của các em; ngoài việc dạy học còn đi kèm nhiều công việc khác như quản lý học sinh, dạy các em nếp ăn, nếp ở, động viên khích lệ mỗi khi các em có việc vui, buồn…
Cô giáo Huyền (áo hồng) chụp ảnh lưu niệm cùng Hội đồng nghiệm thu Luận án. Ảnh: Thương Huyền
Video đang HOT
Giảng dạy cho các học sinh dân tộc, Huyền rất băn khoăn về hệ thống giáo trình dùng chung cho cả nước. “Làm thế nào để dạy văn cho các em học sinh dân tộc Mông hiệu quả nhất, để các em thêm yêu và hiểu Văn?”. Câu hỏi đó khiến Huyền day dứt khôn nguôi. Cũng trong thời gian này, những giảng viên trường Đại học Vinh thường xuyên liên lạc, động viên Huyền nên tiếp tục phát triển luận văn về đề tài phương pháp dạy học cho học sinh người dân tộc Mông trở thành luận án… Được sự động viên, sự ủng hộ của ban giám hiệu và các giáo viên Trường PTDT Bán trú THCS Na Ngoi, năm 2014, cô giáo Lã Thị Thanh Huyền lại quyết tâm vượt khó, “xuống núi tìm chữ”.
Lần này, Huyền phải về tận Trường Đại học Sư phạm Hà Nội để học. Đường sá xa xôi, chi phí tốn kém. Thời gian đầu, Huyền chạy như con thoi giữa Hà Nội – Kỳ Sơn, vừa học, vừa dạy để có tiền lương cộng thêm tiền đứng lớp, đảm bảo học phí, tiền ăn ở, đi lại cũng như để nuôi con… Đến năm 2017, để tập trung vào việc nghiên cứu luận án, cô giáo Huyền xin tạm nghỉ công tác. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, vừa qua, Huyền đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ “Phương pháp dạy môn Văn – Tiếng Việt cho học sinh người Mông” và được Hội đồng bảo vệ luận án đánh giá xuất sắc.
“Theo mình, dạy Văn không chỉ hướng tới vẻ đẹp ngôn từ mà hướng tới cho học sinh năng lực giao tiếp, kỹ năng nghe – nói – đọc tiếng Việt. Từ hiểu, yêu tiếng Việt, các em học sinh người Mông sẽ hiểu các môn học khác, rồi từ đó quay lại yêu môn Văn”. “Giờ mình đã có thể toàn tâm toàn ý cho việc dạy học. Chồng và các con mình là người dân tộc Mông. Mình yêu mảnh đất và con người nơi đây. Mình hãnh diện và tự hào khi được góp phần nhỏ bé mang tri thức đến cho mảnh đất gian lao mà kiên cường này”.
Chia tay cô bạn nhỏ bé mà kiên cường, tôi tự nhủ, cuộc đời này vẫn có quá nhiều điều tốt đẹp, bởi vẫn còn những người như cô giáo Huyền, giản dị mà đầy đức hy sinh, như một bông hoa nhỏ âm thầm tỏa hương thơm ngát giữa đời thường. Chúc Huyền luôn có đủ sức khỏe để tiếp tục thắp sáng những ước mơ nơi vùng xa!
Thương Huyền
Theo cpv.org
Thầy giáo trẻ làm "dân vận" ở xứ Mường
Những năm tháng đầu tiên bước chân vào nghề, vượt lên mọi khó khăn của công việc dạy học ở vùng cao, gác lại bao lời mời gọi nơi phố thị, lặng lẽ trèo non, vượt suối đến với vùng cao, thầy giáo Nguyễn Duy Thể đã và đang cống hiến sức trẻ ở nơi con chữ đang khát khao được gieo mầm.
Gieo chữ ở vùng cao, ngoài công việc dạy học, thầy giáo Nguyễn Duy Thể và đồng nghiệp còn đóng vai trò là một "cán bộ dân vận" để vận động học sinh ra lớp.
Dạy học ở Thu Cúc, thầy giáo Nguyễn Duy Thể làm tốt công tác vận động học sinh ra lớp.
