Cô giáo trẻ nấu cơm cho hàng trăm trò nghèo
Ngoài giờ lên lớp, cô Dung tranh thủ vận động thêm người dân trong xã mỗi người một ít để tổ chức bữa ăn.
Từ lâu, cô Dung đã trở thành người mẹ thứ 2 của những học sinh nghèo
Ngày đầu đứng trên bục giảng cô giáo Huỳnh Thị Thùy Dung đã rớt nước mắt khi chứng kiến những đứa trẻ người Mông, Dao, Sán Chỉ… tới trường bằng đôi chân trần và những nắm cơm trắng ăn cùng muối… Bữa cơm do cô giáo Thùy Dung kêu gọi cộng đồng hỗ trợ học sinh nghèo trong trường đến nay đã được hơn 2 năm.
Mong các em no bụng để theo học cái chữ
“Tùng, tùng… tùng”, tiếng trống trường giòn tan, sân trường Tiểu học Võ Thị Sáu (xã Đắk Nang, huyện Krông Nô, Đắk Nông) đang yên ắng bỗng nhộn nhịp, từng nhóm học sinh hò reo, kéo nhau về “căng tin” đối diện cổng trường. Nói là “căng tin” cho sang nhưng đó là mái hiên che tạm nơi nấu cơm trưa cho học sinh xa nhà. Vừa hoàn tất nồi canh rau, cô Dung kéo chiếc ghế lại ngồi chia sẻ: Năm 2010, tốt nghiệp Cao đẳng ở Quy Nhơn, cô nhận công tác tại trường Võ Thị Sáu.
Thời đó, cơ sở vật chất của trường còn nghèo nàn, trường chỉ có vài ba lớp học cũ kĩ, sân trường mùa nắng thì bụi, mưa thì lầy lội. Thế nhưng khi nhìn cảnh những đứa trẻ nghèo người Mông, Dao, Sán Chỉ, M’Nông… quần áo hoen ố, chân đất vẫn đến trường tìm kiếm con chữ, cô giáo trẻ thêm quyết tâm, nguyện “kết duyên” ở lại.
Trong năm học 2017-2018, cô Huỳnh Thị Thùy Dung được Chủ tịch UBND huyện Krông Nô tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” vì có thành tích xuất sắc trong năm học. Tháng 10/2017, cô Dung được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo dạy và học”.
“Đa số các em là người dân tộc thiểu số ở phía Bắc theo gia đình vào Tây Nguyên lập nghiệp và sống rải rác khắp nơi trong rừng. Vì vậy, để đến được trường học sinh phải lội bộ khoảng 5km. Có em bố mẹ nấu cho nắm cơm trắng gói túi nilon và ít muối hoặc một gói mì tôm, không có thì nhịn đói. Vào lớp nhiều học sinh đói lả nằm trên bàn. Thấy vậy, em chạy đi mua bánh mì ngọt và sữa bịch mang cho các em ăn rồi học tiếp. Từ đó, em mới nghĩ ra bữa cơm để giúp các em xóa cơn đói, có niềm vui theo học chữ”, cô Dung cho hay.
Trong một lần đi chợ, cô Dung tâm sự về hoàn cảnh của những đứa trẻ nghèo đi học, bày tỏ nguyện vọng muốn tìm sự hỗ trợ để các em không phải chịu cảnh bụng đói tới trường. Rất may câu chuyện được các bà các cô trong chợ chia sẻ. Ngay trưa hôm sau, bà chủ tiệm bún mang đến trường một nồi rau xào thịt to góp vào bữa ăn cho cô và trò giữa sân trường.
Video đang HOT
Ngoài giờ lên lớp, cô Dung tranh thủ vận động thêm người dân trong xã mỗi người một ít để tổ chức bữa ăn.
Gần hai năm trước, bữa cơm đầu tiên do nhóm của cô Dung được cung cấp cho các em học sinh khó khăn trong trường Võ Thị Sáu. Hàng tuần, sẽ có hai bữa cơm trưa, trong đó thứ 2 sẽ phục vụ cho gần 220 em, thứ 5 là hơn 150 em. Tính tới nay, bữa “cơm có thịt” cho học sinh trường Võ Thị Sáu đã duy trì hơn 2 năm.
Bên cạnh đó, cô Dung cũng là người khởi sướng chương trình tặng “áo ấm mùa đông”, xe đạp cho những trò nghèo nhà xa. “Mỗi lần đi vận động cực lắm, tụi em phải đi vào buổi tối hoặc sáng sớm vì lúc đó người dân mới có ở nhà”, cô Dung chia sẻ.
Cần lắm sự chia sẻ
Cố gắng mang lại niềm vui cho học trò nghèo nhưng sức người có hạn, không ít lần cô Dung ngậm ngùi khi “lực bất tòng tâm”. Đơn cử trường hợp học sinh Hờ A Dờ (10 tuổi) mồ côi cha mẹ từ nhỏ, 10 anh em bấu víu nhau mà sống trong căn nhà tre vách nứa dựng tạm.
