Cô giáo toàn cầu Hà Ánh Phượng: Tôi về quê dạy học để trả ‘món nợ ân tình’
ĐBQH Hà Ánh Phượng (đoàn Phú Thọ) – cô giáo Việt Nam đầu tiên vào Top 10 ‘Giáo viên toàn cầu’.
Hiện bà đang công tác tại Trường THPT Hương Cần (huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ). Là một nhà giáo, bà Phượng mong muốn, Đảng và Nhà nước có chính sách quan tâm tới đội ngũ giáo viên, và nhân viên trường học hơn nữa để mọi người có thể chuyên tâm công tác.
ĐBQH Hà Ánh Phượng. Ảnh: Quang Vinh.
PV: Thưa bà, khi tốt nghiệp Đại học với tấm bằng loại ưu, được nhiều công ty “săn đón” với mức thu nhập cao, đây là điều mơ ước của nhiều người nhưng bà đã từ chối để làm giáo viên. Bà có thể chia sẻ về quyết định đó?
Bà HÀ ÁNH PHƯỢNG: Ngay từ nhỏ tôi đã có ước mơ là giáo viên, với tôi giáo viên là một công việc lý tưởng, nhất là khi được cô giáo chủ nhiệm dạy văn của mình tiếp thêm sức mạnh, ước mơ ấy càng lớn dần trong tôi. Vì vậy tôi đã quyết tâm học để đỗ vào chuyên ngành ngôn ngữ Anh – Trường Đại học Hà Nội và học thêm nghiệp vụ sư phạm ngoại ngữ.
Thời gian rảnh, tôi làm phiên dịch cho một vài công ty dịch thuật ở các lĩnh vực khác nhau. Tôi may mắn được trải nghiệm và đi một vài quốc gia, rồi tôi nhận ra rằng điều mình thích nhất vẫn là giáo viên. Năm cuối Đại học, tôi tích cực đi phiên dịch và nhận được một vài lời đề nghị vào làm chính thức cho công ty nước ngoài sau khi tốt nghiệp. Trong đó, có một công ty đề nghị tôi làm với vai trò “giám đốc đại diện”. Lúc ấy tôi còn quá trẻ, tôi nghĩ không phù hợp với mình khi chuyên môn của mình là ngôn ngữ Anh và điều quan trọng là tôi không tìm được niềm vui thực sự của công việc đó. Với tôi giáo viên vẫn là công việc yêu thích nhất, tôi quyết định đi học lên Thạc sĩ và học sâu về phương pháp giảng dạy, sau đó tôi trở về quê hương.
Dư luận xã hội băn khoăn khi nhiều “nhà vô địch” đường lên đỉnh Olympia đã ra nước ngoài sinh sống, không trở về. Ngược lại, bà lại chọn môi trường khó khăn trong nước để làm việc. Thời điểm đó, bà có gặp khó khăn và trở ngại nào là lớn nhất?
- Từ nhỏ tôi học trường nội trú nên từ lúc đi học đến lúc tốt nghiệp Đại học tôi đều được Nhà nước chi trả tiền ăn, học, sinh hoạt, hay hưởng các học bổng dành cho người dân tộc ít người. Tôi đã từng nghĩ về quê là cách mình trả “món nợ ân tình” đó. Khi quyết định trở về quê dạy học, tôi cũng gặp nhiều khó khăn. Ngôi trường mà tôi đang công tác phần lớn là học sinh người dân tộc ít người, sống tại khu vực miền núi và còn nhiều hạn chế, các em chưa có nhiều cơ hội học tập ngoại ngữ như bạn bè cùng trang lứa ở thành phố hay một số địa phương khác.
Nhiều người cho rằng học sinh người dân tộc ít người khi học tiếng Anh là một bất lợi, còn tôi thì nghĩ khác. Tôi luôn có niềm tin về các cô cậu học trò của mình vì tôi cho rằng bản thân mỗi em người dân tộc ít người khi sinh ra đã là một đứa trẻ “đa ngôn ngữ” nên khi học một ngôn ngữ nữa là một lợi thế chứ không phải là bất lợi. Tôi nhận ra rằng, điều các em thực sự cần ở đây là “nội động lực học” và “môi trường học ngoại ngữ” và từ đó mô hình lớp học kết nối xuyên quốc gia giống như một cơ duyên để những cô cậu trò vùng miền núi của tôi có thêm cơ hội được học tập tiếng Anh hiệu quả, tăng sự tự tin và mở rộng kiến thức liên văn hóa để rồi cho tới giờ phút này cô trò chúng tôi đã cùng nhau “đi du lịch” trên 50 quốc gia trên thế giới và nhiều dự án quốc tế.
Ngoài dự án quốc tế “Say no to plastic straw”, bà có những ý tưởng về những dự án tiếp theo trong tương lai hay không?
Video đang HOT
- Cô trò tôi đã có một vài dự án quốc tế như “Nói không với ống hút nhựa” – dự án thu hút học sinh và giáo viên ở hơn 40 quốc gia tham gia với nâng cao nhận thức và ý thức của các em trong việc bảo vệ môi trường. Dự án “Thư viện hạnh phúc” với mong muốn tăng thêm nguồn sách ngoại văn để các em học sinh có tài liệu ngoại văn để đọc.
Trong 2 năm vừa qua có 2 dự án mà cô trò chúng tôi cùng đồng hành đó là “The Psymics” – dự án về tâm lý học đường với mục đích hỗ trợ các em học sinh về các vấn đề tâm lý học được với sự hỗ trợ của các chuyên gia và bác sĩ tâm lý, hay dự án “Phòng chống bạo lực trên không gian mạng”- dự án cung cấp các kiến thức, kỹ năng và hỗ trợ các em học sinh trong việc nâng cao nhận thức an ninh mạng và bảo vệ bản thân an toàn khi sử dụng mạng, đây là dự án mang tiếng vang lớn thu hút được nhiều giáo viên, phụ huynh và học sinh ở các cơ sở giáo dục tại Việt Nam và 21 quốc gia trên thế giới. Điểm nhấn của hội thảo là chúng tôi đã thu hút được hơn 22.000 người tham gia với các diễn giả là các chuyên gia an ninh mạng nổi tiếng ở Việt Nam và trên thế giới. Gần đây nhất là dự án “Hợp tác Việt Nam-Thái Lan về giáo dục và thanh thiếu niên” được Đại sứ quán Thái Lan tài trợ qua đó các em học sinh ở các trường THPT trong nhóm dự án có thêm cơ hội trao đổi và học hỏi văn hóa từ nước bạn. Hiện tôi đang tập trung vào dự án bảo tồn văn hóa dân tộc Mường.
Thực tế hiện nay có một bộ phận giáo viên xin nghỉ việc, hoặc chuyển sang lĩnh vực tư. Là một nhà giáo, bà có suy nghĩ gì, và kiến nghị gì về cơ chế chính sách đối với nhà giáo hiện nay?
- Đây là vấn đề được nhắc tới rất nhiều tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, và được phân tích thực trạng này là do nhiều nguyên nhân khác nhau như: mức lương, phụ cấp chưa đáp ứng nhu cầu cuộc sống, áp lực công việc, thay đổi định hướng của các cá nhân, ảnh hưởng của nền kinh tế số 4.0. Tôi mong muốn Đảng và Nhà nước sẽ có chính sách cải cách tiền lương quan tâm tới các đội ngũ giáo viên và nhân viên trường học hơn để đội ngũ giáo viên có thể chuyên tâm công tác.
Trân trọng cảm ơn bà!
Cô giáo Mường thắp lửa đam mê Lịch sử cho học trò miền sơn cước
Những ngày theo chân mẹ đến điểm trường cắm bản thửa nhỏ đã nhen nhóm cho cô Hoàn ước mơ trở thành cô giáo để đem kiến thức đến cho các em nhỏ vùng đồng bào quê hương.
Nuôi ước mơ từ gian khó
Ít ai biết rằng cô giáo Đinh Thúy Hoàn - người "mát tay" trong công tác tìm kiếm và bồi dưỡng cho nhiều học sinh giỏi môn Lịch sử của trường THCS Yên Sơn (huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) lại có tuổi thơ đầy gian khó. Sinh ra tại xã vùng cao, bố làm nông nghiệp còn mẹ là cô giáo cắm bản.
Từ nhỏ, cô học trò Đinh Thúy Hoàn theo từng bước chân đến điểm trường cùng mẹ và bạn bè đồng trang lứa chủ yếu là người dân tộc thiểu số.
"Những buổi không đến trường, tôi cùng các bạn đi lấy củi trên đồi phụ giúp gia đình. Đường đến trường học cách xa nhà vài cây số nắng thì bụi, mưa thì sình lầy", cô Hoàn nhớ lại.
Cô giáo Đinh Thúy Hoàn trong giờ lên lớp dạy môn Lịch sử với học sinh.
Theo lời nữ giáo viên dân tộc Mường, thời gian đó kinh tế khó khăn nên hết tiểu học, nhiều bạn bè đồng trang lứa phải nghỉ học do trường xa hay hoàn cảnh gia đình khó khăn và một phần suy nghĩ của cha mẹ cho rằng con mình chỉ cần biết chữ và tính tiền là đủ. Thế nhưng với nghị lực trong học tập, cô học trò Đinh Thúy Hoàn đã kiên trì theo từng các cấp học ở vùng quê nghèo.
Bước ngoặt quan trọng trên con đường học tập của cô nữ sinh dân tộc Mường là khi vào đội tuyển học sinh giỏi của Trường THPT Hương Cần. Không phụ công thầy cô, Đinh Thúy Hoàn ngày đêm chăm chút, bồi dưỡng rèn luyện. Sau bao ngày nỗ lực, cố gắng, Đinh Thúy Hoàn vinh dự đoạt giải Khuyến khích kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Địa Lý năm 2007.
Cô Hoàn cùng học trò tìm hiểu về những vật dụng sản xuất của đồng bào địa phương.
"Giải thưởng tuy không cao nhưng đây cũng là động lực để tôi quyết tâm thi đỗ Đại học Hùng Vương. Những điều mà trong mơ một cô bé người dân tộc thiểu số như tôi chưa bao giờ thấy. Chính các thầy, các cô Trường THPT Hương Cần và gia đình đã thắp lên trong tôi tình yêu đối với nghề giáo viên", cô Hoàn tâm sự.
Sau khi tốt nghiệp Khoa Lịch sử, Trường Đại học Hùng Vương, nữ cử nhân Đinh Thúy Hoàn được tiếp nhận về công tác tại chính quê hương là Trường THPT Hương Cần. Năm 2014, cô Hoàn được tuyển dụng và phân công về Trường THCS Hương Nha. Một năm sau là Trường THCS Yên Sơn (huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) và công tác cho đến nay. Đây cũng chính là mái trường có nhiệm vụ đào tạo học sinh là con em đồng bào các dân tộc vùng cao của huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ.
"Thắp lửa" môn Lịch sử
Những ngày đầu trên bục giảng, nhìn các em học sinh dân tộc, cô giáo trẻ Đinh Thúy Hoàn như được gặp lại chính tuổi thơ của mình. Bởi lẽ, bản thân cô cũng là người dân tộc thiểu số được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này nên nữ giáo viên thấu hiểu được những khó khăn cũng như khát khao được học tập của con em đồng bào nơi đây.
Bồi dưỡng học sinh giỏi là một công việc chưa bao giờ dễ dàng với trường học tại xã đặc biệt khó khăn. Với học trò, cô Đinh Thúy Hoàn cho rằng, các em phải lập kế hoạch chi tiết cho cả quá trình học tập và ôn luyện - từng bước bù đắp những thiếu hụt về kiến thức, yếu kém về kỹ năng. Cả giáo viên lẫn học sinh phải thường xuyên đọc sách để mở rộng kiến thức, học hỏi kỹ năng, nâng cao năng lực cảm thụ, diễn đạt, cách trình bày...
Trong quá trình dạy, cô Hoàn lồng ghép các câu chuyện đời thường, câu chuyện liên quan đến cuộc sống hàng ngày để cho học trò dễ hiểu, dễ hình dung.
Với sự nỗ lực từ cô trò, kết quả kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh môn Lịch sử của Trường THCS Yên Sơn những năm qua có nhiều khởi sắc. Từ không có giải đến có giải, từ đạt giải thấp đến đạt giải cao. Nhiều em đoạt giải Nhì, giải Ba cấp huyện và giải Khuyến khích cấp tỉnh. Đặc biệt, trong danh sách học sinh giỏi có nhiều em là người dân tộc thiểu số.