Gieo ước mơ nơi xứ Mường
Là người con vùng Đất Tổ Phú Thọ, sinh ra và lớn lên ở thị xã Phú Thọ, năm 2010, thầy giáo Nguyễn Duy Thể tốt nghiệp khoa Địa lý trường đại học Hùng Vương. Vốn đang sống ở khu trung tâm, đô thị tấp nập với điều kiện sinh hoạt khá tốt thì việc xung phong đi vào vùng cao dạy học đối với nhiều người là cả một sự đắn đo. Vậy mà, cầm tấm bằng đại học trong tay, thầy giáo Nguyễn Duy Thể không hề do dự hay băn khoăn mà đã chọn cho mình một hướng đi duy nhất, đến vùng cao Thu Cúc huyện Tân Sơn (Phú Thọ) để gieo những con chữ đầu tiên trong nghề dạy học của mình.
Hành trình đến vùng cao Thu Cúc tuy không đến vài trăm cây như ở những vùng biên cương khác nhưng con đường từ nhà đến đó cũng phải mất gần một ngày đường. Những dốc đèo quanh co uốn lượn bên những triền núi cao ngất, những con suối ào ào tựa như thác đổ, sương mù quyện trắng lối đi là những đặc điểm tự nhiên về địa hình của xứ Mường Thu Cúc, nơi mà người dân nơi đây vẫn gọi là "phía bên kia cổng trời". Thu Cúc là xã đặc biệt khó khăn, học sinh chiếm trên 90% là người Mường, Mông, hay bỏ học lên núi; điều kiện nhà trường còn nhiều thiếu thốn. Cơ sở vật chất còn tạm bợ. Người dân còn nghèo...
Những ngày đầu đứng trên bục giảng, viết những nét chữ đầu tiên trong nghề, phía dưới lớp là những gương mặt non nớt, ngơ ngác của những đứa trẻ người Mường, người Mông, người Dao, thầy giáo Nguyễn Duy Thể đã cảm nhận được phía sau vẻ nhút nhát, lam lũ của những đứa trẻ với mái tóc vàng hoe vì nắng gió kia là đôi mắt ngời sáng, trong veo và toát lên ở đó tinh thần hiếu học, khát khao được gieo ước mơ ở nơi này. Vì thế, những tháng ngày đầu của nghề, thầy giáo Nguyễn Duy Thể đã tự nhủ phải chuẩn bị và thực hiện những giáo án vừa kỹ lưỡng, vừa phù hợp với đối tượng học sinh.
Trong vai trò một "cán bộ dân vận"
Dạy chữ ở vùng cao, mỗi giáo viên ngoài việc dạy chữ, dạy người phải nhận thêm một trọng trách quan trọng nữa, đó là nhiệm vụ của một "tuyên truyền viên, một cán bộ dân vận". Công tác ở xứ Mường Thu Cúc nhiều năm nay, thầy giáo Nguyễn Duy Thể không chỉ đóng vai mà còn là một tuyên truyền viên đắc lực đối với giáo dục vùng này, mà hằng năm, cứ vào dịp sau nghỉ hè, sau tết nguyên đán hay giữa kỳ học, thầy Thể lại cùng đồng nghiệp phải lặn lội lên tận những bản xa để vận động các em trở lại trường...
Trong công việc này, với sức trẻ, lòng nhiệt huyết, thầy giáo Nguyễn Duy Thể luôn xung phong đến những bản xa để gọi học trò. Suối sâu, dốc đèo cao, có xe máy cũng chẳng thể đi được. Những ngày mùa đông, sương mù đặc quyện trên những bìa rừng, lối đi, rét như cắt da cắt thịt cũng chẳng làm chùn bước chân mỗi lần đi vận động học trò của thầy Thể.
Thầy giáo Nguyễn Duy Thể thăm và tặng quà cho học sinh nghèo ở bản Mỹ Á.
Những lúc về bản vận động học sinh ra lớp, thầy giáo Nguyễn Duy Thể cảm thấy mình trong vai trò là một cán bộ dân vận hơn là một thầy giáo. Thầy Thể chia sẻ: "Vận động học sinh cũng phải có nghệ thuật và đòi hỏi lòng kiên trì chứ nóng vội, bỏ cuộc là sẽ thất bại ngay. Thế mới hiểu cán bộ dân vận phải khéo léo và vất vả thế nào". Thầy Thể kể rằng, cứ đầu năm học, thầy và giáo viên trong trường lại tổ chức đi vận động học sinh nghèo trên những bản xa để các em yên tâm đến lớp. Khi đi vận động, thầy cô thường mang theo tải sách giáo khoa, nếu em nào không mua được thì cho hoặc cho mượn, như thế các em mới chịu xướng núi đến trường. Ở trường THCS Thu Cúc, hè về, các em thường lên núi làm việc hay đi làm thuê nơi xa nên quên cả việc học. Vì vậy, nhà trường phải vất vả đi vận động để các em tiếp tục học.
Thầy Thể tâm sự rằng, mỗi lần lên núi, lên bản vận động học trò, lại càng cảm thấy thương các em, khâm phục các em nhiều lắm. Đến nhà các em mới thấy con đường đến trường xa quá, điều kiện của các em thì khó khăn nên việc các em bỏ học về làm nương rẫy là chuyện chẳng có gì lạ. Vì thế, những bước chân hăm hở của thầy Thể đến những bản như Mỹ Á, Liên Trung, có khi giáp tận vùng Suối Giàng (Yên Bái) như thể gọi về những ước mơ đang dang dở, để tiếp thêm sức mạnh cho học trò nghèo xuống núi học chữ.
Thầy Thể cũng không nhớ bao lần đi vận động học trò, bao lần đưa trò qua suối những ngày giá lạnh, chỉ biết rằng, những năm gần đây, với sự nỗ lực, tâm huyết của thầy và đồng nghiệp, sĩ số học sinh của trường THCS Thu Cúc luôn ổn định, tỷ lệ học sinh ở nhà bán trú luôn đạt 100%, số học sinh bỏ học giảm đáng kể. Giờ đây, học sinh ở các bản xa đã yên tâm xuống núi học chữ, viết tiếp ước mơ của mình.
Điều đọng lại sau những nỗi nhọc nhằn của hành trình gieo chữ, sau những chuyến đi bản vận động học trò, điều chất chứa trong lòng thầy giáo Nguyễn Duy Thể là ước mơ con trẻ được chắp cánh từ những bản làng vùng cao.
Em Mùa Thị Hoa, học sinh lớp 9, dân tộc Mông ở bản Mỹ Á chia sẻ: "Khi học lớp 7, do đường xa, nhà lại khó khăn, em có ý định bỏ học nhưng nhờ thầy giáo Nguyễn Duy Thể đến nhà vận động nên em có thêm niềm tin và quyết tâm đến trường".
Sau mỗi giờ lên lớp, thầy giáo Nguyễn Duy Thể đã cùng đồng nghiệp chăm lo nơi ăn chốn ở cho các em học sinh người Mông ở bản Mỹ Á và một số bản xa trọ học ở trường. Những ngày đó, học sinh vẫn phải tự nấu ăn theo nhóm với số gạo, rau và tiền thức ăn ít ỏi gia đình cho để sinh hoạt trong tuần. Thầy Thể và đồng nghiệp thay phiên nhau quản lý việc sinh hoạt của các em ở nhà bán trú, tổ chức cho các em vui chơi thể thao, trồng rau và biết giữ gìn vệ sinh chung. Chiều chiều, thầy đi từng phòng kiểm tra, nhắc nhở và chỉ bảo các em việc tự học, vệ sinh phòng ở và tham gia các công việc chung của khu bán trú.
Với sự quan tâm mà thầy Thể dành cho học sinh bán trú, từ năm học 2011 đến nay, lãnh đạo trường THCS Thu Cúc đã giao cho thầy giáo Nguyễn Duy Thể phụ trách nhà bán trú học sinh. Với thầy Thể, đó là trách nhiệm và cũng là niềm vui khi được chăm lo bữa ăn, giấc ngủ và việc học hành của các em học sinh vùng cao.
Thầy giáo Mùa A Đàn (dân tộc Mông), đồng nghiệp của thầy giáo Nguyễn Duy Thể chia sẻ: "Thầy Thể là một trong những giáo viên tích cực vận động học sinh ra lớp. Nhờ sự khéo léo và kiên trì, thầy Thể đã giúp nhiều học sinh từ bỏ học trở lại trường. Sỹ số học sinh nhà trường luôn được duy trì tốt".
Muốn dân vận tốt thì phải rèn luyện kỹ năng
Thầy giáo Nguyễn Duy Thể xác định, muốn đồng nghiệp, nhân dân và học sinh tin yêu, khi nói được các em học sinh tin tưởng, mỗi người cần không ngừng trau dồi kỹ năng, nghiệp vụ, đặc biệt là năng lực chuyên môn và các hoạt động tập thể.