Thương trò, cô Dung trực tiếp đi quyên góp tiền sửa lại mái nhà chống thấm dột, sắm thêm vài vật dụng cho anh em Dờ sinh hoạt. “Nhờ kết nối với bạn bè, em đã gửi thông tin của Dờ về chương trình “Cặp lá yêu thương” của Đài Truyền hình Việt Nam mong được giúp đỡ.
Tuy nhiên, khi chương trình chuẩn bị về quay cũng là lúc Dờ được bà con đưa về Bắc. Em gọi điện năn nỉ thuyết phục Dờ quay lại học. Thế nhưng, khi Dờ quay lại đã lỡ chương trình, đó là điều em luyến tiếc nhất”, nữ giáo viên tâm sự.
Giờ đây, điều mong muốn nhất của cô Dung và các giáo viên khác là làm sao có được sự hỗ trợ để xây một bếp ăn bán trú ổn định cho học sinh trong trường. “Năm học này có mạnh thường quân hứa hỗ trợ đều tiền ăn cho học sinh. Thế nhưng, các thầy cô lo lắng năm sau không biết có nhận được sự hỗ trợ. Sợ đứt gánh giữa đường tội các em học sinh. Nếu xây dựng được bếp ăn bán trú có sự hỗ trợ của Nhà nước thì đỡ hơn, lâu dài hơn và giúp được các em hơn”, cô Dung bày tỏ.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, thày Bùi Văn Út, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Krông Nô cho biết, cô Dung là giáo viên giỏi chuyên môn và nhiệt huyết trong hoạt động giúp đỡ học sinh nghèo, học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn.
Cô đã vận động các mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh giúp đỡ học sinh bữa cơm trưa có thịt, giúp đỡ quần áo, sách vở, xe đạp… giúp các em vượt qua khó khăn để không bỏ trường, bỏ lớp. “Đời sống của các em học sinh vùng sâu, vùng xa rất khó khăn.
Khi biết cô Dung kêu gọi tổ chức được bữa “cơm có thịt” cho học sinh bản thân tôi đã hết sức ủng hộ. Đối với học sinh vùng khó khăn, bữa cơm giúp các em cố gắng học tập và khẳng định tình thương giữa thầy cô và học sinh”, thầy Bùi Văn Út chia sẻ.
Theo 24h.com.vn
Hà Giang: Lớp học 6 m2 và sứ mệnh "cõng chữ lên non" của cô giáo trẻ
Chỉ vỏn vẹn trong không gian chật chội 6m2, 25 cô trò điểm trường mầm non Sơn Vĩ tại thôn Lũng Lình A vẫn bám trụ, trao nhau ước mơ về một tương lai tươi sáng.
Điểm trường MN Sơn Vĩ tại thôn Lũng Lình A.
Sơn Vĩ là một xã nghèo nằm giáp ranh biên giới với Trung Quốc thuộc huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Vốn nằm trên địa hình khó khăn, hiểm trở, nằm cheo leo trên núi nên cuộc sống của đồng bào nơi đây vẫn gặp nhiều khó khăn.
Ghé thăm điểm trường tại thôn Lũng Lình A thuộc trường mầm non Sơn Vĩ, 25 cô trò học tập dưới một không gian gọi là "lớp học" chỉ vỏn vẹn 6m2. Có thể nhiều người sẽ nghĩ mình đang nghe nhâm nhưng không, thực sự đó chỉ là 6 mét vuông được ghép bằng những tấm ván thô sơ, tạm bợ.
Một không gian nhỏ bé, sừng sững giữa núi rừng, tuy khó khăn nhưng đó là nơi gieo mầm cho nhiều thế hệ học sinh. Có lẽ, ở một nơi đến cái ăn còn thiếu thốn, sự kiên trì của những cô giáo vùng cao bám bản, thực hiện sứ mệnh "cõng chữ lên non" là điều đáng trân quý hơn bao giờ hết.
Cô giáo đứng lớp tại lớp học đặc biệt này mang tên Lò Thị Lan. Cung cấp thông tin cho PV, cô Mua Thị Cáy - Hiệu trưởng trường mầm non Sơn Vĩ kể, cô Lan người dân tộc Nùng và là một giáo viên rất có tâm với nghề và có hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn.
"Khi con cô Lan mới được 12 tháng đã bị phân công về đây dạy nhưng cô không hề ngại khổ mà từ chối. Với những điểm trường khác đỡ khó khăn hơn, nếu có con nhỏ, các cô thường mang con theo rồi nhờ người gia đình lên phụ giúp. Nhưng gia đình cô Lan neo người, điểm trường lại khó khăn, đến diện tích học cho các cháu còn không đủ nên cô đành bỏ con tại nhà. Đi dạy biền biệt cả tuần, cuối tuần cô mới đi về thăm con. Có những khi con đau ốm, cô buộc phải xin nghỉ về chăm con rồi lại tiếp tục lên lớp hoàn thành nhiệm vụ", cô Cáy xúc động kể.