Là một trong những học sinh giỏi môn Lịch sử, em Đinh Thị Thu Hương (lớp 9B Trường THCS Yên Sơn) cho biết, tiết học Lịch sử của cô Hoàn luôn tạo cho em và các bạn tâm lý thoải mái, giống như lắng nghe một câu chuyện của quá khứ được tái hiện lại trong từng chi tiết.
"Quá trình học Lịch sử em không hề thấy khô khan và khó tiếp thu kiến thức. Đặc biệt, sau mỗi bài học em tìm thêm tài liệu của sự kiện đó hoặc những thông tin mà sách giáo khoa chưa đề cập đến. Do đó, em càng thấy môn Lịch sử cuốn hút và hấp dẫn hơn. Thay vì suy nghĩ học để thi học sinh giỏi, em suy nghĩ học để khám phá, để hiểu hơn quá khứ của cha ông...", Thu Hương chia sẻ.
Khi được hỏi về phương pháp giảng dạy, cô Đinh Thúy Hoàn cho biết, yếu tố quan trọng nhất của người giáo viên là vào vai người truyền cảm hứng. Khi học sinh yêu thích, cảm thấy hứng thú với môn học thì lúc đấy mới là kỹ năng truyền kiến thức. Thầy cô chính là người đồng hành cùng với học. Dạy lịch sử không nhồi nhét kiến thức mà phải có những điểm nhấn nhất là mốc lịch sử quan trọng.
"Trong quá trình dạy, tôi lồng ghép các câu chuyện đời thường, câu chuyện liên quan đến cuộc sống hàng ngày để cho học trò dễ hiểu, dễ hình dung nhất. Bởi lịch sử bắt nguồn từ cuộc sống, là quá trình liên hệ với cuộc sống thực tế chứ không phải cứ kể về nhân vật này, nhân vật kia", cô Đinh Thúy Hoàn chia sẻ.
Nhiều học sinh giành giải cao trong các cuộc thi học sinh giỏi môn Lịch sử cấp huyện, cấp tỉnh do được cô Đinh Thúy Hoàn bồi dưỡng và giảng day.
Đặc biệt, phát huy những thế mạnh của công nghệ thông tin, hình ảnh, video về lịch sử liên quan đến bài học, cô Đinh Thúy Hoàn đều cố gắng tích hợp trong bài giảng, nhằm tăng tính trực quan sinh động, tương tác giữa hai bên, giúp các em học sinh tiếp thu bài giảng một cách dễ hiểu, dễ nhớ trong quá trình học..
Thầy Hà Ngọc Quỳnh - Hiệu trưởng Trường THCS Yên Sơn (xã Yên Sơn, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) cho biết, dù điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn nhưng cô Đinh Thúy Hoàn rất nỗ lực, cố gắng khắc phục để tìm tòi, sáng tạo phương pháp giảng dạy môn học Lịch sử nhằm giúp các em học sinh dễ tiếp cận kiến thức.
Theo Hiệu trưởng Trường THCS Yên Sơn, chính sự đổi mới trong cách thức giảng dạy, sự chuẩn bị chu đáo cho mỗi giờ lên lớp của cô Hoàn mà những tiết học về môn Lịch sử vốn khô khan đã trở nên cuốn hút các em học sinh.
"Hàng năm, cô Đinh Thúy Hoàn đã phát hiện, bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi môn Lịch sử của trường đi thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Cô là giáo viên luôn kiên trì, tâm huyết với bộ môn này, trở thành người truyền lửa tình yêu lịch sử cho học sinh của trường", thầy Hà Ngọc Quỳnh nhận xét
Nhật ký của một cô giáo trẻ về nghề dạy học 'Nhật ký cô giáo - Học kỳ Thu' là một tác phẩm vui nhộn và sâu sắc về nghề dạy học, được ra mắt bạn đọc nhân dịp Kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam. Tác giả Hồ Yên Thục. Ảnh: NVCC. "Giáo dục đào tạo hiện muốn lấy người học làm tâm mà quên cái tâm thứ hai là người...