Cô giáo tiểu học gợi ý cách dạy trẻ 5, 6 tuổi phân biệt số chẵn lẻ siêu nhanh chỉ với một cây bút màu
Theo cô Thúy, dạng toán tìm số chẵn lẻ có trong đề thi thử lớp 1 và nhiều bạn nhỏ vẫn khá lúng túng trong việc phân biệt hai kiểu số này.
Tính chẵn lẻ là một thuật ngữ toán học mô tả đặc tính của một số nguyên có thể thuộc về một nhóm: chẵn hoặc lẽ. Số chẵn là một số nguyên chia hết cho 2 và số lẻ là một số nguyên không phải số chẵn.
Với học sinh lớp lớn thì giải thích đơn giản là vậy. Nhưng trong trường hợp những đứa trẻ 5, 6 tuổi mới bắt đầu giai đoạn đầu tiên làm quen với các con số, việc giảng giải theo khái niệm này là… bất khả thi.
Làm sao để trẻ nhớ được số chẵn lẻ thật dễ dàng và lâu nhất? Cô giáo Nguyễn Ngọc Thúy, giáo viên tiểu học tại trường tiểu học Thủ Lệ (Hà Nội) sẽ giúp bố mẹ mẹo dạy bé phân biệt số chẵn lẻ siêu nhanh chỉ với một cây bút màu.
Cô giáo Nguyễn Ngọc Thúy, giáo viên tiểu học tại trường tiểu học Thủ Lệ (Hà Nội).
Trên thực tế, bố mẹ có thể dùng các loại bút thông thường. Nhưng để thu hút và khiến bé ghi nhớ lâu hơn, những chiếc bút màu sắc sẽ là lựa chọn nên được ưu tiên.
Cô Thúy chia sẻ mẹo nhận diện số chẵn lẻ.
Ví dụ đề bài toán cô Thúy đưa ra:
Trong các số: 1, 3, 2, 5, 4, 6
Các số lẻ là? Các số chẵn là?
Đầu tiên, các bố mẹ viết dãy số ra.
Đầu tiên, các bố mẹ viết dãy số, bắt đầu bằng số 1. Sau đó hỏi bé tương ứng với số 1 chúng ta sẽ chấm ở đây mấy chấm? Con sẽ trả lời là chấm một chấm. Chúng ta dùng bút màu đỏ, chấm một chấm dưới số 1.
Tương tự, sau đó bố mẹ sẽ hỏi tiếp tương ứng với số 2 chúng ta sẽ chấm mấy chấm? Sau khi bé trả lời, chúng ta sẽ dùng bút màu xanh chấm hai chấm dưới số 2. Cứ như vậy chấm cho đến khi hết các số cần tìm chẵn lẻ.
Chấm cho đến khi hết các số cần tìm chẵn lẻ.
Tiếp theo, bố mẹ giải thích cho con: Số 1 thì chỉ có 1 “bạn” đứng lẻ loi một mình. Số 2 thì có một đôi “bạn”. Số 3 có một đôi ‘bạn” nhưng lại có một “bạn” lẻ loi ra ngoài. Thế nên, chúng ta gọi số 1 và số 3 là số lẻ.
Số 4 không có bạn nào đứng một mình. Số 5 lại có một “bạn” lẻ loi khác. Số 6 lại không có “bạn” nào đứng một mình.
Nhận diện số chẵn lẻ qua việc so sánh mỗi dấu chấm là một người bạn.
Như vậy chúng ta có số 1, số 3 và số 5 là số lẻ . Các số còn lại: 2, 4, 6 là số chẵn. Đến đây bố mẹ giúp con viết kết quả vào bài là hoàn thành.
Tương tự như cách tính trên thì bố mẹ viết tiếp số 7, 8, 9, 10 và cho các con tự chấm, nhận diện số chẵn, lẻ. Sau khi con đã nắm cơ bản rồi bố mẹ hướng dẫn cho con các quy tắc nhận diện như số nào có tận cùng 2, 4, 6, 8 thì đó là số chẵn. Đặc biệt, nếu số 0 đứng ở tận cùng của bất cứ số nào thì số đó sẽ là số chẵn.
Bí quyết của "cậu bé toán học" xứ Đất Mũi
Ở độ tuổi 11, Lê Nguyễn Hoàng Nhật Đình đã sở hữu một danh sách thành tích cực "khủng" với hàng loạt giải thưởng Toán học ở cả trong nước lẫn đấu trường quốc tế và được mệnh danh là "cậu bé toán học" xứ Đất Mũi - Cà Mau.
Nhật Đình tại buổi lễ tổng kết và ra trường học sinh lớp 5.
Biết làm các phép toán cơ bản khi học lớp Lá
Lê Nguyễn Hoàng Nhật Đình, sinh ngày 5/1/2009 là học sinh lớp 6C, trường THCS Nguyễn Thái Bình (TP.Cà Mau, tỉnh Cà Mau). Với niềm đam mê môn Toán ngay từ nhỏ, Nhật Đình đã thể hiện khả năng thiên phú và niềm yêu thích với các con số. Mới học lớp Lá, Nhật Đình đã thuộc bảng cửu chương, biết thực hiện các phép tính cộng, trừ, nhân, chia cơ bản và làm được hết Toán lớp 1.
Anh Lê Hoàng Thanh (cha Nhật Đình) nhớ mãi lần anh mua bảng cửu chương về treo ở trong nhà. Cậu bé đã tỏ ra vô cùng thích thú và chỉ mất khoảng chừng 30 phút là Nhật Đình đã thuộc nằm lòng. Không tin vào sự thật này, người cha thử con bằng cách hỏi bất ngờ những con số nhưng điều này không hề làm khó cậu bé hay được mọi người gọi là "thần đồng".
Bước vào ngôi trường tiểu học, các thầy cô trường tiểu học Quang Trung (phường 5, TP.Cà Mau) đã phát hiện năng khiếu của Nhật Đình nên đã chăm bồi và tạo điều kiện để em phát triển môn học này. Song song đó, Nhật Đình cũng đã được cha tạo cho 100 tài khoản thi Toán trên Internet và cậu bé dùng tất cả các tài khoản để chinh phục cuộc thi.
Nhờ đó mà từ lúc mới học tiểu học, Nhật Đình đã sở hữu những thành tích rất đáng ngưỡng mộ. Đặc biệt hơn thế, Nhật Đình đã vinh dự được chọn đi tham dự lễ tuyên dương "Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc lần thứ IX - năm 2020" diễn ra tại Thủ đô Hà Nội vào ngày 24 - 25/10. Gần đây nhất, Nhật Đình còn được tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X - năm 2020 diễn ra tại Thủ đô vào ngày 9/12.
Cùng với việc học, Nhật Đình còn tích cực tham gia các hoạt động do nhà trường tổ chức. Là Liên đội trưởng nên Nhật Đình luôn gương mẫu và sôi nổi trong mọi hoạt động. Trong năm 2020, Nhật Đình còn danh dự được nhận bằng khen của Bộ trưởng bộ GD&ĐT vì là Liên đội trưởng có thành tích xuất sắc trong công tác đội và phong trào thiếu nhi đoạt giải thưởng Kim Đồng; bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau có thành tích tiêu biểu trong công tác Đội và phong trào thiếu nhi trường học giai đoạn 2015 - 2020.
Bộ sưu tập huy chương của Lê Nguyễn Hoàng Nhật Đình.
Gia đình là động lực lớn nhất
Chia sẻ về bí quyết học tập và giành giải cao, Nhật Đình cho biết: "Với con, cách học tốt các môn là ngoài giờ trên lớp, phải tự học thêm ở nhà. Tự học là quan trọng nhất vì lúc đó mình sẽ nhớ lâu, nếu gặp khó khăn không hiểu con sẽ tìm trên mạng ở các trang web, các diễn đàn, trao đổi với các thầy, cô và các bạn".
Với Nhật Đình, nguồn cảm hứng học tập và "lửa" đam mê Toán học và cả tiếng Anh, tin học đến từ cha, mẹ và chị gái. Em tâm tình: "Cha mẹ luôn tạo điều kiện tốt nhất cho hai chị em học, không tạo áp lực hay thúc ép. Em và chị thích học, vì đó là niềm đam mê. Vậy nên, cha luôn tìm kiếm tài liệu, những bài tập, những cuộc thi để hai chị em thử sức. Còn mẹ luôn chăm sóc, động viên và khuyến khích sự ham học của em và chị. Đối với em, chị luôn là tấm gương, là người bạn đồng hành và là động lực để em phấn đấu".
Dẫn chúng tôi tham quan căn phòng của Nhật Đình, anh Lê Hoàng Thanh chia sẻ: "Nhật Đình có ý thức tự học rất cao. Cháu có thể tự lập kế hoạch cho mình từ thói quen sinh hoạt đến học tập. Trước mỗi cuộc thi dù lớn hay nhỏ, Nhật Đình luôn nghiêm túc và dành nhiều thời gian đầu tư. Với cháu, mỗi cuộc thi là cơ hội để cháu tích lũy thêm kiến thức mới. Do đó, tôi cũng khuyên cháu không đặt thành tích hay kỳ vọng quá nhiều. Vậy nên, cháu luôn thoải mái thể hiện tài năng".
Anh Lê Hoàng Thanh cũng cho biết thêm, ngoài thời gian tự học ở nhà thì niềm vui của Nhật Đình chính là cùng các bạn tham gia vào các hoạt động vui chơi như: Đá bóng, bơi lội, cờ vua... Bên cạnh đó, Nhật Đình cũng rất hăng hái giúp đỡ các bạn trong học tập, để cùng nhau tiến bộ. Ngoài ra, em còn tham gia dạy Toán và tiếng Anh miễn phí cho các em từ lớp 3 đến lớp 6 ở Làng trẻ SOS năm học 2018 - 2019.
Chia sẻ về ước mơ của mình, cậu học trò Lê Nguyễn Hoàng Nhật Đình cho hay: "Em muốn sau này học ngành công nghệ thông tin và trở thành lập trình viên giỏi. Trước mắt, em sẽ cố gắng học tập thật tốt các môn ở trường và dành nhiều thời gian hơn với môn Toán".
Thầy Trần Xuân Hải - Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Thái Bình - chia sẻ: "Từ đầu năm đến nay, Nhật Đình luôn giữ được phong độ trong thành tích học tập, ngoan, hiền, lễ phép với thầy cô giáo. Ngoài ra, Nhật Đình còn nằm trong ban Chỉ huy liên đội của nhà trường. Thế mạnh của Nhật Đình ở hai môn Toán, tiếng Anh. Nhìn chung, Nhật Đình thông minh, nhanh nhẹn".
Bộ sưu tập huy chương của Lê Nguyễn Hoàng Nhật Đình
Huy chương Vàng Toán Quốc tế AMO 2018 - American Mathematics Olympiad; giải Đặc biệt kỳ thi tìm kiếm tài năng Toán học trẻ năm 2018 - 2019; Huy chương Vàng kỳ thi tìm kiếm tài năng Toán học trẻ năm 2018 - 2019; Huy chương Vàng kỳ thi Violympic Toán tiếng Anh cấp Quốc gia 2018 - 2019.
Huy chương Vàng kỳ thi toán SASMO 2019 - Singapore and Asian Schools Math Olympiad 2019; huy chương Vàng Kỳ thi toán SIMOC 2019 - Singapore International Mathematical Olympiad Challenge SIMOC 2019; Huy chương Vàng kỳ thi International Tournament mathematics Without Borthers - Toán học không biên giới MWB - vòng mùa Đông; Cúp toán CANADA CARIBOU MATHEMATICS CUP GRADES 3 & 4 xếp thứ 10/10.704 thí sinh; Huy chương Vàng Toán Quốc tế AMO 2019 - American Mathematics Olympiad;...
Cô giáo tiểu học chia sẻ 3 mẹo khắc phục "ngay và luôn" lỗi cầm bút sai ở học sinh lớp 1, con viết chữ đẹp lên trông thấy Nhiều phụ huynh thắc mắc, tại sao cùng học một lớp mà con tôi viết không được đẹp như các bạn? Theo cô Thúy, điều này có nguyên nhân từ cách cầm bút sai của trẻ. Cô Nguyễn Ngọc Thúy là giáo viên tiểu học tại trường tiểu học Thủ Lệ (Hà Nội). Những chia sẻ của cô về bí quyết học hiệu...