Vốn là một giáo viên trẻ, năng động, nhiệt tình và có cả những năng khiếu về văn nghệ, thể thao và công tác phong trào, từ năm 2014, thầy giáo Nguyễn Duy Thể đã được bầu làm Tổng phụ trách Đội TNTP nhà trường. Đó là môi trường để thầy Thể được trải nghiệm sức trẻ, cống hiến nhiệt huyết của mình với sự nghiệp giáo dục nơi đây. Trong vai trò là một Tổng phụ trách, thầy giáo Nguyễn Duy Thể luôn gương mẫu, nhiệt tình để tổ chức các phong trào thi đua với nhiều hoạt động phong phú và hiệu quả đối với học sinh nhà trường. Thầy Nguyễn Duy Thể từng đoạt giải nhì Hội thi Tổng phụ trách Đội giỏi huyện Tân Sơn, được nhận giấy khen của Hội đồng đội huyện. Vào những đợt thi đua hội giảng nhân các ngày lễ lớn, thầy Thể luôn đăng ký những giờ dạy tốt để có cơ hội trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ với đồng nghiệp.
Không những thế, là một giáo viên trẻ, thầy giáo Nguyễn Duy Thể không ngần ngại thử sức mình qua những Hội thi chọn giáo viên dạy giỏi cấp huyện cấp tỉnh. Năm học 2016-2017, sau khi vượt qua Hội thi vòng trường, vòng huyện, thầy Thể đã xuất sắc đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, được Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Thọ tặng giấy khen. Với thầy, đó là điểm khởi đầu cho một quá trình dài nỗ lực và phấn đấu về chuyên môn.
Dạy chữ ở xứ Mường Thu Cúc với niềm đam mê, miệt mài và giàu lòng mếm trẻ, tuy những danh hiệu, phần thưởng như chiến sỹ thi đua cơ sở, giấy khen của UBND huyện Tân Sơn, giấy khen của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Thọ là vô cùng cao quý nhưng đối với thầy giáo Nguyễn Duy Thể, đó là quãng thời gian trải nghiệm quan trọng của bản thân mình, đó sự thử thách không gì có thể thay được để có một ý chí, lòng yêu nghề nơi vùng khó như Thu Cúc. Phần thưởng quý giá đối với thầy Thể và đồng nghiệp là những học sinh vùng cao đang ngày đêm miệt mài bên trang sách, đọc lên những bài ca của ước mơ và niềm tin ngọt ngào mà ấm áp.
Lãnh đạo trường THCS Thu Cúc nhận xét: "Thầy giáo Nguyễn Duy Thể là một giáo viên giỏi về chuyên môn, yêu nghề, tích cực trong công tác vận động học sinh đến lớp, luôn là tấm gương sáng cho đồng nghiệp và học sinh noi theo. Ngoài dạy học, thầy Thể còn thực hiện tốt vai trò của một cán bộ dân vận".
Phía trước còn biết bao mùa gieo chữ đang đón đợi, còn bao tâm hồn con trẻ đang khao khát được thắp lên ngọn lửa của ước mơ. Quãng thời gian dạy chữ ở vùng cao Thu Cúc so với cuộc đời dạy học của một giáo viên là chưa dài nhưng đối với thầy giáo Nguyễn Duy Thể, đó là sự dấn thân của một nhà giáo trẻ, là sự khẳng định mình trên nẻo đường gieo chữ vì những "mầm xanh" tương lai nơi xứ Mường đang mong đợi những "mùa gieo chữ" mới. Sự dấn thân ấy đã để lại những bài học vô cùng quý báu trong công tác dân vận và dân vận khéo đối với thầy giáo Nguyễn Duy Thể. Thầy Thể đã nhận thức sâu sắc rằng, làm giáo dục nói chung và giáo dục ở vùng cao nói riêng, mỗi thầy cô giáo cần thêm vai trò của một cán bộ dân vận để kết nối hành trình vươn tới ước mơ con chữ của học trò nghèo nơi những bản vùng cao./.
Bài, ảnh: Nguyễn Thế Lượng
Theo cpv.org
Lớp học đặc biệt dưới chân núi Dưới chân núi Pom Có, thuộc xã Quài Cang, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên, có một lớp học đặc biệt vẫn vang tiếng ê a đánh vần con chữ mỗi buổi trưa hàng ngày. Cô giáo lớp học là chi hội trưởng Phụ nữ của bản, còn học trò phần lớn đều là các chị, các mẹ. Đã ở tuổi gần 60,...