Được biết, con đường đến trường từ nhà cô Lan khoảng 9 km. Nếu ở vùng xuôi có thể là rất gần, nhưng đối với một xã nghèo vùng biên như Sơn Vĩ, con đường ấy rất hiểm trở khó đi. Mặc dù là đường đá nhưng phụ nữ khó lòng mà đi xe vượt qua được nên cô phải đi bộ. Những hôm may mắn, co được đi nhờ các thầy giáo tiểu học gần đó là một niềm vui lớn.
Lớp học thô sơ là nơi học tập của 25 cô trò.
Cô hiệu trưởng cho biết: "Đây là năm đầu tiên cô Lan được giao nhiệm vụ đứng dạy tại điểm trường này. Mầm non Sơn Vỹ của chúng tôi có tất cả 19 điểm trường rải ở các thôn, bản trong xã. Do điều kiện địa hình vùng cao khó khăn, đường đi phức tạp nên phải phân ra các điểm trường để tiện cho việc đi lại của các em học sinh. Và điểm trường thôn Lũng Lình A cùng là điểm trường có điều kiện khó khăn nhất. Những ngày mưa gió vẫn bị dột, gió lạnh vẫn lùa được vào, lạnh lắm nhưng cô trò vẫn phải cố gắng. Đồ dùng học tập vẫn có nhưng ít, diện tích thì chật hẹp..."
"Mặc dù hoàn cảnh điều kiện ở đây còn gặp nhiều khó khăn, cuộc sống chưa đủ no ấm nhưng chưa bao giờ tôi chán nản và cũng chưa từng có suy nghĩ sẽ từ bỏ nghề... Vì đây cũng là nơi tôi sinh ra và lớn lên, tôi chỉ cố gắng, muốn làm điều gì nhỏ bé góp phần xây dựng quê hương thêm giàu đẹp. Có lúc mưa gió lạnh nhưng chỉ có ít em nghỉ học nhưng chỉ vắng vài cháu. Còn những ngày nắng ráo thì các cháu đến trường đều. Vì sự chăm chỉ, cố gắng của các cháu nên cả cô và trò đều phải làm hết sức", cô Lan trải lòng.
Nói về 24 em trong lớp học của cô Lan, vốn thông thường, trẻ vùng cao hay nhút nhát nhưng các em ở đây nhận thức rất nhanh. Để rèn luyện được điều đó, phương pháp dạy của cô giáo này đặc biệt hơn. Bởi vì, cô thường giao tiếp lần một với các em bằng tiếng dân tộc Nùng, sau đó mới lặp lại bằng tiếng phổ thông nên các em nắm bắt ý được nhanh hơn. Cũng chính vì thế, khi tiếp xúc với người lạ như chúng tôi, các em không tỏ ra lúng túng. Không thể ngờ rằng, tại một nơi có hoàn cảnh khắc nghiệt như thế, với độ tuổi chỉ từ 3 -5 tuổi mà các em đã có thể vô tư trả lời về lòng yêu quê hương, yêu thôn bản và giữ gìn vẹn toàn chủ quyền lãnh thổ của dân tộc. Quả thực, với những đứa trẻ tại đây, việc đào tạo, dạy dỗ các em điều này là điều hết sức quý báu. Vì mai sau đây, các em chính là thế hệ tương lai của tổ quốc, là những người được giao trọng trách quý báu bảo vệ quê hương, giữ gìn biên ải.
Chia tay Lũng Lình A, chia tay Sơn Vĩ, nghĩ về bao khó khăn, vất vả trong một không gian chỉ 6 mét vuông ấy đang ươm mầm cho cả một thế hệ khiến ai nấy man mác buồn nhưng vẫn ánh lên niềm tin, hy vọng về một tương lai tốt đẹp.
Tiếng đài radio vọng lại: "Nắng chiều bản em bên sườn núi / Cô giáo về rộn vang tiếng trẻ thơ / Tung tăng bên sườn núi, hát líu lo đùa trong nắng / Thêm yêu mái trường em đã quen / Có tiếng hát đàn em sớm chiều...", Sơn Vĩ xa dần
Theo Conglyxahoi.net
Trao 700 triệu đồng cho 520 sinh viên, học sinh tại Bến Tre Ngày 16-11, tại trường PTTH Quản Trọng Hoàn, xã Thạnh An, huyện Mỏ Cày Nam (Bến Tre), Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) và nhóm từ thiện của bà Mai Thị Hạnh, phu nhân nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trao học bổng có tên "TTC- Nâng bước thành công" cho 520 sinh viên, học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận...